Bắt đầu xét xử vụ lừa đảo tài chính lớn nhất Việt Nam, trị giá hàng tỷ USD

Reuters

Cù Tuấn, biên dịch

6-3-2024

Tóm tắt:

* Bà trùm bất động sản thất sủng có nguy cơ bị tử hình

* Các điều tra viên cho biết số tiền lừa đảo lên tới hơn 12 tỷ USD

* Phiên tòa này là một phần của nỗ lực chống tham nhũng tràn lan

HÀ NỘI, ngày 5 tháng 3 (Reuters) – Phiên tòa xét xử vụ gian lận tài chính lớn nhất được ghi nhận ở Việt Nam đã bắt đầu vào thứ ba, ngày 5/3, với gần 90 bị cáo, bị cáo buộc tham gia vào một vụ lừa đảo trị giá 12 tỷ USD, với một số người trong số họ có nguy cơ phải chịu án tử hình.

Phiên tòa này dự kiến kéo dài đến cuối tháng 4 tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, là một phần của chiến dịch chống tham nhũng rộng lớn hơn trong nước mà lãnh đạo Đảng cầm quyền Nguyễn Phú Trọng đã cam kết trong nhiều năm, nhưng chưa có kết quả rõ ràng.

Chiến dịch chống tham nhũng này trong những tháng gần đây đã dẫn đến nhiều vụ bắt giữ cấp cao và sự từ chức của các nhân vật hàng đầu, bao gồm cả cựu Chủ tịch nước vào năm ngoái, nhưng phiên tòa xét xử nữ chủ tịch của Tập đoàn phát triển bất động sản Vạn Thịnh Phát (Van Thinh Phat Holdings Group) là chưa từng có tiền lệ về quy mô, theo truyền thông nhà nước Việt Nam, với hàng ngàn người dự kiến sẽ được triệu tập và khoảng hai trăm luật sư tham gia tố tụng.

Theo các nhà điều tra, bà trùm bất động sản Trương Mỹ Lan và các đồng phạm bị cáo buộc đã bòn rút 304 ngàn tỷ đồng (12,46 tỷ USD) từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), ngân hàng tư nhân lớn nhất Việt Nam tính theo tài sản, mà bà Lan trên thực tế có toàn quyền kiểm soát thông qua hàng chục người ủy nhiệm.

Luật sư của bà Lan đã từ chối bình luận về phiên tòa.

Nếu các cáo buộc được chứng minh là đúng, đây có thể là một trong những vụ lừa đảo tài chính lớn nhất ở châu Á. Ví dụ, vụ bê bối tham nhũng 1MDB (1Malaysia Development Bhd) của Malaysia chỉ liên quan đến khoảng 4,5 tỷ USD.

Thời điểm bắt đầu phiên tòa được đăng nổi bật trên các phương tiện truyền thông nhà nước, hình ảnh và cảnh quay của bà Lan và các bị cáo khác trong phòng xử án cho thấy, họ được hàng chục cảnh sát vây quanh.

Theo các nhà điều tra, từ đầu năm 2018 đến tháng 10 năm 2022, khi SCB được nhà nước cứu trợ sau khi cạn tiền gửi, Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt số tiền lớn trên bằng cách dàn xếp các khoản vay bất hợp pháp cho các công ty vỏ bọc.

Theo các nhà điều tra, 1,2 tỷ USD tiền cổ phiếu của những người nắm giữ trái phiếu do Vạn Thịnh Phát, công ty bất động sản của bà Lan phát hành, cũng đã bị biển thủ.

Trương Mỹ Lan trong nhiều năm là nhân vật trung tâm trong nền tài chính Việt Nam và là người đã dàn xếp việc sáp nhập SCB với hai ngân hàng khác vào năm 2011 để cứu vãn các ngân hàng gặp khó khăn trong một kế hoạch phối hợp với Ngân hàng trung ương.

Theo các nhà điều tra và thông tin công khai, bà Lan sở hữu nhiều bất động sản ở quận giàu nhất TP.HCM và có nhiều tài sản ở nước ngoài.

Các tài liệu công khai cho thấy, các công ty kiểm toán quốc tế hàng đầu, bao gồm Ernst & Young và KPMG, đã không thấy bất kỳ mối lo ngại nào về ngân hàng này trong các lần kiểm toán của họ. Hai công ty trên đã không trả lời yêu cầu bình luận.

THAM NHŨNG TRÀN LAN

Ngoài tội tham ô, Trương Mỹ Lan còn bị cáo buộc đưa hối lộ và vi phạm quy định ngân hàng, với nguy cơ phải chịu án tử hình.

Trong số các bị cáo khác, có chồng của bà Lan, một công dân Trung Quốc, và 15 quan chức Ngân hàng Trung ương, trong đó có một thanh tra cấp cao bị cáo buộc nhận hối lộ trị giá 5,2 triệu USD từ bà Lan.

Bất chấp chiến dịch chống tham nhũng kéo dài nhiều năm, được người dân Việt Nam gọi là chiến dịch “đốt lò”, tham nhũng vẫn lan rộng ở quốc gia Đông Nam Á này, khiến nhiều người đặt câu hỏi về động cơ đằng sau các vụ bắt giữ.

Theo một báo cáo công bố vào tháng 3 năm 2023 của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và các tổ chức khác, ở một số tỉnh thành Việt Nam, có tới 90% người xin cấp giấy chứng nhận bất động sản đã phải hối lộ và việc người bệnh lót tay nhân viên bệnh viện để được phục vụ dịch vụ y tế tại các bệnh viện công là chuyện thường ngày ở huyện.

Báo cáo cho biết: “Số tiền nhận hối lộ có thể khiến người dân bức xúc dao động từ 20 triệu đồng (810 USD) đến 43 triệu đồng (1.742 USD), cho thấy mức độ chấp nhận của người dân đối với hành vi nhận hối lộ”. Số tiền mức cao nhất (43 triệu đồng) tương đương 5 lần mức lương trung bình hàng tháng tại Việt Nam.

(1 USD = 24.675 đồng)

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bs. Võ Xuân Sơn

    Lâu lắm rồi không xem TV. Hôm nay, qua phòng ăn hơi trễ, cô giúp việc đang mở TV, đoạn nói về vụ luận tội và đề nghị mức án đối với bà Trương Mỹ Lan. Thấy TV nói, bà Lan đã sử dụng các biện pháp tinh vi để lũng đoạn ngân hàng SCB, tham ô tài sản, chiếm đoạt tài sản…

    Tôi nghĩ, bà Trương Mỹ Lan phạm tội rõ ràng thật, chiếm đoạt số tiền lớn thật, hậu quả của những việc làm của bà Lan là rất lớn, rất nặng nề. Nhưng nói bà Lan phạm tội một cách tinh vi thì tôi không đồng ý. Bà Trương Mỹ Lan phạm tội một cách liều lĩnh, bất chấp tất cả, chứ có tinh vi gì đâu. Bà ấy vi phạm hàng loạt các qui định, các điều luật, chứ có tinh vi, trí tuệ gì đâu.

    Sở dĩ bà Trương Mỹ Lan phạm tội lâu dài, chiếm đoạt số tiền lớn khủng khiếp, lôi kéo bao nhiêu người, trong đó có cả cháu gái mình vô vòng lao lý, là do cái hệ thống này nó thối nát quá. Người ta bảo có những cán bộ lãnh đạo cao cấp chống lưng cho bà Lan suốt một thời gian dài. Tôi không biết chuyện đó có thật hay không, nhưng rõ ràng là cái bộ máy quản lý bà Lan quá thối nát, đã để cho bà Lan dùng đồng tiền cướp đoạt được mua nó, lũng đoạn nó, để tiếp tục vi phạm trắng trợn các điều luật, các quy định, đạp lên trên pháp luật.

    Nói cho đúng hơn, là cả một bộ máy kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước, cả một thể chế với nhiều bộ máy được lập ra để kiểm tra chéo lẫn nhau, để bảo vệ luật pháp, đã cùng với bà Lan đạp lên trên pháp luật, cùng với bà Lan chiếm đoạt tiền của. Thần giữ của đã câu kết với bọn cướp, trở thành kẻ cướp, họ dùng quyền lực của thần giữ của, để cùng với kẻ cướp, cướp của mà họ được giao cho làm thần giữ của. Tệ hơn nữa, 100% thần giữ của đã mang theo quyền lực của mình để trở thành tay sai và phụng sự cho kẻ cướp Trương Mỹ Lan.

    Thực ra, bà Lan chỉ là một kẻ dám liều lĩnh tận dụng sự thối nát của bộ máy này. Ngoài bà Lan, vẫn còn những nhân vật khác, có học nhiều hơn bà ấy, không liều lĩnh bằng bà ấy, hoặc chưa có kẻ chống lưng mạnh như bà ấy, phạm tội theo kiểu giống như bà ấy. Ngày hôm nay, mạng xã hội lại xôn xao với 10.030 tỉ đồng trái phiếu do Tân Hoàng Minh, phát hành trên cơ sở các dự án ảo. Rõ ràng, mức độ phạm tội chỉ phụ thuộc vào mức độ liều lĩnh, chứ làm gì có chút trí tuệ, tinh vi nào đâu.

    Để không còn những Trương Mỹ Lan, những Trịnh Văn Quyết, những Đỗ Anh Dũng… thì thể chế này phải được làm lại, phải loại bỏ những kẻ như Đỗ Thị Nhàn, Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh… và đồng phạm của chúng, những kẻ đưa chúng lên những vị trí để phạm những tội ác tày trời, ra khỏi bộ máy quyền lực.

    Ồ. Xin lỗi, tôi hơi quá mất rồi. Nếu làm vậy thì lấy ai điều hành nhỉ? Ờ, mà nếu không làm vậy, thì sẽ ra sao nhỉ? Các cụ nói “Liu điu lại nở ra dòng liu điu”.

    Nguồn Mạng

  2. CHƯA Nghe Thấy CÁO TRẠNG ĐỀ CÂP đến việc 3 VỤ TỬ VONG BẤT THƯỜNG của THÀNH VIÊN Tập Đoàn VTP
    Trong khi 3 THANHf VIÊN này cũng là NHỮNG MẮC XÍCH QUAN TRỌNG trong QUÁ TRÌNH CÁC HÀNH VI LIÊN HÊ TỘI PHẠM
    CHỜ XEM Phải Chăng TỌA CÓ CHỦ Ý BỎ QUA.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây