Nguyễn Thông
5-3-2024
Con người ta để sống được phải có ăn. Ăn là “nhiệm vụ” hàng đầu. Người đời đã tổng kết tứ khoái, thì ăn chiếm vị trí số 1. Các cụ xưa từng kết luận một cách rất triết học “dĩ thực vi tiên” (lấy ăn làm đầu, làm trước hết). Cũng có dị bản câu này là “dĩ thực vi thiên” (lấy ăn làm trời). Dân chỉ sợ trời chứ chả sợ đứa nào, ăn cũng ngang trời, không có ăn thì đói bỏ mẹ, rã họng, chết.
Ở một nước có truyền thống nông nghiệp, còn được ca tụng là “văn minh lúa nước”, trong những thứ bỏ vào mồm, gọi chung thành lương thực thực phẩm, thì gạo ở vị trí hàng đầu, số 1. Bữa cơm (nấu từ gạo) trở thành hình ảnh quen thuộc không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt. Lu gạo, thùng gạo, hũ gạo, chum thóc, cót thóc, những thứ liên quan tới lúa gạo như cái liềm, cái néo, thúng mủng giần sàng, cối xay cối giã, đôi đũa cả… hầu như nhà nông dân nào cũng có. Những hộ ngoài phố thì quen với sổ gạo, tem phiếu mua lương thực. Bây giờ, muốn nhìn thấy chúng, chỉ có cách đến ngó những bảo tàng… cổ vật, bảo tàng về thời bao cấp.
Miền Bắc cuối thập niên 50, khoảng năm 1958 – 1959 chính quyền bày cho nông dân cách làm ăn tập thể, ban đầu là các tổ đổi công. Vài ba nhà, năm bảy nhà, hợp với nhau thành một tổ, tự quản, cùng chia sớt đỡ đần nhau việc này việc nọ, cày bừa cấy hái thu hoạch. Lúa nhà ai nhà nấy hưởng. Khi ấy tôi còn bé tí. Cứ như thày tôi kể sau này, thì tổ đổi công giúp nông dân làm ruộng dễ chịu hơn so với khi cá thể, nhất là hồi còn chiến tranh (chống Pháp).
Cứ nghĩ chính quyền mới “chơi được”, ai dè, đang yên đang lành, đang phấn khởi, đùng một cái các bố hô hào làm ăn lớn, sản xuất lớn tiến lên chủ nghĩa xã hội, lập hợp tác xã nông nghiệp. Tổ đổi công tan vỡ, tất cả các hộ buộc phải góp ruộng góp trâu vào hợp tác xã. Nhà nào chùng chình chưa chịu vào, khốn khổ đủ điều với họ. Cái ngu của cộng sản xứ này là cứ thấy Liên Xô, Trung Quốc làm thế nào thì bắt chước bằng được, bất kể nó tai hại ra sao. Hợp tác xã nông nghiệp là ví dụ rõ nhất.
Tôi còn nhớ khi đó thanh niên hay hát một bài kể anh bộ đội vệ quốc được giải ngũ về quê nhà. Anh mơ ước “Đến nay mai đây thành nông trường/ Đời vui lên phơi phới”. Về sau thì biết nó là bài “Mời anh đến thăm quê tôi” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, được ca sĩ Quốc Hương hát trên đài suốt ngày. Bọn thanh niên còn chế thành “Mời anh đến thăm quê tôi/ Mà xem mấy chú cao bồi/ Chiều lại chiều đi tán gái/ Sờ vào ồn nó đái ra tay”. Tôi mới học lớp i tờ, cũng bắt chước hát chứ đâu có hiểu gì, thày tôi trừng mắt mắng, a, mấy thằng ranh, điều hay chả học, chỉ học cái nhố nhăng, tôi và anh Tân con bác Ỷ chạy chí chết.
Hợp tác xã, nông trang, nông trường, công xã, đại công xã là tương lai xán lạn của nông thôn (nhân đây xin nhắc, xán lạn chứ không phải sán lạn, sáng lạn; xán lạn là rực rỡ, chói lọi). Cán bộ từ trên xuống dưới đều hỉ hả vậy. Nói theo kiểu bây giờ, hạnh phúc trong tầm tay. Nhưng thực tế cho thấy, tất cả chỉ là ảo tưởng, vẽ vời, ngu dốt, lừa dối, duy ý chí.
Kể từ khi có hợp tác xã, vĩnh biệt những bữa cơm no, nồi cơm gạo trắng. Lại quay về thời ăn độn, càng ngày độn càng nhiều. Anh tôi bảo, chỉ có thoát ly đi làm cán bộ mới được ăn cơm trắng, ăn no thôi.
(Còn tiếp)
“nhân đây xin nhắc, xán lạn chứ không phải sán lạn, sáng lạn; xán lạn là rực rỡ, chói lọi”
– Hoàn toàn đồng ý với bác. Xán lạn là từ Hán Việt . Nhiều người dùng sai là sáng lạn mà chẳng bao giờ chịu hiểu cho . Nếu muốn kết hợp với “sáng” thì nên dùng sáng láng, sáng sủa, sáng tươi, . . .
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid0yVQHmxuEbhKkZaJp3UVdqxhig3qxNiNR4qM5GXpDrspvN7qXEGURTU7fbd51eLMWl&id=100024722048900