Chiến tranh Đông Dương 3 và hậu quả của nó

Dương Quốc Chính

5-3-2024

Việt Nam thường tách cuộc chiến biên giới phía Bắc và cuộc chiến Campuchia ra làm hai, nhưng sử gia phương Tây lại ghép làm một, coi là hệ quả của nhau, liên quan mật thiết với nhau, như vậy đúng hơn.

Thường mọi người chỉ chú ý đến điểm khởi đầu của hai cuộc chiến, vào đầu năm 1979, diễn biến tiếp theo thế nào, thường không quan tâm lắm.

Mục đích “dạy cho Việt Nam một bài học” của Trung Quốc không phải chỉ xảy ra trong ba tuần tấn công cấp tập, rút quân là xong, như nhiều người lầm tưởng. Đấy là mục tiêu ngắn hạn, là phép thử xem Liên Xô có dám can thiệp quân sự hay không. Rõ ràng là không. Phép thử đã thành công. Liên Xô chỉ tham gia không vận quân Việt Nam về tăng cường ở biên giới phía Bắc và chưa trực tiếp động binh gì cả.

Mục đích trung hạn của Trung Quốc là chia lửa cho chiến trường Campuchia, gây sức ép để Việt Nam không dám tấn công Khmer đỏ. Mục đích đó không thành công. Nhiều người Việt lạc quan tếu, kiểu như bác Lê Kiên Thành, thì cho là ta thắng lợi, vì địch không làm cho ta sợ, phải rút quân về sớm!

Thực ra, còn mục tiêu dài hạn của Trung Quốc mới là nguy hiểm và họ đã thành công rực rỡ. Đó là làm tiêu hao sinh lực Việt Nam và Liên Xô, dẫn đến kiệt quệ kinh tế. Hậu quả là 10 năm sau cả Liên Xô lẫn Việt Nam đều phải chủ động xin Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với cửa dưới, phải thỏa mãn các yêu sách của Trung Quốc. Liên Xô phải rút quân khỏi Afghanistan còn Việt Nam phải rút khỏi Campuchia, mà lý do chính là do kinh tế kiệt quệ, và phương Tây và Trung Quốc cô lập.

Trung Quốc đã thực hiện mục tiêu dài hạn này thế nào?

Cho đến tháng 5 thì quân đội Trung Quốc đã quay trở lại bình thường như trước chiến tranh, nhưng Quân đội Việt Nam vẫn phải sẵn sàng chiến đấu, duy trì một lực lượng lớn để bảo vệ “thành quả cách mạng” ở Campuchia và canh giữ biên giới phía Bắc. Trung Quốc vẫn không dừng khiêu khích quân sự ở biên giới để chia lửa cho tàn quân Khmer đỏ và làm tiêu hao sinh lực của Việt Nam.

Năm 1988, khi Liên Xô đã kiệt quệ và Gorbachev đang phải hạ mình xin bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, thì Trung Quốc tiếp tục chiếm mấy đảo ở Trường Sa. Tất nhiên Liên Xô chỉ cực lực phản đối cho dù đang đóng quân ở Cam Ranh. Điều đó cho thấy Trung Quốc luôn chọn thời điểm thích hợp.

Mặt khác, Trung Quốc không ngừng viện trợ cho tàn quân Khmer đỏ. Mọi người thường lầm tưởng là Việt Nam chiếm được Phnom Penh, đuổi được Khmer đỏ là chúng đã tan rã. Thực ra không phải, Khmer đỏ học đúng bài của Việt Nam, là bỏ các đô thị, chạy lên chiến khu để phát động chiến tranh du kích.

Các bạn dư luận viên thân mến, có thể thấy là Khmer đỏ cũng phải “được lòng dân” thế nào thì mới tồn tại được 10 năm chứ! Giống như các bạn lý luận về sự tồn tại của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam ấy.

Tới cuối năm 1980, thì Khmer đỏ lại phục hồi lên từ 20.000 đến 40.000 quân, tiến hành chiến tranh du kích, khủng bố, biến cả nước Campuchia rơi vào nội chiến bất an. Trước đây, quân Việt Cộng bị càn quét thì chạy sang Cam và Lào, khi đó Mỹ và VNCH không dám đánh sang (trước năm 1970) vì hai nước này trung lập theo Hiệp định Geneva. Còn Khmer đỏ dùng Thái Lan làm hậu cứ. Nếu bị truy đuổi rát quá thì họ chạy sang Thái. Quân Việt Nam đã nhiều lần phải tấn công sang đất Thái để đánh Khmer đỏ, nhưng không thể đánh vào quá sâu, một số tài liệu cho là đánh sâu đến 20km.

Trung Quốc viện trợ cho Khmer đỏ thông qua Thái Lan, thường là qua sứ quán Khmer đỏ tại Thái. Hoa kiều Thái làm trung gian. Thái Lan phải dùng Khmer đỏ làm vùng đệm an toàn cho mình, sợ bị Việt Nam thôn tính nốt.

Thế là Việt Nam phải quân sự hóa nền kinh tế vì hai đầu thọ địch. Trung Quốc muốn kéo dài việc này càng lâu càng tốt để nền kinh tế Việt Nam và kéo theo là Liên Xô suy sụp, vì Liên Xô là nhà tài trợ chính cho Việt Nam lúc đó.

Về mặt ngoại giao, Trung Quốc ra sức cô lập Việt Nam với các nước ASEAN, Nhật Bản, Mỹ. Nhiều người tưởng Việt Nam bị cấm vận là do đánh thắng Mỹ, thực ra là do ta chiếm đóng Campuchia. Nếu Liên Xô và khối XHCN vẫn vững mạnh thì chuyện này cũng chả hề gì, ta cũng bao vây cấm vận mấy nước kia thôi. Nhưng bất hạnh thay là những người anh em XHCN của ta lại ốc không mang nổi mình ốc. Vì lý do thường được viện dẫn là do ta bị bao vây, cấm vận lâu ngày, lại chiến tranh liên miên, nên mới chậm phát triển. Thực ra là ta cũng “bao vây cấm vận” các nước tư bản và láng giềng đấy thôi!

Khi khối XHCN bắt đầu suy sụp, cuối năm 1985, Việt Nam tuyên bố sẽ rút quân khỏi Campuchia vào năm 1990 để xin đàm phán bình thường hóa quan hệ thì Trung Quốc lại thêm yêu sách là Việt Nam phải công nhận Pol Pot để đàm phán hòa bình ở Campuchia. Suốt chín năm, từ năm 1980-1988 Việt Nam có 20 lần gửi công hàm xin đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc nhưng bị bác hết và Trung Quốc càng ngày càng nâng cao điều kiện (do thấy Liên Xô ngày càng suy sụp). Tới năm 1988, Việt Nam rút quân bảy lần khỏi Cam và rút toàn bộ vào tháng 9/1989 đúng cam kết nhưng ngày 22/10/1989 Khmer đỏ vẫn đánh chiếm Pailin, uy hiếp Battambang. Việt Nam phải đưa đặc công sang giúp theo yêu cầu của Campuchia. Trung Quốc lại tố cáo Việt Nam không rút quân triệt để.

Việt Nam với quan điểm không chấp nhận Khmer đỏ là một tổ chức chính trị được tham gia bầu cử sau khi khi Việt Nam rút quân. Nhưng các nước lớn và Trung Quốc vẫn đòi phải công nhận Khmer đỏ như một thế lực chính trị. Cuối cùng, vì ưu tiên việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc mà Việt Nam phải chấp nhận Khmer đỏ nằm trong Hội đồng Dân tộc Tối cao Campuchia do Sihanouk làm chủ tịch, thành viên gồm Khmer đỏ và Chính phủ đương nhiệm. Campuchia lúc này nằm dưới sự điều hành của UNTAC, là cơ quan lâm thời của LHQ, trong khi chờ bầu cử tự do.

Sau khi giải quyết ổn thỏa vấn đề Campuchia, Việt Nam mới đủ điều kiện để đàm phán bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1991 (hội nghị Thành Đô), rồi sau đó là bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995.

Như vậy, mất đúng 20 năm kể từ khi chấm dứt chiến tranh với Mỹ và VNCH, thì Việt Nam mới chính thức thoát khỏi thế bị bao vây cấm vận để có thể phát triển kinh tế.

______

Nguồn trích dẫn:

Anh em thù địch, Cuộc chiến tranh Đông Dương 3, Hồi ký Sihanouk, Bàn về TQ của Kissinger.

Ý nghĩa của cuộc chiến theo quan điểm từ phía Trung Quốc (tướng Lưu Á Châu): “Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại cầm quyền vào năm 1978, tháng 1/1979, ông thăm Mỹ, tháng 2/1979 thì đánh Việt Nam. Về chính trị, cuộc chiến này không thể không đánh. Vì sao?

Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại nắm quyền, chương trình cải cách mở cửa của Trung Quốc đã được ông vạch sẵn, muốn thực hiện chương trình này phải xác lập quyền lực tuyệt đối trong nội bộ Đảng. Phải đánh một trận. Khi đó, “bè lũ bốn tên” vừa bị đập tan, những người có tư tưởng cực tả trong nội bộ Đảng còn rất đông, họ vừa chống lại Đặng Tiểu Bình, vừa phản đối đường lối và chính sách của ông.

Muốn cải cách phải có quyền lực. Biện pháp xác định quyền lực nhanh nhất là gây chiến tranh. Lưu Dụ (?) cũng làm như vậy. Khi đó, rất nhiều người phản đối chiến tranh, cho rằng Quân Giải phóng vừa trải qua “Cách mạng văn hoá”, không thể đánh trận được. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình rất quyết đoán, dẹp mọi tranh cãi, chỉ huy Quân Giải phóng ào ạt vượt qua biên giới vào ngày 17/2. Thứ hai là người Mỹ, ý nghĩa của việc này cũng rất lớn.

Năm 1975, sau khi hao binh tổn tướng, người Mỹ cuống cuồng tháo chạy khỏi Việt Nam. Năm 1979 Đặng Tiểu Bình nói: Tôi dạy cho Việt Nam một bài học. Khi đó, Việt Nam đang theo ai? Đang theo Liên Xô. Đặng Tiểu Bình tấn công. Cuộc chiến phản kích tự vệ đối với Việt Nam vào lúc đó của Đặng Tiểu Bình thực sự đã đưa Trung Quốc ra khỏi cái gọi là phe xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Khi ấy, nhiều nước Đông Âu không hài lòng, nói rằng, một nước xã hội chủ nghĩa lại đánh một nước xã hội chủ nghĩa khác. Khi đó, Đặng Tiểu Bình đã thấy rõ, không cần thứ chủ nghĩa xã hội ấy của họ. Kết quả như thế nào? Chủ nghĩa xã hội giả hiệu đã chết yểu.

Vào năm 1989, tất cả các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ hàng loạt. Ngay cả Liên Xô cũng tan rã. 10 năm trước đó, Đặng Tiểu Bình đã nhận ra vấn đề này, dùng chiến tranh để vạch rõ ranh giới với các nước xã hội chủ nghĩa. Đặng Tiểu Bình thật là một kỳ tài!

Vừa rồi, tôi nói gây ra cuộc chiến tranh này vì người Mỹ, chính là trả hận cho người Mỹ. Có bằng chứng không? Có đấy. Ngày hôm trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình bắt đầu đánh Việt Nam. Vì sao có thể giúp Mỹ hả giận? Bởi vì, người Mỹ vừa tháo chạy nhục nhã khỏi Việt Nam. Chúng ta sao lại giúp người Mỹ hả giận? Thực ra không phải vì Mỹ, mà là vì chúng ta, vì cải cách mở cửa. Trung Quốc không thể cải cách mở cửa mà không có viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ. Nhờ cuộc chiến này, Mỹ đã ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc.

Tuần trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài đến mười năm, đến ngày 4/6/1989, sự kiện Thiên An Môn mới tạm lắng. Cuộc chiến này đem lại cho Trung Quốc những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây là thành công vĩ đại. Thậm chí có thể nói, bước đi đầu tiên của cải cách mở cửa Trung Quốc chính là từ cuộc chiến tranh này. Với ý nghĩa đó, cống hiến của quân đội Trung Quốc đối với công cuộc cải cách mở cửa thật to lớn vô cùng”.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây