Thái Hạo
11-2-2024
Không ngờ câu chuyện chợ Trường Sơn (Nông Cống, Thanh Hóa) thu phí như cướp mà tôi đã phản ánh trong mấy ngày qua (xin xem [2] và [3]) đã được đưa lên báo cách đây 8 năm và thu tiền suốt 8 năm qua vẫn là một người – ông Nguyễn Bạch Long (1). Có lẽ điểm khác biệt lớn nhất sau 8 năm là hành vi thu tiền đã trở nên tàn bạo hơn.
Vậy đến lúc này, không thể nói chính quyền các cấp của Thanh Hóa không biết đến “vụ” chợ Trường Sơn này, nhất là khi bài báo không chỉ nói về nạn thu tiền theo kiểu côn đồ trấn lột, mà còn nêu nhiều vấn đề khác như thủ tục đấu thầu, sự quanh co và không trung thực của chủ tịch xã… và nhiều “nạn” khác ở xã này.
Có lẽ, không thể trông chờ vào chính quyền xã hay huyện, mà tỉnh phải vào cuộc để lập lại trị an, cũng như chấn chỉnh mọi vấn đề liên quan đến quản lý và thu phí ở chợ này, và toàn bộ hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh. Mời đọc lại bài báo từ 2016 của hai tác giả Tuấn Nam – Đào Tuy , đăng trên Tờ Trí thức trẻ – Báo điện tử Tổ Quốc, của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Bài báo có tên: “NƠI TRẺ CON CŨNG PHẢI LO CHỖ CHẾT: ĐẾN CÁI CHỢ CŨNG BẤT THƯỜNG“.
***
Nơi trẻ con cũng phải lo chỗ chết: Đến cái chợ cũng “bất thường”
Tuấn Nam – Đào Tuy
Không chỉ có những khoản thu rùng rợn như trẻ con phải đóng tiền nghĩa địa, ở xã Trường Sơn (Thanh Hoá), ngôi chợ truyền thống của người dân địa phương cũng trở nên “bất thường”.
Xã Trường Sơn (huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa), không chỉ nổi tiếng với các khoản lạm thu và những cách ép dân nộp tiền “như cường hào ác thời xưa”, mà người dân nơi đây đi chợ cũng có nỗi khổ khó nói lên lời. Còn bản thân ngôi chợ, trong nó cũng chứa đựng nhiều vấn đề “bất thường” cần phải làm rõ.
Chợ “ông Long” và cách thu phí không theo lẽ thường
Trò chuyện với chúng tôi, bên cạnh những câu chuyện đẫm nước mắt về việc gia đình liệt sỹ bị treo giấy chứng nhận hộ nghèo, người dân bị thu giường, những người dân thôn Thành Liên (xã Trường Sơn) còn chỉ về phía khu chợ cách làng một quãng đồng khi nói tới chính quyền xã.
Mọi người đều gọi đó là chợ “ông Long” như một từ thay thế chính xác nhất cho cái tên chợ Trường Sơn – ngôi chợ nông thôn đã gắn liền với bao đời cha ông họ.
Theo lời ông Nguyễn Trọng Xuyên (một người dân thôn Thành Liên, xã Trường Sơn), sở dĩ chợ Trường Sơn hay được người dân nơi đây gọi là chợ “ông Long” bởi người đang xây dựng chợ là ông Nguyễn Bạch Long – chủ một doanh nghiệp tư nhân tại xã.
Và cũng chính ông chủ doanh nghiệp này là người đứng ra thu phí chợ theo kiểu không theo lẽ thông thường, thích thu bao nhiêu thì thu, không theo quy định.
Theo lời ông Xuyên, dịp Tết vừa qua, con gái ông có vào chợ bán bóng bay nhưng đã bị thu đến 70.000 đồng. Nghe con gái về kể lại chuyện, thấy sự vô lý đùng đùng, ông đã ra chợ và cự cãi với người quản lý chợ nhưng không “được cái gì”.
Còn anh Phạm Hữu Hùng – chủ hộ gia đình liệt sỹ bị treo giấy chứng nhận hộ nghèo thì tỏ vẻ chán chường.
Sau những ngày lụi cụi vất vả ban ngày phơi nắng, ban đêm chịu sương với đàn vịt, những tưởng tiền đã vào tay nhưng thực tế cũng không đơn giản như gia đình anh mong mỏi.
Để bán vịt, anh Hùng phải mang ra chợ “ông Long”.
“Mỗi con vịt họ tính phí 2000 đồng”, anh Hùng cho biết.
Chỉ với khoảng hơn chục con vịt, chưa biết lãi lỗ thế nào, gia đình anh đã mất toi hơn hai chục ngàn. Chưa kể, có những hôm không bán được vịt, hôm sau mang đi bán, con vịt đó lại gánh thêm phí, từng đồng lãi từ con vịt cứ bị lấy đi một cách rất tất nhiên như thế.
“Mỗi con vịt chỉ được có vài chục ngàn. Ngần ấy ngày vất vả, trừ chi phí giống má, thức ăn, thêm phần phí vào chợ, lãi chả còn được bao nhiêu“, anh Hùng xót xa kể.
Thấy chúng tôi đứng trước đường vào chợ và đang quan sát, một số người dân đi qua cũng không ngại chia sẻ thêm.
Ngày thường, việc thu phí không theo quy định đã đành nhưng ngày lễ Tết, phí vào chợ và mua chỗ ngồi cũng ở một mức cao hơn.
Về vấn đề này, chính Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Bá Thành đã thừa nhận: Việc định giá thu phải có sự kiểm soát của ngành tài chính nhưng xã không có quản lý thị trường để kiểm tra việc thu phí có đúng không.
Chủ doanh nghiệp trúng thầu là thành viên ban chỉ đạo
Theo tìm hiểu của chúng tôi, chợ Trường Sơn vốn là ngôi chợ nông thôn được hình thành từ lâu đời và duy trì cho đến ngày nay.
Năm 2013, chợ đã được tiến hành thay đổi theo phương án chuyển đổi mô hình tổ chức quản lý do huyện Nông Cống xây dựng. Theo đó, để được quản lý, kinh doanh, khai thác chợ, các đơn vị phải tham gia đấu thầu.
Được biết, ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Trường Sơn gồm 10 thành viên.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống Lê Trọng Hùng làm trưởng ban, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Nguyễn Bá Thành làm phó ban, ông Nguyễn Bạch Long (Ban Quản lý chợ Trường Sơn – Chủ doanh nghiệp tư nhân Long An) làm thành viên.
Đáng chú ý, sau khi tham gia thầu, doanh nghiệp của ông Nguyễn Bạch Long đã trúng thầu với tư cách là đơn vị duy nhất nộp hồ sơ dự thầu, giá bỏ thầu là 14,3 tỉ đồng. Còn tổ tư vấn mở và xét thầu gói thầu do ông Nguyễn Bá Thành làm tổ trưởng.
Đến nay, dù chưa hoàn thành (hạn hoàn thành là quý IV/năm 2017) nhưng chợ đã đi vào hoạt động. Điều đáng ngạc nhiên là hiện nay thủ tục về thuê đất của doanh nghiệp vẫn chưa xong nhưng công tác xây dựng đã gần hoàn tất.
Tại vị trí chợ đang được xây dựng, ít ai biết rằng trước khi có dự án, doanh nghiệp Long An chính là doanh nghiệp đã “ứng ra” hàng tỉ đồng để đền bù ruộng cho người dân và san lấp đất dù chỉ có thoả thuận miệng với lãnh đạo xã.
Trúng thầu nhưng vẫn kêu khó
Để hiểu hơn về khu chợ “ông Long” này, chúng tôi đã tìm đến ông chủ doanh nghiệp tư nhân Long An – người đang quản lý, kinh doanh và khai thác chợ Trường Sơn, ông Nguyễn Bạch Long.
Ông Long cũng bộc bạch rằng hiện ông đang ở thế “khó”. Và bản thân ông cũng không biết đến bao giờ mới thu hồi hết vốn.
Vốn có ý định để cho người con trai của mình quản lý nhưng ông Long cho hay: “Cháu nó đây học có bằng cấp mà ra chỉ để thu 5-3 nghìn bạc thì nó khó chịu”.
Ông Long cũng không ngần ngại chia sẻ về ý định “nếu không quản lý được thì phải chuyển giao một anh nào đó. Bây giờ không làm cũng không được, tiền thì đã đầu tư vào đó rồi”.
Khẳng định chắc nịch về tiến độ, ông Long cho biết chắc chắn đến cuối năm nay (2016) là xong. Hiện, nhà chợ lớn đã xong, chỉ còn công trình phụ như nhà bảo vệ, một dãy ki ốt nữa và trạm điện, một công trình nhỏ.
Cũng theo ông chủ doanh nghiệp này, đến bây giờ, số tiền đầu tư vào chợ cũng hơn 8-9 tỉ đồng rồi. Ngoài khoản tiền tỉ đền bù đất, cái đình chợ cũng tiêu tốn của ông hơn 3 tỉ (khoảng 3,7 tỉ đến 4 tỉ đồng)…
Và có lẽ đánh giá được việc thu hồi vốn đầu tư bị chậm nên ông chủ doanh nghiệp cho biết: “Chợ vào khai thác từ đầu 2014. Mình cũng phải tận thu. Còn việc thu tiền thì dựa vào cái giá của UBND xã”.
Chính vì thế, ở ngôi chợ vẫn được người dân gọi bằng cái tên của ông, ngày Tết, người dân dứt khoát phải mua một chỗ cố định và phải đăng ký để mua.
Cũng theo ông chủ doanh nghiệp này, đến bây giờ, số tiền đầu tư vào chợ cũng hơn 8-9 tỉ đồng rồi. Ngoài khoản tiền tỉ đền bù đất, cái đình chợ cũng tiêu tốn của ông hơn 3 tỉ (khoảng 3,7 tỉ đến 4 tỉ đồng)…
Và có lẽ đánh giá được việc thu hồi vốn đầu tư bị chậm nên ông chủ doanh nghiệp cho biết: “Chợ vào khai thác từ đầu 2014. Mình cũng phải tận thu. Còn việc thu tiền thì dựa vào cái giá của UBND xã”.
Chính vì thế, ở ngôi chợ mang vẫn được người dân gọi bằng cái tên của ông, ngày Tết, người dân dứt khoát phải mua một chỗ cố định và phải đăng ký để mua.
Theo ông Long, việc quản lý chợ là khó bởi nhiều lý do cho nên ông cho rằng “thực tế, chỉ có tôi thì mới làm”. Và ông đã bộc bạch rằng việc thu không theo bảng giá chính là dựa vào “tài” nhìn mặt, đoán thu nhập của mình.
Đồng thời ông chủ doanh nghiệp tư nhân này cũng bày tỏ mong muốn làm sao để chợ đông lên. Chính vì thế, thậm chí, theo lời ông, ông còn không thu tiền của người dân vào chợ.
Giải thích về thông tin thu tiền 70.000 đồng cho một chỗ bán bóng bay ngày Tết, ông Long cũng nói rằng ông biết đó là trường hợp nhà ông Xuyên và lý giải rằng, mình bán chỗ ngồi chứ không quan tâm người ta bán cái gì.
“Năm Tết vừa rồi, nhà ông Xuyên có mua một chỗ ở ngay cổng chợ (nhiều người cứ mua của tôi một cái chỗ chứ).
Tôi nói trong này nếu cháu mua là 50.000 đồng, còn ngồi đầu đây là 70.000 đồng… Mình không quan tâm bán cái gì? Đứa trẻ đi bán bóng bay mà mình đi thu 70.000 đồng thì hỏi mình còn cái lương tâm gì làm người nữa không?”, ông nói.
Ông chủ tịch UBND xã “tiền hậu bất nhất”
Về xã Trường Sơn, chúng tôi đã có hai buổi làm việc với ông Nguyễn Bá Thành – Chủ tịch UBND xã Trường Sơn, phó ban chỉ đạo chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ Trường Sơn.
Tuy nhiên, những thông tin ông Thành đưa ra ở hai buổi làm việc lại hoàn toàn khác nhau.
Về quy trình đấu thầu, ở buổi làm việc đầu tiền, ông Thành khẳng định xã ra thông báo trong phạm vi xã và thông báo trên báo, đài Thanh Hoá. Thậm chí, vị Chủ tịch UBND xã này còn nói chắc nịch là sẽ cho các nhà báo xem các số báo có in thông báo mời thầu.
Nhưng sau đó, ông Thành lại thừa nhận việc thông báo mời thầu chỉ ở trong xã chứ không có việc thông báo trên báo, đài Thanh Hoá và thông báo ở một số nơi khác như quy định.
Cũng tại buổi làm việc đầu tiên, ông Thành cho biết khi thông báo thầu thì có 3 doanh nghiệp trong đó có doanh nghiệp tư nhân Long An, một doanh nghiệp ở Tĩnh Giá (Thanh Hoá) và một doanh nghiệp ở phía Bắc bày tỏ muốn tham gia đấu thầu.
Sau khi trình bày 3 phương án đầu tư thì hai doanh nghiệp ngoài huyện xin rút và các đơn vị kia thống nhất giao lại cho Long An (Doanh nghiệp tư nhân Long An – PV).
Nhưng thực tế, theo báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, danh sách nhà thầu mua hồ sơ dự thầu chỉ có 2 doanh nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân Long An một công ty ở TP.Việt Trì, Phú Thọ. Và nộp hồ sơ dự thầu thì chỉ có 1 nhà thầu là doanh nghiệp Long An.
Ngoài ra, ban đầu, theo ông Thành, số tiền doanh nghiệp trúng thầu là để chi trả từ việc trả tiền thuê đất cho đến việc đầu tư theo mô hình tư nhân như ki ốt cho đến nhà đình chợ, gian chợ…
Tuy nhiên, ở buổi làm việc sau, khi chúng tôi hỏi về việc ông Long tính số tiền đền bù, san lấp mặt bằng vào con số 14,3 tỉ đồng kia chứ không phải là tiền thuê đất, ông Thành lại giải thích khác.
Theo ông Thành, vì doanh nghiệp Long An đã đền bù và san lấp mặt bằng trước đó nên “anh nào thuê đất (để xây dựng theo phương án chuyển đổi mô hình) thì phải trả tiền san lấp đó”.
Số tiền san lấp cũng không có cụ thể mà chỉ đến khi “cần” thì mới tính theo khối lượng, theo thực tế và xã sẽ có đo đạc cụ thể khi có vấn đề phải nghiệm thu.
Còn trong trường hợp doanh nghiệp Long An trúng thầu, số tiền doanh nghiệp đã “ứng ra” thì sẽ được trừ vào tiền thuê để xây dựng chợ.
Liên tiếp đặt câu hỏi về việc công bố nội dung này trong quá trình đấu thầu để các doanh nghiệp, đơn vị được biết thì chúng tôi chỉ nhận được câu trả lời là đều có trong các văn bản.
Sau khi được chỉ ra nội dung đó không có trong văn bản, ông Thành thậm chí còn băn khoăn có lẽ trách nhiệm đó là của phía huyện Nông Cống.
________
(1) https://soha.vn/noi-tre-con-cung-phai-lo-cho-chet-den-cai… (Bài này được tờ Soha đăng lại)
(2) https://www.facebook.com/watch/?ref=saved&v=7258557320905473
(3) https://www.facebook.com/watch/?ref=saved&v=898025628454019