Một chuyến đi Nhà Trắng

Dương Ngọc Thái

10-2-2024

29 tháng Chạp Tết Giáp Thìn, tôi đến Nhà Trắng, gặp đại diện National Security Council (NSC) tức Hội đồng An ninh Quốc gia để bàn về an ninh mạng và AI cho Việt Nam.

Ông bạn già Thomas Vallely tổ chức cuộc họp, mời tôi tham gia. Tôi nhận lời vì cũng tò mò, muốn biết chính phủ Mỹ làm ăn ra sao. Vả lại, đây là cơ hội tốt cho Calif. Không phải công ty nào cũng có dịp đến Nhà Trắng nói về công việc của họ.

Tác giả, kỹ sư Dương Ngọc Thái, (thứ ba từ trái) cùng đồng nghiệp và các viên chức tại Nhà Trắng. Nguồn: Dương Ngọc Thái

Calif ra đời vì chúng tôi muốn giúp các quốc gia đang phát triển bảo vệ hạ tầng trọng yếu. Tôi nghĩ an ninh nói chung và an ninh mạng nói riêng luôn là một vấn đề cốt lõi trong quan hệ Việt – Mỹ. Là một công ty Mỹ với những giềng mối chặt chẽ với Việt Nam, chúng tôi muốn tham gia bàn thảo chính sách an ninh mạng giữa hai nước.

Nhà tôi ở California nhưng tôi đang ở Việt Nam ăn Tết. Thế là tôi bay từ Sài Gòn sang DC, họp cái độp, xong lại bay về để kịp ăn Tết. Đây không phải lần đầu tôi bay vòng quanh thế giới, nhưng đây có lẽ là chuyến đi dài nhất cho một cuộc họp ngắn nhất. Tổng cộng tôi bay 44 tiếng, kể cả thời gian chờ.

Tôi tận dụng thời gian bay để soạn một báo cáo, chia sẻ tình hình an ninh mạng Việt Nam và đưa ra một vài giải pháp. Dự định của tôi là trình bày những ý tưởng, kêu gọi chính phủ Mỹ đầu tư để hỗ trợ củng cố an ninh mạng cho Việt Nam. Tuy nhiên, khi vào họp, NSC đã chuẩn bị sẵn danh sách câu hỏi. Họ đã có một số chương trình hành động ở Việt Nam. Họ muốn chúng tôi tham vấn giúp họ thực hiện các chương trình này.

Cùng trong đoàn, ngoài Tommy và tôi, còn có anh Lê Viết Quốc, anh Ben Wilkinson và một lobbyist. Do chỉ có mình tôi biết chút ít về an ninh mạng nên tôi trả lời các câu hỏi của NSC. Tôi nghĩ tôi trả lời cũng được. Phía bên kia bàn chăm chú lắng nghe và ghi chú.

Chúng tôi thảo luận khoảng 15 phút về nhiều vấn đề khác nhau, từ phòng chống rửa tiền bằng blockchain, ransomware, đến lập phòng nghiên cứu 5G, đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ thông tin an ninh mạng. Họ hỏi cái gì nên làm, cái gì không, làm sao đẩy nhanh tiến độ.

Tôi nói tương lai 5G ở Việt Nam chưa rõ, vì đầu tư lớn mà chưa có ứng dụng cụ thể. Hạ tầng mạng 4G ở Việt Nam hiện tại vẫn ổn.

Về đào tạo, tôi nói trình độ điều tra của các cơ quan chuyên trách còn kém, rất cần hỗ trợ. Tuy nhiên, tôi cũng nhắc an ninh mạng là dual-use technology, dạy phòng thủ cũng là dạy tấn công.

NSC cũng hỏi về một vấn đề liên quan đến cáp biển kết nối Việt Nam vào mạng Internet toàn cầu. Tôi nói, đây là vấn đề dư luận rất quan tâm. Tôi thấy vấn đề họ đặt ra quan trọng, cần phải tìm hiểu thêm. Tôi sẽ quay lại chuyện này trong một bài viết khác.

Những chương trình còn lại đều hữu ích cho Việt Nam. Một số dự án cũng trùng với những ý tưởng tôi muốn chia sẻ với họ. Tôi muốn thảo luận nhiều hơn, nhưng chúng tôi còn một nội dung quan trọng là AI, nên Tommy lái câu chuyện sang AI và mời anh Quốc chia sẻ ý kiến.

Anh Quốc tự giới thiệu và nói Việt Nam cần làm AI. Họ hỏi làm thế nào? Anh Quốc nói đầu tư vào giáo dục sẽ đem lại lợi ích lâu dài.

Anh Quốc nói, ở Việt Nam có ba nhóm AI nổi trội: VinAI, FPT AI và New Turing Institute (NTI — tiền thân của VietAI). Hai nhóm đầu của doanh nghiệp, nhóm thứ ba là một phong trào tự phát.

Người đứng đầu NTI là anh Lương Minh Thắng, vừa có một công trình nghiên cứu rất hay đăng tải trên New York Times. Vì NTI tập trung giáo dục AI, nếu chính phủ Mỹ muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển AI thì NTI là một lựa chọn tốt.

Hai bên nói chuyện AI cỡ 10 phút thì NSC muốn quay lại an ninh mạng. Sau cuộc họp, anh Quốc nói họ không hứng thú với AI. Tôi không nhớ câu chuyện được dẫn dắt ra sao, chỉ nhớ đoạn Tommy chuyền cho họ báo cáo của tôi. Họ xem sơ qua và hỏi ý tưởng cốt lõi là gì.

Tôi nói, Việt Nam chưa thể tự vệ trên không gian mạng vì thiếu nguồn lực xây dựng các giải pháp phòng thủ, mặc dù về tấn công, tìm lỗ hổng Việt Nam không phải tệ. Muốn xây dựng nguồn lực phòng vệ thì cần phải đầu tư vào giáo dục nền tảng khoa học máy tính. Đây cũng là điểm gặp nhau giữa AI và an ninh mạng.

Tôi nói, NTI và công ty của tôi có một điểm chung là đều xuất phát từ dự án 20% ở Google. Những tài trợ ban đầu của Google giúp chúng tôi có thể cung cấp các dịch vụ chất lượng cao miễn phí và giá rẻ, tạo dựng niềm tin với những nơi cần được hỗ trợ. Chính phủ Mỹ có thể đóng vai trò như Google, hỗ trợ tài chính ban đầu cho các dự án bảo vệ hạ tầng trọng yếu ở Việt Nam, kết nối giữa bên làm được và bên cần được giúp đỡ.

Tôi thấy họ không hứng thú lắm. Sau vài màn trao đổi xã giao, lên kế hoạch hành động tiếp theo thì cuộc họp kết thúc.

Tôi nhận ra họ không tìm kiếm ý tưởng mới, mà đang tập trung phát triển các chương trình sẵn có. Trước khi vào họp, cô lobbyist có nhắc, chính phủ Mỹ muốn giải quyết các vấn đề toàn cầu. Họ không mấy hứng thú với chương trình riêng lẻ của từng nước. Chương trình của họ không chỉ giải quyết vấn đề của Việt Nam, mà của cả thế giới.

Đây là bài học lớn nhất từ chuyến đi. Nếu muốn vận động chính phủ Mỹ hỗ trợ Việt Nam, trước tiên phải khéo léo xếp các chương trình Việt Nam vào chương trình toàn cầu của họ.

Chuyến đi cũng giúp tôi hiểu vận động chính sách khó như thế nào. Tôi luôn ngưỡng mộ nỗ lực vận động cho Việt Nam của Tommy, nay càng thấy nể ông ấy. Để lên được một cuộc họp như thế này cần bao nhiêu công sức của cả một ekip, nhưng nhiều khi kết quả cũng mông lung.

Tommy vẫn lạc quan, nói rằng cuộc họp rất tốt, vì đã đạt được mục tiêu nhờ NSC kết nối với những cơ quan khác trong chính phủ Mỹ. Tôi nói, nếu ông thấy hữu ích, tôi rất vui đã cất công đến đây.

***

Tôi đang ngồi ở Doha khi viết những dòng này. Máy bay sẽ khởi hành về Sài Gòn đúng giao thừa, hạ cánh sáng mùng một Tết. Tình cờ hôm nay cũng là kỷ niệm 13 năm tôi rời Việt Nam đi Mỹ.

Nhìn lại hành trình dông dài ra đi từ Sài Gòn đến cuộc họp ngắn ngủi hôm nay ở Nhà Trắng, bất chợt tôi nhớ đến câu hát mà Ned rất thích trong nhạc nền phim Tây Du Ký: Cảm vấn lộ tại hà phương? Lộ tại cước hạ. Xin hỏi đường ở phương nào? Đường ở dưới chân ta.

Hành trình vạn dặm mà tôi đã đi, những cánh cửa mà tôi đã mở, thường bắt đầu bằng những việc rất nhỏ, tưởng chừng chẳng có tác dụng gì. Càng đi càng mở, càng mở càng đi. Tôi tin những kết nối hôm nay sẽ ươm mầm cho những phát triển rực rỡ về sau. Rồi chúng tôi sẽ còn quay lại Nhà Trắng.

Xin kết thúc bằng một bình luận sâu sắc trên YouTube: Cuộc sống của ta như nào, đường tiếp theo mà ta đi đều do chân ta bước, ý ta chọn. Hướng về những điều tốt đẹp, cầu cho vạn vật yên bình. Chỉ xin một điều nho nhỏ, sau chông gai sẽ luôn là hạnh phúc.

Chúc mừng năm mới!

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây