11-2-2024
Tết năm nay có bánh chưng gia đình và bạn gói tặng. Bánh rất thơm ngon và nhất là vấn đề vệ sinh khỏi phải lo lắng.
Chạy đi tiệm mua bánh tét cúng cha mẹ. Cậu chủ nói, bánh con đặt tại Việt Nam, tỉnh A, ngon lắm chú ơi. Họ nổi tiếng ở tỉnh. Mùa này họ phải mướn sinh viên để gói bánh… Nói chung cậu ấy quảng cáo ngọt xớt cũng như bao lần khác. Nghĩ bụng, thôi mua.
Trưa nay cúng xong, bánh chưng, bánh tét, chả lụa, củ kiệu tôm khô và thịt kho nước dừa có đủ. Bánh chưng thì ngon và nhân béo, mùi nếp thơm nhè nhẹ, ăn với thịt kho thì thích vô cùng.
Bánh tét thì lột lá hoài cũng chưa hết. Tại Thuỵ Sĩ, lá chuối mắc quá nên ít ai gói nhiều lá. Bên nhà, ngược lại, chắc rẻ quá nên gói toàn lá thôi!
Bánh nhỏ dẫu quảng cáo là một ký. Chắc khi cân tính luôn trọng lượng lá!
Nếp thì một màu xanh đẹp lắm. Nhưng ăn hoài vẫn không thấy miếng thịt hay mỡ, chỉ thấy toàn đậu xanh, dẫu ghi là nhân thịt.
Hỏi vợ, em ăn thử coi có thịt mỡ gì không. Vợ cũng lắc đầu. Tháo mắt kiếng, cầm cái bánh xem cho kỹ thì thấy giữa trùng trùng điệp điệp nhân đậu xanh thì có một lát mỡ mỏng trải dài với nhân. Thế thôi!
Thảo nào, bánh tét nhân thịt mà kiếm hoài không thấy vị thịt mỡ ở đâu!
Chợt phì cười, lại bị mắc lừa nữa rồi! Mà sao tệ quá, bán hàng sang tận nước ngoài mà vẫn làm ăn cẩu thả, chỉ ham lợi trước mắt mà không nghĩ đến chuyện uy tín hay thương hiệu gì cả!
Rồi lại liên tưởng đến chuyện cả nhà đi ăn cơm cuối năm. Gọi là cơm đại gia đình. Tất cả cũng gần 30 người. Nhà hàng Việt, cũng gọi là có biết nhau. Tiệc tan, tính tiền theo gia đình. Vợ ra trả tiền. Cô chủ quán đã ghi sẵn hoá đơn buổi cơm, hơn 900 quan. Vợ nói, chị tính cho nhà tôi, sáu người lớn và một trẻ con. Cô chủ quán cầm cái máy tính, bấm bấm rồi chìa ra cho vợ: Hơn 700 quan! Trong khi cho cả gần 30 người chỉ hơn 900 quan!
Vợ bảo, chị tính lại xem, sao nhiều thế! Cô chủ quán không nói gì, lầm lầm, lì lì, lại bấm với bấm. À lần này chỉ còn hơn 300 quan thôi!
Không một lời xin lỗi, chị ta thu tiền và đợi người kế tiếp.
Chưa kể, là chủ nhưng nạt và chửi nhân viên (không phải người Việt) trước mặt khách hàng, không cần để ý gì cả. Cứ như thể mọi người phải biết ai là chủ, ai là “đầy tớ” ở đây.
Nghe vợ kể, bảo với vợ: Cô ta biết em xưa nay. Chắc nghĩ em hiền và… khờ nên mới giở trò như thế. Chỉ có ba khả năng, một là lầm, hai là ngu, ba là gian dối!
Mà lầm và ngu thì xác suất hơi khó vì đã bị nhiều khách phàn nàn. Mà nếu lầm thì đã mở miệng xin lỗi khách!
Coi như chỉ có gian xảo. Thấy khách hiền hiền là giở trò giả đò tính ẩu. Coi như cũng không biết đường dài, chỉ nhắm cái lợi trước mắt.
Mà cũng không cần biết chữ tín! Chỉ cần bán và bán, có tiền của khách là vui, không cần biết ngày mai người ta có ghé lại hay không?
Chắc tại cái tính của không ít người Việt mình. Bán buôn chụp giựt, không cần nghĩ đến tương lai.
Ở Lausanne, lúc trước có ông đầu bếp người Thái, ông chuyên bán đồ ăn mang đi. Vui vẻ, thật thà và hiếu khách. Lần nào đi mua mà có tụi nhỏ đi theo là ông ta mang bánh và nước ngọt tặng cho tụi nó. Đi ngoài đường, ông ta thấy là dừng lại chào hỏi. Ăn ngon lại vui tính, cả mấy đứa nhỏ cũng rất thích.
Hôm nọ, đi mua món kebab của người Thỗ Nhĩ Kỳ về ăn. Ăn riết rồi quen, cỡ độ cũng hơn 25 năm rồi. Có con gái đi theo, trả tiền rồi, ông chủ từ bếp bước ra, thấy con gái, bảo, cháu cứ vào mở tủ lạnh rồi cứ chọn vài chai nước đi cháu! Con gái hơi ngỡ ngàng, phải bảo, ừ ông chủ cho, con cứ lấy đi cho bác ta vui.
Con gái ra về nhưng cứ nói mãi, ông chủ này dễ thương quá. Mai mốt con lớn, con cũng sẽ ghé ăn như ba vậy!
Hay tiệm mì ramen Nhật tại Lausanne cũng thế. Niềm nở, hiếu khách nên con trai út cứ thích ba mẹ dẫn đi ăn ramen. Sinh nhật hỏi, con muốn gì? Con muốn ăn ramen chỗ cô chủ B!
Các nhà hàng Ý hay Thuỵ Sĩ, Tây Ban Nha,… thì lúc nào cũng vui vẻ và phục vụ khách, nhất bọn con nít, một cách rất chu đáo. Có ông chủ một nhà hàng Ý tâm sự, phải chu đáo với tụi nhỏ vì sau này chính chúng sẽ là những khách hàng tương lai của tiệm!
Nên mới có chuyện, từ thế hệ này sang thế hệ khác, đi ăn cùng một nhà hàng vì những ký ức của tuổi thơ.
Bán buôn là cả một nghệ thuật. Làm sao cho khách vui không chỉ vì ăn ngon mà còn do thái độ phục vụ nữa. Khách đến mà cứ muốn ghé lại, thế mới hay.
Cái khoản này, nhiều người Việt mở tiệm, không chịu hiểu. Đôi khi đi ăn ở tiệm của họ nhưng lại có cảm giác làm như đang làm phiền họ hay xin xỏ họ!
Nhất là nơi có ít người Việt. Ít có cạnh tranh, nên xem thường khách. Cả khách Tây lẫn khách Việt! Họ quên rằng, ngay cả khách Tây, giờ người ta đi du lịch nhiều, biết ăn uống ra sao, nên không phải muốn nấu ra sao hay phục vụ ẩu là cũng được.
Nhưng coi vậy cũng có những bất ngờ thật dễ chịu. Như hồi hè cả nhà đi Praha chơi. Loay hoay vài ngày chợt thấy một tiệm bánh mì thịt. Cả nhà ghé vào mua. Chị chủ quán và con trai thật niềm nở và dễ thương. Biết là dân đi du lịch, chị tặng cho cà phê sữa đá, tặng trà sữa cho tụi nhỏ, dẫu chỉ bán vài ổ bánh mì thịt.
Ăn ngon, hứa với chị sẽ ghé lại. Hôm sau, chưa ghé là con gái nhắc, ba hứa sẽ ghé mua bánh mì thịt. Thế là ghé. Chị chủ quán nói, con trai em bảo chắc hai bác và các em đi chơi xa rồi nên không ghé được. Nghe thôi cũng cảm thấy vui vì cũng chỉ là khách mà lại chẳng quen biết gì.
Đó cũng chính là tâm lý! Giờ có dịp đi Praha, chắc chắn sẽ ghé mua bánh mì thịt của chị.
Đầu năm dông dài chuyện không đâu. Nhưng coi vậy chứ quan trọng lắm. Hàng hoá Việt Nam giờ hội nhập với thị trường quốc tế nên phải lấy uy tín làm đầu. Khách du lịch thích thú Việt Nam bao nhiêu thì sau một chuyến đi lại cảm thấy chán nản và thất vọng với cách làm ăn chém khách, nạt khách, xem thường khách của giới bán buôn. Nhiều người nhất quyết không quay lại Việt Nam nữa.
Ẩm thực Việt Nam ngon và được yêu thích nhưng khách bản xứ đến nhiều nhà hàng chỉ một vài lần thôi. Cách phục vụ ẩu tả khiến người ta thất vọng.
Mong lắm thay thương hiệu Việt sẽ có nhiều cơ hội xuất hiện trên thị trường thế giới trong tương lai vì đó là cách phát triển nền kinh tế Việt Nam. Nhưng để được như thế, ngay từ cái gốc, từ làm ăn nhỏ đến lớn, từ một tiệm ăn đến một công ty lớn, tất cả phải đặt chữ tín và chất lượng làm đầu.
Đạo đức trong kinh doanh là nền móng cho sự phát triển của một thương hiệu! Bằng không, chỉ chụp giựt, làm giàu qua ngày rồi cũng tàn lụi, rơi vào quên lãng…
“Đạo đức trong kinh doanh là nền móng cho sự phát triển của một thương hiệu! Bằng không, chỉ chụp giựt, làm giàu qua ngày rồi cũng tàn lụi, rơi vào quên lãng…” ( Trich` LBDN )
Bác không dông dài đâu . Bài viết của bác rất hay và bổ ích . Nhưng mà, bác ơi, chỉ bổ ích với người đọc trên mạng thôi . Còn đối với dân làm ăn, buôn bán thì vẫn là chụp giựt, chỉ tính cái lợi tức thì ngay trước mắt . Chuyện lâu dài ra sao, họ không nghĩ đến .
Chắc là bác chưa mua cua ở VN ? Bác sẽ thấy, dây cột cua nặng gần bằng 1/3 số lượng cua . Còn lá cuối ư ? Nhiều người ở quê đốn buồng chuối xong thì bỏ lá xả láng vì chẳng để làm gì .
Họ gói bánh, người mua lột hoài, chả thấy bánh ở đâu là vậy . Một cái mánh gian xảo , rẻ tiền .
Tóm lại thì, cách làm ăn , buôn bán của người VN, từ người dân quê đến các mặt hàng công nghiệp, dối trá, lương lẹo, tiểu xảo, lừa gạt để kiếm lợi ( cái thói quen cố hữu, không bỏ được ! ) . Chỉ một lần, khách hàng sẽ “Buồn ơi, ta chào mi” .
Có nhiều người việt sống ở nước ngoài đã lâu nhưng không học hỏi được sự văn minh lịch thiệp, họ luôn xem cái gian xảo, bố láo là cái gì đó mà họ rất tự hào nên giữ mãi.