Thời của… công an hay thuở… công an trị! (Phần 1)

Blog VOA

Trân Văn

29-1-2024

Sở dĩ bên cạnh luật hình sự còn phải có bộ luật tố tụng hình sự vì thiếu sự rõ ràng về trình tự, thủ tục, hoạt động điều tra – truy tố – xét xử sẽ trở thành tùy tiện, không bảo đảm sự công bằng, tính nghiêm minh khi thực thi – bảo vệ pháp luật và tạo ra oan sai.

“Sau khi giữ người, bắt người, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người phải thông báo ngay cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết.

Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, bị bắt phải thông báo cho gia đình người bị giữ, bị bắt, chính quyền xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập biết…”; trường hợp người bị giữ, người bị bắt là công dân nước ngoài thì phải thông báo cho cơ quan ngoại giao của Việt Nam để thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao của nước có công dân bị giữ, bị bắt.

Nếu việc thông báo cản trở truy bắt đối tượng khác hoặc cản trở điều tra thì sau khi cản trở đó không còn, người ra lệnh giữ người, lệnh hoặc quyết định bắt người, Cơ quan điều tra nhận người bị giữ, người bị bắt phải thông báo ngay”.

Phần in nghiêng, đặt trong ngặc kép là nội dung Điều 116 của Bộ Luật tố tụng hình sự hiện hành liên quan đến chuyện phải “thông báo về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người”.

Về nguyên tắc, “bộ luật tố tụng hình sự quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự” (Điều 1).

Mục đích của Bộ Luật tố tụng hình sự là “bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm” (Điều 2).

Theo Điều 3 thì “Bộ luật tố tụng hình sự có hiệu lực đối với mọi hoạt động tố tụng hình sự trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Sở dĩ bên cạnh luật hình sự còn phải có bộ luật tố tụng hình sự vì thiếu sự rõ ràng về trình tự, thủ tục, hoạt động điều tra – truy tố – xét xử sẽ trở thành tùy tiện, không bảo đảm sự công bằng, tính nghiêm minh khi thực thi – bảo vệ pháp luật và tạo ra oan sai. Ở nhiều quốc gia, vi phạm bất kỳ quy định nào liên quan đến trình tự, thủ tục xử lý hình sự (vi phạm tố tụng) đều có thể dẫn đến việc hủy bỏ nỗ lực xử lý hình sự, phải trả tự do, thậm chí bồi thường cho đương sự. Cả cá nhân lẫn cơ quan có liên quan đến những vi phạm tố tụng sẽ bị truy cứu và xử lý trách nhiệm. Riêng tại Việt Nam, vi phạm tố tụng không chỉ diễn ra công khai mà còn trở thành bình thường. Dẫn đầu vi phạm tố tụng là lực lượng công an nhân dân có sự trợ giúp của ngành kiểm sát (lẽ ra phải giám sát, ngăn chặn) và ngành tòa án (lẽ ra phải xem xét, xác định trách nhiệm khi có dấu hiệu vi phạm tố tụng).

Vi phạm tố tụng trắng trợn và mới nhất là việc bắt giữ ông Trần Đức Quận – Bí thư tỉnh Lâm Đồng trong vụ án “nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và ông Đặng Trí Dũng – Bí thư Đà Lạt “vẫn còn vắng mặt tại nơi làm việc”.

***

Hồi thượng tuần tháng này, các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam loan báo: Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lâm Đồng đã gửi “Thông báo khẩn” cho các thành viên vốn đã được mời tham dự Phiên họp thứ 24 nhằm “xem xét, cho ý kiến về nội dung trình các kỳ họp chuyên đề năm 2024 của HĐND tỉnh và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền” để… hủy việc tổ chức Phiên họp thứ 24.

Trước đó, Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Lâm Đồng đã gửi Thư mời cho: UBND tỉnh Lâm Đồng, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, các thành viên Thường trực HĐND tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, Giám đốc và người đứng đầu các sở, ngành như: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ, Tư pháp để sắp xếp và tham dự Phiên họp thứ 24 vào sáng 9/1/2024.

Sở dĩ Phiên họp thứ 24 bị hủy vào phút chót vì ông Trần Đức Quận – Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng, người sẽ chủ trì phiên họp này… “vẫn vắng mặt tại nơi làm việc” sau khi đi công tác ở Hà Nội (2).

Không chỉ có ông Trần Đức Quận “đi công tác tại Hà Nội” rồi… “vắng mặt tại nơi làm việc”, ông Đặng Trí Dũng – Bí thư thành phố Đà Lạt cũng vậy. Các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam cho biết, ông Dũng tháp tùng ông Quận ra Hà Nội từ ngày 4/1/2004 và sau đó vắng mặt không rõ lý do trong nhiều cuộc họp quan trọng mà lẽ ra ông phải hiện diện để chủ trì (3)… Không phải tự nhiên mà truyền thông chú ý đến việc ông Quận và ông Dũng “vắng mặt dài ngày”.

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Trach-nhiem-hinh-su/Bo-luat-to-tung-hinh-su-2015-296884.aspx

(2) https://plo.vn/thuong-truc-hdnd-tinh-lam-dong-hoan-phien-hop-thu-24-post770721.html

(3) https://nld.com.vn/thanh-uy-da-lat-thay-doi-lich-lam-viec-vi-bi-thu-dang-tri-dung-di-cong-tac-dai-ngay-196240109084940847.htm

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây