Về vụ án Trần Hùng bị xử tội nhận hối lộ 300 triệu đồng

Trần Vũ Hải

24-1-2024

Hai vấn đề chính của vụ án:

1/ Trần Hùng có chức vụ quyền hạn trong việc xử lý “nặng hay nhẹ” người kinh doanh (sản xuất, mua bán) sách giáo khoa giả ở Hà nội không?

Khẳng định: Không. (Không cần bàn cãi, vì chính các cơ quan quản lý thị trường đã khẳng định vậy).

2/ Trần Hùng có nhận tiền 300 triệu đồng từ Nguyễn Duy Hải khoảng 13h-13h15 ngày 15/7/2020 tại nơi làm việc của Trần Hùng ở văn phòng Bộ Công thương như Tòa và Viện cấp sơ thẩm và phúc thẩm khẳng định không?

Ý kiến của tôi:

(i) Không có bằng chứng đáng tin cây, có giá trị, hợp pháp để chứng minh việc đó, ngoài những lời khai bất nhất của Nguyễn Duy Hải (mà Trần Hùng cho biết có bạn cùng bị tạm giam tên Kiên khẳng định Hải đã tâm sự do được mớm cung để sớm được tại ngoại).

(ii) Có đủ bằng chứng đáng tin cậy, có giá trị và hợp pháp chứng minh việc đó không thể xảy ra tại thời điểm đó và địa điểm đó, vì lúc đó Trần Hùng đang ăn giỗ với đại gia đình. Các thông tin của Mobifone cung cấp đã định vị được Trần Hùng ở đâu trong thời điểm đó (Ở quận Ba Đình và không ở quận Hoàn Kiếm, nơi làm việc của Trần Hùng). Chưa kể trước trưa, chính Trần Hùng mắng Hải để lại túi (nghi có tiền) trong phòng làm việc của Hùng và Hải buộc phải lấy lại túi trước sự chứng kiến của nhiều người, tức chứng minh ý chí của Hùng không nhận tiền của Hải trong ngày hôm đó.

(iii) Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, văn bản ghi lời của người tên Kiên không có giá trị pháp lý vì không có dấu của trại tạm giam và các thông tin của Mobifone không khẳng định được Trần Hùng – chủ nhân điện thoại ở vị trí nào (và cả hai lập luận này được Tòa chấp nhận). Trong khi việc kiểm tra, xác định tính chân thật của các tình tiết này rất dễ (hỏi chính người tên Kiên có chứng kiến của trại tạm giam, hay trạm giam hoặc mời ngay người đó ra Tòa và mời các chuyên gia về viễn thông thẩm định) nhưng Tòa và Viện không thực hiện, cho thấy các cơ quan tố tụng chưa tuân thủ Nguyên Tắc “XÁC ĐỊNH SỰ THẬT CỦA VỤ ÁN” được quy định tại điều 15 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự.

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội”. (Trích điều 15 BLTTHS)

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Trích Giáo Sư Chu Mộng Long

    “Chứng cứ yếu không có nghĩa là buộc tội oan

    Các căn cứ phạm tội đều có đủ. Chỉ thiếu sự bắt quả tang tiền mặt (có thể đây là sơ suất khi đánh úp đối tượng). Đúng như Viện Kiểm sát nói: không có cửa để áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội

    Chưa thể kết được tội không đồng nghĩa với “không thể” kết tội

    Có vậy mới ngăn chặn triệt để tội phạm và lấy lại lòng tin của dân”

  2. Giả sử ông Tô Lâm cho bắt ông Nguyễn Phú Trọng theo lời của vài người đã đến hối lộ ổng để tránh bị cho vô lò . Thì tòa có căn cứ chỉ lời khai của các đương sự mà kết án tù ông Trọng hay không?
    Với những phiên tòa bỏ túi chính quyền đã đưa không những biết bao người bất đồng chính kiến vào tù , mà cả các những công chức dám phản kháng cũng như các đối thủ ngay trong nội bộ Đảng và chính quyền . Liệu ông Tô Lâm và các quan tòa có dám tin tưởng 100% rằng, đến một ngày các ổng sẽ bị kết tội bằng chính những thủ đoạn của các các ổng hôm nay?
    Sông có khúc , người có lúc !

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây