Chúng ta đang đi xuống?

Ngô Huy Cương

24-1-2024

Về phương diện viết luật, chắc chắn chúng ta đã và đang đi xuống.

Nhà làm luật thường được xem là người thiết lập các chuẩn mực ứng xử xã hội và đồng thời là người tuân thủ nghiêm ngặt chuẩn mực về ngôn ngữ thể hiện các chuẩn mực ứng xử đó. Thế nhưng, ở ta thì khác hẳn.

Bắt đầu và “ồ ạt” từ khi thành lập Ban Công tác Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đạo luật của ta được viết theo một mẫu bất chấp chuẩn mực về ngôn ngữ.

Phần lớn các điều luật bị buộc phải đặt tên để cho rằng ít nhất bảo đảm nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa (theo kiểu các đạo luật về hình sự phải đặt tên tội). Vấn đề này có thể được xem là bình thường tuy khá cứng nhắc và thiếu chính xác (sẽ nói sau).

Cái bất bình thường làm sai lệch yêu cầu nói trên thể hiện tập trung nhất ở chỗ: (1) Xác định nhầm nhiều tên điều luật là có giá trị về mặt pháp lý; và (2) Đưa ra những câu “cụt lủn” và vô nghĩa khi trích dẫn.

Lấy Điều 1 (Khoản 3), Luật Thương mại 2005 làm ví dụ đầu tiên. Học trò tôi trích dẫn trong luận văn như sau:

3. Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này” (Điều 1).

Nếu tôi không phải là người biết về khoa học pháp luật thương mại và không biết khoản trích dẫn từ điều luật nào thì hoàn toàn chịu, không thể hiểu được đoạn trích này. Đây là hệ quả xấu của cách viết luật chẳng theo chuẩn mực nào. Nguyên văn cả điều luật này như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Hoạt động thương mại thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Hoạt động thương mại thực hiện ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp các bên thoả thuận chọn áp dụng Luật này hoặc luật nước ngoài, điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định áp dụng Luật này.

3. Hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi của một bên trong giao dịch với thương nhân thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp bên thực hiện hoạt động không nhằm mục đích sinh lợi đó chọn áp dụng Luật này”.

Ý của điều luật này là liệt kê các loại hành vi thương mại (phân loại không dựa trên một tiêu chí nhất định) mà đạo luật này điều chỉnh (chưa bình luận đến việc sử dụng thuật ngữ “hoạt động thương mại” không phù hợp với khoa học pháp lý), trong đó khoản 3 nói tới hành vi dân sự – thương mại hỗn hợp, tức là hành vi pháp lý (hợp đồng trong trường hợp này) có tính chất thương mại với một bên là thương nhân và có tính chất phi thương mại (vì mục đích tiêu dùng đơn thuần) với một bên phi thương nhân.

Điều 2 của đạo luật này còn tệ hơn. Có anh cán bộ trích dẫn 02 khoản của điều luật này như sau:

1. Thương nhân hoạt động thương mại theo quy định tại Điều 1 của Luật này.

2. Tổ chức, cá nhân khác hoạt động có liên quan đến thương mại”.

Chắc chắn bạn không hiểu nổi đoạn trích này nói gì nếu không xem tới cái tên điều luật mà nhẽ ra không có giá trị pháp lý (mà chỉ có giá trị tham khảo, tra cứu) là “đối tượng áp dụng”.

Khi chưa có Ban Công tác Lập pháp, Luật Thương mại 1997 viết như sau về cùng những vấn đề:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh của Luật thương mại

Luật thương mại điều chỉnh các hành vi thương mại, xác định địa vị pháp lý của thương nhân và quy định những nguyên tắc, chuẩn mực trong hoạt động thương mại tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Điều 2. Đối tượng áp dụng của Luật thương mại

1- Đối tượng áp dụng của Luật thương mại là thương nhân hoạt động thương mại tại Việt Nam.

2- Đối với những người buôn bán rong, quà vặt có vốn kinh doanh, doanh thu, thu nhập thấp, Chính phủ ban hành Quy chế riêng theo những nguyên tắc cơ bản của Luật này”.

Hai điều luật này viết đầy đủ thành phần của một câu văn, rành mạch và dễ hiểu khi trích dẫn. Đồng thời tên của các điều luật ở đạo luật này không có giá trị pháp lý, mà chỉ có giá trị tham khảo, tra cứu.

Theo mẫu sai (có lẽ từ Ban Công tác Lập pháp đưa ra), các đạo luật giờ đây thi nhau viết sai như vậy. Ví dụ thêm: Có một học trò của tôi làm luận án trích dẫn Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

1. Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu luật có quy định” (Điều 262).

Tôi hỏi bạn định nói về cái gì. Bạn ấy trả lời, em nói về người hưởng dụng có nghĩa vụ đó. Xem Điều 262 của Bộ luật Dân sự 2015 thì thấy cách viết bất chuẩn mực như sau:

Điều 262. Nghĩa vụ của người hưởng dụng

1. Tiếp nhận tài sản theo hiện trạng và thực hiện đăng ký nếu luật có quy định.

2…

…”

Nhẽ ra điều luật này phải viết vào đầu rằng: “Người hưởng dụng có các nghĩa vụ sau:…” hoặc “Nghĩa vụ của người hưởng dụng bao gồm:...” dù rằng tên của điều luật có được đặt là “Nghĩa vụ của người hưởng dụng” hay không.

Lưu ý:

+ Thứ nhất, một điều luật không nhất thiết phải có tên (ví dụ Bộ luật Dân sự Pháp 1804 mẫu mực không đặt tên cho bất kỳ điều luật nào). Cũng như vậy, không nhất thiết chỉ có Bộ luật Hình sự mới được quy định về tội phạm; và tội phạm không nhất thiết phải có tên. Ở trên thế giới và ngay ở ta trước kia cũng vậy. Việc dồn tất cả tội phạm vào một Bộ luật Hình sự và đặt tên cho tội cũng có điểm hay và cũng điểm dở chứ không hay và không dỡ tuyệt đối.

+ Thứ hai, tên điều luật không có giá trị pháp lý và không phản ánh toàn bộ nội dung pháp lý của điều luật. Tên tội trong Bộ luật Hình sự (ví dụ “tội cướp tài sản”; “tội trộm cắp tài sản”; “tội hiếp dâm”;…) chỉ một nhóm tội; còn mỗi khung trong các điều đó chỉ một tội mà khó có thể xác định hết tên tội.

Vấn đề đáng lo lắng nhất hiện nay là không những các đạo luật mà còn cả các văn bản dưới luật, quy chế của cả ngay các cơ sở đào tạo luật cũng viết thiếu chuẩn mực như vậy.

So với các đạo luật của các nước, các điều ước quốc tế và các đạo luật trước kia của Việt Nam (kể cả sau Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa), có thể đi đến kết luận, chúng ta đang đi xuống về phương diện viết điều luật (ít nhất).

Đáng tiếc là Dự thảo Luật Đất đai vừa thông qua, Quốc hội cũng viết như vậy!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “chỉ có điều là không biết được cái xhcn ở đâu để đi cho đến?”

    Phải đi và, quan trọng nhứt, đi đúng hướng . Đi lộn đường từ thời Đổi Mới tới giờ, đi xuống chỉ là kết/hậu -tùy cách nhìn- quả ai cũng có thể đoán ra được .

    Trước ĐM, ai cũng biết XH Xhcn là gì & luôn cố gắng tự bản thân để đạt được . Bi giờ, everyone is like Phúc it! Tiền đã tính sau

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây