Chết thử (Kỳ 3)

Tạ Duy Anh

17-1-2024

Tiếp theo kỳ 1 và kỳ 2

Suốt cả ngày hôm sau không có thêm chuyện gì mới. Ba anh em Đắc, Lợi, Lạc vẫn cùng ăn sáng, uống trà như hôm trước. Nhưng hôm nay họ chỉ kể chuyện làm ăn, chuyện mánh mung, chuyện vụ án này vụ án khác, chuyện ông nọ bà kia, chuyện tình hình sắp tới… Đúng ra chỉ có Lợi và Lạc nói, còn Đắc ngồi nghe, lòng vẫn rối như mớ bòng bong về chuyện lão Thủ. Mãi lúc sắp vào thăm bố, Lợi mới nói nhỏ:

– Này, thời tiết đẹp quá. Cả năm có một tháng thời tiết như thế này thôi. Cụ khôn thật nếu quả đúng là cụ định chết vào tháng này.

– Hôm qua em lau quan tài bác Đắc mua cho bố, em phát hiện ra có một lỗ tròn như đồng xu ở phía đặt đầu, có phải bố dặn bác như vậy không?

– Ấy đấy, lại nói chuyện bố dặn, có chuyện này em cũng muốn hỏi bác cả, nhưng có lẽ để sau… Lợi lấp lửng.

Cũng như hôm trước, lão Thủ nằm quay mặt vào trong. Những chuyện anh em Đắc nói lão chỉ nghe được loáng thoáng. Nhưng tiếng cười hồn nhiên của Lợi và Lạc thì lão nghe rõ. Cứ cho là chúng nó không biết gì đi, cứ cho là chúng nó nghe tin lão ốm mà về nhưng chả lẽ không một chút lo lắng nào khiến chúng âu sầu hay sao? Vì thế khi Lợi hỏi lão: “Bố thấy trong người thế nào”, lão cố làm ra vẻ rất yếu, đáp:

– Bố nghĩ mẹ các con muốn bố về với bà ấy rồi.

Đắc cúi đầu không nói gì. Lạc thì tranh thủ ra ngoài nghe điện thoại, khi trở vào giọng oang oang: Thằng C sắp toi rồi, không nghe anh mày thì chết còn khó hơn là sống. Một tỷ không muốn mất, bây giờ thì đến mười tỷ cũng không xong – Thấy hai anh im lặng, Lạc vội hạ giọng: “Bố sao rồi?”.

Lát sau cả ba anh em đã lại ở phòng khách. Lạc hỏi lại: “Các anh thấy bố sao rồi?”

– Bố không thay đổi quyết định – Lợi đáp khô khốc.

– Vậy là chỉ còn ngày mai nữa thôi à? – Lạc thì thào.

– Hay là cả ba anh em mình cùng quỳ xuống xin bố nghĩ lại? – Đắc nói bằng giọng cùng quẫn.

– Thôi bác ạ, cũng là một thứ nguyện vọng của bố…

– Nhưng…

– Bác không phải lo, có bọn em làm chứng là bố muốn tự chết. Em không có thời gian ở nhà thêm để bàn bạc nữa đâu? Em và chú Lạc đã thống nhất với nhau sẽ lo cho đám tang của bố thật chu đáo. Chúng em đã lên kế hoạch chi tiết rồi. Kèn trống, xe cộ, hoa hoét, chè thuốc, việc tiếp đón khách khứa từ xa về viếng, điếu văn, nơi an táng… đều đâu vào đấy cả rồi. Chúng em không nuôi được bố lúc sống thì phải để chúng em được lo cho bố lần cuối. Việc đó coi như xong, bác khỏi lo. Việc quan trọng hơn là anh em mình sẽ sống với nhau sau đây như thế nào. Em vẫn hẹn hôm nào sẽ phải hỏi bác về một chuyện, cho nó thật rõ ràng. Hôm nay, tuy thiếu hai cô nhưng có ba anh em, em muốn bác cho chúng em biết bố dặn lại những gì?

– Bố không dặn lại gì cả, ngoài chuyện lo tang lễ cho bố – Đắc buồn rầu đáp. Nhưng tôi hỏi lại, chả lẽ thế là buông xuôi mọi chuyện à?

– Cũng không còn cách nào bác ạ – Lạc góp vào -Bọn em nghĩ kỹ lắm rồi. Mấy hôm vừa rồi, có bác Lợi biết, em có ngủ được đâu. Nếu thật sòng phẳng thì bố chết lúc này cũng có cái hay. Tuổi thì thế cũng là được rồi, thượng thọ rồi, đốt pháo được rồi. Bạn bè lớp tuổi bố đa phần đi trước bố nhiều. Nói thế để khỏi lăn tăn. Còn về chuyện thiên hạ thì đang là lúc mà nhiều người nhớ đến bố nhất. Có thể bác Đắc không rành chuyện này, chứ em và bác Lợi, do công việc nên phải tiếp xúc, thì nghe và thấy ngày ngày. Nhân thể còn cơ hội anh em mình chả tội gì mà không thổi thanh thế lên để sau này dễ làm ăn. Chuyện đó không nhỏ tí nào đâu nhé. Bọn em dự trù phải làm vài trăm mâm cỗ chứ chả ít đâu.

Ngừng một lát như để tìm cách an ủi anh, Lạc tiếp:

– Một ngày anh sống với bố, anh phải biết tính bố hơn chúng em chứ. Mình cứ cố dối lòng, hy vọng bố thay đổi, đến lúc sự việc xảy ra thì khó mà chu tất được, khi đó chính là bác phải gánh mọi tai tiếng. Còn… điều em muốn hỏi thì cũng giống như bác Lợi thôi.

– Tôi cũng gạn bố xem bố có điều gì muốn dặn lại nhưng bố bảo ý nguyện cuối cùng bố muốn tôi làm là tất cả những gì bố dặn lại rồi.

– Lạ nhỉ! – Lợi buông một câu đầy hồ nghi – Một người cẩn thận như bố mà trước khi chết không dặn lại con cái điều gì. Bố phải biết rõ có vô số vấn đề con cái bố khó mà giải quyết với nhau nếu không có di chúc, kể cả di chúc miệng, chứ? Chú Lạc, chú rành rẽ luật pháp, chú thử nghĩ xem chuyện đó có logic không và tôi lo như vậy có đúng không?

– Chuyện logic thì quả cũng khó để khẳng định. Còn đương nhiên bác lo là đúng. Nhưng em thì lại rất tin ở bác cả, chắc bác sẽ có cách.

– Các chú nói xa nói gần gì thế, cứ nói hẳn ra xem nào. Bố sắp chết nhưng chưa chết, vẫn còn kịp cho ba anh em mình cùng hỏi.

– À không – Lợi xua tay – chớ có làm thế, phải tế nhị chứ bác. Bố không nói tức là bố có lý do. Bọn em hoàn toàn tin bác. Bố không nói cũng không sao cơ mà. Anh em mình đủ sức, đủ hiểu biết, đủ độ lượng để tự giải quyết. Ý chú Lạc thế nào? Có cần phải chờ gọi hai cô về cho đủ không?

– Theo em thì chả cần. Con gái đi lấy chồng là ăn lộc nhà chồng. Cũng như nhà em và hai chị dâu, có đòi được chia thừa kế của nhà bố mẹ đẻ đâu.

– Nhưng anh em mình phải khác… bác Cả công nhận không? Nếu chia thừa kế nhất định phải có phần của hai cô…

– Các chú dừng chuyện đó ở đây có được không – Đắc van vỉ – bố còn chưa chết, tôi buồn quá.

– Bố là bố chung, bác nghĩ chúng em không buồn sao? Nhưng chuyện tiền bạc thì cứ phải cho rõ ràng bác ạ – Lợi nói trắng ra. Chú Lạc, chú có đồng ý với tôi thế không?

– Em cũng muốn chuyện gì ra chuyện ấy. Anh em mình khúc trên khúc dưới thì không sao, nhưng vợ em và vợ hai bác, họ khác máu tanh lòng, nó khó thông cảm với nhau lắm. Nhưng có lẽ bác cả nói đúng, hay là chuyện này để sau đi bác Lợi ạ. Tài sản bố để lại có gì anh em mình đều biết cả rồi mà.

– Chú biết chứ tôi chưa biết – Lợi lạnh lùng.

– Thế theo chú thì tài sản bố để lại có những gì? – Đắc bắt đầu nóng tiết.

– Đấy, mấu chốt là chỗ ấy – Lợi đáp – chúng em muốn bác nói rõ để cả ba anh em cùng biết. Chia chác có thể để sau.

– Vậy thì chú nghe đây: Nó gồm một căn nhà chúng ta đang ngồi, trên thửa đất mang tên bố, rộng 483 mét vuông, tính cả ngõ đi. Chấm hết.

– Bác cứ nhớ kỹ đi đã… Lợi không còn phải giữ ý. Anh em lọt sàng xuống nia, nhưng cũng phải biết cái gì lọt xuống chứ?

– Tôi chỉ nhớ được có thế… Đắc chán nản.

– Ý bác Lợi chắc là muốn nói đến số cổ phiếu của bố được tặng trước khi về hưu chứ gì? – Lạc đế vào.

– Ví dụ thế…

– Riêng cái đó chú hỏi bố ấy nhé, tôi không biết cổ phiếu cổ vé là cái của nợ gì đâu – Đắc nói.

– Bác cứ bình tĩnh, bác không biết thì chúng em biết làm sao được. Nhưng bác cũng không biết tức là anh em mình có thể sẽ mất một món lớn do sơ suất của bố. Chuyện này vẫn luôn xảy ra. Vậy mới cần anh em phải nói rõ với nhau để còn nghĩ cách tìm xem nó đang ở đâu mà đòi về. Thôi được, tạm để đó vấn đề cổ phiếu, em muốn hỏi bác, sổ tiết kiệm mang tên bố hay mang tên bác?

– Tiền của tôi đương nhiên phải mang tên tôi…

– Của bác thì nói làm gì, em muốn hỏi của bố cơ…

– Tôi không biết bố có bao nhiêu tiền.

– Bác không nên nói thế, cổ phiếu có thể bác không biết, nhưng tiền của bố thì bác không thể không biết.

– Mả bố đứa nào nói dối, tôi nói dối tôi chết đường chết chợ.

– Thôi, thôi, bác thề làm gì. Em chỉ hỏi thế chứ đã định làm gì đâu. Với lại cái gì của bố thì trước sau chúng em cũng biết. Tiện đây em cũng muốn bác cả và chú Lạc cho luôn phương án chia tiền phúng viếng. Trong trường hợp của bố em nghĩ là nhiều đấy. Ai thu phong bì, ai giữ, ai ghi sổ, khi mở phong bì phải có mặt những ai, tất cả là bao nhiêu… mọi thứ phải rõ ràng để tránh trường hợp như vụ ở Hải Phòng, chỉ vì tiền phúng viếng mà thằng em út lẳng hộp tro của bố xuống sông.

– Đồ mất dạy! Đồ bất hiếu! Con với chả cái – Lạc xen vào bằng giọng bất bình – Anh em nhà ấy chỉ còn nước đi ăn mày nữa thôi.

– Thôi, kệ anh em chúng nó, mình khác. Mình là những người có học, đương nhiên là không thể hành động đốn mạt như vậy – Lợi tiếp tục nói – Sau đây bác Đắc cũng kê các khoản bác đã sắm sửa trước đó. Ví dụ tiền áo quan, tiền mua vải liệm… con nào cũng là con, đều phải có nghĩa vụ với bố hết.

Đắc gần như mất hồn, đờ đẫn nhìn hai đứa em. Có một khoảng im lặng khá lâu. Có lẽ là rất lâu, đến nỗi cả Lợi và Lạc đều cùng hỏi:

– Thế nào bác cả?

– Các chú còn muốn tôi trả lời chuyện gì? Bố tôi kia, cũng là bố của hai chú. Các chú có muốn tôi mang ông ấy ra thề lần nữa không? – Chợt giọng Đắc như quát – Hả, các chú về vì lo bố chết không kịp nhìn mặt hay sợ không nhìn thấy tiền của bố.

– Xin bác – Lợi xua tay – các cụ xưa bảo: Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm. Chắc gì chúng em đã cần số tiền đó. Nhưng anh em thì nên rành mạch.

Đắc đứng dậy với lên bàn thờ lôi xuống một chiếc lọ độc bình cổ, truyền lại từ cụ tổ bảy đời trước, thuộc hàng gia bảo, dõng dạc nói:

– Nếu tôi nói sai, tôi sẽ tan thây như cái bình này…

Chưa dứt lời thì cái bình cổ vỡ tan thành cả trăm mảnh, làm vang lên một tiếng chát chúa. Một mảnh của nó bắn thẳng vào mắt Lợi khiến anh rú lên đau đớn, máu chảy giàn giụa xuống mặt. Cả Đắc và Lạc cùng lao vào đỡ Lợi nhưng anh gạt tay Đắc ra. Lạc cũng lạnh lùng đẩy Đắc ra, giọng khô khốc:

– Anh là đồ khốn…

Đúng lúc đó cánh cửa phòng khách bật mở: Lão Thủ, tóc tai xõa xợi hiện ra y như một bóng ma nhưng vẫn thấy rõ là lão không có vẻ gì của người ốm sắp chết. Lão đã nghe thấy hết mọi điều. Lão nhìn các con lão, lần lượt từng đứa một, nhìn những mảnh vỡ của chiếc bình cổ, nhìn vệt máu trên nền nhà… bằng ánh mắt hoàn toàn vô hồn. Lão giơ tay ngăn lại mỗi khi có đứa con nào định cất tiếng, thay cho câu: Không cần, tôi biết cả rồi. Sau đó lão quay ra, lặng lẽ lục tìm bất cứ thứ giấy tờ, vật chứng nào khiến người ta có thể biết tung tích, dấu vết của lão trên cõi đời này, không để sót một chút gì, gộp chung lại rồi cho một mồi lửa.

Lão chờ cho tàn than nguội lạnh, tan thành bụi mới quay về lại chỗ định nằm chết thử trong căn buồng.

Bây giờ thì lão quyết định không dậy nữa.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây