Mạng xã hội trong mắt ai…

Thái Hạo

8-1-2024

Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay?”. Đây là câu 1 trong đề thi học sinh quốc gia môn Ngữ văn 2024, chiếm 8/20 điểm của cả đề.

Ảnh chụp đề thi môn văn chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024. Nguồn: PLTP

Trước hết, theo đánh giá của tôi, đây là một câu hỏi chứa đầy định kiến với mạng xã hội. Vì trong bản thân nó đã đựng sẵn sự ác cảm và cái nhìn phê phán.

Như thế nào là một “trải nghiệm”? Mất bao lâu cho một trải nghiệm, 5 phút, 1 giờ, 1 ngày hay 1 tháng, 1 năm? Nếu 1 tháng thì việc ghi lại nó và chia sẻ lên mạng xã hội có còn gọi là “tức thời” nữa không? Và trong cái gọi là “người trẻ” có bao nhiêu người “tức thời chia sẻ” như đề đang nhắm đến? Và có ai lại đi “khẳng định giá trị” chỉ bằng cách suốt ngày lang thang trên mạng xã hội? Tự nghĩ ra một giả định xấu xí đến thế rồi kêu học trò bình luận, thì rốt cuộc người ra đề muốn nghe thấy điều gì trong những bài làm của các em?

Bản thân cái lối nhìn và lối nói “trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã” đã giới hạn sự muôn màu của truyền thông trên thế giới internet. Và tất nhiên, với 2 chữ “tức thời” [chia sẻ lên] đã cho thấy một sự bồng bột, nông nổi, thiếu chín chắn của người dùng mạng xã hội. Và cũng vì thế, tất nhiên, người làm bài chỉ còn một việc là cật lực phê phán.

Có người sẽ cãi rằng, người ta hỏi như vậy nhưng anh có thể viết một bài cãi lại kia mà. Không, với một cái nhìn mang đầy định kiến và từ đó tìm cách truyền tải bằng lối ngôn từ phiến diện, bóp méo bức tranh truyền thông mạng xã hội nhằm định hướng cho học sinh dùng hết sức bình sinh mà phê phán, thì nó đã đánh mất tính khách quan cần thiết. Đề ra là “lập tức chia sẻ lên mạng xã hội” có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại ngày nay hay không thì rõ ràng câu trả lời nên là/ phải là “không” rồi. Và sau khi đã “không” thì việc còn lại hầu như chỉ là chỉ trích, quay lưng, mắng mỏ…, chứ còn gì nữa?

Hãy hình dung rằng, cái đề này là đồng dạng với những câu hỏi kiểu như: Suốt ngày lang thang trên mạng xã hội thì có nên không? Có nên mang chuyện riêng tư của gia đình mình bày lên mạng xã hội không? Có nên đưa chuyện cá nhân của hàng xóm lên mạng xã hội không? Không cần suy nghĩ, cứ thấy là đăng lên mạng xã hội, thì có nên không v.v. và v.v…

Mạng xã hội và truyền thông internet nói chung là một cuộc cách mạng thông tin của thế kỷ 21, làm thay đổi khuôn mặt và cấu trúc quyền lực của các xã hội và thế giới nói chung một cách ghê gớm. Không ít người đã không ngần ngại gọi đó là “quyền lực thứ 5” (bên cạnh lập pháp, hành pháp, tư pháp và báo chí). Thậm chí, trong một số xã hội đặc thù, mạng xã hội còn soán ngôi của báo chí truyền thống.

Nền giáo dục hiện đại trước tiên phải tạo cơ hội cho người học được bộc lộ chính kiến bằng tinh thần khách quan, vô tư, chứ không phải dùng định kiến của mình để định hướng rồi gieo rắc một cái nhìn méo mó và đầy ác cảm như thế. Và điều quan trọng nữa, phải giúp học sinh có một quan niệm hiện đại mang tính thời cuộc để không bị bỏ lại phía sau trong những lối suy nghĩ bảo thủ, già nua; đồng thời giúp các em tích cực tham gia thể hiện quyền tự do ngôn luận của mình bằng sự hiểu biết và văn hóa phù hợp, chứ không phải ngầm nói với chúng rằng hãy quay lựng lại, vì đó là thứ nhảm nhí!

Chúng ta không thể khước từ internet và mạng xã hội, và thật ngớ ngẩn nếu khước từ nó, vấn đề cốt lõi là sử dụng thế nào để nó mang lại lợi ích và giá trị cho cuộc sống cá nhân lẫn sự phát triển của xã hội. Đó mới là điều cần bàn.

TB: Một đề thi nhằm chọn học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn (tức học sinh giỏi tiếng Việt) mà dùng tiếng Việt không chuẩn: “thời đại ngày nay” – một cụm từ rất vụng, nếu không nói là sai. Bản thân chữ “ngày” trong cụm từ ấy đã có nghĩa là “thời đại” rồi, vì thế, “thời đại ngày nay” là lỗi trùng ngôn. Người ta nói “thế giới ngày nay”, “nông thôn ngày nay” chứ không ai nói “thế giới thời đại ngày nay”, “nông thôn thời đại ngày nay” cả.

Vì thế, chỉ cần viết “thời đại này” hoặc “ngày nay” là đủ [Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong thời đại này? Hoặc Trải nghiệm – ghi lại – tức thời chia sẻ lên mạng xã hội có nên là phương cách khẳng định giá trị của người trẻ trong xã hội ngày nay?].

 

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tự dưng muốn trích Chu Mộng Long

    “Sự quanh co nói lời đạo đức, nhân văn một cách dối trá, thậm chí còn có cảm hứng tuôn trào thơ lai láng trong những bài ngụy biện biện hộ của đám trí thức nhà mềnh, chứng tỏ đám cẩu này không còn mang tính người. Sự bào chữa trí trá, đánh tráo ngôn từ, suy đoán lệch lạc của các ông bà nhân ranh đủ thứ cũng cho thấy, không chỉ tình trạng thiếu hiểu biết pháp luật mà còn vô cảm tương đương như đám cẩu kia”

  2. Các quan giáo dục mà sặc mùi tuyên giáo đấy bạn ơi . Nhớ không lầm, trước đây bạn đã nêu một phòng giáo dục nào đó đã cấm gv trong huyện nhà đưa bài, đưa tin lên mạng xã hội . Thế, không phải là họ muốn làm thay CAM và tuyên giáo đó sao ?

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây