Về cách đọc tên các nguyên tố hóa học theo chương trình sách giáo khoa mới

Thái Hạo

21-12-2023

Nếu bây giờ bạn chỉ vào một chiếc mâm và hỏi con: “Chiếc mâm này được làm bằng [chất] gì?”, nó trả lời “Aluminium”. Bạn lại nói, “là nhôm chứ”, nó cãi, “không, là Aluminium!”. Bạn nghĩ sao?

Đây là cách đọc tên các nguyên tố, hợp chất… theo sách mới ở chương trình giáo dục mới (2018). Theo đó, học sinh sẽ không nói/ đọc là Nitơ; Đồng; Canxi; Oxy; Flo; Nhôm… nữa, mà sẽ đọc là Nitrogen, Copper, Calcium, Oxygen, Fluorine, Aluminum… Tức là những cái tên đã được Việt hóa và quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt, nay trở nên xa lạ.

Dù từng thoáng nghe thấy việc đổi tên gọi này cách đây ít lâu rồi nhưng không để tâm vì nghĩ đó chỉ là một cái mở ngoặc trong sách giáo khoa mà thôi. Nay tôi nêu việc này vì hôm qua có vợ chồng người bạn lên chơi, họ tỏ ra lo lắng khi con họ (đang học lớp 7) không biết đồng, sắt, nhôm là gì nữa, chúng chỉ biết Copper, Iron, Aluminum. Ông bố trỏ vào một bộ phận trên xe máy và hỏi thì nó trả lời là Iron (không biết “sắt”), trỏ vào lõi dây điện thì nó nói Copper (không biết “đồng”).

Những tên gọi đã được Việt hóa từ lâu hoặc có sẵn trong tiếng Việt và đã trở thành quen thuộc, nay đem đổi hết và không dùng nữa, điều này liệu có thỏa đáng không?

Có khi nào việc thay đổi này sẽ gây ra một sự “đứt gãy” giữa các thế hệ đến mức gây trở ngại cho việc giao tiếp và trao truyền văn hóa – tri thức giữa các thế hệ?

Và có khi nào nó dẫn đến một ý nghĩ rằng mọi tên gọi trong tiếng Việt cũng cần phải Anh hóa hết hay không?

Có khi nào sau 1 – 2 thế hệ nữa, người Việt sẽ không nói “trống đồng Đông Sơn” mà nói “trống Copper Đông Sơn”; sẽ không nói “ngựa sắt Thánh Gióng” mà nói “ngựa Iron Thánh Gióng”?

Tôi không kết luận gì vì chưa nghiên cứu kỹ, chỉ nêu vấn đề lên đây, mong cộng đồng và nhất là những người có chuyên môn quan tâm, thảo luận để thấy được tính hợp lý/ không hợp lý trong sự thay đổi này.

Trước khi kết thúc, xin nêu ý kiến về việc đổi tên này của PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội) đăng trên báo Đại Đoàn Kết, để mọi người tham khảo:

Người Việt phải học tiếng Việt, nói tiếng Việt và giữ gìn, làm cho tiếng Việt trong sáng hơn. Hơn nữa số học sinh có điều kiện, nhu cầu du học nước ngoài sau bậc THPT và số học sinh đi thi quốc tế hàng năm là rất ít so với số học sinh bình thường. Thế nên, không thể lấy thiểu số để áp đặt vào đa số”.

_____

Bài liên quan: Việt Nam: Sách giáo khoa mới bắt học sinh đọc nguyên tố hóa học theo tiếng Anh (BBC). – Học sinh bỡ ngỡ với cách đọc tên nguyên tố hóa học theo SGK mới (LĐ). – Cách đọc tên nguyên tố hóa học theo SGK mới khiến giáo viên, học sinh bối rối! (Infonet).

Bình Luận từ Facebook

5 BÌNH LUẬN

  1. “Tôi không kết luận gì vì chưa nghiên cứu kỹ, chỉ nêu vấn đề lên đây …”.
    “vấn đề” hay “việc này” ….
    Câu “dốt hay nói chữ” chưa bao giờ sai. Và kể ra thì phải là “rốt hay nói chữ” …. Nhưng đôi khi vì những “người Tràng An thanh lịch” nên mới loạn lên không biết “thày” hay “thầy”, “chày” hay “chầy”, “bảy” hay “bẩy” …. mặc dù ngữ nghĩa rõ ràng. Ví dụ như “cái chày” và “bấy chầy”, “sáu bảy” và “đòn bẩy” …. vậy nên “nhà phản biện” “nhà văn” “giảng viên trường viết văn” “biên tập viên” Tạ Duy Anh cứ viết “mầu sắc” đấy, “thằng nào làm gì được bố mày”, và không thấy “các nhà giữ gìn văn hóa Việt” lên tiếng.
    Các chương trình tiếng Việt của Các cơ quan truyền thông VOA, RFA, BBC cứ đọc ABC …. là ây bi xi , chứ không đọc là a bê xê đấy … thế mới là “chuẩn quốc văn tế”. Vi âu ây, a ép ây, bi bi xi nó mới chuẩn mới sang, còn vê o a, e rờ ép a, bê bê xê thì đích thực quê mùa, củ cà rốt. Khi có người nêu ý kiến, VOA, RFA cũng sửa đổi, nhưng đôi khi phát thanh viên thi thoảng vẫn theo thói quen nói vi âu ây. Riêng Quốc Phương mới sang, có thể không ai nói, nên diễn vi âu ây đều.
    Bọn tao bắt chúng mày phải gọi là Iron chứ không gọi là Sắt hay Ferrum (ký hiệu Fe), là Copper chứ không gọi là Đồng hay Cuprum (ký hiệu Cu), là Potassium chứ không gọi là Ka li (ký hiệu K), là Sodium chứ không gọi là Natri (ký hiệu Na) …. Và Hydrogen không đọc là Hi đờ rô gien mà phải đọc là /ˈhaɪdrədʒən/, Helium không đọc là Hê li um mà phải đọc là /ˈhiːliəm/ …. chúng mày làm gì nhau.
    À, mà cái việc này nên tham khảo Andrea Hoa Pham mới phải chứ nhỉ.

  2. Các tên gọi hóa học xuất phát từ Tây học, có tính quốc tế. Nên dạy như tiếng ngoại quốc tên của một hoá chất là đúng chứ không sai. Tuy nhiên chất nào đã từng Việt hoá thì nên để trong ngoặc. Đơn giản thế thôi, khỏi bàn cãi. Chuyện giáo dục còn biết bao vấn đề rối beng, họ còn chưa biết đâu là bến bờ để hoàn thiện. Nhưng có lẽ vô vọng với chế độ cs!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây