Trân Văn
14-12-2023
Trong số những công thự bị bỏ hoang, có những công thự nằm ở trung tâm thành phố Thanh Hóa như trụ sở phường An Hoạch.
Dân Trí vừa công bố một phóng sự ảnh, giới thiệu hàng loạt công thự trị giá hàng ngàn tỉ ở Thanh Hóa bị bỏ hoang sau khi tỉnh này tiến hành sáp nhập một số đơn vị hành chính (1). Tổng số công thự tại Thanh Hóa đang được dùng để phát triển… cỏ, thậm chí để… nuôi heo là… 923!
Trong số những công thự bị bỏ hoang, có những công thự nằm ở trung tâm thành phố Thanh Hóa như trụ sở phường An Hoạch. Khối công thự đồ sộ này bị bỏ hoang đã bốn năm kể từ khi chính quyền tỉnh Thanh Hóa tiến hành sáp nhập phường An Hoạch và xã Đông Hưng tạo ra phường An Hưng.
Rất nhiều công thự mà giá trị suất đầu tư lên tới vài tỉ, vừa hoàn tất, chưa sử dụng ngày nào đã bị bỏ hoang như Nhà Văn hóa (NVH) xã Thọ Thắng, huyện Thọ Xuân. NVH trị giá bốn tỉ này hoàn thành đúng vào thời điểm xã Thọ Thắng vào xã Xuân Lập (2019). Trụ sở xã Thọ Thắng (cũng trị giá bốn tỉ) đỡ… lãng phí hơn một chút vì có dùng chừng bốn tháng trước khi bỏ hoang! Có cả những công thự sắp hoàn tất thì ngừng hoàn thiện vì lệnh sáp nhập như trụ sở xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương (trị giá năm tỉ).
Có những công thự mới hoàn tất, mới được sử dụng song vẫn bị các viên chức hữu trách quyết định bỏ, không dùng nữa như trụ sở xã Hà Toại, huyện Hà Trung. Thiên hạ không hiểu tại sao lại bỏ trụ sở khang trang, bề thế này để chuyển nơi làm việc của xã Lĩnh Toại (hợp thành từ xã Hà Toại và xã Hà Phú sau khi chính quyền tỉnh Thanh Hóa ra lệnh thực hiện kế hoạch “sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2023”) đến trụ sở xã Hà Toại nhỏ hơn đặc biệt là cũ hơn nhiều (đã được xây dựng trước đó 20 năm)!
Trong 923 công thự bị bỏ hoang ở Thanh Hóa vì cần “sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 – 2023”, có không ít công thự là NVH xã, trạm y tế xã. Việc hàng loạt NVH xã bị bỏ hoang, kể cả những NVH xã chưa dùng lần nào, khiến người ta liên tưởng đến ý tưởng chi 3.500 tỉ đề xây dựng thêm hệ thống NVH nhằm… “chấn hưng văn hóa” (2)!
Công quỹ – mồ hôi, nước mắt của thường dân – có khác gì… rác!
***
Chẳng riêng Thanh Hóa, “sắp xếp đơn vị hành chính” đã trở thành… “phong trào” trên toàn quốc. “Phong trào” này do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền trung ương khởi xướng bắt đầu từ 2019, dự kiến kết thúc vào 2030 và được chia thành nhiều giai đoạn. Ở “giai đoạn 2023 – 2025” mục tiêu sắp xếp đã được mở rộng đến cấp huyện (3).
Không chỉ Dân Trí, nhiều cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức thay nhau ghi nhận sự lãng phí khủng khiếp về công sản trên toàn quốc. Tháng trước, Truyền hình Quốc hội Việt Nam (TH QHVN) phát phóng sự giới thiệu “hàng loạt trụ sở từng làm nên diện mạo một trung tâm huyện lỵ ở miền cao giờ hoang tàn và đổ nát trong sự tiếc nuối cho bất cứ ai nhìn thấy”, sau khi tỉnh Quảng Ngãi sáp nhập huyện Tây Trà vào huyện Trà Bồng theo một nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Theo TH QHVN thì “cái chưa được, cái gây lãng phí lớn nhất và đang kéo dài chính là khối tài sản công đang ‘trơ xương cùng tuế nguyệt’, từng ngày rệu rã theo thời gian” (4).
Cũng tháng trước, trả lời chất vấn của Quốc hội, ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính – bảo rằng: Đã xử lý được 90% tài sản công dôi dư sau khi sáp nhập xã, huyện nhưng vẫn còn gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có gần 500 tài sản công bị bỏ không gây lãng phí. Tuy nhiên đó không phải là trách nhiệm của chính phủ, đó là trách nhiệm của chính quyền các tỉnh khi sắp xếp các đơn vị hành chính xã, huyện (5). Tại sao con số “tài sản công” bị bỏ không gây lãng phí mà ông Phớc nêu chỉ bằng một nửa so với con số mà Dân Trí thu lượm được từ Thanh Hóa? Chẳng lẽ vì đã có chính quyền các tỉnh chịu trách nhiệm nên chính phủ không thèm bận tâm đến công sản ở các tỉnh nữa?
***
Hồi đầu tháng này, ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Bí thư Hà Nội – loan báo, năm tới (2024), chính quyền thành phố là thủ đô Cộng hòa XHCN Việt Nam sẽ tiến hành… “sáp nhập xã, phường, thị trấn liên quan đến 70 đơn vị xã, phường, thị trấn”. Viên Phó Bí thư Hà Nội nhấn mạnh, việc sáp nhập đó nhằm… “đưa tinh thần của Luật Thực hiện Dân chủ ở Cơ sở đi vào cuộc sống, đảm bảo dân biết, dân bàn, dân giám sát, tạo sự đồng thuận cao nhất. Việc thực thi hiệu quả tinh thần của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thực hiện nhiệm vụ này là tạo được sự đồng thuận trong nhân dân cũng như tạo sự ổn định và đem lại động lực mới cho các địa phương sau sáp nhập phát triển” (6).
Tại sao “sáp nhập các đơn vị hành chính” mới thực hiện được… “dân chủ ở cơ sở”? Ở những đơn vị hành chính đã hoặc sắp sáp nhập dân có… biết, có… bàn, có… giám sát và thực sự đã “đồng thuận cao nhất” với tình trạng mà TH QHVN khái quát về các công thự dôi dư sau sáp nhập “chết yểu – cửa đóng then cài – rong rêu bu bám – hư hỏng, sập đổ trong sự hoang tàn hiển hiện”. Giới nào của dân dại dột đến mức xem sự lãng phí, đồng nghĩa với việc tước đoạt các phúc lợi trong giáo dục, y tế, an sinh mà lẽ ra họ phải được hưởng là nền tảng “tao sự ổn định và đem lại động lực mới”? “Dân chủ” mà tốn kém đến mức quái gở như vậy, giới nào của dân mới… thích?
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/de-nghi-lam-ro-co-so-de-xuat-350-000-ty-dong-chan-hung-van-hoa-4665834.html
(4) https://quochoitv.vn/nhan-dien-lang-phi-hoang-tan-tru-so-sau-sap-nhap-198976.htm
(5) https://vietnamnet.vn/sap-nhap-huyen-xa-gan-500-tru-so-bo-trong-gay-lang-phi-2211538.html