Cam tươi, CAM ảo, CAM không não

Nguyễn Thọ

10-12-2023

Mấy tuần rồi hắn rao bán CAM HD riết nên từ “Thọ Củi” thành “Thọ CAM”. Thật ra thằng tiều phu từng bị mang tiếng là CAM từ lâu rồi.

Đó là vào những năm 2005-2009, khi Internet 2.0 mới ra đời. Công nghệ 2.0 cho phép tương tác, tạo ra tiền đề cho mạng xã hội hôm nay. Một số sinh viên Việt Nam ở nước ngoài liền lập ra các trang “Dân Luận”, “Tathy”, “Thanh niên xa mẹ” để nói chuyện đời, chuyện học. Ở trong nước không thể thuê server hoặc lấy tên miền cho các trò này. Chỉ cần nghe thấy từ “Diễn đàn”, Forum, “Mở cửa” v.v… là bị cấm. Chỉ có sinh viên Việt nước ngoài mới làm được. Sinh viên vì đám đó rỗi hơi và có nhiều nhu cầu trao đổi, bồ bịch. Tất nhiên những diễn đàn này thu hút người trong nước như ong ngửi thấy mùi đường.

Tôi lúc đó đã ngoài 50, nhưng tò mò vào đọc và thấy hay nên nhảy vào làm thành viên nhóm nọ nhóm kia. Cũng đăng ký lấy nickname để được còm, được pốt cho “bằng con, bằng cháu”.

Hồi đó phải nói rằng những người trong nước vào internet để trao đổi, để chat chit đều là loại có sạn. Thứ nhất chưa ai có smartphone, có 3G để ngồi toilet cũng rút từ túi quần ra là chát. Hồi đó không ai vào mạng chỉ để khoe áo khoe quần, để bán hàng xách tay. Tất nhiên cũng cóc có bò đỏ, bò đen, bò vàng mà chỉ có dân liều mạng và dân mất mạng.

Muốn làm công dân mạng ít nhất phải có máy tính, có net ổn định. Hoặc nếu không thì phải có tiền để ngồi cà phê internet. Bài viết dài, ảnh và link phải copy trước vào một cái USB-stick để khi lên mạng khỏi phải mất công mò tìm. Mạng yếu và tường lửa dày đặc khiến cho việc “cô-py-pat” rất khó. Nếu không chuẩn bị trước mà khi lên mạng viết lâu, loạng quạng lỡ “mất mạng” thì toi công. Đó là chưa kể khả năng bị bắt quả tang rất cao. Vì vậy hồi đó chỉ có dân thuộc loại elite (tinh hoa) ở trong nước mới chơi net. Họ không chỉ là tinh hoa mà còn tinh nhanh và láu cá. Ai biết cách vượt rào, biết cách giấu IP và có chút máu liều mới kham nổi trò chơi luxus (xa xỉ) này.

Phẩm chất đáng phục nhất của dân mạng trong nước thời đó là lòng dũng cảm. Năm 1848 Karl-Marx khởi đầu “Tuyên ngôn của đảng Cộng sản” bằng câu “Một bóng ma đang truyền lan khắp châu Âu” (Ein Gespenst geht um in Europa). Năm 2005 toàn dân mạng nhập tâm câu “Một bóng ma đang rình rập khắp cõi mạng”. Bóng ma rình rập trên toàn mạng khi đó tên là CAM (Công An Mạng).

Lúc đầu mấy cậu học trò cũng chỉ nghĩ là lập diễn đàn để nói chuyện đời, chuyện học, chuyện tình chứ không muốn dính đến chính trị. Nhưng khổ cái khi kể về cuộc đời người Việt thì cái gì chả dính đến chính tri. Riêng chuyện anh gốc Mỹ Tho mà nay ở Cali thì đã là chính trị mẹ nó rồi, vì anh kể về cuộc đời thuyền nhân! Chỉ than phiền việc bị hành khi xin kéo dài hộ chiếu ở Đại sứ quán thì đã có bao thằng vào chửi bọn tham nhũng. Hơn cả chính trị!

Ở đâu có chút mùi chính trị thì ắt có mùi CAM phảng phất xung quanh. Mấy bạn CAM thời 2.0 làm việc có nghiệp vụ và mẫn cán chứ không như đám AK-47 ngày nay. Các bạn không chửi bậy và có lúc còn tỏ ta “phản động hơn phản động”.

Cậu sinh viên nọ ở Đức dùng một cái nick rất là “phe phẩy” và không để lộ bất cứ hình ảnh gì lên mạng. Cậu kể về những kỷ niệm thời bao cấp ở Hà Nội. Câu chuyện hé lộ cha mẹ cậu là công an. Thế là chỉ bằng vài câu hỏi được còm một cách thông minh, người ta khoanh vùng được gia đình cậu ở Hà Nội. Lập tức cậu được mẹ nắn gân ngay. Từ đó nick “phe phẩy” không dám còm, dám pốt gì nữa.

Sau vài vụ việc như vậy mọi người bắt đầu ngán CAM và nghi ngờ lung tung. Đã nghi ngờ thì ai quanh mình cũng đều có thể là CAM.

Vì không có hình ảnh, thông tin về nhau, về bạn bè của nhau nên quan hệ đúng là ảo 100%, chứ không như ngày nay. Thế giới ảo có cái hay là nó làm cho con nguời ta rất dễ tìm ra kẻ tâm đắc với mình, nhưng nó cũng có thể là một cái bẫy rất tinh vi của những kẻ cố tình lợi dụng sự vô danh, vô hình trên mạng. Tôi đôi khi phải phì cười vì thấy cư dân mạng nghi ngờ nhau đến mức bệnh lý. Chống cộng cực đoan quá cũng sẽ bị nghi là CAM! Bênh vực chính quyền hoặc bảo vệ cái gì đó tích cực ở trong nước thì lại càng dễ ăn… CAM! Lý luận sắc bén, lập luận có bài bản quá, cho đội mũ…CAM để yên chuyện!

Khi các đợt biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền trong những năm 2007-2011 nổ ra ở Hà Nội và Sài Gòn, các diễn đàn này đóng vai trò rất quan trọng trong việc phối hợp và tổ chức. Lúc đó không khí trên mạng sặc mùi CAM. Phần chính của cái uế khí là do CAM gây ra, nhưng phần không nhỏ là do dân mạng bị thần hồn nát thần tính “vãi ra”. Kể cả lúc tôi công khai mời cậu cháu, vốn là thủ lĩnh một diễn đàn từ Bắc âu qua Đức chơi với tôi, cũng có kẻ gièm: Cẩn thận đó! Có thể kẻ gièm pha kia nhìn thấy trong những bài viết của tôi một dấu hiệu nào đó để hắn ta tính ra được chỉ số “CAM-index” của tôi.

Vì ảo quá thì khó tin nhau nên mọi người hay tổ chức gặp mặt offline, gọi nôm na là “Ộp Nai” để còn biết thằng cha căng chú kiết dưới cái nick nọ kia mặt mũi ra sao. Các cuộc Ộp-Nai ở nước ngoài thường rất hữu ích, vì đôi khi cái nick rất gái kia lại là một thằng điển trai, rất sát gái. Té ra xưa nay toàn anh anh em em với thằng gã.

Nhưng Ộp-Nai ở Hà Nội hay Sài Gòn đôi khi thót tim. Đã có đứa kể bị CAM tóm và vắt ra nước như Trần Quốc Toản từng làm ở bến Bình Than. Có lẽ vì những con nai bị công an chộp mà offline thành Ộp Nai?

Năm 2009 tôi về Việt Nam cũng tìm cách ộp nai với mấy cái nick name mà tôi cảm thấy tin tưởng và hay trao đổi. Các vụ hẹn hò này diễn ra giống như các điệp viên trong phim tình báo “17 khoảng khắc mùa xuân”. Giờ đọc lại cười sặc ga.

Sau đó khi viết hồi ký chuyến về thăm quê, về các cuộc gặp gỡ bạn ảo tôi đã cẩn thận dùng nick của nick để giữ bí mật các bạn mình. Ví dụ “Trặc Trẹo” thành “Trục Trặc”, “Rolling Thunder” thành “Sét hòn” v.v. nhưng vẫn bị mắng.

Thế rồi tôi cũng được vài bạn gắn cái mác CAM. Hôm nào đẹp trời sẽ kể tiếp chuyện CAM ảo.

Ngày nay lên mạng không ai còn nhắc đến CAM nữa, chỉ còn nói đến DLV. Người ta còn “lai chim” (Live stream) tại chỗ các cuộc ốp-nai, mặt ai cũng to phèn phẹt mà không phải sợ.

Thời thế đảo điên, nay các bạn Tây giúp ta đóng vai CAM. Khắp thế giới, từ FB đến X (TWITTER) chỗ nào cũng có CAM Tây đi xóa bài, treo nick. Hôm rồi tôi cũng bị CAM FB xóa liên tiếp 2 bài vì “Vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng”.

Facebook cũng phải có tiền thì mới sống được. Muốn kiếm tiền thì ắt phải có thị trường. Muốn vào chợ bán hàng thì phải lụy ông gác chợ. Thế là bạn để mấy cái robot trên server thu nhận đơn tố cáo và quét từ khóa. Khi có nhiều đơn tố cáo (từ các bạn DLV) hoặc phát hiện ra các từ khóa có vấn đề thì bạn CAM robot không não cảnh cáo, xóa bài hoặc ban nick theo đúng qui trình thuật toán. Nếu bị khiếu nại lại thì Robot sẽ cử người “có não” đọc lại và có thể xả cản.

Nhưng được cái các bạn CAM Tây không thù dai, không báo về phường, về cơ quan để ghi lý lịch. Nếu biết cãi, vẫn có lúc được “phục hồi nhân phẩm”.

Thế là bên cạnh CAM tươi, CAM ảo, giờ có thêm CAM robot (không não).

Bình Luận từ Facebook