Thảm trạng giáo dục

Lâm Bình Duy Nhiên

6-12-2023

Học sinh xúm lại đánh cô giáo. Cô giáo cũng dùng giày dép rượt đuổi và đánh học trò… Dường như học trò tiểu học hay trung học cơ sở thôi!

Thật ngao ngán và xấu hổ! Liệu đó có phải là một trường hợp lẻ loi hay chỉ là bề nổi của tảng băng ngầm cho cái gọi là nền giáo dục Việt Nam ngày nay?

Giáo dục là nền tảng của một xã hội nhân bản và tiến bộ. Phát triển một nền giáo dục khoa học dựa trên tinh thần tôn sư trọng đạo là điều cần thiết và cấp bách để đào tạo những công dân có đạo đức và trách nhiệm với cộng đồng. Tiếc thay, Việt Nam chỉ biết chạy đua theo thành tích, giải thưởng Olympic này nọ, học sinh chuyên cấp quận, cấp thành, cấp quốc gia như những cỗ máy, con vẹt nhưng lại quên đi cái nền móng của nền giáo dục!

Học sinh thì bị ép học, học nữa, học mãi theo gương của lãnh tụ mà suy cho cùng cũng chẳng hấp thụ được bao nhiêu kiến thức quan trọng.

Thành tích bắt buộc nên học trò lại cứ phải học thêm. Sáng đi học, chiều tối lại cặm cụi đi học thêm, học luyện thi, để có điểm tốt, để trúng tủ đề thi, để được thầy cô giáo nâng đỡ…

Thầy cô thì quên đi trọng trách cao cả của nghề dạy học. Cũng phải bươn chải kiếm sống bằng cách dạy thêm. Suy cho cùng đồng tiền đã chi phối toàn xã hội. Ai cũng nghĩ đến tiền. Học trò, phụ huynh, thầy cô giáo và cả hệ thống giáo dục: phải có tiền để vào trường tốt. Phải có tiền để con học thêm. Phải có tiền từ dạy thêm để nuôi sống gia đình!

Bất chợt người viết nhớ lại cái thời học trò trong nước. Cũng chỉ vì muốn trở thành bác sĩ (MK, cũng phải là bác sĩ), mà cha mẹ chạy đôn, chạy đáo kiếm tiền cho con đi học luyện thi!

Mà phải học từ lớp 10 lận! Sáng đi học ở trường. Trưa đạp xe về nhà ăn cơm, xong lại đạp xe, “chạy xô” đi học luyện thi, hết Toán, Hoá rồi Sinh, đến gần 21 giờ mới về nhà.

Ngày nào cũng thế. Trong suốt 2 năm…

Cha mẹ đóng tiền học luyện thi. Nhớ học môn Sinh vật. Cô giáo là giảng viên đại học Y. Cha đưa một chiếc nhẫn, cả chỉ vàng (?) cho cô giáo, vì không có tiền mặt. Hình ảnh ấy là một cơn ác mộng đeo đuổi người viết đến tận bây giờ!

Nhiều ông thầy, bà cô coi như làm giàu nhờ dạy luyện thi. Thậm chí in tờ rơi quảng cáo có học sinh đậu thủ khoa trường A hay B. Mà họ giàu thật. Cứ mùa luyện thi là hốt bạc…

Tất cả những kỷ niệm ấy tưởng chừng chỉ tồn tại trong thời bao cấp, đói khổ hay mới mở cửa. Ai ngờ đã vào thế kỷ 21 rồi nhưng nền giáo dục tại quê nhà vẫn không đổi thay.

Thậm chí đạo đức bị suy đồi trầm trọng. Từ trò đến thầy cô, không còn sự tôn trọng lẫn nhau. Cái gì cũng phải hơn thua nhau và bạo lực là giải pháp duy nhất để giải quyết mọi mâu thuẫn: giữa học trò, giữa thầy trò, giữa ban giám hiệu với thầy cô giáo…

Bạo lực xuất hiện khắp nơi, kể cả trong sách giáo khoa, để gieo rắc sự hận thù trong tâm trí của học sinh các cấp.

Bạo lực chính là giải pháp tối ưu trong toàn xã hội!

Biết bao giờ người cộng sản mới thức tỉnh để hiểu rằng phải có một nền giáo dục nhân bản và khoa học thì đất nước mới phát triển.

Có giáo dục vững mạnh thì kinh tế, khoa học kỹ thuật cũng phát triển vì có nhân tố con người tiến bộ để tác động vào guồng máy xã hội.

Dường như người cộng sản chỉ tập trung vào sự cai trị chính trị. Họ vứt bỏ giáo dục vì họ ngại yếu tố con người tiến bộ, có trách nhiệm và được đào tạo bài bản. Những nhân tố ấy là mối đe doạ cho sự tồn tại của chế độ. Chẳng thà đào tạo một tầng lớp chỉ biết đua đòi, tham lam, vô trách nhiệm trong một nền giáo dục lạc hậu và bạo lực còn hơn những tiếng nói phản biện và can đảm.

Thầy trò đánh nhau. Công dân vác dao, mã tấu đâm nhau vì những bất đồng trong xã hội. Cứ mâu thuẫn là lấy bạo lực để giải quyết. Đó là thảm trạng của một nền giáo dục độc tài, lấy bạo quyền và đồng tiền làm kim chỉ nam.

Một sự tụt hậu được báo trước từ gần nửa thế kỷ qua nhưng không hề được quan tâm bởi bộ máy cầm quyền!

Chẳng phải Nelson Mandela đã từng nói: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta có thể thay đổi thế giới”.

Chính cái vũ khí ấy khiến mọi chế độ độc tài phải sợ hãi và không muốn phát triển nền giáo dục.

Đáng buồn, Việt Nam cũng không là một ngoại lệ!

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. “Dường như người cộng sản chỉ tập trung vào sự cai trị chính trị. Họ vứt bỏ giáo dục vì họ ngại yếu tố con người tiến bộ, có trách nhiệm và được đào tạo bài bản”
    @
    Sai lầm rất nghiêm trọng!
    CS rất chú trọng đến giáo dục – đào tạo, vì đây chính là công cụ để chế tạo ra con người như ý muốn của CS nhằm mục tiêu đưa tới những gì như đang xảy ra trong xã hội và trong học đường mà anh đang ta thán bằng bài viết này đấy.
    Ở tuổi học trò là những màn bạo lực giữa trò và trò, giữa thầy cô và học trò và ngược lại v.v..
    Đám học trò này lớn lên, ra đời, sẽ đưa đến hiện trượng như anh đang thấy về mối quan hệ giữa người và người bấy lâu;
    ai cũng đã và đang thấy, kể ra thêm mất công dài dòng.

    Họ đang chuẩn bị sớm đưa ra chương trình học tiếng Tàu, trước hết cho bậc tiểu học và , sau một thời gian rút kinh nghiệm, đưa lên cả bậc phổ thông ở tất cả các cấp!
    Dọ dẫm thấy thành công, họ sẽ leo thang cổ suý cho tiếng Tàu xa hơn nữa, lan rộng thêm nữa, và khiến cho cả dân tộc nầy nói tiếng Tàu, quên đi 1000 năm trong GIA TÀI CỦA MẸ, và yêu nước Tàu!

    Trong 10, 20, 30 năm nữa. Ai biết được?

    TẤT CẢ ĐỀU DO BÀN TAY ĐẠO DIỄN CỦA TC BẤY LÂU; DIỄN VIÊN LÀ NHỮNG AI?
    CHÚNG TA ĐANG THAN THỞ, NHƯNG BỌN HỌ ĐANG CƯỜI ĐẮC THẮNG.

  2. Một nền giáo dục, dù muốn dạy gì học gì đi nữa thì điều tối thiểu cũng phải là: thày ra thày, trò ra trò.
    Không có được điều đơn giản đó, nền giáo dục Việt Nam còn gì để nói ?

  3. Bệnh thành tích, không biết câu này xuất hiện từ bao giờ ,nếu thành tích đó cuối cùng được thể hiện bằng những sản phẩm tốt , những tư duy tốt ….thì là điều tuyệt vời bởi nó chính là mục đích của học tập mà cả thế giới phải thực hiện. Qua đó cho thấy những thứ mà Vn coi là thành tích học tập, thực ra chỉ là những chỉ tiêu của những người làm giáo dục nhưng không hiểu về giáo dục ,mò mẫm tự đặt ra ,nó chỉ có tác dụng để trang trí hơn là giá trị thật…. Dễ hiểu nhất, hãy nhìn trong quá khứ, những học sinh xuất sắc nhất, đủ điểm được ra nước ngoài học tập, nhưng không bao giờ họ có thể tiếp thu được hết học thuật của phương tây, bởi vậy cái khốn khó nó cứ bám đuổi mãi ….

Comments are closed.