Góp ý với các nhà báo: Giảm thiểu tối đa

Nguyễn Thông

27-11-2023

Hiện trên mặt báo quốc doanh, người đọc thường xuyên nhai phải cục sạn “giảm thiểu tối đa”. Mà không chỉ nhà báo (phóng viên, biên tập viên) dùng sai, ngay cả nhiều ông bà lãnh đạo, làm tới chức bộ trưởng, phó thủ tướng, thủ tướng, ủy viên trung ương cũng cứ “giảm thiểu tối đa”. Họ nói, họ viết như mê ngủ, hoàn toàn không hiểu nghĩa của cụm từ này. Càng dịp cuối năm, sơ kết, tổng kết nhiều, càng nhan nhản “giảm thiểu tối đa”.

Trong cụm từ “giảm thiểu tối đa” ta thấy toàn từ Hán Việt. Trong đó, “tối” nghĩa là hết sức, hết mức, nhất, để chỉ sự cao nhất, nhiều nhất, đỉnh; ví dụ: tối ưu (tốt nhất), tối mật (bí mật nhất), quy chế tối huệ quốc (quy chế cho nước được nhiều ưu đãi nhất).

“Đa” là nhiều, lắm; tối đa là nhiều nhất, nhiều hết mức; ví dụ: Đa mưu là lắm mưu, đa dục là nhiều ham muốn, ham muốn hết mức. Văn cổ có câu “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”, tức là chỉ cần tinh chất mà không cần nhiều, thà ít mà chất lượng cao, còn hơn nhiều mà thấp (trong tiếng Việt, “quý hồ” nghĩa là miễn sao, chỉ cần); hoặc truyện dân gian có câu “đa mao thiểu nhục, tắc phù” nghĩa là nhiều lông ít thịt thì nổi (trong truyện, câu này để chỉ con vịt. Nghe anh thư sinh nói vậy, anh ít chữ mới vặn, thế cái thuyền kia thì lông đâu, thịt đâu mà nó vẫn nổi).

Đối lập với đa là thiểu. “Thiểu” nghĩa là ít. Ví dụ: Thiểu số là số ít; dân tộc thiểu số tức là dân tộc có ít người (so với người Kinh); thiểu năng là khả năng, năng lực, cái sức làm bị hạn chế; tối thiểu là ít nhất.

Theo cái cách dùng từ của các nhà báo và mấy vị lãnh đạo kia, ý họ muốn nói “giảm thiểu tối đa” là hạ xuống, giảm xuống còn ít nhất.

Khổ nỗi, không ai lại trái khoáy cưỡng ép, gán ghép “thiểu” với “đa” vào nhau như vậy. Đã “thiểu” lại còn “đa”, nghe như chọc vào lỗ tai. Đã ít chữ, hiểu không hết, thì tại sao không diễn đạt đơn giản, chẳng hạn “giảm tối đa”, “giảm nhiều nhất”, “giảm xuống mức thấp nhất”.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Tiếng Việt rất giàu nghĩa,tùy theo vị trí cũa từ trong cặp đôi,cặp ba mà có nghĩa khác nhau rất phù hợp.Nó trái nhau là do ý nghĩ chủ quan , mỗi người.
    –Giảm thiểu tối đa,thì tối đa ở đây là giảm thiểu hết mức.Cặp 4 từ này ông cha ta đã dùng từ xưa cho đến nay,chỉ có tác giả này mới cho là chúng có nghĩa chọi nhau.
    –Thiếu đói,thì phải hiểu thiếu thốn gây ra đói rách.Muốn diễn tả thiếu/không có đói thì phải thêm mạo từ như thiếu cái/sự đói.Mọi người đều hiểu thiếu đói là thiếu thốn đói rách.Tôi e chỉ mình tác giả muốn hiểu/diễn tả thiếu sự/cái đói bằng căp từ thiếu đói mà thôi.

  2. Một trong những chữ nghĩa …làm lùng bùng lỗ tai là THIẾU ĐÓI “nhiều hộ còn thiếu đói”,.
    hai chữ dính liền nhau đã tạo nên một từ trái nghĩa. Thiếu đói tức là không đói nữa ? Dĩ
    nhiên, thiếu đói là do nói tắt : thiếu thốn+ đói nghèo.
    Cũng có vô số nhiều chuyện cười phát sinh do nói tắt các chữ đầu mà ra như trên.

  3. Ôi, cái sự đời nó đã vậy “xấu hay làm tốt . . .” . Các ngài ấy sính dùng chữ mà . Chắc chắn , trong ý nghĩ của các ngài ấy hiểu là cần “giảm cái gì đó xuống đến mức ít nhất, thấp nhất” . Nhưng, họ lại tọng ngay cái chữ “tối đa” vào đây, thành ra nó xung đột nhau càng dữ .
    Giảm là bớt đi, trái với chữ gia là tăng thêm ( đông y hay dùng gia-giảm liều lượng ) . Nếu, các ngài ấy dùng “giảm tối đa” hoặc “giảm tối thiểu” thì xác đáng quá . Đằng này, lại dùng “giảm thiểu tối đa” như chọc vào lỗ tai người ta là phải rồi .

  4. Cần vụ của tổng bí thư Lê Duẩn vào bẩm rằng :”Có người tự xưng là bạn học cũ của bác xin được vào gặp.”
    Lê Duẩn quắc mắt quát :” Tao có đi học bao giờ đâu mà có bạn.”

Comments are closed.