23-11-2023
Tiếp theo Kỳ 1
Khi con trai tôi được 6 tháng tuổi thì tôi lại bị chảy máu dạ dày. Tính cả hai lần hồi ở bộ đội thì đây là lần chảy máu thứ tư và cũng là lần nặng nhất. Bạn bè lại đưa tôi đến bệnh viện Đống Đa, nơi tôi đăng ký bảo hiểm y tế. Giống như cách đó một năm, sau khoảng một tuần tiêm thuốc cầm máu, mọi việc lại ổn. Chỉ có điều do lần này máu ra nhiều nên sức khoẻ của tôi lâu hồi phục hơn lần trước.
Một buổi chiều, bác sỹ trưởng phòng Nội tên là Nga đi thăm bệnh nhân. Chị đến bên giường của tôi và hỏi tôi có muốn thử chữa theo phác đồ của chị không. Chị đang theo đuổi một đề tài chữa viêm loét dạ dày kết hợp giữa thuốc đặc trị và các loại thuốc kháng sinh hỗ trợ khác. Tôi như người sắp chết đuối, cứ thấy cái gì bám được là bám, nên đồng ý để chị đưa vào chữa thử nghiệm. Muốn vậy thì tôi phải đi nội soi để đánh giá mức độ viêm loét. Trước đó tôi chỉ nghe mọi người kể về nội soi và thấy rất hãi hùng. Nhưng nay chính tôi phải
Khoảng một tuần sau, cũng đúng vào ngày lấy thuốc, nên trên đường đi đến cơ quan, tôi tạt vào bệnh viện. Tôi lên phòng của bác sỹ Nga bằng những bước chân đã khá vững chắc. Nhưng tôi vừa thò đầu vào thì bác sỹ Nga, nét mặt khác thường vội hỏi ngay: “Anh đến đây với ai hay đi một mình?”
Tôi hồn nhiên bảo với bà là có bạn tôi đang chờ bên dưới. Bà bác sỹ hỏi theo lối như muốn tôi khẳng định: “Kể như người thân của anh?”.
Tôi gật đầu. “Vậy để cho tôi gặp anh ấy, tôi có chuyện muốn bàn với anh ấy-như sợ tôi đoán ra điều gì, bà bác sỹ nói tạt đi-phác đồ của tôi cần sự phối hợp giữa bệnh viện và gia đình, tôi cần phải nói với người thân của anh những yêu cầu của chúng tôi để việc chữa trị tốt nhất”.
Trong khi nói như vậy, tôi thoáng thấy một lần bà bác sỹ ái ngại nhìn tôi khi thấy tôi nói đùa khiến mọi người cùng cười. Hình như trong ánh mắt bà bác sỹ có cả sự thương cảm, kiểu thương cảm một người sắp chết mà không biết nên vẫn có thể đùa được. Ngay lập tức tôi nhớ ra là cũng đã đến ngày có kết quả sinh thiết tế bào. Cái giọng hỏi thăm người nhà thế này là có chuyện rồi. Chắc kết quả sinh thiết xấu, nói thẳng ra là tôi bị ung thư nên bà bác sỹ mới cần gặp người nhà của tôi để thông báo riêng.
Thật tình khi nghĩ như vậy tôi thấy hơi bị sốc. Nhưng sau đó một vài phút, định tâm lại, tôi bỗng cười phá lên. Ồ không, làm gì có chuyện ấy-tôi nghĩ một cách bình thản kỳ lạ mà chính tôi cũng không ngờ. Bà bác sỹ đang đi tìm bạn tôi, bị tôi chặn lại, hỏi bằng thứ giọng “Trông chết cười ngạo nghễ” – như lời một bài thơ: “Chị tìm bạn tôi làm gì? Cứ nói thẳng với tôi đi!”.
Chị Nga nhìn tôi một cách trìu mến: “Anh cứng rắn như vậy thật sao? Nếu anh đã cứng rắn như vậy thì tôi không giấu nữa, kết quả sinh thiết không được khả quan lắm, có dấu hiệu loạn sản. Nhưng tôi nói luôn với anh là nhiều trường hợp như vậy sau một thời gian thì lại bình thường. Tôi mong trường hợp của anh cũng thế”.
– Có vậy thôi mà định giấu tôi – Tôi nói bẳng thứ giọng trách móc pha bỡn cợt.
Sau đó chị Nga cũng vẫn gặp Đoan. Hai người trao đổi với nhau một lúc rồi khi trở ra tôi thấy nét mặt Đoan đầy ưu tư.
Sau này tôi mới biết, tờ giấy kết quả bệnh viện đưa cho Đoan có dòng chữ xanh lét: Ung thư di căn giai đoạn cuối. Cũng mãi sau này tôi mới biết, mỗi lần gặp nhau qua điện thoại với Đoan, chị Nga lại nhờ Đoan xem đã thấy nổi hạch ở cổ tôi chưa!
Về phần mình, không hiểu sao tôi quyết không tin mình lại sắp chết. Điều an ủi lớn nhất, liều thuốc tốt nhất cho tôi những ngày ấy là hầu như đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy bà nội. Bà liên tục ở bên cạnh tôi và như để canh phòng bất trắc gì đó.
Một hôm, đương nhiên là trong giấc mơ, tôi vừa múc gáo nước đổ ra chậu để rửa mặt, thì thấy một con cá quái không biết đâu là đầu, đâu là đuôi. Tôi chỉ thấy rõ cặp mắt đỏ đọc của nó đầy vẻ nanh ác. Con cá lao vun vút trong chậu, trơn nhẫy, không sao tóm được vào người nó. Có vẻ như nó rất coi thường tôi, hoàn toàn làm chủ tình thế và nắm trong tay những gì cần thiết để tôi không thể làm gì được. Một con “dị ngư” luôn gợi đến tai ương-trong mơ tôi cũng nghĩ như vậy và thấy sợ hãi run bắn cả người, chỉ muốn co chân bỏ chạy, nhất là khi con cá quái cứ nhoi lên muốn lao thẳng vào tôi.
Đúng khi tôi cảm thấy rất rõ mình đã bị dồn đến chân tường, thì có thể nói là tức thời, bà nội tôi xuất hiện, trong tay cầm cây gậy ngắn trông giống cái chày giã cua. Bà bảo cứ để nó đấy cho bà. Rồi bằng vẻ mặt khá đáo để, bà dùng gậy vụt thẳng xuống con cá khiến nó bay ra xa. Xong bà đứng chống nạnh bảo: “Nó không dám quay lại và không làm gì được con nữa đâu”.
Tôi tỉnh dậy khi trời đã sáng rõ mà vẫn chưa hết bàng hoàng.
Hôm đó cũng là ngày cuối cùng của tháng hai âm lịch. Vào lúc sẩm tối thì nhà thơ Hữu Thỉnh, nghe ai đó báo tin, gọi điện đến hỏi thăm tôi. Tôi cười cười thông báo với ông là tôi bị ung thư. Hữu Thỉnh bảo: “Vớ vẩn, tôi bấm cho chú rồi, sang tháng ba là hết hạn”. Tôi cảm ơn ông cho phải phép nhưng không khỏi buồn cười. Từ nay đến sang tháng Ba chỉ còn đúng có một đêm…
Và cái đêm cuối tháng hai ấy tôi nằm xuống là ngủ ngay, tuyệt đối không ám ảnh bất cứ điều gì. Rồi tôi nằm mơ có một bông hoa sen, sắc phơn phớt hồng, cứ nở xoè cánh ra trong bụng tôi. Chả hiểu sao tôi lại nhìn thấy bông sen rất rõ và còn thấy cả mầu sắc của nó nữa. Nó nở đến đâu, cảm hứng dâng tràn lên trong tôi đến đấy. Tôi cảm thấy ngây ngất một niềm yêu đời. Mặc dù trong giấc mơ nhưng tôi vẫn còn tự nhủ rằng, hình như trước khi chết người ta cũng tràn ngập cảm hứng như thế này.
Sáng dậy tôi cứ tưởng bây giờ mới là lúc nằm mơ. Tôi gọi vợ cốt để xác định mình hoàn toàn đang thức. Bằng chứng hùng hồn nhất là tôi thấy mặt trời đỏ rực phía bên ngoài cửa sổ. Mình không hề nằm mơ, đó là điều chắc chắn. Tôi kể lại cho vợ tôi nghe về giấc mơ thì cô ấy mừng lắm, bảo: Vậy là anh qua cơn hạn rồi. Tôi định hỏi làm sao cô lại nghĩ như vậy nhưng nhìn vợ tôi đang hy vọng, tôi không nỡ hỏi. Nhưng sự thật thì không thể bịa ra được. Sáng hôm ấy, mồng một tháng ba âm lịch năm 1997, tôi lôi xe máy ra phi đến cơ quan như một người hoàn toàn khoẻ mạnh. Không ai nghĩ vừa mới chiều hôm trước tôi đi phải vịn, chỉ qua một đêm đã phóng xe máy vù vù.
(Còn nữa)