Ngay tiêu đề bài báo đã sai

Thái Hạo

26-10-2023

Ảnh chụp màn hình

Cái sai thứ nhất là về tiếng Việt: Rối, rườm, không chặt chẽ. Thêm nữa, hai chữ ‘vừa lòng’ trong câu hỏi này rất dễ gây… xung đột, vì trong tiếng Việt một khi hỏi “Tôi phải làm gì để anh/ chị vừa lòng đây” thì đó không phải một câu hỏi thiện chí, nó mang tính trách móc, chỉ trích và công kích.

Cái sai thứ hai là báo đã không nắm được quy định nên mới đặt ra câu hỏi như thế này. Phải nói ngay rằng, trong quy định không hề có cái gọi là “quỹ phụ huynh” hay quỹ lớp, quỹ trường, nên bài báo đặt ra vấn đề về việc đóng bao nhiêu thì đã sai ngay từ đầu. Vì có đâu mà phải đóng! TP.HCM cũng đã lên tiếng chính thức phủ nhận cái quỹ này và cấm thu cách đây khoảng nửa tháng.

Bài báo này cũng dẫn lời một vị hiệu trưởng, nói “nên để phụ huynh tự lựa chọn việc có hay không có quỹ lớp”. Xin thưa, không thể để phụ huynh quyết định một nguồn tài chính không có trong quy định, vì điều này là vi phạm pháp luật. Đừng đá quả bóng vào chân họ.

Thông tư 55 chỉ quy định về “kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh”, không hề có cái gọi là “quỹ”. Nguồn kinh phí này cũng được quy định rõ ràng, là “có được từ sự ủng hộ tự nguyện của cha mẹ học sinh và nguồn tài trợ hợp pháp khác”, và “Không qui định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh”. Cho nên, báo đặt ra câu hỏi ĐÓNG bao nhiêu (cho vừa lòng) là một cách đặt vấn đề sai hoàn toàn.

Bây giờ nói đến “hoạt động của ban đại diện”. Vậy cái ban này có những hoạt động gì theo quy định? Họp, họp và họp. Mỗi năm họp thường kỳ ba lần, có thể phát sinh thêm họp bất thường nếu có quá 50% phụ huynh yêu cầu. Sau khi họp rồi thì phổ biến lại cho phụ huynh cả lớp/trường.

Bởi vì, cơ bản hoạt động của ban đại diện là chỉ có họp và họp như thế nên chuyện kinh phí của nó không phải là vấn đề nữa. Và đây cũng chính là lý do mà thông tư 55 chỉ quy định cách huy động nhẹ nhàng như đã nêu trên.

Tóm lại, từ chuyên mục Vấn đề hôm nay trên VTV1 đêm qua mà tôi đã bình luận cho đến những bài báo thế này, tôi nhận thấy rằng thay vì căn cứ vào các quy định hiện hành và dựa trên một tư duy rạch ròi để giải quyết căn cơ và dứt điểm những bùng nhùng về nạn học thêm và loạn thu thì cuộc thảo luận từ phía chính quyền, ngành giáo dục cho đến báo chí lại chủ yếu đang tập trung vào việc vá víu, cố loay hoay tìm những giải pháp nhằm hợp thức hóa cái bất hợp lý và sai trái. Điều đó không thể chấp nhận.

Cả hai vấn đề trên (học thêm và loạn thu), đứng về phía quản lý nhà nước, theo tôi việc giải quyết nó dễ như trở bàn tay. Nhưng không hiểu sao cứ bàn tán mãi, các vị rảnh đến thế sao?

Muốn một nền giáo dục trong lành, tử tế và tiến bộ, phải thẳng thắn nhìn nhận và dũng cảm cắt phăng những ung nhọt, đừng thoa thuốc ngoài da nữa.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. N.Đ.K

    (“Hội phụ huynh” là cách gọi trước đây, còn tên chính thức trên văn bản giấy tờ bây giờ là “Ban đại diện cha mẹ học sinh”, giống kiểu như “thu phí” với “thu giá” vậy).

    Với kinh nghiệm 3 năm liền làm Trưởng ban đại diện CMHS lớp, Phó trưởng ban đại diện CMHS trường (ở một trường tiểu học tại TP.HCM) tôi cho rằng Bộ Giáo dục & Đào tạo nên cân nhắc bỏ hẳn cơ cấu “Ban đại diện CMHS” hiện nay tại tất cả các trường công.

    Theo dõi câu chuyện lạm thu hơn 15 năm nay ở các trường (kể từ khi mới bước chân vào nghề báo, cho đến khi thực tham gia trực tiếp vào hoạt động của ban đại diện CMHS mới đây) tôi thấy hoạt động chủ yếu, tích cực và xuyên suốt của hầu như tất cả các ban đại diện chỉ có một, đó là: THU TIỀN QUỸ.

    Thực ra cũng không cần trải nghiệm thực tế, chỉ để ý quan sát một chút cũng thấy ngay, đầu mối của tất cả các khoản lạm thu được phản ánh trên báo chí những năm trước và thời gian gần đây đều ở một chỗ đó là: BAN ĐẠI DIỆN CMHS (HỘI PHỤ HUYNH).

    Vậy mà, thật đáng ngạc nhiên, bấy lâu nay chưa thấy ai đặt câu hỏi về việc có nên hay không để tồn tại một cơ cấu ban đại diện CMHS này trong các trường công?

    Qua trải nghiệm ba năm trong ban đại diện của mình quả thực tôi thấy vai trò của ban đại diện CMHS trong việc phối hợp, hỗ trợ nhà trường trong việc nuôi – dạy các con là vô cùng hạn chế. Hạn chế đến mức, tôi có thể nói chắc rằng có hay không ban đại diện CMHS cũng không ảnh hưởng gì đến chất lượng dạy – học và hoạt động của học sinh tại trường.

    Vậy tại sao các Ban đại diện CMHS vẫn được lập ra? Và ai sẽ là người sốt sắng lập nên Ban đại diện CMHS này nhất? – Xin thưa, tất cả những ai từng có con học trong hệ thống trường công đều có thể dễ dàng trả lời ngay đó là: BAN GIÁM HIỆU.

    Như đã nói ở trên, nếu không có cơ cấu gọi là ban đại diện CMHS các ban giám hiệu các trường chắc chắn sẽ gặp khó khăn với các khoản tiền cần “xã hội hóa” hàng năm để: mua máy chiếu, mua tivi, mua rèm cửa… vân vân và vân vân. (Một điều kỳ lạ là năm nào cũng có những khoản kiểu như thế này, như thể sau mỗi năm học, qua một kỳ nghỉ hè, ngôi trường lại rơi vào thế giới của Kafka, trang thiết bị năm cũ đột nhiên biến mất hết không một dấu tích vậy).

    Mỗi lần nghe các vị lãnh đạo các trường lên báo chí giải thích về các khoản thu của cha mẹ học sinh đều là “tự nguyện”, “đồng thuận”… nói thật tôi thấy buồn nôn kinh khủng (“mắc ói dễ sợ” – nói theo kiểu miền Nam).

    Cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị là gì?

    – Là bóng gió gợi ý (nhiều khi là thẳng tuột luôn), là giả đò lấy ý kiến, rồi phổ biến cho ban đại diện trường, rồi đưa xuống cho giáo viên chủ nhiệm, đưa xuống cho ban đại diện lớp, rồi lấy biểu quyết ở lớp theo cùng một mô-típ như sau: Sẽ có vài vị phụ huynh có điều kiện đứng lên ủng hộ nhiệt thành, thậm chí còn đòi tăng thêm các khoản đóng góp. Sẽ một vài ý kiến yếu ớt chất vấn, hay phản đối. Sẽ nói qua nói lại một hồi, rồi hết thời gian họp phụ huynh. Biểu quyết. Đa số đồng ý. Xong.

    Khốn thay, trong một trường, hay một lớp học bao giờ cũng thế, những gia đình, những phụ huynh có điều kiện nhất là những người mạnh miệng (lớn tiếng) nhất. Ở chiều ngược lại, những gia đình, những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nhất lại chính là những người ít có tiếng nói nhất. Họ là những người yếu thế. Họ không dám lên tiếng. Hoặc có thể tệ hơn, vừa nghe đến những khoản thu kiểu như vậy thì họ đã ngay lập tức xây xẩm mặt mày, vội nghĩ cách xoay xở cho ra cái khoản đó để kịp đóng góp cho con, chứ làm gì đã nghĩ đến chuyện lên tiếng phản đối hay chất vấn.

    Như thế, cái gọi là “tự nguyện”, là “đồng thuận” của quý vị thực ra chỉ là “ném đá giấu tay”, mượn tay ban đại diện thực hiện các mục tiêu của mình, và lấy đa số (to tiếng) áp đặt thiểu số (yếu thế) không có tiếng nói.

    Nói đến đây tôi chắc phải dừng lại một chút, để có vài lời thanh minh. Thứ nhất, tôi không nói tất cả các trường, các ban giám hiệu đều như thế (bản thân tôi cũng đã có may mắn gặp được những thầy, cô giám hiệu thực sự hết lòng vì các con), nhưng hầu như chắc chắn các trường có chuyện lạm thu phụ huynh đều như thế. Thứ hai, có lẽ mọi phụ huynh đều nghĩ những khoản quỹ đóng góp cho ban đại diện CMHS là để lễ tết thầy cô, để tỏ lòng biết ơn. Nhưng thực tế, như cá nhân tôi nhìn nhận, quả tình thầy cô cũng không có mặn mà gì với các món quà của phụ huynh đâu, họ thường cảm thấy miễn cưỡng, khó xử khi nhận được các món quà này hơn là thích thú. Trong đa số trường hợp, thầy cô, nhất là thầy cô chủ nhiệm cũng là nạn nhân của nạn lạm thu này (vừa chịu o ép từ trên ban giám hiệu, vừa phải chịu tiếng oan o ép phụ huynh)

    Nói tiếp về chuyện lạm thu. Việc lạm thu của Ban đại diện CMHS diễn ra ở tất cả các cấp học, nhưng nó đặc biệt tệ hại với cấp tiểu học và trung học cơ sở. Nhà nước đã chủ trương miễn học phí để mọi trẻ em đều có thể đến trường, phổ cập tiểu học (tiến tới phổ cập trung học cơ sở), thế nên, việc lạm thu đầu năm ở các trường không gì khác là phá hoại chính sách đúng đắn, nhân văn này.

    Điều cuối cùng, nếu cần có tiếng nói, có sự tham gia của cha mẹ học sinh trong việc giáo dục con cái tại trường, chúng ta có thể cân nhắc thiết lập một mô hình khác hiệu quả hơn đó là thiết lập các học khu (có thể phân theo phường, xã), mội học khu sẽ có một Ban giám học là đại biểu nhân dân, giáo chức về hưu hoặc những nhà chuyên môn khác có quan tâm đến giáo dục, để hỗ trợ, theo dõi, giám sát hoạt động giáo dục tại tất cả các trường công trong phạm vi học khu của mình. Tôi tin, “Ban giám học” này sẽ có nhiều chuyên môn, trách nhiệm và sẽ có khả năng mang lại hiệu quả hỗ trợ, giám sát, nâng cao chất lượng giáo dục các trường công tốt hơn nhiều các “Ban đại diện CMHS” hiện nay.

    NĐK

  2. Cái sự nạo vét tiền dân nó đã kết thành tầng thành lớp.
    Phụ huynh đóng tiền quỹ, tiền học thêm cho cô giáo, cho hiệu trưởng.
    Hiệu trưởng có quà cho phòng, cho sở giáo dục.
    Phòng, sở giáo dục có quà cho chủ tịch huyện, tỉnh.
    Chủ tịch huyện, tỉnh mang va li đầy chặt tiền lên cảm ơn trung ương đảng, cảm ơn bộ chính trị.
    Cái khối dính chặt với nhau bằng văn hóa phong bì ấy đã kết thành vầng, thành tảng quanh cái xác con tàu mục ruỗng sắp sửa chìm nghỉm XHCN ấy.

Comments are closed.