Đỗ Nam Cao không hề thấp (Kỳ cuối)

Nguyễn Thông

14-10-2023

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

Thi sĩ Đỗ Nam Cao có bản sơ yếu lý lịch đậm màu chiến tranh. Ông học khóa 11 Khoa Văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội (ngôi trường danh giá nhất miền Bắc thập niên 50 – 70). Đó là cái nôi nuôi dưỡng rất nhiều nhà văn, nhà thơ, văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, thậm chí cả nhà chính trị lừng danh xứ này.

Tôi không “nghe hơi bắc nồi chõ”, không nghe qua trung gian nào, mà trực tiếp từ bác Cao kể, trò chuyện, nhiều lần chứ không chỉ một lần. Đơn giản bởi tôi là đàn em đồng môn của bác, học khóa 17, khi vào thì bác đã ra trường. Nhưng sau 1975 thì hai anh em có nhiều dịp gần gũi. Cái tình đồng môn thuở ấy nó sâu đậm và cụ thể lắm. Chuyện này tới cuối bài tôi sẽ nhắc.

Đỗ Nam Cao tốt nghiệp tháng 11.1970. Khi bản luận văn viết tay, được bảo vệ trong lán học giữa rừng Đại Từ (Thái Nguyên), nói theo cách văn vẻ là chưa ráo mực, thì cử nhân văn chương Đỗ Nam Cao đã xung phong lên đường vào Nam, cùng với các bạn Nguyễn Thế Khoa, Bế Kiến Quốc, Vũ Ân Thi, Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Kim Cúc…

Ảnh: Nhà thơ Đỗ Nam Cao chụp lúc vừa tốt nghiệp đại học. Nguồn: Hội Nhà văn VN

Thời ấy người ta hăng vậy, kiểu “con đường ra trận là con đường vui”. Gặp thời thế, thế thời phải thế. Những Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Phan Nhật Nam của phía bên kia cũng vậy thôi. Không trách được. Nhưng chính trị thì nó khốn nạn, nhẽ ra khi “bếp lửa nhân quần ấm tối nay/ chút rượu nồng đây xin rưới xuống/ giải oan cho cuộc bể dâu này” (thơ Tô Thùy Yên) trong cái thời điểm sau 30.4 thì nó lại bắt người ta đi cải tạo, đi tù, thậm chí mất xác nơi rừng xanh núi đỏ.

Bác Cao học cấp tốc khóa 4 trường bồi dưỡng viết văn cùng nhiều anh chị văn-sử K11 như Thế Khoa, Trần Thị Thắng, Hà Phương, Vũ Ân Thi… (văn), Phạm Quang Nghị, Trần Đức Cường, Phan Xuân Biên, Nguyễn Khắc Thuần… (sử) rồi ba lô khăn gói vào chiến trường tháng 4.1971. Nhiều người sau này thành danh, thậm chí ông nọ bà kia khi theo ngả chính trị. Vào tới tận Tây Ninh, làm việc ở Trung ương cục, bác Cao là người lính thực thụ, vừa cầm bút vừa cầm súng, lăn lộn xông pha khắp các chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ.

Sự sống cái chết luôn cận kề, viết được bài thơ có khi chứa trong đó bao nhiêu máu và nước mắt của mình lẫn đồng đội. Đọc 33 bài thơ Đỗ Nam Cao viết trong tập thơ “Những cánh cò lửa” in chung với Nguyễn Khắc Thuần, ta thấy rõ điều đó. Giữa đạn bom, sinh tử, thì một chữ cũng quý chứ đừng nói cả bài. Thơ Đỗ Nam Cao, cũng như thơ của Trần Vũ Mai, Thanh Thảo, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật… là thứ văn nghệ ra đời từ chiến hào khét lẹt thuốc súng, chứ không phải như người ta “khép cửa phòng văn hì hục viết”. Chỉ có điều, hậu chiến, người ta đối xử rất không công bằng, thậm chí vô cùng tệ hại với nhà thơ Đỗ Nam Cao.

Năm 1996, xin nghỉ dạy học, tôi đầu quân về báo Thanh Niên. Lại gặp bác Cao. Nói “lại” bởi từ năm 1977 tôi đã được “hội kiến”, đàn đúm, thỉnh thị bậc đàn anh rồi. Nhớ dạo năm 1980 đói quá, thấy chúng tôi quắt queo như tàu lá héo, bác Cao bàn với anh Nguyễn Cao Cấp (khóa 12) tìm cách cứu chúng tôi trước khi trời cứu. Bác làm bên cơ quan văn hóa nên kiếm được hàng là pa nô, khẩu hiệu, nội quy cơ quan, lôi về cho chúng tôi kẻ vẽ. Cả đám gồm Lê Xuân Đố (đồng khóa với bác Cao, ở bên đài nhưng rách lắm), tôi, thầy Lưu Văn Trường, thầy Nguyễn Thế Hùng bò lê bò toài kẻ kẻ vẽ vẽ, chổng mông chổng tĩ lên, mỗi cái khẩu hiệu được mấy đồng bạc. Anh Đố vừa quẹt sơn vừa đọc thơ nghe cảm khái lắm. Vậy mà cũng chả kéo dài bao lâu, hết việc, lại đói triền miên. Có hôm anh Cao đến, nhìn mấy anh em cởi trần, gầy gò giơ xương kẻ vẽ toát mồ hôi, anh lắc đầu ái ngại, thì thầm gì đó với anh Cấp, anh Đố. Sau trả tiền công cho 3 đứa tôi, anh Cấp đưa nhiều hơn hẳn phần của anh Đố.

Về báo Thanh Niên, tôi thường xuyên gặp bác Cao bởi anh chơi thân với các sếp, nhất là anh Đặng Thanh Tịnh mà đám chúng tôi đặt cho biệt hiệu “cách mạng”. Suốt nhiều năm, số báo tết (báo xuân) nào cũng có thơ Đỗ Nam Cao. Có lần “cách mạng” bảo mày ạ, Cao là con người tuyệt vời, vào sinh ra tử, bao năm lăn lóc trong rừng dưới đạn bom, từ R ra nhưng vẫn không màng thành ông nọ bà kia, quan này chức nọ. Riêng tôi thì nghĩ, anh vốn chả ham chức tước, quan quyền, bởi bản chất anh là con người văn nghệ, tận hiến đời mình cho thơ.

Nhưng người ta, nói thẳng ra là chế độ và những người có trách nhiệm ở tầng cao, đã đối xử vô ơn với con người đạo đức, tài hoa. Có lần anh Tịnh kể với tôi, ông Cao tới giờ vẫn chưa là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam bởi người ta không kết nạp, mà ông cũng quyết không thèm luồn cúi, quỵ lụy, không xin. Trời, 30 năm (năm 2005) sau “giải phóng” vẫn bạch đinh, trong khi những người như Đỗ Nam Cao mặc nhiên phải được kết nạp vào hội. Tôi không tin, hỏi bác, bác cười nhỏ nhẹ, thôi, vào làm gì.

Rồi cứ sau mỗi lần xét tặng giải thưởng nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh, tôi âm thầm để ý xem có tên bác Cao trong danh sách không. Tất nhiên chẳng thể so tên tuổi, tác phẩm của Đỗ Nam Cao với những đại thụ như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Khoa Điềm, thậm chí Thanh Thảo… nhưng sự cận kề sống chết, làm văn nghệ nơi chiến trường có nhẽ chả ai hơn ai.

Rất nhiều người, có những vị thuộc dạng “khép cửa phòng văn hì hục viết” xúng xính với giải thưởng, còn thi sĩ chiến hào Đỗ Nam Cao vẫn nhận suất bạch đinh. Đỗ chẳng màng danh vọng, cứ miệt mài với thơ, với đất nước. Bài thơ “Gửi Trường Sa” viết năm 1987 (trước khi xảy ra trận Gạc Ma năm 1988) của Đỗ Nam Cao, như lời khẳng định của Thanh Thảo, Nguyễn Thụy Kha “đây là bài thơ hay nhất viết về Trường Sa dù đã có không ít bài thơ viết về đề tài này”.

Hôm 12.10 vừa rồi tưởng niệm 13 năm ngày mất Đỗ Nam Cao, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thấy ông Dương Trọng Dật, cựu tổng biên tập báo SGGP ngồi đó, liền bảo thưa anh Dật, báo anh có hay hay không thì chưa bàn, nhưng riêng việc in lậu 2 tác phẩm, bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao và bài thơ “Gửi Trường Sa” của Đỗ Nam Cao, hai ông Cao, vượt vòng kiểm duyệt của tuyên giáo là rất đáng nể.

Gần cuối đời, Đỗ Nam Cao ra trường ca “Hỡi cô cắt cỏ”, một bức tranh tuyệt đẹp, gần gũi, sâu đậm, ân tình về đất nước và con người, nói như Nguyễn Việt Chiến, “Thơ Đỗ Nam Cao một tài năng tuyệt bút của đất nước”. Ai còn hồ nghi, cứ gõ Gu gồ tìm đọc hai bài ấy. Và bác Cao có khá nhiều bài như vậy, thơ tỏa sáng, còn con người sinh ra nó cứ lặng lẽ âm thầm.

Vừa rồi, có người sực nhớ tới Đỗ Nam Cao và trao cho ông giải Nguyễn Đình Thi. Cũng tốt thôi, nhưng chưa xứng đáng. Đây là giải “ngoài luồng”, “phi chính phủ” của cá nhân, yêu nhau quý nhau thì trao tặng. Đó không phải sự công nhận của nhà nước, của bộ máy cầm quyền đã được bác Cao và những người như bác đổ máu, mồ hôi, nước mắt, tuổi xuân tạo dựng.

Tôi muốn hỏi ông cụ khóa 8, người học trước Đỗ Nam Cao 3 khóa, hiện quyền cao chức trọng, hỏi Hội Nhà văn Việt Nam mà đứng đầu là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hỏi những ông này bà kia có quyền sinh quyền sát trong việc ban giải thưởng (nhà nước và Hồ Chí Minh): Tại sao lại không đưa nhà thơ chiến sĩ Đỗ Nam Cao, một tài năng với những cống hiến và đóng góp đặc biệt cho văn nghệ nước nhà, văn nghệ cách mạng vào danh sách xét thưởng, trao thưởng?

Tôi nói thật, chỉ cần những bài thơ “những cánh cò lửa”, thậm chí chỉ một bài “Gửi Trường Sa” hoặc trường ca “Hỡi cô cắt cỏ” cũng đủ cho Đỗ Nam Cao ngồi vào chiếu những người được giải. Đâu có như mấy nhà văn, nhà thơ (tôi không tiện kể ra đây) chỉ bằng văn chương phòng lạnh cũng giải giếc này nọ.

Đỗ Nam Cao không cần danh mà cũng không cần tiền (giải thưởng nhà nước được kèm 306 triệu đồng, còn Hồ Chí Minh 486 triệu) bởi thi sĩ đã đi xa hơn chục năm rồi (chính xác là 13 năm) nhưng sự công bằng, đạo lý cần phải được thực thi. Đừng có để xảy ra những trái khoáy, lố lăng, vô ơn, dở khóc dở cười như đã từng xảy ra với Phạm Tuyên, Giang Nam hoặc nhà này nhà nọ.

Tôi nghĩ, nếu ông Nguyễn Quang Thiều chủ tịch hội văn bút đọc bài này thì nên nghĩ ngay tới việc làm hồ sơ xét tặng, mang tên Đỗ Nam Cao.

Đỗ Nam Cao không hề thấp như các vị nghĩ đâu. Trả giải cho bác Cao lúc này đã là quá muộn.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. ” Gặp thời thế, thế thời phải thế. Những Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Phan Nhật Nam của phía bên kia cũng vậy thôi. Không trách được.

    Khác nhau nhiều! Một bên là tự vệ, chống quân cướp nước, chống lại chế độ “truy sát dính nhân”, một bên là đi ăn cướp, xâm lăng, phục vụ thực dân đỏ cắm cờ búa liềm lên Sải Gòn, cưỡng bức người Nam theo người Bắc nhập trung, áp đặt “kinh tế chính trị mác lê” đần độn tàn ác & chế độ “truy sát doanh nhân” lên Việt Nam,

  2. Đề nghị giải thưởng cho ông Cao chính là làm thấp ông ấy xuống! Tôi từng lên rừng cầm súng trước ông Cao và khả năng dư vào TH văn những năm 1970 (các bạn học bảo “ mày vào TH văn không cần thi …” sao lại thi vào Khoa toán? Tôi nói cờ Tô Hoài, Nguyễn Tuân ,…mình không bằng, còn lằng nhằng thì không thích…Cuối cùng tôi chỉ là anh phó thường dân , không có dòng thơ,câu văn nào đăng sách báo nhưng từng tranh luận với cụ Trần văn Giàu, chất vấn Vũ Hạnh, phê phán Trần Bạch Đằng không trả lời được …!

Comments are closed.