Học văn là học cái gì?

Thái Hạo

14-10-2023

Câu hỏi này có vẻ ngớ ngẩn, nhưng lại rất cần được trả lời một cách nghiêm túc. Vì sao? Vì rất nhiều người đang hiểu và mang trong mình một quan niệm không suy xét, rằng môn Văn (Ngữ văn) là học các tác phẩm văn chương (để “làm người”, để bồi đắp tâm hồn abc này nọ), và coi đó như tất cả những gì thuộc về môn Văn.

Sự thực không hẳn như thế. Học văn là để biết sử dụng tiếng Việt một cách thành thạo, hiệu quả.

Ngôn ngữ (tiếng Việt) có 6 dạng phong cách cơ bản, bao gồm: Phong cách ngôn ngữ Sinh hoạt, Phong cách ngôn ngữ Nghệ thuật, Phong cách ngôn ngữ Báo chí, Phong cách ngôn ngữ Chính luận, Phong cách ngôn ngữ Hành chính, Phong cách ngôn ngữ Khoa học. Nghĩa là dạng văn bản nghệ thuật (văn chương) chỉ là 1 trong 6, chứ không phải tất cả như nhiều người đang lầm tưởng.

Vì thế, học môn Văn trong nhà trường là để biết cách nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt thuộc cả 6 dạng phong cách ấy sao cho đúng, hấp dẫn, lôi cuốn, và hiệu quả. Những ai coi rằng học Văn chỉ là để phân tích, cảm nhận và bay bổng cùng tác phẩm văn chương, người đó đang vô hình trung thu hẹp chức năng của môn học này một cách đáng kinh ngạc.

Thậm chí, việc đọc và viết [về] tác phẩm văn chương còn chưa hẳn đã quan trọng bằng sự thành thạo đối với 5 dạng phong cách còn lại. Vì văn chương nghệ thuật là một phương diện thuộc về năng khiếu và không hoặc rất khó bắt buộc tất cả phải am tường, nhưng ngôn ngữ báo chí, nghị luận, hành chính, khoa học thì dứt khoát phải được trang bị, vì nó gắn với đời sống hàng ngày và có vai trò to lớn trong sự phát triển của cá nhân, về mọi mặt.

Thu hẹp môn Văn lại trong việc học các tác phẩm văn chương là một sai lầm tai hại, vì nó gây ra sự khiếm khuyết và đồng thời đổ gánh nặng lên vai tất cả học sinh một cách không cần thiết. Văn chương (với tư cách là một môn nghệ thuật) nên được giáo dục theo hướng cá thể hóa, chứ không phải cào bằng.

Vậy làm sao để học tốt văn theo nghĩa là 6 phong cách như đã liệt kê? Có phải cứ suốt ngày ngâm nga thơ phú và miệt mài phân tích hình tượng nhân vật với các thủ pháp nghệ thuật đủ loại thì sẽ thành giỏi văn? Không, không hẳn.

Ngoài việc hiểu nghĩa của từ như trong từ điển, biết viết câu cú đúng ngữ pháp, biết tạo lập văn bản đúng phong cách… mà môn Ngữ văn phải trang bị cho học sinh, thì tư duy là tối quan trọng. Không phải cứ dân chuyên văn thì sẽ viết hay, nói giỏi. Những người làm khoa học tự nhiên ở trình độ cao và có thành tựu rõ ràng thường viết rất hay, cho dù là viết về một vấn đề xã hội cách rất xa với chuyên ngành của họ.

Chính tư duy độc lập và suy nghĩ tự do đã khiến người ta làm chủ được ngôn từ, sai khiến chữ nghĩa như vị tướng cầm quân. Ê a ngâm ngợi suốt ngày mà không chịu suy nghĩ , truy tầm ý nghĩa và xây dựng quan điểm cá nhân thì thì dù có đọc hàng vạn tác phẩm văn học thì rốt cuộc cũng chỉ viết ra những bài văn mẫu vô hồn và sáo rỗng mà thôi.

Tình trạng sa sút ngày nay của chất lượng sử dụng tiếng Việt nơi người Việt từ báo chí đến lời ăn tiếng nói hàng ngày, có nguyên nhân không phải chỉ từ sách giáo khoa, mà quan trọng hơn là tự một nền tảng xã hội không khuyến khích suy nghĩ, bóp nghẹt tư duy, định hướng tư tưởng và áp đặt quan điểm. Khi người ta không được phép nghĩ khác, nói khác thì tất yếu ngôn từ sẽ bị vô hiệu hóa và dần bị hủy hoại. Những câu nói ngu ngơ, những bài báo ngố tàu, những phát biểu rối rắm ngờ nghệch, những bài viết lủng củng…cứ thế mà phơi ra và tràn ngập.

Cho nên, theo tôi, cái cần làm nhất là khuyến khích suy nghĩ độc lập, kích thích tự duy tự chủ, tạo mọi điều kiện cho nhau nói ra suy nghĩ mà không chụp mũ, gán ghép và đấu tố nhau. Song song, phải vận động cho một tiến trình dân chủ hóa được thúc đẩy nhanh hơn để làm nền tảng văn minh cho sự độc lập cá nhân và từ đó, làm giàu có tiếng mẹ đẻ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Trong các bài của bác Thái Hạo, tôi đánh giá rất cao bài này.
    Nó thể hiện cụ thể một trong 4 phương châm mà UNESCO đề ra cho Giáo Dục thế kỷ 21:”Học để LÀM”

    (người cảm ơn: NNL)

Comments are closed.