13-10-2023
Tôi nói tôi dừng lại việc phơi bày cái sai trong sách giáo khoa phổ thông không có nghĩa là dừng lại hoàn toàn. Dừng lại vì trong cái thì hiện tại đang tiếp diễn, phơi bày bộ sách này thì đám Diều hâu ở bộ sách khác có lợi trong cuộc cạnh tranh bẩn thông qua giới truyền thông bẩn, truyền thông ngụy biện.
Một quan chức ở nhà xuất bản tâm sự với tôi: Rằng anh phê phán đúng, dù gai góc nhưng đối với các giáo sư, tiến sĩ viết sách chỉ là muỗi đốt gỗ. Họ rất lì, ngụy biện để che đậy cái sai, thậm chí còn lôi cả Hội đồng thẩm định, lôi cả người ký duyệt sách là Bộ trưởng ra làm lá chắn. Trong khi chết là chết nhà xuất bản. Muốn hay không nhà xuất bản phải tồn tại như một cơ sở kinh doanh. Đó là điều rất dễ cảm thông và chia sẻ.
Sự thật, cái sai từ cái gốc của Chương trình mới kéo theo cái sai của Sách giáo khoa. Điều này tôi đã lên tiếng trong nhiều bài nhân vụ sách Cánh Diều. Sai từ hoang tưởng phát triển toàn diện cho học sinh đủ “năm phẩm chất, mười năng lực cốt lõi”. Sai từ cách hiểu dạy học tích hợp, biến các môn học thành món lẩu thập cẩm. Ông Thuyết, ông Thống vừa làm Chủ biên Chương trình, vừa làm Chủ biên sách Cánh Diều, ắt sách Cánh Diều phải sai nhiều hơn các bộ sách khác. Bởi lẽ đơn giản, tư tưởng thế nào, thực hiện thế ấy.
Riêng môn Ngữ văn, chỉ vì một môn học mà phải phát triển toàn diện, cho nên, ngoài việc học Văn kết hợp với học Ngữ, người làm Chương trình và Sách giáo khoa buộc học sinh phải học cả những văn bản ngoài Văn. Bài này tôi chỉ nói ba ý:
Một là, việc sắp xếp văn bản theo chủ đề + thể loại, làm cho hệ thống bị rối loạn về mặt thời gian – lịch sử. Họ cho trẻ em học văn học hiện đại, trộn lẫn với văn học cổ trung đại và dân gian. Học sinh chẳng biết kiến tạo văn hóa-nghệ thuật của nhân loại bắt đầu từ đâu. Nhiều văn bản được gọi là hiện đại với thứ ngôn từ nhảm nhí đặt bên cạnh cái mẫu mực của văn học cổ điển, cứ như là khỉ ở với người. Chỉ nhìn vào hệ thống văn bản đã loạn não.
Vì buộc phải có đủ chủ đề + thể loại, cho nên nhà làm sách lúng túng khi lựa chọn văn bản. Các văn bản phải mang tính minh họa cho chủ đề + thể loại, cho nên nhà làm sách buộc phải đưa những văn bản không phù hợp với trẻ em, thậm chí phán giọng đạo đức, chính trị rất “hôi” cho trẻ em ngửi. Không ngẫu nhiên mà sách Cánh diều, mới chỉ học lớp Một mà trẻ em phải học mấy chục ngụ ngôn của người lớn.
Hai là, văn bản rất đa tạp, văn không ra văn. Cách gọi tên thể văn rối mù, bất nhất, cấp học dưới gọi là “Văn bản thuyết minh”, đến cấp học cao hơn gọi là “Văn bản thông tin”. Gán ghép khái niệm “thông tin” vào đó, học sinh dễ nhầm tưởng những thể loại giàu tính nghệ thuật khác là “phi thông tin”. Nghiêm trọng hơn, trong các bộ sách, phần này toàn những tác phẩm khô khan, phản nghệ thuật. Có văn bản chép sống sượng từ điển Wikipedia, chỉ sửa đổi một số từ (nếu cãi, tôi sẽ phơi ra luôn!).
Tôi hiểu, ông Thuyết, ông Thống đưa vào loại văn bản này để thực hiện tích hợp: Trong Văn có Sinh, có Lịch sử, có Địa lý… Hậu quả, ngoài tạo ra sự chồng chéo các môn học, còn do Văn không ra Văn, Sinh không ra Sinh, Sử không ra Sử, Địa không ra Địa, nhiều kiến thức trong sách Ngữ văn mâu thuẫn với bài học Sinh, Sử, Địa. Học sinh không loạn não mới lạ!
Ngay cả tích hợp đạo đức trong văn cũng rất khiên cưỡng. Cho nên mới có chuyện nhiều bài thơ không có hình tượng sống động, gợi cảm mà toàn điều răn, điều cấm khô khan, sáo rỗng. Nhà làm sách không hiểu Văn thực hiện chức năng Thẩm mỹ (Aesthesis), nghĩa gốc là sự rung động, nhạy cảm (chứ không phải cái hình thức đèm đẹp chung chung), và chính sự rung động, nhạy cảm đã chi phối các chức năng khác như nhận thức, giáo dục, giao tiếp, giải trí. Học mà lú lẫn giữa Văn với Sinh, Sử, Địa thì, nói như trẻ teen, không “xoắn não” là gì?
Ba là, ngay cả việc tích hợp Văn với Ngữ không đúng cũng làm loạn não trẻ em. Người chủ biên Chương trình và làm Sách giáo khoa chỉ hiểu học văn là học từ ngữ, học biện pháp tu từ, cho nên hệ thống câu hỏi chỉ hỏi về thể thơ như một hình thức trống rỗng, chủ yếu hỏi cách dùng từ ngữ, ngữ nghĩa và biện pháp tu từ. Phần bài tập kỹ năng thì không đánh thức, giáo dưỡng tâm hồn trẻ mà chỉ động não một cách lý tính về nghĩa của từ, cú pháp câu, biện pháp tu từ như một nhà ngôn ngữ học. Nghiêm trọng hơn là phần Đọc văn bản thì toàn lựa chọn những văn bản không chuẩn, câu chữ lôm nhôm, nhảm nhỉ, tiếng địa phương, tiếng lóng, tiếng phiên âm giọng bồi kì cục tràn ngập; nhưng phần Bài tập thực hành thì đòi hỏi dùng từ, đặt câu chuẩn, chữa lỗi câu từ, lỗi diễn đạt. Hậu quả, trẻ em không biết đâu là chuẩn và ắt loạn chuẩn.
May mà đa số trẻ em học theo bài mẫu như cái máy chứ những em biết động não, động tâm, ắt loạn não, loạn tâm. Đài báo nhà nước thừa nhận trẻ em mắc triệu chứng tâm thần ngày một đông lên, nhưng lại đổ lỗi do Internet, do game. Trong khi, theo tìm hiểu của tôi thì là do chuyện học hành.
Ngoài áp lực thành tích, trẻ em loạn não, loạn tâm bắt đầu từ những bài học trong sách giáo khoa. Không ngẫu nhiên mà một số bác sĩ tâm lý chia sẻ với tôi, rằng số học sinh loạn não, loạn tâm không phải do các em lười học suốt ngày lên mạng hay chơi game mà là các em học sinh học giỏi. Loại học sinh học giỏi này mang nghĩa không phải là điểm mười nhờ giỏi chép/ thuộc sách mẫu như vẹt, mà chúng biết động não, động tâm!
Cứ nhìn mặt trẻ em học sáng, học chiều, học tối với đủ các loại kiến thức, bài tập hổ lốn, mặt đứa nào cũng thất thần, phờ phạc, đủ hiểu các giáo sư, tiến sĩ đã làm gì con em chúng ta!
Biết là nói nhẹ nhàng hay gai góc thì cũng chỉ là muỗi đốt gỗ đối với người làm sách, nhưng phải nói để các bậc phụ huynh cảnh giác và phản ứng kịp thời. Triệu chứng tâm thần tiềm tàng ngay trong từng nhà, ở trong chính vòng tay của các bậc phụ huynh có con em đang đi học. Nếu trẻ đã mắc rồi thì rất khó điều trị. Con em chúng ta gánh lấy bệnh tật suốt đời, chúng ta phải đối mặt với đau khổ, đắng cay. Còn nhà làm Chương trình và Sách giáo khoa thì phủi mồm, phủi tay và tẩu thoát!
______
PS: Vì viết nhanh nên tôi chỉ vạch ra lỗi có tính hệ thống, không dẫn chứng cụ thể, tiểu tiết. Dư luận vạch ra cũng đã đủ hình dung. Nếu cãi chày cãi cối, tôi sẽ dẫn cụ thể từng ý, từng bài trong Chương trình và Sách giáo khoa!
“Cho nên mới có chuyện nhiều bài thơ không có hình tượng sống động, gợi cảm mà toàn điều răn, điều cấm khô khan, sáo rỗng. Nhà làm sách không hiểu Văn thực hiện chức năng Thẩm mỹ (Aesthesis), nghĩa gốc là sự rung động, nhạy cảm (chứ không phải cái hình thức đèm đẹp chung chung)” ( Trích CML )
– Rất đồng ý với bác về chức năng thẫm mĩ của Văn . Những bài văn, bài thơ không đem lại sự xúc động cao đẹp nào có thể tạo nên ấn tượng lâu bền trong tâm hồn học sinh thì không nên chọn. Bắt các em phải học bài thơ Bắt nạt khô như ngói thì tội nghiệp cho trí não của các em . Một bài thơ mà chất thơ đâu chẳng thấy, chỉ thấy một mớ lý luận lòng vòng, rối rắm rất tầm phào !
Thế mới hay, cách chọn thơ của các ngài soạn sách .