Tác giả: Adam Taylor
Cù Tuấn, biên dịch
12-10-2023
Trong hơn một năm rưỡi, cuộc chiến ở Ukraine thu hút sự chú ý của toàn cầu với những cảnh tượng đẫm máu sau cuộc xâm lược của Nga. Nhưng các cuộc tấn công gây sốc hôm thứ Bảy ở Israel, do nhóm Hamas của Palestine lãnh đạo, và một cuộc chiến sắp xảy ra ở Dải Gaza do Israel trả đũa, có vẻ như sẽ làm thay đổi chiến trường cho cả Kiev và Matxcơva.
Đối với Ukraine, có nguy cơ thực sự là một cuộc xung đột ở Trung Đông sẽ làm chuyển hướng sự chú ý của phương Tây – và cùng với đó là sự hỗ trợ về quân sự và kinh tế cần thiết để tiếp tục cuộc chiến chống lại Nga. Và trong khi Nga có thể hoan nghênh sự chuyển hướng đó, một cuộc xung đột rộng lớn hơn ở Trung Đông có thể cắt đứt mối quan hệ vốn đã lạnh giá của Nga với Israel, một đối tác kinh tế cũ và là nhà cung cấp quân sự công nghệ cao tiềm năng cho Ukraine.
Hiện tại, hai quốc gia đang chọn phe. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là một trong những nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên tiếp cận Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau vụ tấn công hôm thứ Bảy. Trong các tuyên bố công khai, ông đã trực tiếp so sánh Tổng thống Nga Vladimir Putin với Hamas. “Những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ thay đổi. Chúng sẽ phải thua – và điều đó có nghĩa là chúng ta phải thắng”, ông Zelensky nói hôm thứ Tư trong chuyến thăm bất ngờ tới trụ sở NATO ở Brussels.
Trong khi đó, Putin giữ im lặng về vụ tấn công cho đến thứ Ba và thậm chí sau đó, ông mô tả tình hình chiến sự chủ yếu tập trung vào thất bại ngoại giao của Washington. “Tôi nghĩ nhiều người sẽ đồng ý với tôi rằng đây là một ví dụ rõ ràng về sự thất bại trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông”, ông Putin nói tại cuộc gặp ở Điện Kremlin với Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani, đồng thời nói thêm rằng “lợi ích cơ bản của người dân Palestine” chưa bao giờ được tính đến.
Ông Putin, người trước đây có mối quan hệ thân thiết với Netanyahu, đã không liên hệ với nhà lãnh đạo Israel để gửi lời chia buồn sau khi Hamas giết chết hơn 1.200 người Israel. Theo tình báo phương Tây, cuộc chiến ở Ukraine đã kéo Nga đến gần hơn với Iran, đối thủ mạnh nhất trong khu vực của Israel và là nước ủng hộ chính cho Hamas.
Tại Brussels, cuộc chiến ở Gaza rõ ràng diễn ra vào thời điểm quan trọng. Đối với Ukraine, sự kiên nhẫn của các đồng minh đang bị thử thách khi cuộc xung đột kéo dài sang một mùa đông mới và những mâu thuẫn chính trị trong các nước châu Âu đã thay đổi.
Các đồng nghiệp của tôi tại trụ sở NATO ở đó đưa tin rằng, Zelensky đã nhận thức được thái độ của những người trong căn phòng và tìm cách miêu tả mình “không phải là một đối thủ cạnh tranh để giành được sự chú ý và nguồn lực, mà là một đồng minh thông cảm cho Israel”. Tuy nhiên, sau đó trong cuộc họp báo với Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, ông thừa nhận tình hình ở Trung Đông khiến ông lo lắng. “Tất nhiên là mọi người đều sợ”, Zelensky nói.
Ở Washington, có những hy vọng rằng liên kết giữa viện trợ của Mỹ cho Israel và viện trợ cho Ukraine có thể vượt qua sự phản đối dai dẳng của Đảng Cộng hòa đối với Ukraine. Các quan chức Mỹ từng nói rằng không có mâu thuẫn giữa việc cung cấp vũ khí cho cả Ukraine và Israel. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nói với các phóng viên ở Brussels: “Chúng tôi có thể hỗ trợ cả hai quốc gia trên và chúng tôi sẽ làm cả hai việc”.
Bradley Bowman của Tổ chức Quốc phòng Dân chủ viết trong một bài báo: “Nhu cầu cấp thiết nhất của Israel là các loại vũ khí dẫn đường chính xác, phóng từ trên không và bổ sung tên lửa đánh chặn cho hệ thống Vòm Sắt của họ – và không có sự cạnh tranh nào đáng nói giữa Israel và Ukraine về những khả năng đó”.
Tuy nhiên, có thể có những tác động trực tiếp. Ví dụ, Ukraine rõ ràng muốn có nhiều hệ thống tên lửa Patriot hơn vì chúng đã được chứng minh là có hiệu quả trước cả những tên lửa tiên tiến nhất của Nga. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến ở Gaza chuyển thành xung đột khu vực, cuộc chiến này sẽ cần nhiều hơn những hệ thống đó. Nhiều chiến lược của chính quyền Biden nhằm giải quyết tình trạng bế tắc về nguồn tài trợ của Ukraine ở Washington được cho là xoay quanh việc chuyển giao vũ khí của Israel sang Ukraine, khiến cho nguồn cung vũ khí trở nên eo hẹp hơn.
Ít nhất một ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mỹ đã tuyên bố rằng, việc chuyển đạn pháo của Mỹ sang Ukraine đã gây tổn hại cho Israel, quốc gia có thể sử dụng pháo binh để bảo vệ biên giới phía bắc của mình. Các quan chức Nga đã cố gắng khuấy động cuộc tranh luận, với việc cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev công khai tuyên bố mà không có bằng chứng, rằng vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraine đã được Hamas sử dụng trong các cuộc tấn công vào Israel.
Nhưng đối với Matxcơva cũng vậy, Gaza khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn. Trong nhiều năm, Putin và Netanyahu khá thân thiết với nhau, với việc thủ tướng Israel ca ngợi tình bạn của ông với nhà độc tài Nga trên các bảng quảng cáo bầu cử khổng lồ vào năm 2019. Israel có một lượng lớn người Do Thái gốc Nga đã di cư, một số có mối liên hệ đáng kể với Điện Kremlin – bao gồm cả những người đối thoại có ảnh hưởng như nhà tài phiệt Roman Abramovich.
Có lẽ vì mối quan hệ này mà Israel đã có lập trường trung lập, thận trọng trong cuộc chiến ở Ukraine. Hầu hết, điều đó đã mang lại lợi ích cho Nga, với việc chính phủ của ông Netanyahu kiên quyết từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine hoặc tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga. Quan điểm này đã khiến cả Washington và Kyiv tức giận, với việc Zelensky năm ngoái cho rằng “mối quan hệ cá nhân” giữa Netanyahu và Putin đang gây tổn hại cho Ukraine.
Nhưng cuộc chiến ở Ukraine cũng khiến Nga trở nên phụ thuộc vào đối thủ nặng ký nhất của Israel ở Trung Đông. Máy bay không người lái của Iran đã trở nên quan trọng đối với các nỗ lực chiến tranh của Matxcơva do tính hiệu quả và chi phí tương đối khiêm tốn của chúng. Các quan chức Mỹ nói rằng Tehran đang trao đổi hàng tỷ USD hàng hóa quân sự của Nga để đổi lấy sự hỗ trợ của nước này, bao gồm việc cho phép Matxcơva tạo ra các phiên bản riêng của máy bay không người lái tấn công tự kích nổ của Iran.
Vấn đề phức tạp hơn nữa là những cáo buộc về chủ nghĩa bài Do Thái của các quan chức cấp cao của Nga vì những nhận xét của họ về Zelensky, một người Do Thái. Tháng trước, chính Putin nói rằng “các quan thầy phương Tây” đã “dựng một người Do Thái, có nguồn gốc Do Thái lên lãnh đạo nước Ukraine hiện đại” để giúp tôn vinh “chủ nghĩa phát xít”.
Quan hệ của Nga với Israel là một khái niệm tương đối gần đây. Trong Chiến tranh Lạnh, Matxcơva đã trang bị vũ khí cho các quốc gia Ả Rập, gây phản đối từ phía Israel, khiến Liên Xô cắt đứt quan hệ ngoại giao với nước này sau cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1967. Ukraine hy vọng mối quan hệ Nga-Israel có thể tan vỡ hoàn toàn một lần nữa: Axios đưa tin hôm thứ Tư rằng Zelensky đã chính thức yêu cầu một chuyến thăm Israel, một hành động thể hiện tình đoàn kết tiềm năng, nhằm củng cố cho mối quan hệ chặt chẽ hơn.
Tôi cực kỳ bi quan về tình hình xung đột đẫm máu giữa Hamas (đi theo nhóm Hồi giáo
cực đoan) và Do Thái hiện nay vì chiến tranh kèm theo yếu tố tôn giáo (cuồng tín) thì
sẽ vô cùng thảm khốc, tác động toàn thế giới, chử không chỉ ở Trung Đông.
Chỉ cầu mong là thế chiến thứ 3 đừng bắt nguồn từ biến cố này !