Đọc hiểu văn bản: Con Chào Mào mũ đỏ của Mai Văn Phấn

Chu Mộng Long

6-10-2023

Mai Văn Phấn được Hội Nhà văn Việt Nam vinh danh là nhà thơ nhớn đương đại với những cách tân táo bạo, có thể ứng cử giải Nobel. Bài thơ Con Chào Mào được đưa vào sách Ngữ văn 6 (bộ Kết nối tri thức với đời sống, Phan Huy Dũng chủ biên), tiêu biểu cho những cách tân táo bạo của ông.

Mở đầu bài thơ, hình ảnh con chào mào hiện ra rất lạ:

Con chào mào đốm trắng, mũ đỏ

Hót trên cây cao chót vót

Triu… uýt… huýt… tu hìu…

Lạ vì trong tự nhiên chỉ có chào mào mũ đen. Loại chào mào đột biến gen thì dẫu có đốm trắng hay trắng toàn thân (bạch tạng) thì mũ vẫn đen hoặc trắng. Chào mào chỉ đỏ tai đỏ đít.

Chỉ có thể Mai Văn Phấn đã “lạ hoá” con chào mào bằng một ẩn dụ táo bạo. Rằng đó không phải là con chào mào ngoài tự nhiên mà là con chim ở trong quần. Mai Văn Phấn đưa ta liên tưởng ngược dòng về nguồn cội dân gian. Câu đố thanh giảng tục:

Một thằng nhỏ

Đội mũ đỏ

Gánh đôi giỏ

Ngồi đám cỏ

(Là con gì?)

Lạ thế vẫn chưa đủ kích thích cho bọn trẻ con tò mò. Mai Văn Phấn đưa người đọc đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Nếu là con chim mũ đỏ thì phải hót trong quần chứ sao lại hót trên cây cao? Ắt hẳn Mai Văn Phấn thêm một ẩn dụ tài tình nữa mà người có tâm hồn tinh tế mới nhận ra: cái cây cao đó chính là đôi chân hoa hậu!

Con chim nhìn đôi chân dài của hoa hậu mà tưởng cành cây chót vót nên nghểnh cổ hót lời tình yêu “triu uýt…”. Từ tượng thanh “triu uýt… huýt…tu hìu…” vừa rất tượng hình: con chim cựa quậy, rung rồi giật, đến khi cái cổ vươn lên đến ngang tầm cái chân dài thì cái mũ đỏ mới hiện ra. Tiếng hót như phun như nhả ra thứ tinh hoa mà người xưa gọi là “nhả ngọc phun châu”.

Con chào mào mũ đỏ đích thị là nhà thơ! Nó hót ngợi ca cái đẹp, ngợi ca cuộc chấn hưng văn hoá trị giá trăm ngàn tỉ bằng những cuộc thi gái chân dài!

Mai Văn Phấn muốn con chim-nhà thơ ấy được nhốt trong chiếc lồng quyền lực hay chiếc váy đàn bà. Cho nên mới có ý nghĩ tự biến thành hoạ sĩ vẽ chiếc lồng để nhốt chim. “Chiếc lồng” lại là một ẩn dụ lạ nữa, chỉ phát sinh ngẫu hứng ở quán bia vỉa hè. Nó không là chiếc quần đàn ông mà là chiếc váy đàn bà. Thế mới biết thời đại văn hoá chân dài thì chim chào mào cũng phải được chấn hưng: mào đen phải được chấn hưng thành mũ đỏ, tư thế chết gục trong quần thành bất tử trong váy chân dài.

Cả bài thơ nổi bật hình ảnh cái mào đỏ tươi rói tinh thần xả thân của con chim-nhà thơ cách mạng. Nó xả thân đến mức trong cơn vần vũ của “khung nắng, khung gió” nó vẫn nghểnh cổ, giương cái đầu mào đỏ mà nhả ngọc phun châu, phun đến “Từng giọt nước/Thanh sạch của tôi”. “Tôi” đó là nhà thơ khi đã rút kiệt sinh lực để cống hiến nhé! (chứ Chu Mộng Long tôi thì nước còn đầy ấu trùng chứ không thanh sạch đến mức trong veo vậy đâu!)

Tại sao học sinh lớp 6 phải học chim chào mào mũ đỏ? Là bởi chào mào mũ đen thì trẻ con không cần học cũng biết. Khắp nông thôn đến thành thị chỗ nào cũng có bán chào mào mũ đen. Nhưng loại chào mào mũ đỏ thì trẻ lớp 6 có thể chưa biết. Loại chim này không bán mà chỉ đi mua – mua lồng quyền lực để nịnh hót hoặc mua váy hoa hậu để nhả ngọc phun châu.

Giống chào mào này khi còn nhỏ cái mũ nó bị giấu kín dưới cái bọc da. Chỉ đến khi chim đã trưởng thành hoặc cắt cái bọc da ấy đi thì cái mũ đỏ mới lộ ra. Và nó chỉ đỏ rực khi được trang bị tinh thần tiến công cách mạng. Nhưng thường khi cái mũ rói tươi màu đỏ thì giống chim này rất khiêm tốn, thường lén lút hoặc giấu kín. Chỉ gần đây, sau hàng trăm cuộc thi hoa hậu để chấn hưng văn hoá thì chim-nhà thơ, chim-đại gia và chim-các quan mới dám dũng cảm công khai. Không lạ với người lớn thì cũng lạ với trẻ em. Học cái lạ mới hứng thú!

Mai Văn Phấn hưởng ứng cuộc chấn hưng văn hoá bằng hưng phấn khoe chim mào đỏ, cái mà bốn ngàn năm cổ hũ cấm kỵ. Phép ẩn dụ đã thẩm mỹ hoá cái dung tục như một sự cách tân chưa từng có. Các nhà giáo dục chọn chim mào đỏ cho trẻ em lớp 6 học, thứ khoa học tích hợp kiến thức thơ ca lẫn sinh lý, cũng coi như là “cải cách căn bản và toàn diện”.

Tóm lại, chọn Chim chào mào mũ đỏ của Mai Văn Phấn vào sách Ngữ văn 6, các nhà làm sách giáo khoa cải cách đã thực hiện thành công bài học tích hợp: học sinh không chỉ học văn với biện pháp tu từ lạ mà còn kích thích sự tò mò vào lãnh địa nuôi chim và chơi chim của người lớn. Trong Văn học có Sinh học, Tình dục học, trong Sinh học, Tình dục học có vấn đề môi trường bao gồm sinh thái văn hoá lẫn sinh thái tự nhiên.

Nói nhanh rằng, học sinh học Chim mũ đỏ của Mai Văn Phấn là để yêu chim, bảo vệ chim-nhà thơ, chim-các quan và chim-đại gia mỗi khi cái đầu đỏ ấy bị chỉ trích trên báo chí và dư luận!

_____

Một số hình ảnh:

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Rất may là, các nhà soạn sách đưa bài này vào sách lớp sáu . Các em học sinh tuổi này còn nhỏ quá, chứ nếu đưa vào sách lớp 12 thì các em nữ sinh tha hồ phát huy trí tưởng tượng và véo vào lưng nhau mà cười rúc rích . Đến nỗi, cô giáo phải há hốc mồm ra mà quát :” Cô đang giảng bài, các em cười cái gì ??!!” .

  2. Có lẽ nhà thơ cách mệnh này thích đọc thơ của bà Huyện Thanh Quan, nên có ý tưởng bắt chước, nhưng khi viết nó thô tục đồng thời cũng hợp thời theo chấn hưng văn hóa….

Comments are closed.