8-9-2023
Thời làm báo, như hầu hết các nhà báo khác, rất nhiều lần tôi được người này người nọ tuồn cho một tin mật gì đó “tui chỉ nói cho mỗi mình bác thôi”. Thời nay thì ngoài phóng viên báo chí ra, các KOLs trên Facebook, YouTube,… chắc chắn sẽ được tuồn những tin kiểu như vậy.
Nhưng làm sao mình biết tin đó có đáng để loan rộng ra không? Mỗi tòa soạn sẽ có cách xử lý khác nhau, nhưng hầu hết đều xoay quanh một số tiêu chuẩn như sau:
1. Nguồn tin có thuộc loại người truthful (1) không, hay thuộc loại xạo xạo nổ nổ? Thường thì mình đánh giá dựa trên track record (2) của người này.
2. Nguồn tin có thuộc loại “in a position to know” (3) hay không? Hầu hết các tin đồn từ Việt Nam mà hóa ra là sai, hầu hết đều rớt tiêu chuẩn này nhưng người nghe không để ý và tiếp tay cho việc loan tin giả.
3. Nguồn tin có được lợi gì khi tin này loan ra không? Nhiều KOLs Việt Nam hay hành xử NGƯỢC với tiêu chuẩn này.
4. Verification (4): Có đối chứng được với phía ngược lại không?
5. Corroboration (5): Có chứng cứ nào cho tin này không, hoặc có tìm được nguồn nào khác cũng nói vậy không? Một số toà soạn có tiêu chuẩn tuyệt đối là có tối thiểu 2 hay 3 nguồn mới loan tin. Nhưng nếu không dò xét kỹ, chừng nấy nguồn mà cùng mỗi một gốc X nào đó, thì cũng huề.
Hai thí dụ (TD) trong kinh nghiệm cá nhân.
TD1: Thời mà internet chưa thịnh hành, nói chuyện với nguồn trong nước còn phải qua điện thoại, một phóng viên nhận được tin, Chủ tịch nước Việt Nam sẽ từ chức. Tin này nhận được từ một linh mục có uy tín trong giới activist (6). Và tất nhiên là nếu tìm sự đối chứng từ phía chính quyền Việt Nam thì sẽ không đi tới đâu.
Nếu coi như đủ tiêu chuẩn 4. Linh mục này chắc không xạo đâu, đủ tiêu chuẩn 1. Vậy nên loan ngay bây giờ hay chờ có thêm nguồn khác mới đăng (tiêu chuẩn 5)?
Bài báo đã viết, đã lên khuôn, lúc đó tôi mới biết, tôi quyết định tháo, thay bằng một cái tin bá vơ (Thành ra hôm đó trang nhất tờ báo có một tin bá vơ).
Lý do không phải vì để chờ #5 corroboration, mà là vì tin này rớt tiêu chuẩn 2: Vị linh mục ấy không có ở một “position to know” những chuyện bí mật bên trong của Đảng CSVN.
Nhiều tin đồn thất thiệt ở Việt Nam loan ra là vì vậy. Có một nguồn X rất đáng nể (yếu tố 1) nhưng quên không để ý là họ có thực sự biết thông tin đó không (yếu tố 2).
Một thí dụ nữa.
TD2: Mọi người đang quan tâm vụ A kiện B. Xong có người tiết lộ chi tiết bí mật trong vụ kiện, không có trong hồ sơ toà, rằng B tiết lộ chuyện XYZ nào đó. Người này xưa nay không xạo bao giờ, và có mặt tại chỗ trong một phiên tòa kín, lúc B tiết lộ chuyện XYZ.
Vậy là đủ yếu tố 1 & 2 phải không? Bên B thì thuộc loại không bao giờ thèm trả lời báo chí. Vậy xong luôn yếu tố 4.
Nhưng thắc mắc kế tiếp là tại sao người đó lại có mặt trong phiên tòa kín? Trong trường hợp này, người đó chính là bên A của vụ kiện.
Tức là “người trong cuộc”. Mà “người trong cuộc” thì người Việt Nam hay tin tưởng lắm.
Nhưng thực ra, nếu xét cho đúng, khi nghe cái gì từ “người trong cuộc” lẽ ra mình phải ÍT TIN TƯỞNG hơn.
Chuyện A tuồn cái tin này ra ngoài chắc chắn là để sử dụng báo chí cho mục đích riêng của họ. Mình có tiếp tay để làm lợi cho A, hay làm hại cho B không?
Có nhiều nhà báo cho rằng “Ai bảo B không chịu trả lời phỏng vấn, ráng chịu”. Nhưng nói vậy với tôi chỉ là biện minh. Nghĩa vụ của nhà báo là phải khách quan, không phải vì một bên cà chớn, không bao giờ chịu trả lời phỏng vấn mà mình bỏ nghĩa vụ đó đi được.
Trong trường hợp này quyết định cuối cùng là không loan tin cho tới khi có corroboration. Sau đó thì A có tuồn thêm một số tài liệu do B nộp tại tòa và tin đã được loan.
(Chuyện A tuồn tài liệu ra là phạm luật, nhưng đó là A phạm luật chứ không phải nhà báo phạm luật).
_______
Ghi chú của Tiếng Dân: Trong bài, tác giả sử dụng một số từ tiếng Anh, xin tạm dịch như sau:
(1) Truthful: Trung thực
(2) Track record: Hồ sơ theo dõi
(3) In a position to know: Ở vị trí có thể biết tin đó
(4) Verification: Xác minh
(5) Corroboration: Chứng thực
(6) Activist: Nhà hoạt động