10-8-2023
Thuế GTGT của Việt Nam có 4 nhóm đối tượng: 10%, 5%, 0% và không chịu thuế.
Rất nhiều người nhầm lẫn giữa 0% và diện không chịu thuế. Cả hai đều không có thuế đầu ra, nhưng diện 0% được khấu trừ thuế đầu vào và chỉ áp dụng cho hàng xuất khảu, còn diện không chịu thuế không được khấu trừ đầu vào và áp dụng cho hàng tiêu dùng trong nước.
Trên thực tế, doanh nghiệp sản xuất hàng không chịu thuế vẫn phải gián tiếp nộp một số thuế GTGT nhất định thông qua các chi phí đầu vào. Số tiền thuế này sẽ chạy từ 0% đến 10%, phụ thuộc vào tỷ trọng chi phí đầu vào chịu thuế đến đâu. Ông nào có chi phí nhà xưởng, năng lượng, vận tải, quảng cáo và nguyên liệu đầu vào chịu thuế mà lớn, thì nộp thuế gián tiếp nhiều. Ông nào chủ yếu là nhân công và nguyên liệu đầu vào cũng không chịu thuế thì nộp gián tiếp ít.
***
Điều này cũng không có gì đáng nói nếu chúng ta ở trong một nền kinh tế đóng. Nhưng hiện nay, nền kinh tế Việt Nam hội nhập rất lớn, nhiều hàng hoá thuộc diện không chịu thuế được nhập khẩu vào trong nước. Hàng hoá này khi vào Việt Nam thì không phải nộp thuế GTGT, và khi ra khỏi nước xuất khẩu thì đã được Chính phủ nước đó hoàn thuế GTGT đầu vào. Như vậy, loại hàng hoá này không chịu bất kỳ một nghĩa vụ thuế GTGT nào.
Đến đây, nảy sinh một sự bất công. Cùng một loại hàng hoá, sản xuất trong nước thì phải nộp thuế GTGT gián tiếp qua chi phí đầu vào, còn nhập khẩu thì không phải nộp bất kỳ một đồng thuế GTGT nào.
Nếu như trước đây, Việt Nam duy trì thuế nhập khẩu khá cao, lợi thế về thuế GTGT của hàng nhập khẩu này bị thuế nhập khẩu xử lý. Nhưng khi Việt Nam tham gia nhiều FTAs, thuế nhập khẩu giảm về không, tác động bảo hộ ngược của thuế gia trị gia tăng này ngày càng lộ rõ.
Ví dụ như mặt hàng phân bón, hàng sản xuất trong nước phải nộp thuế GTGT gián tiếp khoảng 8%, trong khi thuế nhập khẩu của nhiều loại phân bón đã giảm về 0%. Tức là nếu có hai nhà máy phân bón giống hệt nhau đặt tại Việt Nam và Thái Lan, cùng bán hàng hoá trên thị trường Việt Nam, thì hàng sản xuất trong Việt Nam đang có chi phí thuế cao hơn khoảng 8% so với hàng từ Thái Lan. Mức thuế này khiến các nhà máy sản xuất phân bón trong nước điêu đứng.
Chuyện bảo hộ ngược này xuất hiện ở nhiều mặt hàng không chịu thuế khác như nông sản, phần mềm, máy nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi và một số loại máy móc, vật tư, thiết bị khác… Mỗi mặt hàng lại có mức độ chênh lệch thuế khác nhau, phụ thuộc vào cấu thành các chi phí đầu vào.
***
Mình nghĩ, Bộ Tài chính cũng đã nhìn ra vấn đề này từ lâu, nhưng chưa đưa ra được giải pháp nào khả thi. Bộ cũng muốn đẩy các mặt hàng không chịu thuế sang diện chịu thuế, nhưng mức thuế suất mới là bao nhiêu sẽ gây tranh cãi.
Nếu đẩy toàn bộ các mặt hàng diện không chịu thuế sang 0% thì ngân sách phải hoàn thuế với số tiền khổng lồ, nguy cơ gian lận thuế rất cao. Chắc chắn Bộ Tài chính không thích.
Nếu đẩy các mặt hàng không chịu thuế sang mức 5% thì sẽ có phản ứng khác nhau. Các mặt hàng có chi phí thuế GTGT chưa được khấu trừ trên 5% sẽ ủng hộ. Nhưng các mặt hàng có chi phí thuế GTGT chưa được khấu trừ dưới 5% sẽ phải nộp thêm thuế. Đương nhiên họ sẽ không thích điều này.
Nếu đẩy các mặt hàng không chịu thuế sang các mức thuế tương ứng với mặt hàng đó như 1% với nông sản, 2% đối với phần mềm, 3% với thức ăn chăn nuôi… thì sẽ nảy sinh các mức thuế rất lắt nhắt. Doanh nghiệp trong nước về cơ bản sẽ không phải nộp thêm đồng nào do thuế đầu ra đúng bằng thuế đầu vào và được khấu trừ. Ngân sách sẽ thu được thêm thuế từ hàng nhập khẩu và bảo đảm công bằng giữa hàng trong nước và nhập khẩu.
Còn một phương án nữa là đẩy toàn bộ hàng nhập khẩu lên mức 5% và giữ nguyên hàng sản xuất tiêu dùng trong nước. Nhưng như thế thì lại có rủi ro vi phạm cam kết về đối xử với hàng nhập khẩu kém thuận lợi hơn so với hàng trong nước.
Nói chung, phương án nào cũng có thiệt hơn.