Hải Triều
1-8-2023
Hơn 2.000 chuyến bay “giải cứu” suốt quãng thời gian dài, lại liên quan đến nhiều bộ ngành từ trung ương xuống địa phương, như thế mà tại sao không phát hiện kịp thời để ngăn chặn khi tham nhũng mới trong “tổ kén”? Không! Với trình độ nghiệp vụ “nhất nhì thế giới”, Công an nhiều khả năng biết từ trước. Nhưng họ cần “nuôi án”; có “nuôi án” mới có “án” và “chạy án”…
***
Về vụ “chuyến bay giải cứu” vừa xử, giới chuyên gia sẽ còn “nâng lên đặt xuống” rất nhiều vấn đề, mà vấn đề nào cũng quan trọng, cũng cốt yếu để phục vụ cho công cuộc “diệt chuột nhưng không được vỡ bình” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Không hiểu sao lại có sự trùng hợp… Ngày “khai án” 11/7/2023 lại cũng đúng vào ngày một Quy định mới của Bộ Chính trị có hiệu lực. Cái Quy định 114-QĐ/TW về hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; trách nhiệm kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ và xử lý vi phạm được cho là để chống chạy chức, chạy quyền. (1) Quy định gồm năm chương, 16 điều, nhưng không thấy điều khoản nào chống “chạy án cả”. Trong khi giới phân tích trong nước dự đoán rằng, sau vụ “chuyến bay” đã qua sơ thẩm và vụ “Test kit Việt Á” sẽ xử nay mai, thị trường “nuôi án” và “chạy án” sẽ ngày càng tinh vi, sôi động chứ không hề giảm sút như Ban Nội chính Trung ương kỳ vọng.
Theo rò rỉ từ nội bộ – sau ba tuần xét xử tại Tòa Hà Nội như báo Điện tử Chính phủ công bố chiều 28/7 (2) – kết quả nghị án không phải là quyết định của Viện kiểm sát hay của Hội đồng xét xử. “Bay giải cứu” là một đại án được cho là thuộc “loại bỏ túi”, nghĩa là, kết quả xét xử đã được Ban Nội chính Trung ương đưa ra trước ngày “khai án”. Có như thế, chúng ta mới hiểu được phần nào bao điều phi lý và tréo ngoe diễn ra giữa chốn công đường, suốt cả ba tuần lễ. Người viết bài này hoàn toàn chia sẻ với bình luận sắc sảo và chính xác của Gió Bấc’s blog: Cuối cùng thì tòa cũng tuyên án theo hướng mà dư luận đã dự đoán và nghi ngại. Phạm Trung Kiên là người nhận hối lộ nhiều lần nhất, với số tiền lớn nhất trong số các bị can, đã được thoát chết. “Phạm Trung Kiên thoát chết, nhưng công lý bị treo cổ. Công lý bị treo cổ, nhưng kẻ thủ ác lại chính là Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng” (3). Có nghĩa là các bị can tại phiền tòa chưa phải là những chính phạm trong vụ án, nếu không có những chủ trương từ trên Trung ương và Chính phủ…!
Mà đằng sau bất cứ chủ trương nào của Ban Chỉ đạo, của Trung ương, kể cả của Bộ Chính trị, lập tức “đội ngũ ta trùng trùng điệp điệp/ cao hơn núi, dài hơn sông”; với chí lớn… “ta đi tới không thể gì chia cắt”. Bộ Chính trị muốn “chấn chỉnh” cái lập trường của một “bò đỏ cao cấp” khi thị này phán “con cái cán bộ làm quan là hồng phúc của dân tộc” thì Trung ương mới ban hành Nghị định 114 do bà Trương Thị Mai ký nói trên. Nhưng theo FB Nguyễn Huy Cường, “mặt trận tham nhũng” có vô vàn những thiết chế uyển chuyển và mềm mại, nguy hiểm và kín đáo, không nhất thiết phải qua họ hàng huyết thống. Các Quy định của bà Mai sẽ không thành công, bởi vì, cơ chế tham nhũng tinh vi và có “trăm lẻ một” cách vượt thoát các Quy định đó (4). Những “chiến sĩ tiên phong” này của Đảng không nhất thiết phải kết nối với người nhà, mà các đồng chí tập trung vận động, lobby những viên chức có thể từng là học trò, có thể là đồng hương đồng khói, từng làm với nhau trong một cơ quan cũ, hay cùng là “anh/chị/em “xã hội”. Ngược đời nhất trong nhóm “đưa và nhận hối lộ” ở vụ án này là “ông tướng” Công an chức to tổ bố (Ai biết giá cái ghế PGĐ Công an Hà Nội bao nhiêu triệu ông Washington?) mà phải chạy tới nhờ một ông em “trung tá” quèn (mà cũng chỉ là ‘em xã hội’) và chịu để “thằng em” nó điều khiển (ít nhất là theo lời khai của ông Thiếu tướng).
Mượn ngôn ngữ “Những người khốn khổ” từ Victor Hugo (Pháp), chúng ta có thể đặt câu hỏi: “Liệu từ sâu thẳm những tâm hồn đen đúa nọ, có một thứ tòa án lương tâm nào sẽ được thiết lập nên để xử tiếp vụ chuyến bay giải cứu?” Trường hợp này, hỏi là đã trả lời: “Chắc chắn là không!”. Bị cáo Trần Văn Dự tự thú nhận: “Số tôi đen, không may thì thôi trả lại cho Nhà nước cũng được”. Một lời gián tiếp tự thú rằng, những chuyến trước đây y đã lọt lưới pháp luật? Đến cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng 37 lần nhận hối lộ khi cấp phép các “chuyến bay giải cứu”, tổng cộng 21,5 tỷ đồng mà vẫn khẳng định “không có mưu đồ, không đòi hỏi” chỉ là do “không nhận thức được” việc nhận tiền là vi phạm (!?) Biết bao nhiêu câu phát biểu ngô nghê đến độ khó tin từ những người cách đây vài tuần đóng một vai trò quan trọng trong bộ máy quyền lực tại Việt Nam, thậm chí còn đại diện cho Đảng/ Nhà nước trên trường quốc tế (Tô Anh Dũng đã cầm quyết định bay sang Nhật làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền (!?)
Một khi khi Đảng đã ban phép cho tất cả bọn người này “chung lưng mở một ngôi hàng”… thì lập tức, những Bạc Bà, Bạc Hạnh cùng các Mã Giám Sinh ngửi ngay thấy “hơi đồng”. Một mạng lưới cộng sinh xuất hiện, càng liên hoàn lắm khâu càng tốt. Mỗi “chốt” có một VIP cầm đầu càng hay. Khó lộ và dễ bảo vệ nhau. Tại sao họ không sợ Công an? Thì Công an cũng nằm trong đường dây. Tại các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài bao giờ chả có vài ba anh an ninh. Họ là người của Bộ Công an khoác áo Ngoại giao nằm ngay trong Đại sứ quán, theo dõi luôn cả các Đại sứ. Không chuyện gì xẩy ra trong ĐSQ mà họ không biết. Riêng chuyện tăng giá visa, hộ chiếu và vé máy bay để ăn chặn tiền của kiều bào, đặc biệt là các “Việt kẹt” (do dịch bệnh), thì phải có sự thống nhất giữa Bộ Công an và Bộ Ngoại giao. Khó mà có Đại sứ nào, “một mình chống lại Mafia”. Cho nên mới có chuyện 2.000 chuyến bay mà chỉ có 700 chuyến bị thanh tra. Lạy Chúa lòng lành, gần hai phần ba các bị can tiềm năng thoát tội! Rồi nữa, đúng như Xuan Vuong Nghiem mỉa mai trên “Tôi và Sứ quán”: “Nếu lấy số tiền nộp lại để làm thước đo giảm án thì đừng nói chống tham nhũng, hối lộ nữa. Những cán bộ chưa bị lộ sẽ yên tâm băm chém mạnh hơn” (5).
__________
Tham khảo:
(1) https://www.voatiengviet.com/a/thi-truong-chay-an-van-beo-bo/7193738.html
(3) https://www.rfavietnam.com/node/7719
(5) https://www.facebook.com/groups/toivasuquan/?locale=vi_VN