21-7-2023
Hôm trước, trên RFA, ông Phạm Quý Thọ có trình bày ý kiến cá nhân trong bài viết có tựa đề: “Đại án ‘chuyến bay giải cứu’ phơi bày điển hình tham nhũng: Quan chức tống tiền doanh nghiệp“.
Lời khai của một nữ bị cáo hôm qua tại Tòa, cho thấy cụ thể trường hợp tống tiền doanh nghiệp một cách trắng trợn của công an phụ trách xuất nhập cảnh.
Tôi chia sẻ quan điểm “quan chức tống tiền doanh nghiệp” của ông Thọ.
Điều làm trầm trọng thêm, vụ tống tiền này “có tổ chức”, bởi những lãnh đạo “thượng tầng kiến trúc quốc gia”, mà tay chân thể hiện qua cán bộ, đảng viên thuộc 5 bộ Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Quốc phòng (và Văn phòng Thủ tướng Chính phủ).
Tòa xử vụ đại án “các chuyến bay giải cứu”, như tôi viết hôm kia, là “không đúng người đúng tội”, nếu chỉ đóng khung tội phạm ở mức “đưa và nhận hối lộ”. Tôi còn có ý kiến “Khi Tòa đề nghị các biện pháp cho phép các bị cáo ‘nhả tiền’ để ‘khắc phục hệ quả’, như một hình thức ‘chạy án công khai’ để được ‘giảm án’. Thì bản thân của Tòa đã hủ bại“.
Các ý kiến này của tôi hiển nhiên không đủ để diễn tả hết nội dung của phiên tòa “hủ bại” kia.
Dẫn (nội dung chính) Điều 170 BLHS. Tội cưỡng đoạt tài sản: “Người nào Lợi dụng thiên tai, dịch bênh, (đe dọa sẽ dùng vũ lực), hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản… (Nếu) có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm… Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản“.
Ý kiến cá nhân của tôi: Tất cả các quan chức nhà nước dính líu trong vụ án này đều là những mắc xích của tổ chức lợi dụng thiên tai, đại dịch để tống tiền doanh nghiệp. Tất cả, không có ai ngoại lệ hết, đều xứng đáng với hình phạt chung thân khổ sai và tịch thu toàn bộ tài sản.
Đặc biệt, viên tướng công an phụ trách xuất nhập cảnh, ngoài hình phạt chung thân khổ sai và tịch biên toàn bộ gia sản, ông này cần bị truy tố về tội xúc phạm pháp đình. Những lời nói mỉa mai của ông trước Tòa, kiểu nói với vợ lấy 3 tỉ đồng để ông nghỉ mát vài năm, cho thấy ông này khinh miệt pháp luật quốc gia, khinh miệt Tòa.
Ông này vẫn chưa ý thức được những đồng tiền mà ông bỏ vô túi là máu, nước mắt, mồ hôi… của công nhân Việt Nam. Có những công nhân làm việc ngày đêm không nghỉ mà lương không tới 10 triệu đồng một tháng. Có những du sinh lương phạn không có mà nợ nần bên nhà chồng chất, người nhà phải vắt những đồng tiền cuối cùng, bán nhà, bán đất… để được “giải cứu”…
Ba tỉ đồng mà ông kiêu bạc nói vợ xuất ra để ông nghỉ mát là cả một gia tài. Một người dân bình thường ở Việt Nam làm việc cả đời chưa chắc có được số tiền như vậy. Tiền này ở đâu mà ông có?
Giá vé máy bay bị tăng lên đột ngột, thậm chí hơn 10 lần giá bình thường. 200.000 vé máy bay được bán ra, nhưng “số tiền đưa và nhận hối lộ” chỉ có 262 tỉ đồng.
Nếu thủ tướng Phúc không giao cho ông Đam bày ra “tổ giải cứu” gồm “năm bộ đồng tình bóp cổ người dân” thì có vụ người dân phải “trả tiền” như vậy hay không?
Nếu cán bộ (như công an phụ trách xuất nhập cảnh) không tống tiền doanh nghiệp thì giá vé máy bay có đắt đỏ “đột xuất” như vậy hay không?
Càng đào sâu vào vụ án ta càng thấy vô số điều thối nát trong hệ thống nhà nước Việt Nam. Chỗ nào cũng thối nát. “Nhìn vào đâu cũng phải ghìm cơn nôn mửa” (Bùi Minh Quốc).
Theo tôi, chuyện Tòa lòng vòng, kéo dài thời gian đôi co giữa hai bị cáo (Hưng và Tuấn) chỉ có mục đích cho hai bên đóng kịch. Mục đích làm lạc hướng phiên Tòa đồng thời quảng cáo tính dân chủ và “trọng luật” của hệ thống tư pháp Việt Nam.
Nếu phiên Tòa ngừng ở đây và “khóa sổ” mọi chuyện, thì phiên Tòa chỉ là vở kịch vụng về (mà bị cáo Hưng thủ vai chính). Vấn đề là họ đóng kịch “hay như thật”. Mà dân ta lại dễ tin…
Sông có thể cạn núi có thể mòn, song cung cách ấy không bao giờ thay đổi
Quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam đều là những diễn viên kịch tài hoa.
Khen chúng đóng kịch hay như thật là khen nhà giàu lắm của.
Bài học kinh điển để các quan chức cộng sản học tập và làm theo chính là màn hài kịch Hồ rút khăn chùi mắt trước quốc hội về những tội ác đẫm máu trong CCRĐ.