Có đòi lại một phần tiền vé trong các “Chuyến bay giải cứu” được không?

Ngô Anh Tuấn

12-7-2023

Ai là người bị thiệt hại và đòi lại bằng cách nào?

Người bị thiệt hại cuối cùng trong những “Chuyến bay giải cứu” không ai khác là người được “giải cứu” khi họ phải mua vé với giá cao mà không có sự lựa chọn khác. Thế nhưng, trong 05 tội danh mà Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (lần lượt theo các Điểu 354, 364, 365, 174 và 356 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017), không tội danh nào xác định những người mua vé chuyến bay giải cứu là nạn nhân/bị hại hay nguyên đơn dân sự nên họ không có quyền yêu cầu phần bồi thường thiệt hại (nếu có) thông qua vụ án này.

Thế nên, nếu muốn nếu những người mua vé muốn đòi lại một phần tiền mà đáng lẽ ra họ không phải bỏ ra để cho các tổ chức, cá nhân mang đi bôi trơn cho quan chức (chưa kể phần thu lợi bất chính khác chưa được xác định trong phần còn lại chưa điều tra, nếu làm rõ ràng ra, chắc nó phải là con số kinh hoàng chứ không dừng lại ở một vài trăm tỷ mang đi hối lộ đâu), họ cần phải thực hiện việc khởi kiện thông qua một/một số những vụ án dân sự độc lập khác. Dù hơi khó khăn, lằng nhàng chút nhưng không phải là không khả thi.

Cách xử lý tiền tang vật/tiền thu lợi bất chính từ các bị cáo trong vụ án đang xét xử?

Tiền tang vật từ vụ án đang xét xử sẽ làm gì?

Nếu xác định rõ đây là những số tiền bất chính mà các bị cáo có được thì sẽ tịch thu, sung công quỹ. Luật là thế, không nói nhiều. Thế nhưng, trong tình huống này, sung công quỹ ngay liệu rằng đã hợp lý chưa? Tôi nghĩ cần xem xét cẩn trọng!

Ở đây, bản chất ta đã xác định ngay được bị hại thực sự ở đây là người dân, chỉ có điều chưa liệt kê được danh tính từng người (dù không hề khó) và họ cũng chưa có yêu cầu (hoặc chưa được hướng dẫn để có yêu cầu) nên họ chưa lên tiếng. Vậy nên, theo tôi nghĩ, số tiền này cần giữ lại ở một tài khoản độc lập trong một thời hạn nhất định để những người bị thiệt hại có thể có yêu cầu chi trả lại quyền lợi cho họ. Sau thời hạn này, nếu người dân không có yêu cầu thì khoản tiền này sẽ được sung công quỹ. Nếu chúng ta vội vàng sung công quỹ thì sẽ không công bằng với người dân vì nếu họ kiện đòi tiền doanh nghiệp/cá nhân gây thiệt hại cho họ nhưng những người này không chi trả hoặc không đủ chi trả thì có thể trích khoản này ra trả cho người dân vỉ một khi đã bị trách nhiệm hình sự, bị tù tội thì họ chỉ chăm chăm lo khắc phục phần nhà nước yêu cầu chứ chờ họ trả lại cho người dân thông qua một vụ án dân sự còn khó hơn tìm đường lên trời. Hơn thế nữa, nếu số tiền mà những người bị xử lý hình sự đem đi hối lộ là tiền túi của họ thì nhà nước có thể tịch thu sung công ngay được; chứ nếu nó là tiền có được từ người mua vé giải cứu thì nhà nước cũng không nên thu, thậm chí là không được thu khi chưa có căn cứ rõ ràng. Thế nên, việc xác định nguồn gốc của những số tiền đen mà các bị cáo sử dụng trong vụ án này là vô cùng quan trọng để những nạn nhân thực sự bị ảnh hưởng có cơ hội được lấy lại một phần thiệt hại, nếu không, nếu có kiện thắng, khả năng cao họ chỉ cầm bản án lên để tự sướng với nhau mà thôi. Nếu ta “phân đoạn” số tiền và con đường đi của dòng tiền thì sẽ bớt thiệt thòi hơn cho người dân.

P/s: Bạn của tôi kể là bình thường đi từ Pháp về VN khứ hồi mất khoảng 1.200 Euro mà hôm dịch đi một chiều về mất 85 triệu Việt Nam, tương đương khoảng 3.200 Euro, gấp gần 6 lần giá bình thường mà còn cảm thấy may mắn. Mấy ông sếp lớn mua vé Business Class giá còn cao ngất ngưỡng hơn nhiều nhưng cũng bị “nhét như nhét heo” (trích nguyên văn) và vẫn ăn mỳ gói như những anh em khác. Nhiều người trên chuyến bay ấy vẫn còn liên lạc với nhau và họ nói rằng sẽ sẵn sàng đòi lại tiền nếu đòi được bằng một hình thức nào đó chứ nhất định không để số tiền đó cho bọn doanh nghiệp bẩn và mấy tay quan chức đã nhúng chàm, hại dân hại nước nó biển thủ đi…

Bình Luận từ Facebook