Chuyện dạy văn học văn (Kỳ 3)

Nguyễn Thông

3-7-2023

Tiếp theo kỳ 1kỳ 2

Thời tôi đi học, kể từ cấp 1 đã nghe người lớn nói với nhau “văn dĩ tải đạo”, còn bé nên chả hiểu, tới lúc lớn thì lờ mờ rằng, đó là thứ quan điểm về văn chương của người xưa. Đại loại văn để chở đạo, còn đạo là gì thì rộng lắm.

Thày tôi bảo lớn rồi hiểu. Lên cấp 2, học lớp 7, hỏi thầy Phất, thầy nói đạo không phải chỉ những lời dạy của Khổng tử, Mạnh tử đâu, mà bất cứ cái gì vì con người, bênh vực con người đều đạo cả. Văn chứa những thứ ấy mới là văn. Tôi về hỏi lại thày, thày gật.

Nhưng trong nhà trường xã hội chủ nghĩa lại khác. Suốt mấy chục năm (còn bây giờ thế nào thì tôi không rõ lắm) người ta chỉ nhét vào môn văn (cả ở trường học lẫn xã hội) thứ đạo chính trị, đạo cộng sản. Những tác phẩm nào phù hợp với đạo này thì được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho học trò. Đối với văn học cổ, văn học dân gian, người ta cũng chỉ chọn lọc chỗ nào, nội dung nào có tác dụng chính trị, phù hợp với đường lối, tư tưởng cộng sản.

Ví dụ, truyện Kiều họ chỉ chọn những phần chống phong kiến, lên án chế độ phong kiến, theo quan điểm phản đế phản phong. Truyện Kiều lừng danh như vậy, nhưng học trò chỉ học “Thúy Kiều mắc lừa Hồ Tôn Hiến”, “Mã Giám Sinh mua Kiều”, “Trước lầu Ngưng Bích”, còn bao nhiêu cái hay cái đẹp khác (mới là chính) của tác phẩm lừng danh này bị lược bỏ. Ngay GS Lê Đình Kỵ, nghiên cứu rất sâu về truyện Kiều cũng chỉ đặt vấn đề “Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Nguyễn Du” dưới góc độ… cách mạng.

Hôm rồi, dư luận xôn xao về đề thi văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023. Mà chê là phải, tới thời này còn lôi “Vợ nhặt” ra thi, lại chọn đúng đoạn dở nhất. Nhà nghiên cứu Hán – Nôm Nguyễn Xuân Diện nhắc đến cái công thức dạy, học và ra đề của môn văn xứ này bao nhiêu năm không thay đổi là “Yêu, căm, chiến, lạc, Dậu, Phèo, Pha”. Luôn khuyên học trò đừng học tủ nhưng dạy và ra đề thường chỉ có bấy nhiêu. Sau này họ có thêm bớt, thay đổi chút chút nhưng dường như vẫn quẩn quanh trong cái vòng kim cô do đảng cột ấy.

Thời tôi học cấp 2, cấp 3, môn văn-chính trị chỉ xoáy vào 2 vấn đề chính: Chiến tranh cách mạng và chủ nghĩa xã hội. Trải qua 2 cuộc chiến tranh thì nội dung về chiến tranh là đương nhiên, nào chủ nghĩa anh hùng cách mạng, yêu nước, căm thù giặc, chiến đấu hy sinh, tinh thần lạc quan, ta thắng địch thua, vẻ đẹp người chiến sĩ.

Tác phẩm quanh đi quẩn lại chỉ Bất khuất, Sống như anh, Người mẹ cầm súng, Hòn đất, Dấu chân người lính, Trận phố Ràng, Một lần tới thủ đô, Vợ chồng A Phủ, thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi…

Nội dung chủ nghĩa xã hội thì tập trung vào vẻ đẹp cuộc sống mới, con người mới, ai thắng ai, làm chủ tập thể, ca ngợi hợp tác xã, phê phán cái tôi cá nhân chủ nghĩa, thể hiện tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình, với Cái sân gạch, Mùa lạc, Quê hương, Lặng lẽ Sa Pa, Anh Keng, Cỏ non, thơ Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Xuân Diệu, và tất nhiên lại Tố Hữu, bởi chỗ nào Tố Hữu cũng chiếm chỗ.

Lâu nay, thiên hạ thường nghĩ chỉ bộ máy tuyên truyền, tuyên huấn tuyên giáo, báo chí mậu dịch làm cái việc “đem bục công an đặt giữa trái tim người/ bắt mọi người phải ngược xuôi/ theo đúng luật đi đường nhà nước” (Lê Đạt), chính trị hóa bộ não và trái tim con người ta, nhưng thực ra chưa phải, chưa đủ. Chính đám sách giáo khoa môn văn, môn sử của cộng sản mới là thứ thuốc nhuộm não, thuốc phiện ghê gớm nhất, làm cằn cỗi tư duy và tâm hồn con người ngay từ ghế nhà trường. Vào đời, mang thứ kiến thức lú lẫn ấy nên phần đông chỉ u u mê mê.

(Còn tiếp)

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Còn nhồi nhét vào đầu vào não học trò là phải học “ông cụ” nữa cơ đấy.

Comments are closed.