25-6-2023
Cuộc nổi loạn của Wagner như một màn kịch tiến triển rất nhanh, cả khi khởi đầu và khi kết thúc. Tuy nhiên, các dữ kiện cho phép có thể bàn luận về các điểm sau.
1. Việc nổi loạn là thật chứ không phải là do Putin dàn dựng. Nếu dàn dựng chắc không có đoạn Putin phải lên truyền hình kết tội Prigozhin và tuyên bố nặng nề như vậy, không có màn Wagner bắn rơi mấy máy bay của quân đội Nga và FSB như vậy, không có màn một loạt quan chức chạy trốn khỏi Moskva như vậy, và cũng không phải có màn đào chiến hào lập phòng tuyến ngăn quân Wagner như vậy…
2. Prigozhin đã chuẩn bị cho cuộc nổi loạn này từ lâu (vài tháng). Ông ta nhiều lần giả vờ kêu và chửi bới Bộ Quốc phòng Nga về cung cấp đạn dược thiếu cho quân Wagner – mục đích để tích trữ đạn dược. Ông ta nhiều lần phản ứng về quyết định “sáp nhập” quân lính về Bộ Quốc phòng Nga quản lý, nhiều lần chỉ trích, mạt sát các quan chức cao cấp Bộ Quốc phòng, thậm chí cả Putin. Làm các việc đó, ông ta có tăng uy tín, tuyên truyền tạo dư luận đồng tình với ông ta, lôi kéo các đơn vị quân đội đứng về phía ông ta trong thái độ đối với Bộ Quốc phòng.
3. Sắc lệnh sáp nhập quân Wagner mà không hứa hẹn vị thế chính trị gì cao hơn cho Prigozhin được Bộ Quốc phòng (Shoigu ký) là đòn đánh của Putin/ Shoigu nhằm xóa sổ quyền lực của Prigozhin, như giọt nước tràn ly dẫn đến hành động nổi loạn, tiến đến đảo chính, ít nhất là “đảo chính Bộ Quốc phòng Nga”. Và chuỗi sự kiện đã được thực hiện: Tạo cớ, dẫn quân về Rostov, rồi Varonhetsk…
Lực lượng thì nói là quân Wager có 20.000, có tài liệu nói là 50.000. Nhưng không phải tất cả tham gia cuộc binh biến. Số lượng người tham gia chưa có báo cáo nào tính được chính xác nhưng qua các ảnh chụp có thể thấy không nhiều, chỉ khoảng vài ngàn là nhiều, thậm chí vài trăm. Vũ khí chủ yếu là vũ khí cá nhân với vài xe tăng, xe bọc thép các loại, còn lại là xe vận tải chở lính và cả xe dân sự… Với lực lượng như vậy, Prigozhin đủ hiểu không thể đọ lại lính chính quy của FSB và quân đội Nga.
4. Prigozhin hy vọng vào sự hậu thuẫn và tham gia “đảo chính” của các đơn vị quân đội FSB Nga, các chính khách có quyền lực Nga, mà hắn chắc đã nói chuyện từ trước. (Hồi 1991 Yeltsin cũng đã làm một cuộc phản đảo chính ngoạn mục khi sử dụng lực lượng quân sự của chính phe đảo chính). Việc các đơn vị FSB và quân đội khi thấy Wagner nổi loạn đã không ngăn cản, đánh trả, dường như đã không làm gì đáng kể cản đường tiến quân… Việc này cũng đã có tiền lệ hồi 1991 khi cuộc đảo chính Gorbachev diễn ra – giữa các đơn vị vũ trang của Nga – bên theo lệnh đảo chính và bên kháng cự bảo vệ – hầu như không dùng súng đạn, mà chỉ có kết cục cuối cùng là bắt giữ người đứng đầu…
Sự hậu thuẫn đã không theo hy vọng của Prigozhin. Hắn là kẻ khôn ngoan và rất tỉnh táo, nên đến khi biết thế trận không thể thắng, đã vội bám vào chiếc cọc đàm phán của Lukashenko đưa ra…
Ông ta phải “tỵ nạn” một mình, không có lực lượng wagner, thậm chí về tài sản và văn phòng mới xây ở STB cũng chưa biết sẽ phán xét kiểu gì. Theo truyền thống của Nga, tính mạng ông ta về sau cũng khó bảo đảm.
Tại sao lại là Lukashenko? Tại vì giữa Prigozhin và Lukashenko đã có mối tình sâu đậm từ hồi bầu cử gian lận ở Belarus và quân Wagner đã hoạt động rất nhiều ở Belarus để giúp Lukashenko…
5. Vụ nổi loạn đã chứng tỏ sự rối loạn trong guồng máy quyền lực Nga và uy tín Putin đã và sẽ giảm sút mạnh.
Chế độ cai trị siloviki của Kremlin rạn nứt và sức đề kháng kém đối phó với các biến động.
Putin lộ rõ là một Tổng thống hèn nhát và không còn uy quyền. Có tin máy bay của ông ta đã phải bay đi St. Petersburg. Nhiều quan chức cấp cao bỏ chạy khỏi Moskva.
Ông ta sẵn sàng loại bỏ người gắn bó và đã “làm việc hết mình” là Prigozhin.
Ông ta sẵn sàng biến những công cụ quyền lực của quốc gia trao cho ông ta như kết tội phản quốc, phản bội, lệnh bắt giam, truy tố… thành món hàng trao đổi ngay lập tức cốt chỉ đổi lấy sự yên bình, viện cớ là để tránh đổ máu binh sĩ…
Ông ta phải dựa vào một xác chết chính trị Lukashenko và ủy quyền về các điều kiện mặc cả với tội phạm của quốc gia…
Ông ta không biết làm cách nào để ngăn đội quân vài ngàn người tiến rất nhanh về thủ đô…
Ông ta không giữ được cân bằng và ổn định giữa các thế lực trong bộ máy…
Dưới con mắt của công luận quốc tế và cả dân Nga, Putin đã lộ rõ chân tướng và không còn uy tín.