Phó Thủ tướng Vũ Khoan và không gian đóng góp cho các nhà kỹ trị

Huy Đức

22-6-2023

Phó Thủ tướng Vũ Khoan với TBT Thời báo Kinh Tế Sài Gòn 2001. Ảnh tư liệu

Cho dù rất kính trọng Phó thủ tướng Vũ Khoan, trong bài viết này, tôi không nói về tài đức của cá nhân ông mà xin nói về trường hợp của ông như một điển hình về công tác cán bộ.

Theo ông Phan Văn Khải, khi thăm dò ý kiến chuẩn bị nhân sự cho Đại hội X, các ban ngành đánh giá ông Vũ Khoan cao hơn Nguyễn Tấn Dũng. Một trong những “ban, ngành” nhiệt tình ủng hộ ông Vũ Khoan là Ban Nghiên cứu của thủ tướng.

Ông Khải thừa nhận, ông cảm tình với ông Vũ Khoan hơn, tuy nhiên, phần vì Vũ Khoan bị coi là thiếu thực tế trong nước, phần vì ông đã lớn tuổi – Vũ Khoan sinh năm 1937, cùng năm sinh với các ông Trần Đức Lương, Nguyễn Văn An – nên việc giới thiệu ông là gần như không thể.

Nhưng, chủ yếu, theo ông Khải, “Tương quan lực lượng không cho phép”. Đây là một điều đáng tiếc vì 2006 là thời điểm Việt Nam hội nhập gần như hoàn toàn. Nếu đứng đầu chính phủ là một nhà kỹ trị, am hiểu quốc tế thì vị thế Việt Nam sẽ khác.

Trong “Thư Gửi Mẹ & Quốc Hội”, ông Bảy Trấn [Nguyễn Văn Trấn, Chính ủy Khu IX trong Chiến tranh chống Pháp] viết [đại ý], Khi chọn người thay Trường Chinh, Lê Đức Thọ “hỏi Bác”, “Nhiệm vụ quan trọng nhất trong giai đoạn tới có phải là giải phóng miền Nam?” “Bác” gật đầu. Lê Đức Thọ nói tiếp, “Muốn giải phóng miền Nam thì có ai hiểu miền Nam hơn anh Ba?”

Nếu vì lợi ích của đất nước chứ không phải vì “tương quan lực lượng”, yếu tố quyết định trong chính trị, theo “nguyên lý” mà Lê Đức Thọ nói với “Bác” ở trên, thì thủ tướng của 2006 phải là một người như ông Vũ Khoan chứ không phải là Nguyễn Tấn Dũng.

Tôi sẽ nói về Nguyễn Tấn Dũng trong phần sau. Công tác cán bộ đã có vấn đề với “trường hợp Vũ Khoan” từ trước đó.

Tháng 2-2000, Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển bị “luân chuyển” về làm bí thư Nghệ An. Trong tiệc tiễn do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ông Tuyển đọc thơ nói rằng, việc ra đi của ông đơn giản vì (Tổng Bí thư) cần “chỗ trống”. Chỗ trống để đưa Thứ trưởng kỳ cựu Vũ Khoan rời Bộ Ngoại giao, tạo “chỗ trống” cho ông Nguyễn Dy Niên lên bộ trưởng.

Bộ Ngoại giao bắt đầu có vấn đề từ đây và “công tác cán bộ” bắt đầu có “màu sắc thị trường” khi PTT Phạm Gia Khiêm đưa Nguyễn Thanh Sơn lên làm trợ lý bộ trưởng, kiêm vụ trưởng Tổ chức cán bộ.

Không chỉ vì tương quan lực lượng, PTT Vũ Khoan chỉ mới là bí thư Trung ương Đảng, trong khi, ứng cử viên Tứ Trụ thường phải trải qua ít nhất một nhiệm kỳ ủy viên Bộ chính trị. Nguyên tắc này gần như được áp dụng cho Bộ Tam các cấp. Trừ một trường hợp ở địa phương [mà tôi biết] là vào năm 2005, ông Trần Cẩm Tú được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn khi chưa từng ở trong thường vụ [Nếu nguyên tắc này vẫn bị áp dụng cứng nhắc ở Hà Tĩnh, thì ngày nay ta không có ủy viên BCT Trần Cẩm Tú].

Thay vì đưa một nhà kỹ trị đứng đầu chính phủ trong thời kỳ hội nhập, “tương quan lực lượng” đã đặt vào vị trí ấy một con người ít học và nhiều thủ đoạn.

Trong một cuộc họp “duyệt phương án nhân sự” cho tỉnh Kiên Giang [trước Đại hội VII] tại T78, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã quyết định chọn Nguyễn Tấn Dũng thay cho ông Lâm Kiên Trì, một người bạn chiến đấu lâu năm của ông Võ Văn Kiệt.

Sau chuyến thăm Kiên Giang bằng trực thăng vào tháng 5-1993, Lê Đức Anh, người được giao nắm an ninh, quốc phòng, đã chọn Nguyễn Tấn Dũng thay thế tướng Võ Viết Thanh [Tướng Thanh không chịu điều tra “vụ Sáu Sứ” theo hướng buộc Tướng Giáp, Tướng Trà vào một âm mưu tiếm quyền trước Đại hội lần thứ VII].

Năm 2010, sau khi đau đớn nhìn Nguyễn Tấn Dũng phá tan hoang di sản của mình, Thủ tướng Phan Văn Khải nói với chúng tôi [tôi và ông Nguyễn Văn Kích, một người giúp việc thân tín của ông Khải]: “Sai lầm của tao là khi thấy Nguyễn Tấn Dũng không biết gì, tao đã choàng gánh làm lấy vì sợ mất uy tín Chính phủ. Lẽ ra phải để nó làm hỏng việc thì mấy ông già [chỉ “tam nhân” Lê Đức Anh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt] mới biết để thôi ủng hộ nó”.

Trong nhóm “tam nhân”, ông Kiệt thích Ba Dũng vì trẻ và quyết đoán. Ông Mười thích vì yếu tố “con liệt sĩ”. Tướng Lê Đức Anh thích vì đây là người có thể “nắm” để duy trì ảnh hưởng cá nhân. Trước khi trở thành thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng là một con người hoàn toàn khác, rất nhã nhặn với cấp dưới, dân dã với em út; còn với các bậc cha chú thì một điều dạ, hai điều vâng, lúc nào cũng xưng “con”, “thưa chú”.

Chỉ khi Nguyễn Tấn Dũng trở thành thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt mới thấy mình đã ủng hộ sai người.

Thời ông Phan Văn Khải, trước khi chính phủ ban hành bất cứ văn bản nào, thủ tướng cũng đều chuyển cho Ban Nghiên cứu xem trước. Các văn bản hay bị Ban Nghiên cứu có ý kiến lại thường được đưa lên từ Văn phòng Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng.

Nhưng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng không phải là nạn nhân đầu tiên.

Trước Đại hội X, Ban chuyên án “PMU18” đã dùng báo chí đánh rớt hai ứng cử viên sáng giá vào Trung ương [thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến và tướng Cao Ngọc Oánh], tướng Quắc chắc sẽ không bao giờ quên mối hận, liên quan đến con người hai mặt Nguyễn Tấn Dũng, này.

Cũng trước Đại hội X, thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Bích Đạt bị dồn đến mức hết sức căng thẳng, khiến cho Ban lãnh đạo Bộ hết sức lo lắng… Thủ tướng Phan Văn Khải biết chuyện, dặn Bộ trưởng Võ Hồng Phúc “phải hóa giải” từ Nguyễn Tấn Dũng vì cái gốc của vấn đề không phải là ông Bích Đạt mà là cái ghế của ông Phúc. Ông Võ Hồng Phúc liền nói thẳng với ông Dũng rằng, “Tôi không phải người của anh Khải, Đảng phân công tôi làm bộ trưởng thì tôi làm, nếu anh không muốn tôi làm nữa thì tôi nghỉ chứ anh em không có tội gì”.

Ngay sau cuộc gặp này, ông Nguyễn Bích Đạt thôi bị đánh.

Năm 2007, sau khi tiếp Thống đốc Lê Đức Thúy tại 16 Tú Xương, giải trình về vụ “tiền polymer”, ông Kiệt nói với chúng tôi, “Cậu này hơn chúng nó một cái đầu, nếu cứ thẳng băng thế sẽ không trụ được”. Tiền polymer dùng tốt cho tới tận bây giờ, trong khi tác giả của nó thì bị đánh tơi bời, phải rời chính trường ngay sau đó. Và, các chính sách ngân hàng tín dụng theo hướng kinh tế thị trường của ông bắt đầu bị sửa đổi.

Khi nhìn lại thời kỳ này, một “ông anh”, “đồng minh” của Nguyễn Tấn Dũng đúc kết, “Chính trị chỉ có mục đích chứ chính trị không có đạo đức”.

Làm sao mà những trí thức, những “ông đồ nho” như Vũ Khoan, Trần Xuân Giá, Võ Hồng Phúc, Lê Đức Thúy… có thể có đủ thủ đoạn để thắng được những người như Nguyễn Tấn Dũng.

Khi ông Phan Văn Khải được bầu làm Thủ tướng, ông Võ Văn Kiệt nhận xét, “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Hôm sau, ông Phan Văn Khải thừa nhận, “Về bản lĩnh chính trị tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Chế độ đã chính trị hóa tất cả các mặt trong đời sống xã hội của đất nước. Hệ thống đã chính trị hóa mọi chức danh.

Đành rằng, “chính trị chỉ có mục đích”, nhưng làm sao để có một nền chính trị mà muốn đạt được mục đích không thể làm những việc phi đạo đức. Đành rằng, “chính trị là thủ đoạn”, nhưng làm sao để có một nền chính trị mà trong khi các nhà chính trị sát phạt nhau, các nhà kỹ trị như Vũ Khoan, Lê Đức Thúy… vẫn có không gian cống hiến.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Người Việt Cũ (tĩnh từ viết hoa!!) :

    Thời Nội chiến Nam-Bắc lần Hai trong Bối cảnh Chiến tranh Lạnh Thế giới
    Ta vẫn thấy NHÂN CÁCH VIỆT của các DANH SĨ NAM HÀ và DANH SĨ BẮC HÀ du có khác biệt Ý HỆ…

    Người Việt mới (tĩnh từ KHÔNG viết hoa!!) :

    Thời đầu voi đuôi chuột: Thời XHCN – đuôi Kinh tế Thị trường trong Bối cảnh Toàn cầu hóa RỒI Tàu-Toàn cầu hóa (= Sino-Globalization = Sino-Mondialisation)


    Xin kính chúc yên nghỉ trong Lòng Đất Mẹ Việt Bao dung
    Cùng chân thành chia buồn cùng Đại gia đình Ông.

    Tạm lấy lại bài viết cho Người Cậu kính mến vừa ra đi như Nén Nhan hương Tưởng niệm Người Việt Cũ – Người can đảm thú nhận khuyết điểm của mình với Đồng bào vào Khoảnh khắc Cuối đời ***

    ****************************

    Vĩnh biệt Cậu Á : Thế là Cuộc Chia ly lại bước lùi về Mãi mãi Mai sau !

    *****************************

    Thuở nhỏ Mẹ hay thầm thì vào tai con:
    “Cậu Á vừa ghé ngang qua nhà mình
    Nhưng Cậu chẳng dám vào thăm chào…”
    Thắc mắc vì sao Lời Mẹ như Ẩn ngữ
    Tựa lời tối nghĩa con chẳng hiểu vì sao ?!

    Càng lớn càng sống càng suy nghĩ Vận Nước
    Sông Gianh – Bến Hải Nam-Bắc khói lửa lệ trào
    Ngay sau tháng Tư lần đầu gặp Cậu vào từ Hà Nội
    Người Em của Mẹ dáng dấp chân tình biết bao
    Vẫn chút gì thua Anh cả của Mẹ cùng bố về từ Pháp
    Vẫn thua hẳn nhiệt tình người em họ khác làm sao
    Rồi Cậu lại chuyển qua Thủ đô Pháp đi công tác
    Chân bước lên thuyền nan vượt biển bão lốc chớp Trời cao
    Đến Kinh đô tị nạn của bao chính trị gia chính khách
    Cậu lại trở về Hà Nội, bao đêm trắng lưu vong nhớ Cậu ngày nào

    Hôm nay Anh báo tin Cậu vừa đi đúng vừa Trăm tuổi…
    Vẫn quý mến Hình bóng Cậu Nụ cười lạc quan… lệ thầm trào
    Buồn đau Cậu cháu Tình Gia tộc sao vẫn còn ngăn cách
    Hận Sông Gianh uất Bến Hải đôi bờ hai dòng chia cách Tâm giao

    Thuở nhỏ Mẹ hay thầm thì vào tai con:
    “Cậu Á vừa ghé ngang qua nhà mình
    Nhưng Cậu chẳng dám vào thăm chào…”
    Thắc mắc vì sao Lời Mẹ như Ẩn ngữ
    Tựa lời tối nghĩa con chẳng hiểu vì sao ?!
    Ám ảnh vào tận Giấc mơ hóa thành Ác mộng

    Ngay sau tháng Tư lần đầu gặp Cậu từ Hà Nội vào
    Lời đầu Cậu bảo “Nhìn Chị và các cháu mắt đẫm lệ
    Muốn ôm cả gia đình Chị vào lòng nhưng sợ vỡ chuyện sao …”
    Giữa lúc Sài Gòn sau Cơn địa chấn Việt Sử
    Hiểu rõ bao chuyện nhưng Cậu đến giờ vẫn Tình chân biết bao
    Thôi nhé Cậu lên gặp lại Anh cả gặp lại Chị ruột trên ấy
    Niết bàn – Thiên đàng chẳng còn Ý hệ nào trên cao
    Trần gian muôn mầu dâu bể bể dâu sao lại lắm chuyện
    Bác cựu Tông tông Trump từng sướng k..u giờ bù đầu biết bao
    Gia tốc như vũ bảo Thế sử Âu sử Á sử Nga sử Sử Việt
    Paris lại đình công biểu tình bạo động… nhìn lên Cậu giờ với Trăng Sao….

    https://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg

    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT
    vien.nguyen1952@gmail.com


    ***** “Có người hỏi tôi rằng, khi về nghỉ hưu, ông hối tiếc điều gì nhất. Tôi nghĩ điều hối tiếc nhất là có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn.”

    NGƯỜI TÀI – Vũ Khoan

    Theo thiển ý tôi, CHÚC NGÔN này rất đáng kính trọng và là Bài học dành cho nhất là những ai còn Lương tri và Lương tâm đang nắm quyền hành

  2. Chính Vũ Khoan cũng CAN ĐẢM TỰ NHẬN MÌNH như THẰNG HÈN của Tô Hải

    “Có người hỏi tôi rằng, khi về nghỉ hưu, ông hối tiếc điều gì nhất. Tôi nghĩ điều hối tiếc nhất là có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn.”

    NGƯỜI TÀI – Vũ Khoan

    https://universite-digitale1.com/wp-content/uploads/2018/05/MeVietNam.jpg
    TRIỆU LƯƠNG DÂN VIỆT

  3. Đọc bài viết này thì có lẽ ai cũng có thể liên tưởng đến câu ngạn ngữ Pháp bất hủ
    rằng với chữ nếu người ta có thể bỏ cả thành phố Paris vào trong một cái chai !
    Nếu không phải NTD. làm thủ tưóng mà là VK. thì tình hình đã tốt hơn nhiều ???
    Nhận định thời sự không phải cho thời hiện tại mà là tiếc thời qúa khứ, trời ạ !

Comments are closed.