Cù Tuấn, biên dịch
22-6-2023
Tóm tắt: Cách thức để Nga phải chịu một thất bại chiến lược.
Vào đêm trước lễ kỷ niệm cuộc đổ bộ D-Day của quân Đồng minh ở Normandy, Tướng Mark Milley, vị tướng cao cấp nhất của Mỹ, đã chỉ ra sự tương đồng của nó với cuộc phản công của Ukraine, dù cuộc phản công của Ukraine ở vị trí cách Normandy khoảng 2.800 km về phía đông. Ông nói, mục tiêu vẫn giống như gần tám thập kỷ trước: “Giải phóng lãnh thổ bị chiếm đóng và giải phóng một quốc gia đã bị một quốc gia xâm lược vô cớ, trong trường hợp này là Nga”.
Vào năm 1944 và cũng như bây giờ, các trận chiến sẽ quyết định trật tự an ninh trong tương lai ở châu Âu. Nhưng ít nhất đối với những quốc gia phương Tây ủng hộ Ukraine, mục đích cuối cùng của cuộc chiến kém rõ ràng hơn nhiều so với mục đích của quân Đồng minh năm 1944. Không giống như Đức Quốc xã, Nga là một cường quốc hạt nhân. Thật khó để tưởng tượng Nga có thể đầu hàng hoàn toàn như Đức.
Mục tiêu được tuyên bố của Ukraine là tái chiếm tất cả các vùng đất mà Nga đã chiếm giữ từ năm 2014, khôi phục các đường biên giới được thiết lập vào năm 1991, khi Liên Xô tan rã. Nhưng ngay cả khi quân đội Ukraine có thể đạt được điều đó (và đặc biệt là nhiều quốc gia phương Tây vẫn nghi ngờ), thì còn có những lo ngại rằng, Nga có thể coi kết quả như vậy là một sự sỉ nhục, đến mức nước này sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để tránh kết cục như vậy xảy ra.
Kết quả cuối cùng là một mục tiêu mơ hồ hơn nhiều: Ukraine sẽ gây ra càng nhiều thiệt hại cho Nga và càng giành lại được nhiều lãnh thổ càng tốt, qua đó tăng cường sức mạnh của mình khi nước này cố gắng đạt được một cách thức sống chung với một nước Nga đang suy yếu. Theo cách suy nghĩ này, một kết quả tích cực sẽ là các lữ đoàn với vũ khí phương Tây được trang bị mới của Ukraine sẽ cắt đứt tuyến đường huyết mạch trên bộ giữa Nga và bán đảo Crimea hoặc tiến tới đủ gần để gây nguy hiểm cho các vị trí của Nga ở bán đảo Crimea.
Tuy nhiên, hầu hết các quan chức phương Tây mong đợi những bước tiến khiêm tốn hơn, với việc Ukraine chiếm lại và nắm giữ ít phần lãnh thổ chiến lược hơn mà họ đã mất trong năm qua, nhưng ít nhất chứng tỏ rằng họ vẫn có thể tiến xa trên chiến trường. Theo quan điểm bi quan, quân Ukraine sẽ chiến đấu để vượt qua hàng phòng thủ của Nga, và chỉ giành được những bước tiến nhỏ và kết thúc trong thế bế tắc. Đáng mừng là viễn cảnh quân Ukraine chịu thất bại, hứng chịu một cuộc phản công và phải rút lui có thể gần như bị loại trừ, bởi vì Nga thiếu phương tiện để tạo ra một bước tiến lớn về quân sự.
Mặc dù quyết tâm và năng lực của quân đội Ukraine sẽ mang tính quyết định, nhưng các yếu tố bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến kết quả. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố hai mục tiêu lớn: Vừa bảo đảm Ukraine không bị đánh bại, vừa bảo đảm NATO không bị lôi kéo vào cuộc xung đột trực tiếp với Nga, với nguy cơ leo thang hạt nhân. Ngay từ đầu, ông đã từ chối gửi quân đến Ukraine hoặc áp đặt “vùng cấm bay”. Nhưng ông đã cung cấp vũ khí với số lượng lớn hơn và tinh vi hơn bao giờ hết để giúp Ukraine tự vệ.
Điều quan trọng không kém là việc cung cấp thông tin tình báo, lập kế hoạch và huấn luyện của Mỹ và các đồng minh. Ukraine ngày nay có một trong những quân đội lớn nhất ở châu Âu được quân đội hùng mạnh nhất thế giới hỗ trợ. Và mặc dù quân đội Ukraine không được đào tạo theo tiêu chuẩn của NATO, nhưng quân đội Ukraine “chỉ cần giỏi hơn quân đội Nga” để chiếm thế thượng phong, theo các quan chức phương Tây.
Theo các quan chức Mỹ và châu Âu, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình dường như cũng đã đặt ra các ranh giới. Ông Tập muốn ngăn chặn sự thất bại hoàn toàn của Nga, cũng như sự rạn nứt trong quan hệ với châu Âu hoặc việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Vì vậy, mặc dù ông và tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng, tình hữu nghị giữa hai nước “không có giới hạn”, nhưng cho đến nay vẫn có những giới hạn trong sự giúp đỡ mà Trung Quốc sẵn sàng dành cho Nga.
Trung Quốc mua dầu và khí đốt xuất khẩu của Nga với giá chiết khấu, và bán hàng hóa Trung Quốc, một số trong đó có thể hữu ích cho nỗ lực chiến tranh của Nga. Nhưng ông Tập cho đến nay vẫn từ chối cung cấp các lô vũ khí lớn, loại mà phương Tây đã cung cấp cho Ukraine. Điều này có thể thay đổi nếu Trung Quốc nghĩ rằng quân Nga sắp bị đánh đuổi, các quan chức phương Tây lo ngại.
“Không bao giờ” liệu có là tốt?
Tuy nhiên, ngay cả khi chấp nhận rủi ro đó và trong khi tuân theo các thông số của ông Biden, các tướng lĩnh Mỹ ngày càng nghĩ rằng, có thể dàn dựng một “thất bại chiến lược” cho Nga. Theo thời gian, họ trở nên ít sợ hãi hơn về sự leo thang hạt nhân. Một phần chiến lược “luộc ếch” của họ, với việc tăng dần một cách chậm rãi số tiền viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine, đã giúp giảm thiểu rủi ro. Và bằng cách kích động chính Nga, thông qua các cuộc tấn công vào khu vực biên giới Belgorod, hoặc các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cỡ nhỏ vào Điện Kremlin, Ukraine cũng tìm cách cho thấy những lời đe dọa từ Nga là không có giá trị gì. Càng ngày, giới lãnh đạo hàng đầu của Mỹ càng đặt mục tiêu bảo đảm rằng Nga mất đi cả năng lực quân sự và khuynh hướng phát động một cuộc chiến tranh xâm lược khác. Một quan chức phương Tây nói: “Không bao giờ trở thành một khái niệm có thể đạt tới“.
Mục tiêu này đặc biệt hấp dẫn các nhà hoạch định quân sự của Mỹ vì từ lâu họ lo sợ viễn cảnh phải chiến đấu với hai cuộc chiến cùng một lúc: Với Nga ở châu Âu và với Trung Quốc ở châu Á. Nếu mối đe dọa từ Nga giảm đi đáng kể, ít nhất là trong vài năm, thì điều đó sẽ cho phép tập trung nhiều nguồn lực hơn vào việc ngăn chặn Trung Quốc, vốn đã trở thành mối quan tâm quân sự cấp bách nhất của Mỹ.
Các nhà phân tích phương Tây có ba kịch bản lớn về cách thức cuộc chiến này có thể diễn ra. Kịch bản đầu tiên liên quan đến một bước đột phá lớn của Ukraine, trong đó họ hoặc cắt đứt các tuyến đường tiếp tế tới Crimea, hoặc giành lại phần lớn lãnh thổ ở khu vực phía đông Donbas mà Nga đã chiếm giữ vào năm ngoái và năm 2014. Sự sụp đổ tàn khốc như vậy của các lực lượng Nga có thể dẫn đến việc ông Putin bị mất quyền lực. Đối với một số người, đó là cách tốt nhất để khôi phục hòa bình ở châu Âu.
Nhưng đánh giá khả năng của Nga trong việc duy trì kỷ luật trong quân đội của họ là điều khó khăn; đánh giá mức độ mong manh của chế độ Putin còn khó hơn. Những lo lắng về hạt nhân sẽ không hoàn toàn biến mất. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ ít lo lắng về việc Putin sử dụng vũ khí hạt nhân hơn là lo lắng về việc Nga sẽ rơi vào hỗn loạn và đồng thời mất kiểm soát đối với kho vũ khí hạt nhân của nước này.
Kịch bản thứ hai kéo theo tổn thất nhỏ hơn của Nga, nhưng cũng có khả năng thất bại thêm nữa nếu chiến tranh tiếp diễn, điều này có thể đủ để trừng phạt Nga và làm suy yếu Putin.
Kết quả thứ ba, ảm đạm hơn sẽ là một thế bế tắc cho phép Nga giữ lại hầu hết các vùng lãnh thổ nước này đã chiếm được. Điều đó sẽ làm suy yếu niềm tin của phương Tây vào Ukraine và khuyến khích ông Putin.
Ông Alexander Gabuev thuộc Trung tâm Á-Âu Carnegie Nga, một viện nghiên cứu chính sách ở Berlin, cho rằng, đối với tất cả những thất bại quân sự của Nga, ông Putin dường như không từ bỏ ý định chinh phục toàn bộ Ukraine, sáp nhập thêm lãnh thổ của nước này và cài đặt một chính phủ bù nhìn ở Kiev. Tổng thống Nga có thể tưởng tượng rằng ông vẫn có thể đạt được điều đó bằng cách duy trì xung đột trong nhiều năm. Lực lượng không quân và hải quân của Nga phần lớn vẫn còn nguyên vẹn, và Putin có thể tổng động viên thêm binh lính, mặc dù điều đó có nguy cơ khiến người dân Nga bất bình. Ông Putin sẽ muốn đua sức chịu đựng với phương Tây.
Đặc biệt, Putin sẽ kỳ vọng vào sự trở lại nắm quyền của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm sau. Ông Trump phàn nàn rằng, Mỹ đã lãng phí hàng tỷ đô la vào Ukraine, làm cạn kiệt kho vũ khí của chính nước Mỹ và kéo dài một cuộc chiến đẫm máu. Nếu đắc cử, ông Trump tuyên bố có thể chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ mà không nói bằng cách nào. Người Ukraine lo sợ rằng, ông có thể cắt đứt dòng tiền viện trợ, hoặc đồng ý với các điều khoản của Putin.
Làm thế nào để ngăn chặn một cuộc chiến kéo dài? Một hy vọng là Ukraine sẽ gây ra sự thất bại quân sự nặng nề đến mức khiến ông Putin phải xem xét lại các mục tiêu của mình. Một số quan chức phương Tây, đặc biệt ở Đức, hy vọng cuộc phản công của Ukraine sẽ sớm dẫn đến các cuộc đàm phán hòa bình. Nhưng những người khác, đặc biệt là ở Mỹ, cảnh báo rằng, Putin khó có thể sẵn sàng đàm phán nghiêm túc, trừ khi ông ta thất bại. Ngay cả khi các cuộc đàm phán diễn ra, sự tham gia của Nga có thể là một chiến thuật trì hoãn, hoàn toàn không thành thật. Thỏa thuận ngoại giao thật sự có thể phải chờ đến năm tới, khi một đợt giao tranh khác kết thúc.
Do đó, phương Tây đang tranh luận về việc làm thế nào để mang lại sự tin cậy cao hơn cho những lời hứa hỗ trợ Ukraine “cho đến khi nào còn cần thiết”. Những câu hỏi hóc búa nhất xoay quanh những bảo đảm an ninh mà phương Tây có thể mang lại cho Ukraine, cả trong ngắn hạn và như một phần của một giải pháp lâu dài. Cho đến nay, một số nhà lãnh đạo phương Tây nghĩ rằng, những vấn đề như vậy tốt nhất nên để lại sau khi chấm dứt chiến sự.
Nhưng với cơ hội đàm phán hòa bình rất ít ỏi, nhiều người cho rằng phương Tây không nên chờ đợi nữa; thật vậy, những bảo đảm tăng cường có thể đẩy nhanh kết thúc chiến tranh bằng cách làm suy yếu giấc mơ của Putin về việc giành chiến thắng trong một cuộc xung đột kéo dài. Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp, từ lâu bị Đông Âu coi là bất bình với Mỹ và tỏ ra mềm mỏng với Nga, đã có một bước đi diều hâu đáng ngạc nhiên trong một bài phát biểu gần đây ở Slovakia, trong đó ông kêu gọi Ukraine phải nhận được “những bảo đảm an ninh hữu hình và đáng tin cậy”.
Hối tiếc về bản ghi nhớ Budapest
Những “bảo đảm” an ninh mà Ukraine nhận được năm 1994 từ chính Mỹ, Anh và Nga, trong một thỏa thuận gọi là bản ghi nhớ Budapest, để đổi lấy việc nước này từ bỏ phần vũ khí hạt nhân của Liên Xô, đã tỏ ra hoàn toàn không thỏa đáng. Ukraine và những quốc gia thân cận của họ ở Đông Âu lập luận rằng, chỉ có tư cách thành viên của liên minh NATO – với cam kết bảo vệ lẫn nhau mạnh mẽ của Điều 5 – mới có thể bảo vệ Ukraine khỏi các cuộc tấn công trong tương lai.
Tuy nhiên, các đồng minh phương Tây đang bị chia rẽ. Đặc biệt, Đức lập luận rằng một quốc gia có tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết, đặc biệt là quốc gia đang có chiến tranh, không thể trở thành thành viên NATO (những quốc gia khác phản bác rằng, Tây Đức đã gia nhập NATO bất chấp sự chia cắt nước Đức trong thời kỳ Chiến tranh lạnh). Trong mọi trường hợp, rất khó để thấy ông Biden mở rộng bảo đảm hạt nhân của Mỹ cho Ukraine trong tương lai gần, do ông vẫn còn ngần ngại không chịu gửi quân đội Mỹ đến bảo vệ nước này ngay bây giờ.
Anders Fogh Rasmussen, cựu tổng thư ký NATO, đề xuất một kế hoạch hai bước. Đầu tiên, các nước phương Tây nên đưa ra những bảo đảm “đáng kể” cho Ukraine, lý tưởng nhất là trước hội nghị thượng đỉnh của NATO ở Litva vào tháng tới. Sau đó, chính hội nghị thượng đỉnh này sẽ đưa ra lời mời Ukraine tham gia liên minh, hoặc ít nhất là báo hiệu rằng một liên minh sẽ diễn ra trong năm tới. Điều này sẽ làm rõ rằng Nga không có quyền phủ quyết đối với việc ai sẽ tham gia NATO. Cuối cùng, ông Rasmussen lập luận, việc bảo vệ Ukraine trong NATO sẽ ít tốn kém hơn so với việc trang bị vũ khí cho nước này để một mình chống lại Nga vô thời hạn.
Một sự khó khăn sẽ là bảo đảm rằng các bảo lãnh đóng vai trò cầu nối để trở thành thành viên, chứ không phải là một giải pháp thay thế cho nó. Trong một bài báo, Eric Ciaramella của Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, một tổ chức tư vấn ở Washington, đưa ra một kế hoạch năm điểm để cung cấp cho Ukraine “ít hơn Điều 5 nhưng nhiều hơn bản ghi nhớ Budapest”. Điều này bao gồm các cam kết được pháp luật hóa nhằm giúp Ukraine tự bảo vệ mình, một phần được truyền cảm hứng từ những cam kết mà Mỹ dành cho Israel và Đài Loan, để bảo đảm rằng các quốc gia này sẽ trường tồn, bất kể ai đang nắm quyền ở Mỹ và Châu Âu.
Ông [Eric Ciaramella] cũng ủng hộ việc phân bổ ngân quỹ trong nhiều năm để trang bị vũ khí cho Ukraine; hỗ trợ xây dựng lại ngành công nghiệp vũ khí của Ukraine; cơ chế tham vấn chính trị như Điều 4 của NATO; và một lộ trình rõ ràng để Ukraine trở thành thành viên EU. Như ông Macron nhận ra một cách muộn màng, “ngày nay Ukraine đang bảo vệ cả châu Âu”; tốt hơn hết là tích hợp Ukraine vào EU một cách vững chắc, hơn là để nước này lửng lơ trong vùng xám, vốn chỉ kích thích nước Nga tràn đến xâm lược.