Trường chuyên, giữ hay bỏ? (Kỳ 1)

Thái Hạo

20-6-2023

Cuộc tranh cãi về trường chuyên lại nổi lên, ý kiến rất phong phú. Ở đây, tôi nêu quan điểm dựa trên vài cơ sở thực tiễn để trả lời mấy câu hỏi bên dưới.

1. Trường chuyên học gì?

– Học chương trình THPT như tất cả các “trường thường” trên cả nước. Chỉ có một điểm khác, đó là môn chuyên học nhiều hơn. Ví dụ, môn Văn lớp 10 trường thường 105 tiết/năm thì trường chuyên là 210 tiết. Số tiết tăng thêm này đến từ 2 lý do: Học kỹ hơn đối với cùng một đơn vị bài học, và học thêm một số chuyên đề chuyên sâu. Ngoài ra không có gì khác biệt nữa.

Vì một cái chương trình chuyên nửa nạc nửa mỡ như vậy mà “sứ mạng” thì vô cùng to lớn, đó là thành tích học sinh giỏi, nên các trường phải tìm cách lách luật. Từ đây, sinh ra vô vàn hậu quả tai hại. Như tôi dạy lớp chuyên văn, có những tháng khi gần thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn, lớp vắng hoe, vì hầu hết đều tham gia vào đội tuyển: Nào là đội tuyển Văn, đội tuyển GDCD, Sử, Địa…

Trước các kỳ thi “lớn” như Olympic khu vực hay thi học sinh giỏi quốc gia thì càng “biệt tăm cá” hơn nữa. Có những em cả nhiều tháng trời không xuất hiện tại lớp học vì phải tập trung ôn luyện để thi. Các em này vì không nhìn ngó gì tới hầu hết các môn còn lại, nên gần như cũng mù tịt kiến thức.

Vậy trường giải quyết thế nào? Cấy điểm, cho khống điểm… Đây là “chính sách ưu tiên” dành cho học sinh tham gia thi học sinh giỏi, nếu không làm thế, sẽ chẳng em nào dám đánh đổi tương lai để lấy một cái giải hữu danh vô thực cả. Trước kỳ thì tốt nghiệp (THPTQG) thì các em đành phải hộc tốc ôn thi để tránh điểm liệt.

Như chúng ta đã biết, hiện nay nhiều trường đại học đã tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ. Những học sinh trường chuyên được “biếu điểm” này thường có học bạ đẹp như mơ, cả lớp toàn danh hiệu học sinh giỏi, nhưng thực chất thì không phải vậy. Đây là một bất công và cả bất minh nữa, hậu quả là trường đại học và xã hội lãnh đủ khi tuyển sinh không đúng chất lượng. Còn nhiều vấn đề nhức nhối khác nữa, nhưng tạm nêu ra như thế đã.

Câu hỏi tiếp theo cho nội dung này là, cùng một chương trình, riêng môn chuyên được dạy và học nhiều hơn, vậy học sinh có vì thế mà giỏi hơn đến mức trở thành “nhân tài”? Rất khó để khẳng định.

2. Tại sao học sinh trường chuyên lại giỏi hơn trường thường?

Cách đây 2 năm, khi ngồi với mấy anh em báo chí, mọi người có khẳng định rằng, “Nói gì thì nói, trên mặt bằng chung, học sinh trường chuyên vẫn giỏi hơn hẳn”. Tôi nói, “Đúng, nhưng là chúng nó giỏi sau hay trước khi vào trường chuyên?”.

Tổng số học sinh Hà Nội đăng ký thi vào lớp 10 năm nay là khoảng 270.000 em, trong đó 4 trường chuyên của Thành phố, có tổng số chỉ tiêu khoảng 2000, nghĩa là chiếm chưa đến 1%. Hà Nội thì Amsterdam là “số 1”, lấy 200 chỉ tiêu cho lớp 10, nghĩa là chưa được 1/1000.

Như chúng ta đã biết, với tâm lý hiện tại thì việc vào trường chuyên là mơ ước của hầu hết học sinh và cha mẹ các em, nên chỉ khi thất bại ở đó, họ mới ngậm ngùi về trường thường. Cho nên, đầu vào trường chuyên gần như tuyệt đối là các học sinh đã giỏi sẵn. Một thành phố gần 10 triệu dân, lấy 200 em, không giỏi sao được! Vậy rõ ràng, đầu vào trường chuyên đã là những em thuộc loại cực kỳ xuất sắc. Câu hỏi đặt ra là, các trường chuyên có đang “mượn hoa cúng Phật” khi nghiễm nhiên thừa hưởng những thành quả của người khác?

Việc những em cực giỏi này sau khi vào trường chuyên có giỏi thêm hay không thì không thấy một nghiên cứu hay đánh giá khả tín nào cả. Thậm chí, chúng ta có quyền đặt câu hỏi rằng, các em này có bị “bớt giỏi” đi hay không sau khi vào trường chuyên?

Vì không có một nghiên cứu nào chỉ ra được quá trình phát triển năng lực của các em trong hành trình từ cấp 2 lên cấp 3 đối với trường chuyên, nên một lần nữa chúng ta có quyền thắc mắc rằng, liệu, nếu không vào trường Amsterdam thì 200 em xuất sắc nhất Hà Nội kia có thể đã tiến xa hơn nữa trên con đường trí tuệ? Và từ đó, chúng ta có quyền âu lo về việc trường chuyên đã kìm hãm năng lực của người học, chứ chưa hẳn là phát triển nó?

Xin kể một ví dụ, ở “trường thường” Hùng Vương (Bình Phước) cách đây hơn 10 năm, có em Nguyễn Đình Toàn đã đoạt giải nhất HSGQG môn Toán; em này sau khi vào đại học thì tiếp tục đoạt giải đặc biệt và giải nhất cuộc thi Olympic Toán học Sinh viên toàn quốc. Không ai chắc chắn được nếu em mà vào trường chuyên của tỉnh này thì có còn “giỏi” được như vậy nữa không.

Từ thực tế “luyện thi học sinh giỏi” ở trường chuyên, chúng ta thấy học sinh có thể trở thành các thợ giải toán, thợ viết văn… rất giỏi, nhưng tư duy độc lập, đầu óc phản biện và nhận thức xã hội đa chiều bị hạn chế rất nhiều. Sự nhồi nhét ở trường chuyên vì các mục tiêu điểm số và thành tích có thể mang lại chút kết quả trước mắt nhưng về lâu dài chưa hẳn đã tốt, vì các em bị thu hẹp không gian tinh thần và sự năng động trong suy nghĩ; lối học mẹo mực, tiểu xảo sẽ làm hỏng đầu óc lành mạnh của con người. Những tài năng lớn thường có sự tự do rất rộng trong suy nghĩ, cả những phá cách và “điên rồ”, nhưng học sinh chuyên thì đa phần là “ngoan” đến rất ngoan.

3. Học sinh trường chuyên, về đâu?

Ngoài một thiểu số đi du học thì phần lớn vẫn vào các trường đại học trong nước mà mọi học sinh không chuyên đang học. Nghĩa là “đứt gánh giữa đường”, việc đào tạo chuyên đã không có một lộ trình hoàn chỉnh khi đổ dồn nguồn lực vào dạy cho học sinh phổ thông trở nên thật “giỏi”, nhưng không làm gì tiếp theo nữa cho cái lực lượng ấy. Rõ là “đem con bỏ chợ”. Thêm nữa, mới đây, bộ Giáo dục và Đào tạo còn ra quyết định bỏ nốt hệ Chất lượng cao ở các trường đại học.

Vậy bài toán cần phải giải là gì? Anh không chắc chắn được việc mình có đang đào tạo cho học sinh giỏi hơn lên khi vào hệ thống trường chuyên, lại cũng không có một chiến lược hay hoạch định nào sau đó để tiếp tục “nuôi dưỡng tài năng” khi lên đại học, thì tốt nhất nên thả ra, để cho tư nhân làm.

Đồng ý rằng giáo dục không nên cào bằng mà cần thực hiện trên nguyên tắc cá thể hóa/cá biệt hóa để mỗi người học có cơ hội phát triển đến mức cao nhất năng khiếu, sở trường, tiềm năng của mình. Nhưng việc thiết kế một “chương trình chuyên” vừa ôm đồm, vừa vá víu, què quặt như đã nói, cộng thêm với việc không đánh giá được quá trình phát triển của học sinh trước và sau khi vào chuyên, lại “đầu voi đuôi chuột” vì không có chương trình tiếp nối sau khi các em này học hết phổ thông, rồi còn thêm việc đầu tư quá lớn về vật chất, tiền bạc cho hệ thống chuyên, thì việc cố duy trì nó là không thuyết phục.

Nhà nước sau khi đảm bảo quyền được học tập của trẻ em như Hiến pháp và Luật đã quy định, thì nên dành nguồn lực nhiều hơn cho các đối tượng yếu thế như người nghèo, người khuyết tật…, thay vì đổ dồn vào “tầng lớp thượng lưu”. Đảm bảo đủ trường lớp bằng cách đầu tư xứng đáng, đồng thời khuyến khích hệ thống trường tư phát triển, đặc biệt là trường tư chất lượng cao, để đáp ứng đa dạng nhu cầu của xã hội.

Công việc của nhà nước là đảm bảo các chính sách giáo dục cơ bản, rồi có sự hỗ trợ cho những em học giỏi nhưng chọn vào các trường tư chất lượng cao nhưng có mức học phí nặng. Tóm lại, nhà nước chỉ “làm nền” và có phương án ứng phó với các tình huống đặc biệt, như đối với học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, học sinh học giỏi nhưng kinh tế khó khăn…, không nên ôm đồm nữa.

Tôi đồng ý với tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, là nên giải tán hoặc bán trường Amsterdam cho tư nhân.

_____

TB: Tôi quan sát thấy, khi nói động đến bất cứ trường nào, đặc biệt là các trường chuyên thì sẽ lập tức phải hứng chịu một cơn mưa gạch đá từ chính học sinh và cựu học sinh trường ấy, mà các em này thì thường ăn nói rất xéo xắt. Cái tâm lý làng xã, luôn sẵn máu tự hào về “ngôi nhà chung” của mình đã khiến người ta rất ít khi điềm đạm lại được để nghĩ và đối thoại. Đây cũng là một hậu quả của giáo dục nói chung và trường chuyên nói riêng: Nuôi dưỡng ảo tưởng và tâm lý tự hào tập thể, sẵn sàng đánh hội đồng bất cứ ai dám mon men “xúc phạm” đến ngôi đền của họ.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bổ sung:
    1. Chính vì thế, các trường chuyên được hình thành do nhu cầu thi cử, thêm vào đó, là do nhu cầu (rất quặn lòng) khi các lãnh tụ lại muốn chứng tỏ rằng nền giáo dục này không thua kém một nền giáo dục nào khác!!
    2. Vấn đề là nền giáo dục bị chuyên hóa, vì, không rõ là do vô tình hay hữu ý mà sự tuyển chọn vào các trường ĐH hiện nay (thông qua các kỳ thi tn ptth) lại chung đề cho tất cả các loại hình: trường chuyên, trường thường và cả trường giáo dục thường xuyên. Hậu quả là: các hs trường thường và trường giáo dục thường xuyên phải cố công đi học thêm, sao cho kiến thức của mình ít ra cũng đọ lại được bọn A2 của bọn chuyên chứ!?
    3. Phụ huynh học sinh nói riêng và cả xã hội nói chung chỉ khi nào nhận ra được rằng các trường học hiện nay thực chất chỉ là các công ty giáo dục (bán chữ là chính, và vì thế, các trường chuyên là các công ty có doanh thu cao nhất), thì lúc ấy họ mới bàn bạc xem: TRƯỜNG CHUYÊN CÓ LỢI HAY CÓ HẠI mà thôi!!

  2. Chuyện thi cử trao giải, (thậm chí, tới tận giải Nobel), thì, cũng chỉ là các hoạt động do các tổ chức phi chính phủ chủ trì (chơi thì chơi, không chơi cũng chẳng sao). Vấn đề là, một vài quốc gia lại lấy đó làm tiêu chí phấn đấu, và họ NHÀ NƯỚC HÓA sự phấn đấu đó bằng cách thành lập CÁC TRƯỜNG CHUYÊN để có lực lượng đi thi đấu. Nên chăng!?

Comments are closed.