‘Khủng bố’ ở Tây Nguyên?

Blog VOA

Trân Văn

13-6-2023

Không chỉ hệ thống truyền thông chính thức mà một số trang facebook dùng vào việc tuyên truyền trên mạng xã hội đã sửa cách gọi sự kiện này từ “khủng bố” thành “dùng súng tấn công”.

Dư luận rúng động trước sự kiện hai nhóm có vũ trang tấn công trụ sở xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk lúc rạng sáng 11/6/2023 khiến bốn sĩ quan công an, hai cán bộ xã, ba người dân thiệt mạng, hai sĩ quan công an bị thương (1),… Tính đến tối ngày 13/6/2023 (giờ Việt Nam), chính quyền Việt Nam đã bắt giữ 45 người bị cho là có liên quan đến vụ tấn công vừa kể (2).

Có vài điểm đáng lưu ý khi theo dõi, đối chiếu những thông tin chính thức từ phía các viên chức hữu trách và “báo chí cách mạng” về “sự kiện Cư Kuin”: Thứ nhất, phần lớn các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống “báo chí cách mạng” im lặng trước sự kiện này, một số cơ quan truyền thông như VnExpress, Công Thương trót đưa tin đã vội vàng đục bỏ ngay sau đó.

Thứ hai, khi các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống “báo chí cách mạng” đồng loạt loan báo về “sự kiện Cư Kuin”, các tin liên quan đến sự kiện này rất ngắn và nội dung giống hệt nhau, điều đó cho thấy các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống “báo chí cách mạng” đã bị hệ thống chính trị, hệ thống công quyền khống chế. Sự khống chế này buộc người ta phải cân nhắc về tính chính xác của thông tin cho dù đó là thông tin chính thức.

Thứ ba, khi các cơ quan truyền thông thuộc hệ thống “báo chí cách mạng” tham gia đáp ứng “quyền được biết” của dân chúng về “sự kiện Cư Kuin”, thiệt hại nhân mạng rất chung chung, đúng với những gì mà viên tướng là Phát ngôn viên Bộ Công an muốn báo giới truyền tải tới công chúng rằng đã có “một số đồng chí công an xã, cán bộ xã, người dân chết và bị thương(3) – khác xa với tin ban đầu mà VnExpress tự nguyện đục bỏ.

Thiệt hại nhân mạng đột nhiên trở thành chung chung sau khi một số thắc mắc xuất hiện trên mạng xã hội: Tại sao Bí thư xã Ea Ktur, Chủ tịch xã Ea Tiêu cùng có mặt tại hiện trường vào lúc nửa đêm để bị “sát hại”? Hai cuộc tấn công gần như cùng lúc vào trụ sở hai xã có liên quan đến việc nửa đêm, Bí thư xã Ea Ktur và Chủ tịch xã Ea Tiêu còn làm việc? “Người dân” bị sát hại thật sự là thường dân hay tài xế của cán bộ xã?

Phải đến hôm nay (13/6/2023), mới có thông tin chính thức xác nhận hai cán bộ xã thiệt mạng là ông Nguyễn Văn Kiên – Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND xã Ea Ktur và ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Bi thư kiêm Chủ tịch xã Ea Tiêu (4).

Thứ tư, không chỉ hệ thống truyền thông chính thức mà một số trang facebook dùng vào việc tuyên truyền trên mạng xã hội đã sửa cách gọi sự kiện này từ “khủng bố” thành “dùng súng tấn công”. Việc chỉnh sửa nội dung xảy ra sau khi ông Tô Ân Xô – Phát ngôn viên Bộ Công an khuyến cáo: Các cơ quan truyền thông cần kiểm chứng thông tin trước khi đăng tải để đảm bảo thông tin đúng sự thật.

Trên thực tế, “khủng bố” có thể khiến các tổ chức quan sát – bảo vệ nhân quyền, chính quyền các quốc gia phải thận trọng hơn khi lên tiếng nếu xảy ra đàn áp ở diện rộng nhưng thừa nhận đã xảy ra “khủng bố” ở Việt Nam đồng nghĩa với việc xác nhận Việt Nam đang trong tình trạng bất ổn về an ninh, chính trị, đặc biệt là vì Bộ Công an chỉ có thể kiểm soát “báo chí cách mạng”, tuyên bố về “khủng bố” có thể dẫn đến những hậu quả tai hại hơn nếu có nguyên nhân khác và nguyên nhân này được phơi bày…

***

Khi thông tin do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam cung cấp về “sự kiện Cư Kuin” vừa không đầy đủ, vừa có những dấu hiệu không khách quan (tự ý đục bỏ, liên tục sửa chữa – điều chỉnh nội dung nhưng không đính chính, xin lỗi), một số người và một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam đã sử dụng Google để tìm kiếm những thông tin liên quan đến hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu nói riêng cũng như huyện Cư Kuin nói chung để tìm câu trả lời về nguyên nhân…

Trong số những người và những cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam thử truy tìm nguyên nhân như vừa kể có tạp chí Luật Khoa (TCLK). Từ những thông tin đã được hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam loan báo trước đó, TCLK giới thiệu: Cả hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu đã cũng như đang là những điểm nóng về thu hồi đất và thanh toán tiền bồi thường cho hai dự án: Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột và Dự án Khu Đô thị mới Trung Hòa.

Cả hai dự án vừa kể đều cần thu hồi đất. Trên danh nghĩa, đất cần thu hồi thuộc quyền quản lý của một số công ty cà phê nhưng trên thực tế lại do dân chúng sử dụng. Đó cũng là lý do chính quyền địa phương phải tổ chức cưỡng chế. Hồi đầu tháng 3 năm nay, có vài chục gia đình “tự nguyện bàn giao đất” để thi công Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột. Cuối tháng 5 vừa qua, có vài chục gia đình bị cưỡng chế để thu hồi đất xây dựng Dự án Khu Đô thị mới Trung Hòa (5)

Cũng đã có một số người, một số cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam giới thiệu sự kiện xảy ra hồi cuối tháng 4 năm nay: Người Ê đê ở huyện Cư Kuin phản đối việc xả nước thải của khu vực là trung tâm hành chính huyện Cư Kuin vào hồ Ea M’tá, xã Ea Bhốk. Cuộc biểu tình này đã bị cảnh sát cơ động trấn áp bằng dùi cui, roi điện. Hàng chục người bị thương trong đó có phụ nữ đang mang thai và hàng chục người bị bắt nhưng dân chúng vẫn thề “thà chết để bảo vệ hồ Ea M’tá(6).

Chưa thể xác định nguyên nhân thật sự dẫn tới vụ “khủng bố” trụ sở hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu, nay đã được định danh lại là “dùng súng tấn công” nhưng không thể loại trừ bất đồng giữa chính quyền – bên có nhu cầu thu hồi đất với dân chúng ở Cư Kuin – bên bị thu hồi đất là thực tế hiển nhiên. “Sự kiện Cư Kuin” xảy ra rạng sáng 11/6/2023 và sau những nỗ lực tổng hợp thông tin để phán đoán nguyên nhân như vừa đề cập, trưa 13/6/2023, tờ Lao Động có một phóng sự…

Theo đó (7), dân chúng hai xã Ea Tiêu và Ea Ktu đã giao đất để thi công Dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn Đường tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột (đầu tư bằng tiền từ công khố, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ, trong đó dự trù dành 400 tỉ cho bồi thường song chi phí bồi thường đã tăng thêm khoảng 331 tỉ, xấp xỉ 726 tỉ) nhưng chưa nhận được tiền bồi thường. Cứ như mô tả của Lao Động thì dự án có rất nhiều vướng mắc cả từ phía chính quyền lẫn nhà thầu song đáng chú ý nhất vẫn là vướng mắc giữa doanh nghiệp mà trên danh nghĩa là “chủ đất” với những gia đình đang sử dụng đất được gọi bằng mỹ từ “người lao động”. Dường như “chủ đất” mới là đối tượng trực tiếp nhận tiền bồi thường từ chính quyền nhưng sau đó, “chủ đất” và “người lao động” không đạt được sự đồng thuận về “phương án phân chia tỉ lệ ở khoản tiền bồi thường về tài sản trên đất” mà “người lao động” khẳng định là “không hợp lý, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi”.

Chưa rõ việc thực hiện các dự án ở khu vực huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, thu hồi đất, thay vì đối thoại thì tổ chức cưỡng chế, kể cả sử dụng vũ lực đối với những người phản kháng, rồi tình trạng “chủ đất” và “người lao động”, mâu thuẫn giữa các “chủ đất” (dường như không phải chỉ có một “chủ đất” trong khu vực) và “người lao động” trong việc phân chia tiền bồi thường,… có phải là nguyên dân nhân dẫn tới “sự kiện Cư Kuin”? “Sự kiện Cư Kuin” không phải là tập đầu…

(Còn tiếp)

Chú thích

(1) https://nhandan.vn/lanh-dao-bo-cong-an-va-tinh-dak-lak-tham-vieng-cac-nan-nhan-post757335.html

(2) https://congan.com.vn/tin-chinh/vu-tan-cong-vao-tru-so-ubnd-xa-tai-dak-lak-da-bat-giu-39-doi-tuong_148358.html

(3) https://dttc.sggp.org.vn/bo-cong-an-dang-to-chuc-vay-bat-nhom-doi-tuong-tan-cong-tru-so-cong-an-xa-tai-dak-lak-post105453.html

(4) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/thong-tin-ve-vu-tan-cong-tru-so-cong-an-tai-dak-lak-119230611122926149.htm

(5) https://www.luatkhoa.com/2023/06/luat-khoa-360-vu-tan-cong-tru-so-cong-an-xa-tai-dak-lak/

(6) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/protest-against-waste-releasing-system-in-daklak-04242023091309.html

(7) https://laodong.vn/xa-hoi/dan-o-xa-ea-tieu-eaktur-cu-kuin-da-giao-dat-lam-duong-tranh-buon-ma-thuot-1204088.ldo

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Cái mà người Thượng cần nhất là một không gian sinh tồn cho riêng họ. Nhưng đó chính là thứ họ đã, đang và sẽ tiếp tục bị tước đoạt. Phải có một thay đổi căn bản, thậm chí đảo ngược, trong nhận thức về người Thượng (cả phía chính quyền lẫn người dân), đi cùng với đó là một chính sách căn cơ ngay từ bây giờ để khôi phục không gian sinh tồn cho họ, thì may ra vài thế hệ nữa cuộc sống bình yên mới thực sự trở lại Tây Nguyên, với cả người Kinh lẫn người Thượng.

    [Người của rừng]
    Buổi chiều trời kéo âm binh xám xịt dưới hốc mắt ông lão ngồi bó giò trước cửa căn nhà tạm công trường.
    Căn nhà vách tôn gỉ mái lợp lá dừa nước khô lênh khênh trên mô đất hoang lùi sâu, sâu mãi, sâu mãi, hun hút trong quầng mây thâm tím.
    Lão nhướng mắt nhìn xa, xa, xa mải mê về phía cội rễ rừng già, có tiếng suối, tiếng ông hổ gầm gừ và quầng mây đại ngàn thuở xa xưa tổ tiên lão dựng làng phát rẫy.
    Lão mất gốc rồi. Đôi bàn chân đã đi quá xa. Ánh mắt đã quá mòn. Xứ sở lụi tàn.
    Lão phu hồ già bập khói thuốc vẽ vòng tròn mắt cú ướt nhoèn. Lão chết dần đến thắt lưng.
    Bụng lép xoắn quẩy hai lớp da nhăn nheo càng dúm dó khi ý nghĩ lão vừa chớm quay nhìn về phía tương lai hun hút.
    “Sao ta lại ở đây? Ta sẽ về đâu?” – khói thuốc xoay vòng thành dấu hỏi.
    Đoàn xe bồn lừng lững tiến lại, từ xa đã kéo còi ầm ĩ, chúng như tất cả những kẻ thô bỉ khác, luôn biết cách áp chế người ta bằng thân hình khủng khiếp và cái miệng to tổ bố gầm ghè.
    “Bãi đất này, cỏ cây kia, ếch nhái và cả những kẻ như lão già này nữa, tất cả sẽ nằm bẹp dưới gạch vữa bê-tông của ta, cao ốc, biệt thự sẽ mọc lên và các ngươi phải biến mất” – ống khói đen ngòm phụt liên hồi từ miệng con quỷ nhe nanh cười ác độc.
    Tôi chộn rộn uất ức.
    “Ta chết đến thắt lưng rồi. Xứ ta chết đến cổ rồi. Đất ta chết hẳn rồi” – ông lão thầm thì và bình thản thả khói thuốc bay theo làn gió sông Sài Gòn xế bóng.
    “Mưa, ta vào nhà đi” – ông lão bất chợt giục tôi, lần này ông nói rành rọt và không có hạt nước nào đi cùng.

    Nguồn FB NĐK

  2. Công an đánh dân thì được xem là “bạo lực cách mạng”, dân mà đánh lại công an thì bị xem là “chống người thi hành công vụ” hoặc “khủng bố”, đó là bản chất của truyền thông quốc doanh.

  3. Nhật khi đánh chiếm Đông Dương là bọn quân phiệt, giết người không chớp mắt, dân cũng chả sợ, việc tránh đối đầu trực tiếp với binh hùng tướng hổ là lẽ đương nhiên. Vùng quê, thằng Nhật nào đi một mình là bị thịt, sau bố bảo không dám lảng vảng, đi đâu phải kéo bè.
    Mấy trạng lột học nhiều biết lắm, chủ trương cải lương ôn hòa, đang ra giọng kẻ cả “lên án bạo lực”, vì sao vậy. Rất nhiều lý do, trong đó lý do quan trọng nhất là các “trạng” có nhiều cái sợ mất.
    “Châu chấu đá xe”, luận điệu hù dọa rẻ tiền, với luận điệu ấy, đồng bằng sông Hồng là đất của Tàu lâu rồi.
    Chim cùng thì mổ lại, thú cùng lại cắn lại, người cùng thì đánh lại, đằng nào chả chết.
    Cán bộ, công an xứ Chiều Nay là lũ dát gan sợ chết, nếu thấy gay thì chạy trước mà thôi, hằng ngày tỏ ra vẻ hung hăng vì dựa vào sức mạnh bầy đàn.
    Lâm trận, dũng giả thắng. Khi mà cán bộ, công an không dám đi một mình ra đường … mới thấy chuyện hay …

  4. Khi thông tin bị nhà nước CS. độc quyền thì tin tức không bị “nhào nặn” mới là chuyện
    đáng ngạc nhiên. Vụ này nổ ra bất ngờ nên mới đầu các báo quốc đoanh…lúng ta lúng
    túng không biết đưa tin thế nào có lợi nhất cho nhà nước để bản thân được an toàn ?
    Có lợi nhất thì chỉ cần tránh chỉ ra cái nguyên nhân chính xác mà phải mau mắn lên án
    hay đổ tội cho “thế lực thù địch” trước hết là thượng sách !
    Nói cho ngay thì người dân xử dụng bạo lực không những sai trái, bất hợp pháp mà còn
    phi lý vì làm sao đối đầu lại được “baọ lực cách mạng” với lực lượng hùng hậu và vũ khí
    đầy đủ của một nhà nước có ban bệ đồ sộ và nhân lực khổng lồ ? Chẳng qua là họ liều
    mình để có tiêng vang quốc tế và phải chăng điều đó cũng có lẽ hơi giống với trận Mậu
    Thân 1968 khiến thế giới và nhất là Mỹ rúng động rồi bỏ chạy 7 năm sau đó ?

Comments are closed.