Hằn học với người góp ý xây dựng?

Ngô Huy Cương

30-5-2023

Có anh bạn nói với tôi rằng, có người (hình như ở Quốc hội) hằn học với bài viết góp ý của tôi trên Facebook.

Bị đụng chạm tới lợi ích, họ phản ứng lại là chuyện bình thường. Tôi không quan tâm. Một khi đã xác định đấu tranh để xây dựng, tôi chấp nhận tất cả mọi sự nói xấu và hằn học, kể cả thù oán.

Tuy nhiên có người vặn vẹo tôi là: Tại sao trước kia làm việc ở Quốc hội mà không có ý kiến gì, nay mới nói?

Người nói như vậy chắc không phải là người làm việc tại Quốc hội thời tôi còn ở đó.

Tôi xin thưa như sau:

Sau khi từ chức ở Cục Hàng không Dân dụng trực thuộc Chính phủ vì khinh tư cách của ông Cục trưởng lúc bấy giờ (Nguyễn Tiến Sâm – anh hùng không quân), tôi xin về làm việc tại Văn phòng Quốc hội không mất một xu vì mọi người đều biết tôi khi làm Luật Hàng không Dân dụng 1991 và Luật sửa đổi 1994 để đưa Cục Hàng không Dân dụng ra khỏi Bộ Giao thông, Vận tải và Bưu điện.

Khi Ủy ban Pháp luật của Quốc hội họp bàn về Dự thảo Bộ luật Hình sự 1999, có ý kiến của ông Phạm Sỹ Chiến (Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao lúc đó, mà sau này bị xử lý vì dính vụ án Năm Cam) và của một vài vị đại biểu coi thường nhân dân không hiểu biết luật. Tôi (lúc đó được phân công giúp cho Ủy ban Pháp luật thẩm tra Dự án Bộ luật này) ngồi vòng ngoài nhưng đứng lên xin phát biểu phê bình thẳng cánh những ý kiến đó và chất vấn lại các vị quan chức và đại biểu rằng “dân là ai? Là chính chúng tôi đang ngồi đây nghe các vị”. Mọi người trố mắt ra nhìn.

Lúc đó tôi ủng hộ quan điểm của Bộ Tư pháp về việc quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân và bị đại biểu chuyên trách của Ủy ban Pháp luật ghét, rồi anh em ở Vụ Pháp luật rêu rao rằng tôi giúp cho Bộ Tư pháp bảo vệ quan điểm truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân trái với ý của UBPL.

Cái ân oán giữa Thường trực UBPL và Vụ Pháp luật với Bộ Tư pháp lúc đó là do cục bộ địa phương gây ra, tức là sau khi ông Nguyễn Đình Lộc (Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm Vụ trưởng Vụ pháp luật) chuyển sang làm Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, thì anh em bên này cố hết sức đì các dự án mà Bộ Tư pháp trình sang vì cho rằng ông Lộc rất cục bộ địa phương nên chỉ nâng đỡ cho anh em quê Nghệ An, Hà Tĩnh. Tuy nhiên làm như vậy lại tạo thành phe khu 03 trong đó có quê hương Nam Định.

Tôi tức khí xin chuyển về Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học làm việc, rồi xây dựng Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp.

Một hôm, ông Nguyễn Văn An (Chủ tịch Quốc hội) họp với anh em Văn phòng Quốc hội từ chuyên viên chính trở lên. Khi ông An trình bày xong ý đồ về tổ chức và hỏi có ai phát biểu gì không. Chỉ một mình tôi xin phát biểu.

Lời đầu tiên tôi nói là “Chủ tịch nói sai rồi” và sau đó tôi xin gặp Chủ tịch để nói về những cái không chuẩn trong xây dựng pháp luật. Ông An đồng ý và gặp riêng tôi một buổi, rồi ghi vào giấy đề xuất của tôi là giao cho ông Nguyễn Văn Yểu (Phó Chủ tịch Quốc hội) và ông Vũ Mão (Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) thi hành. Giấy có bút tích của ông An đã từng được tôi đưa lên Facebook này vài năm trước.

Tôi bị phản bội sự nỗ lực góp ý xây dựng và vì vậy xin về đi dạy học.

Vậy tôi có dám nói khi tôi còn làm việc ở Quốc hội hay không?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Comments are closed.