Biên dịch: NCQT/Nguyễn Hải Hoành
24-4-2023
Các chế độ chuyên chế nhân từ [benevolent autocracies] có mang lại kết quả tốt hơn các chế độ dân chủ hay không? Tôi luôn suy nghĩ về điều này từ mùa hè vừa qua, khi nghe những người Kenya có trình độ giáo dục cao nói với tôi rằng chế độ dân chủ không mang lại sự phát triển kinh tế mà họ đang rất cần. Họ hết lời ca ngợi Lý Quang Diệu, người cha lập quốc của Singapore hiện đại, người chỉ trong vòng một thế hệ đã biến quốc gia-thành phố nghèo khổ của ông thành một trong những xã hội giàu có nhất Trái Đất.
Thử nghĩ xem, năm 1960, GDP bình quân đầu người của Singapore tương đương Jamaica, vào khoảng 425 đô la (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới). Đến năm 2021, GDP bình quân đầu người của Singapore tăng lên đến 72.794 đô la, còn Jamaica chỉ có 5.181 đô la. Thảo nào Lý Quang Diệu đã trở thành một anh hùng của nhân dân. Ở Nam Phi, Lebanon và Sri Lanka, người ta cầu nguyện xuất hiện một Lý Quang Diệu của riêng họ.
Tháng trước, Tổng thống Biden đã chủ trì hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai về dân chủ và phát biểu về cuộc đấu tranh toàn cầu giữa dân chủ với chuyên chế. Singapore có quan hệ đối tác với Mỹ nhưng không được mời dự họp; trong bảng xếp hạng các quốc gia tự do, Singapore được xếp hạng “tự do một phần”. Nhưng những điểm chính trong cuộc nói chuyện của Washington về sự cần thiết của nền dân chủ đã bỏ qua một sự thật đơn giản: một số nhà lãnh đạo chuyên chế được ngưỡng mộ vì họ đã đạt được thành tựu.
Mặc dù biểu hiện tổng thể trên mặt kinh tế của các quốc gia dân chủ lâu đời tỏ ra ưu việt hơn các quốc gia chuyên chế, nhưng một thiểu số nhà lãnh đạo chuyên chế đã tập trung chú ý vào sự tăng trưởng kinh tế của nước mình — chứ không phải vào tài khoản cá nhân mình ở ngân hàng Thụy Sĩ – nhờ thế xét về mặt phát triển, đất nước họ đã vượt qua các quốc gia dân chủ mới nổi. Ronald J. Gilson, giáo sư luật pháp và kinh doanh Đại học Columbia, nói: Năm 2011, ông cộng tác với một người khác viết bài báo có tựa đề “Những nhà độc tài nhân từ về kinh tế: Bài học cho các nền dân chủ đang phát triển” (Economically Benevolent Dictators: Lessons for Developing Democracies). Chile dưới sự lãnh đạo của Augusto Pinochet, Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của Park Chung-hee, và Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, đều là những quốc gia hình mẫu cho việc biến đổi toàn diện kinh tế, trong khi các quốc gia dân chủ yếu kém ở trạng thái trì trệ về kinh tế.
Một tác giả khác của bài báo trên là Curtis Milhaupt ở Trường Luật Đại học Stanford. Bài báo này giải thích tại sao những nhà chuyên chế nhân từ lại dễ dàng đưa đất nước mình hoà nhập vào nền kinh tế toàn cầu hơn. Những người thuộc giới tinh hoa có xu hướng chống lại những thay đổi lớn có thể động chạm tới lợi ích riêng của họ, ngay cả khi những thay đổi đó có lợi cho đất nước. Các nhà lãnh đạo chuyên chế có nhiều công cụ hơn để giành được sự ủng hộ của giới tinh hoa. Một câu nói của các nhà lãnh đạo chuyên chế có thể giúp trấn an các nhà đầu tư tạo ra việc làm, rằng các doanh nghiệp của họ sẽ được bảo vệ, bù đắp cho những lỗ hổng trong hệ thống pháp luật. Trong chế độ chuyên chế nhân từ, tính chính danh thường không đến từ bầu cử, mà từ việc thể hiện khả năng cải thiện đời sống vật chất của người dân. Ở các nước dân chủ, nhà lãnh đạo thường quá bận rộn đối phó với những thách thức chính trị, không có thời gian để phác thảo những dự án kinh tế hùng vĩ. Họ thường bị hạ bệ do thất bại trong tranh cử, trước khi thấy những kế hoạch này thành hiện thực. Để chiến thắng trong tranh cử, các chính trị gia đưa ra những cam kết ngắn hạn, như giảm thuế, đồng thời tăng phúc lợi xã hội. Xét về lâu dài, những cam kết đó không phải lúc nào cũng hợp lý về mặt kinh tế.
Tuy nhiên, chế độ chuyên chế nhân từ cũng có những khuyết điểm nghiêm trọng. Không phải lúc nào cũng có những kẻ độc tài nhân từ. Hơn nữa, cũng không thể đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục nhân từ, hoặc người kế vị của họ sẽ có năng lực tương tự. Có vẻ như sự ưu việt của chế độ chuyên chế sẽ biến mất sau khi nền kinh tế quốc gia đã chuyển đổi thành công. Nhưng đến lúc đó, hệ thống quyền lực cấp cao hầu như không bị kiểm soát đã có nền tảng thâm căn cố đế rồi.
Singapore là một ví dụ. Trong cuốn sách “Lý Quang Diệu: Con người và tư tưởng” (Lee Kuan Yew: The Man and His Ideas), xuất bản năm 1998, Lý từng nói rằng người dân không hề khao khát dân chủ. Đầu tiên và quan trọng nhất, ông nói, “Họ muốn có một căn nhà, có điều kiện y tế, có việc làm và được học hành”. Lý đã đáp ứng những nhu cầu này bằng cách kết hợp các chính sách ủng hộ kinh doanh của phương Tây (như các tòa án có thể dự đoán được, mức thuế thấp, không khoan dung với tham nhũng, và chế độ trọng dụng nhân tài) với các chính sách có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa đến từ chế độ chuyên chế (như chính phủ tham gia nhiều vào quy hoạch kinh tế, hầu như không dung thứ ý kiến bất đồng). Ông đã xây dựng một hệ thống nhà ở xã hội khổng lồ mà khoảng 80% người Singapore hiện đang sống trong đó. Người dân mua từ chính phủ hợp đồng thuê nhà dài hạn có thể giao dịch bằng số tiền cơ bản là tiền chính phủ buộc họ phải tiết kiệm để mua nhà. Singapore cũng có các cuộc bầu cử, nhưng đảng cầm quyền, vốn kiểm soát phần lớn phương tiện truyền thông và rất nhiều việc làm lương cao, đã liên tục nắm quyền kể từ ngày nước này độc lập tới nay.
Bất cứ ai từng đến quốc gia-thành phố gần 6 triệu người này đều sẽ thấy ở đây mọi thứ cảm giác sạch sẽ, an toàn và trật tự hơn nước Mỹ đến thế nào. Sân bay Singapore đồng thời là một trung tâm mua sắm cao cấp. Những công viên nở rộ hoa, không rác rưởi, không có kẻ móc túi hay người vô gia cư qua đêm. Người vô gia cư cắm lều qua đêm trong các công viên đã trở thành hình ảnh phổ biến trong các thành phố ở Mỹ. Tại Singapore rất hiếm xảy ra trộm cướp, bởi lẽ khắp nơi có camera giám sát, đến nỗi một số quán bar cao cấp thậm chí không khóa cửa vào ban đêm. Chỗ nào cũng thấy các loại xe sang trọng Ferrari và Lamborghini, dường như khẩu hiệu “Nhà nhà có gà để ăn” đã trở thành khẩu hiệu “Mỗi chỗ đậu xe đều có một chiếc xe thể thao”.
Nhưng giờ đây, tám năm sau khi Lý Quang Diệu qua đời, Singapore đang ở ngã tư đường. Thủ tướng Lý Hiển Long, người đang điều hành đất nước này, là con trai cả của Lý Quang Diệu; trên mức độ lớn, ông dựa vào di sản chính trị của cha mình. Singapore dự định tổ chức bầu cử Tổng thống vào tháng 9 năm nay. Tổng thống chủ yếu là một chức vụ mang tính lễ nghi. Cuộc bầu cử Quốc hội sẽ diễn ra vào năm 2025. Người kế vị của Thủ tướng đã được chọn. Nhưng xem ra Đảng Hành động Nhân dân đang cầm quyền có vẻ yếu thế hơn bao giờ hết.
Giới nhân sĩ phê bình nói Singapore đang trở nên ngày càng giống như một quốc gia do giới nhà giàu cai trị, những người ngoan ngoãn vâng lời giữ mối quan hệ tốt với gia tộc họ Lý sẽ thăng quan phát tài. Ở Singapore ngày nay, các công nhân lái xe nâng có thể phải đối mặt với tù tội chỉ vì nhận hối lộ 1 đô la, trong khi theo điều tra của bộ Tư pháp Mỹ, các giám đốc cấp cao điều hành tập đoàn Keppel đã hối lộ hàng triệu đô la mà không bị trừng phạt, chỉ bị “cảnh cáo nghiêm khắc”. (Các quan chức Singapore nói họ không có đủ bằng chứng để đưa vụ án này ra tòa.)
Vấn đề ở chỗ chế độ này cần một người lãnh đạo tối cao như Lý Quang Diệu, cứng rắn nhưng hấp dẫn, theo lời Michael Barr, tác giả cuốn “Singapore: Một bộ sử hiện đại” (Singapore: A Modern History). “Nhưng ngày nay, một người có kỹ năng chính trị như thế sẽ không thể được thăng chức cao nhất, bởi vì người ấy sẽ bị coi như một mối đe dọa”, Barr nói.
Có lẽ dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy tình hình rắc rối ở Singapore là việc con trai thứ hai và một cháu nội của Lý Quang Diệu nói rằng họ đang sống lưu vong, sợ rằng nếu về nước sẽ bị bắt.
“Bác tôi [tức Lý Hiển Long] không muốn có sự cạnh tranh về tính chính danh”, Lý Thằng Vũ (Li Shengwu)- cháu nội của Lý Quang Diệu – nói với tôi khi uống trà ở Cambridge, Massachusetts. “Hệ thống chuyên chế tồn tại không dựa vào sự mạo hiểm. Nếu họ nghĩ rằng tôi có 5% khả năng trở thành rắc rối cho họ, thì họ sẽ biến xác suất đó thành số không”.
Mỉa mai thay, Lý Thằng Vũ, 38 tuổi, trợ lý giáo sư kinh tế tại Harvard, người vừa nhận được một vinh dự lớn trong lĩnh vực của mình, lại không có tham vọng chính trị. Lý Thằng Vũ nói năng nhẹ nhàng, có lý trí, và nói anh thích nghiên cứu ở một nơi mà không ai có thể dành cho anh một sự đối xử đặc biệt vì anh có mối quan hệ với Lý Quang Diệu. Sau 10 năm học ở Oxford và Stanford, anh đã quen với một số quyền tự do.
Vào mùa hè năm 2017, khi trở về thăm cha mẹ ở Singapore, Lý Thằng Vũ đã viết bình luận trên Facebook phê phán việc chính phủ bịt miệng các nhà phê bình. Chính phủ Singapore “rất thích kiện tụng và có một hệ thống tư pháp phục tùng”, anh viết. Không lâu sau đó, Lý Thằng Vũ nhận được tin cho biết anh sẽ bị truy tố. Anh vội vàng trở về Mỹ. Ngay cả khi chính quyền Trump đối xử rất tệ với người nhập cư, anh cũng cảm thấy thoải mái khi đến nước Mỹ, anh nói với tôi, bởi vì anh biết rằng nước Mỹ có các thẩm phán độc lập. Tòa án Singapore đã kết án vắng mặt Lý Thằng Vũ vì tội coi thường toà án, anh bị phạt 15.000 đô la Singapore và bị cấm tranh cử vào Quốc hội trong vòng 5 năm.
Tháng trước, các quan chức Singapore thông báo rằng cảnh sát đang điều tra cha mẹ của Lý Thằng Vũ, họ bị buộc tội thao túng Lý Quang Diệu, lúc đó 90 tuổi, sửa đổi di chúc và sau đó nói dối về điều đó. Lời buộc tội bắt nguồn từ sự bất đồng gay gắt về ngôi nhà cũ Lý Quang Diệu từng ở. Khi còn sống, Lý Quang Diệu đã nhiều lần công khai nói ông mong rằng sau khi ông qua đời ngôi nhà sẽ được dỡ bỏ.
Lý Hiển Dương, con trai thứ hai của Lý Quang Diệu, cho biết ông luôn cố gắng thực hiện ước muốn cuối cùng của cha là không nên làm chuyện sùng bái cá nhân xung quanh ngôi nhà cũ. Nhưng Lý Hiển Dương nói người anh trai [tức Lý Hiển Long] đang làm Thủ tướng thì muốn giữ lại ngôi nhà này như một nhà tưởng niệm quốc gia, nhằm củng cố tính chính danh của ông. Lý Hiển Dương đã bị điều tra vì công khai chỉ trích anh trai. Cuối cùng, cũng như con trai mình [tức Lý Thằng Vũ], ông chạy trốn khỏi đất nước. Điều này dường như là một ví dụ về cái mà giáo sư nghiên cứu văn hóa Trần Tư Hiền (Kenneth Paul Tan) ở Singapore gọi là “chính trị bắt nạt ngày càng tinh vi hơn”. Về bản chất, đây không phải là cuộc đấu tranh về nơi ở cũ hay di chúc, mà là về tương lai của Singapore.
“Các thể chế của Singapore, kể cả tư pháp, công chức, quân đội, các trường đại học, cao đẳng, dần dần chịu sự kiểm soát trực tiếp để ngăn chặn sự suy nghĩ độc lập và thách thức [đối với chế độ]”, Lý Hiển Dương nói với tôi. Ông cho biết Lý Quang Diệu từng tham khảo các ý kiến khác nhau và đôi khi thay đổi quan điểm của mình. “Ngày nay, không ai trong chính phủ Singapore biết thách thức chế độ này và biết nói ‘Đây là quan điểm của tôi. Tôi không nghĩ rằng ông đang làm điều đúng đắn’. Mức lương của những người trong chính phủ quá cao”.
(Bà Hà Văn Hân, người phát ngôn của chính phủ Singapore, phủ nhận việc Lý Hiển Dương và Lý Thằng Vũ đang sống lưu vong, mà nói rằng họ đi du lịch với hộ chiếu Singapore và được tự do để trở về nhà. Bà cũng nói Thủ tướng Lý Hiển Long tránh nói về các vấn đề liên quan đến ngôi nhà cũ của Lý Quang Diệu.)
Lý Hiển Dương và con trai là Lý Thằng Vũ đã trốn tránh chính trị trong hầu hết cuộc đời của họ, nhưng kể từ khi cuộc tranh cãi về ngôi nhà cũ trở thành chuyện công chúng đều biết, thì cả hai đều thể hiện sự đồng cảm với phe đối lập chính trị và dùng tên họ mình để tăng thêm tính chính danh cho phe đối lập. Tuy nhiên, khả năng giúp đỡ phe đối lập của họ đã bị suy yếu bởi những cáo buộc. Sự kiện này đã phơi bày một vết nứt trong thể chế chính trị nổi tiếng của Singapore. Nếu ngay cả con trai và cháu nội của Lý Quang Diệu còn cảm thấy họ bị ép buộc phải chạy trốn ra nước ngoài, thì những người bình thường sẽ ra sao?
Các nhà khoa học chính trị không chắc chắn rằng thể chế thành công cao của Singapore sẽ tiếp tục tồn tại sau cái chết của Lý Quang Diệu. Trước khi hấp hối, chính vị vĩ nhân này từng nói về việc chuẩn bị cho ngày mà chính đảng của ông bị mất quyền lực. Đó chính là vấn đề của các chế độ chuyên chế nhân từ: các chế độ đó thường sẽ chấm dứt. Hoặc là chúng không còn chuyên chế nữa — như ở Hàn Quốc và Chile, — hoặc sẽ không còn nhân từ nữa.
_____
Farah Stockman gia nhập ban biên tập của The New York Times vào năm 2020. Trong bốn năm trước đó, bà là phóng viên của báo, đưa tin về chính trị, các phong trào xã hội và chủng tộc. Trước đây bà từng làm việc tại The Boston Globe, nơi bà đã giành giải Pulitzer cho mảng bình luận vào năm 2016.
Cai trị độc tài theo cách của một số nhà lãnh đạo Á đã “qúa đát” ở thời điểm này vì
nó đã thành công trong việc chống lại chủ nghĩa CS. lan tràn ở thế kỷ trước, đến nay
thỉ CS đã thoái trào, chỉ còn ngắc ngoải nhờ…dựa hơi bọn tư bản hết rồi ! Do đó, lớp
“tinh hoa” hậu duệ sẽ an tâm mà cải thiện chế độ của cha ông mình ?
“Rạn nứt trong gia đình LQD.” chắc chắn phải xảy ra nhưng có lẽ chưa đủ mạnh để
cho Singapore thay đổi hoàn toàn về hướng dân chủ. Trở ngại hay lực cản có thể là
vì chủ trương hay học thuyết của LQD. tóm gọn trong câu “văn hóa là định mệnh”,
trái ngược với Kim Đại Trọng của Hàn Quốc “dân chủ là đinh mệnh” và phải chăng vì
thế mà Hàn Quốc tiến bộ hơn Singapore rất nhiều ?
Xác suất để có thêm yếu tố “nhân từ” trong một chế độ chuyên chế là bao nhiêu ? 10%, 20% hay 50% ? Và ai bảo đảm cái “nhân từ” đó sẽ tiếp tục mãi ? Tại sao người dân phải chấp nhận một rủi ro quá lớn như vậy ? Vẫn biết dân chủ có những mặt yếu, nhất là đối với những nền dân chủ non trẻ, nhưng điều quan trọng là mỗi người dân đều có quyền tham gia để làm cho hệ thống đó càng ngày càng tốt hơn.
Chế độ chuyên chế ở Việt Nam không chỉ nhân từ mà còn nhân ái, nhân văn, nhân tình, nhân hậu, nhân đạo, nhân vân vân nữa. Thế mà sao vẫn cứ đì đẹt ở nửa sau khu vực, nhìn Malaixia, Thái Lan cứ phải ngửa cổ lên ?
“Singapore đang trở nên ngày càng giống như một quốc gia do giới nhà giàu cai trị”
Nếu tiếp tục con đường mà Sáu Dân lênh láng máu dân tạo “hành lang pháp lý”, câu hỏi Nguyễn Hưng Quốc vừa đặt ra đã có câu trả lời . It was on the way. Cho tới khi sự xuất hiện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng