Bà Lê Thị Dung phạm tội gì?

Thái Hạo

2-5-2023

Như chúng ta đã biết, bà Lê Thị Dung bị tòa án huyện Hưng Nguyên tuyên phạt 5 năm tù giam về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” vì “nhiều lần thanh toán trái quy định, chiếm đoạt gần 45 triệu đồng”.

Tuy nhiên, cũng như chúng ta đã biết, số tiền này được chi ra là căn cứ vào Quy chế chi tiêu nội bộ của TTGDTX Hưng Nguyên, mà Quy chế này thì lại đã được các bộ phận hữu trách của TT xây dựng và thống nhất, rồi đã được các cấp có thẩm quyền bên trên phê duyệt, kiểm soát chi.

Tiền thì rõ ràng là do phòng Tài chính, Kho bạc và Kế toán chi ra (tức “thanh toán”), chứ bà Dung đâu có chi(?). Nếu nói “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” để “thanh toán trái quy định” thì phải là phòng Tài chính, Kho bạc và Kế Toán chứ, sao lại là bà Dung được?

Lúc này, “tội” của bà Dung, nếu có, chỉ là đã chủ trì xây dựng một Quy chế chi tiêu nội bộ không đúng quy định, chứ không phải là “thanh toán trái quy định”, vì bà đâu có thanh toán? Tức, ở đây, “tội” của bà Dung là thuộc về năng lực quản lý, chứ không phải động cơ vụ lợi để mà quy về “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”?

Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định một tội là “tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tội này cụ thể như sau: “1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Tuy nhiên, ngay cả khi bà Dung có phạm vào nội dung này (vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí) thì số tiền cũng chưa đến mức bị xử lý hình sự, tức chưa thành Tội (vì số tiền bà gây thất thoát mới chưa tới 45 triệu đồng).

Mà đó là chưa nói về sự liên đới trách nhiệm. Ở đây, nếu có sai thì là sai phạm tập thể, bao gồm TTGDTX, phòng Tài Chính, Kho bạc, chứ không phải chỉ mình bà Dung.

Bây giờ thử đặt một tình huống như sau: cũng Quy chế chi tiêu nội bộ ấy và cùng một số tiền bị thất thoát (45 triệu đồng) nhưng người được hưởng lợi không phải bà Dung mà là một cá nhân khác có tên là Nguyễn Văn A thuộc nhân sự của TTGDTX, vậy ai phải chịu trách nhiệm, và chịu trách nhiệm gì?

Rõ ràng trong tình huống này Thủ trưởng (tức bà Dung) chỉ “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” chứ không thể là “lợi dụng chức vụ quyền hạn” được, vì tiền được chi ra căn cứ trên Quy chế chung và người chi tiền không phải bà. Còn cá nhân Nguyễn Văn A thì cũng chẳng thể bị quy là chiếm đoạt tài sản được.

Tóm lại, “tội” của bà Dung (nếu có) thì chỉ là năng lực quản lý không tốt, dẫn đến xây dựng một Quy chế chi tiêu chưa đúng quy định, khiến cho phòng tài chính và kho bạc chi sai. Trong một tình huống như thế, Nguyễn Văn A chỉ phải nộp lại tiền; thủ trưởng cơ quan (bà Dung) chỉ bị kỷ luật (vì số tiền gây thất thoát, lãng phí chưa đủ để bị xử lý hình sự); và phòng tài chính, kho bạc và kế toán phải chịu trách nhiệm chính vì chi tiền sai quy định của pháp luật.

Cho nên, mấu chốt của vụ án này là ở TỘI DANH, tội danh nào thì sẽ có mức án ấy. Việc xác định đúng tội danh sẽ quyết định việc bà Dung có tội hay không.

Cá nhân tôi cho rằng, với tất cả tính chất và bản chất của sự vụ này, bà Dung chỉ “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Tuy nhiên, mức thiệt hại chưa đủ để cấu thành tội hình sự. Vì thế, bà Dung phải được trả tự do và đền bù thiệt hại cả về vật chất lẫn tinh thần do những gì bà đã phải chịu trong suốt hơn 1 năm qua. Xử lý tất cả các cá nhân và tổ chức có liên quan trong việc chi sai lẫn việc bắt giam, xét xử và tuyên án bà. Đồng thời, mở cuộc điều tra, làm rõ động cơ phía sau bản án này.

Trên đây là quan điểm của cá nhân tôi – một người “ngoại đạo”, trình bày quan điểm với mong muốn nhận được sự chia sẻ kiến thức của các vị luật sư và bạn bè FB làm việc trong lĩnh vực tư pháp, vốn là những người am hiểu pháp luật và cũng là sự hiện diện của công lý.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. NHÀ THƠ NHÂN DÂN

    Trong sách Ly Lâu Thượng,
    Mạnh Tử đã luận bàn
    Những dấu hiệu cho thấy
    Một chế độ sắp tàn.

    “Trên không có đạo lý,
    Dưới pháp luật bất minh.
    Vua chúa phạm luật nghĩa.
    Quan chức phạm luật hình”.

    Cứ theo đó mà xét,
    Thì Trung Quốc và ta
    Cái kết của chế độ
    Có vẻ cũng không xa.

    NGUỒN MẠNG.

  2. Học Giả: Thái Bá Tân

    Nhà nước nên giải tán,
    Lập tức hoặc dần dần,
    Các tổ chức đoàn thể,
    Tưởng cần mà không cần.

    Như các hội phụ nữ,
    Thanh niên và công đoàn,
    Văn học và nghệ thuật
    Rất nhiều bệ, nhiều ban.

    Hoặc nếu muốn tồn tại
    Thì tự nuôi lấy mình,
    Không được là gánh nặng
    Trên đôi vai dân tình.

    Rồi xem, không có họ,
    Cũng không ai chết đâu.
    Mà dân lại nhẹ nợ,
    Mà nước lại thêm giàu.

    Bằng chứng – tôi được biết
    Rằng bọn chúng, nước ngoài,
    Không nuôi các hội ấy
    Mà không hề chết ai

    Nguồn Mạng.

  3. Nguyên nhân chỉ là sự trả thù từ cá nhân và tập thể thôi! Mấy quan lớn hơn hãy nhìn xuống mà xử !

Comments are closed.