23-3-2023
Chúng ta thường nghe rằng phải tránh xa Ma Túy. Ở hầu hết các quốc gia đều có những hình phạt rất nặng cho những người liên quan đến việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán các chất liên quan đến Ma Túy. Hiện nay có khoảng hơn 30 nước trên thế giới có hình phạt cao nhất là tử hình cho tội phạm liên quan đến ma túy. Trong đó, Việt Nam được xem là một trong những nước “khá nghiêm khắc” đối với loại tội phạm này với bộ luật hình sự ghi rõ “đối tượng vận chuyển trái phép các chất ma túy dạng rắn có khối lượng 300 gram trở lên có thể bị tử hình”. Điều này cho thấy ma túy “rất nguy hiểm” đối với con người nói riêng và xã hội nói chung. Sự nguy hiểm đến từ ma túy là do 2 nguyên nhân chính:
– Phá hoại hệ thần kinh của cơ thể.
– Gây nên hiện tượng nghiện ngập (có cảm giác không thể bỏ).
Để hiểu vấn đề này, chúng ta nên hiểu rõ hơn về cơ chế của các chất trong nhóm ma túy tác động như thế nào đến cơ thể chúng ta. Trong khoa học người ta thường gọi chung những chất này thuộc nhóm “Opioids” (tạm phiên âm là: Ô pi ô ít). Từ “Opioid” bắt nguồn từ tên của một loại hoa tên là “opium poppy” mà từ đó người ta tách chiết được hợp chất tên là “Morphine”, một trong những “thuốc giảm đau” lâu đời nhất mà người ta sử dụng. Dựa vào những chất có nguồn gốc tự nhiên (Natural) như Morphine, người ta còn tạo ra những chất tổng hợp bán tự nhiên (Semi-synthetic) như Diamorphine (còn gọi là “heroin”), Dihydromorphone, Buprenorphine,… hoặc những chất tổng hợp nhân tạo (Synthetic) như Fentanyl, Methadone, Alfentanil, v.v…
Để có tác dụng giảm đau mạnh, những chất này tương tác trực tiếp vào tế bào thần kinh (neuron) trong não bộ của chúng ta. Với cấu trúc hóa học tương tự với các chất dẫn truyền thần kinh, các chất ma túy có thể thay thế “công việc” của các chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên trong cơ thể chúng ta để điều khiển việc “truyền tín hiệu thông tin” giữa các tế bào thần kinh. Tuy nhiên, dưới sự điều khiển một cách “độc tài” của các chất ma túy (khi lạm dụng) thì các tế bào thần kinh này sẽ trở nên “bất thường” và “sai lệch”. Cụ thể, chúng tác động lên các vùng trong não như:
– Vùng hạch nền (basal ganglia): làm rối loạn “cơ chế phần thưởng”, một cơ chế quan trọng tạo những cảm giác hưng phấn khi chúng ta có những hoạt động tích cực như ăn uống, giao tiếp xã hội, v.v… Khi sử dụng ma túy, cơ chế này bị “tham nhũng”, lúc này cảm giác hưng phấn được tạo ra từ việc các chất ma túy kích thích trực tiếp hệ thần kinh, chứ không phải các chất dẫn truyền thần kinh tự nhiên, chỉ có khi cơ thể có những hoạt động tích cực. Nói một cách dễ hiểu là ma túy “dạy” cơ thể rằng “không làm mà vẫn có ăn”! Từ đó sẽ dẫn đến “tha hóa” cơ chế phần thưởng của não bộ nói riêng và cơ thể nói chung. Sự “đòi hỏi” hưng phấn cũng tăng dần khiến con nghiện càng có xu hướng phải sử dụng thuốc liều cao hơn để thỏa mãn.
– Vùng vỏ não trước trán (prefrontal cortex): khiến cho giảm khả năng suy nghĩ, lập kế hoạch, giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định và khó kiểm soát các cơn bốc đồng.
– Vùng hạch hạnh nhân (extended amygdale): làm nhạy cảm hơn với những cảm giác lo lắng, nóng giận, cáu kỉnh, khó chịu khi cảm giác hưng phấn do ma túy mất đi, thúc đẩy con nghiện tiếp tục đi tìm thuốc và tăng sự nghiện.
Việc lạm dụng ma túy còn cho thấy các tác dụng tiêu cực khác lên sự trưởng thành của thanh thiếu niên qua việc ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ. Một số nghiên cứu khác còn cho thấy rằng việc sử dụng ma túy ở bà mẹ mang thai còn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, việc sử dụng ma túy còn ảnh hưởng đến tim mạch, đột quỵ, ung thư, tăng nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C, rối loại thần kinh, v.v…
Nói chung, tuy những chất ma túy có tác dụng giảm đau rất hiệu quả nhưng việc “lạm dụng” chúng luôn đem lại những hậu quả nặng nề đến sức khỏe và tinh thần. Người lạm dụng ma túy thường cảm thấy chán nản, không có động lực, thiếu sức sống và không thể tận hưởng những điều mà trước đây họ cảm thấy rất thú vị, mất động lực sống tốt. Ở góc nhìn rộng hơn thì những tác động ma túy sẽ dẫn đến xã hội bất ổn và suy thoái. Vì thế, nếu hiểu rõ cơ chế của ma túy thì chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi nó được đánh giá là thứ có thể “giết cả thế hệ” hoặc làm “suy kiệt một quốc gia”!
Do vậy, việc sử dụng các chất có nguồn gốc ma túy luôn cần được “kiểm soát” chặt chẽ, chỉ sử dụng trong những trường hợp thật cần thiết và có chỉ định của chuyên gia y tế. Việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán “bất hợp pháp” ma túy luôn được xem là tội phạm hình sự ở hầu hết các nơi trên thế giới.
Tuy hình phạt cho những tội phạm này thường rất nặng nhưng “lợi nhuận” cho việc buôn lậu ma túy vẫn rất cao! Do vậy, nhiều người dù hiểu rõ nhưng vẫn làm liều, bất chấp sự an toàn bản thân cũng như sinh mạng của biết bao người khác.
Mình vẫn không nghĩ rằng các tiếp viên hàng không của Vietnam Airline vừa bị bắt ở Tp.HCM với trình độ nghiệp vụ cao có thể không mảy may nghi ngờ khi nhận “cầm dùm” gần 11,5 kg ma túy dưới vỏ bọc kem đánh răng!
_____
Thông tin tham khảo: https://nida.nih.gov/publications/drugs-brains-behavior-science-addiction/drugs-brain
Pathan H, Williams J. Basic opioid pharmacology: an update. Br J Pain. 2012 Feb;6(1):11-6. doi: 10.1177/2049463712438493. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4590096)
Merhar SL, Kline JE, Braimah A, Kline-Fath BM, Tkach JA, Altaye M, He L, Parikh NA. Prenatal opioid exposure is associated with smaller brain volumes in multiple regions. Pediatr Res. 2021 Aug;90(2):397-402. doi: 10.1038/s41390-020-01265-w. (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC8110593)
Tại sao chúng ta phải “sợ” ma túy?
Tên bài chưa ổn.
Bạn không nghĩ thế nhưng an ninh họ đã nghĩ như thế và thế thì các tiếp viên vô tội! Sic!