Các tình nguyện viên Nga giúp đỡ những người tị nạn Ukraina dù có thể gặp nguy hiểm

Washington Post

Tác giả: By Mary Ilyushina Ksenia Ivanova

Cù Tuấn, dịch

1-3-2023

Các tình nguyện viên giúp mang đồ cho một gia đình người tị nạn Ukraine bên ngoài nhà ga Moskovsky ở St. Petersburg. Ảnh trên mạng

Để trốn tránh chính quyền, hàng nghìn người Ukraina tản cư ở Nga đang dựa vào một mạng lưới tình nguyện viên không chính thức kín đáo – một dạng Đường sắt ngầm thời Slav. Họ làm mọi việc để đưa những người Ukraina tị nạn chiến tranh qua Nga đến châu Âu an toàn.

Những tình nguyện viên này không liên kết với nhau và không thuộc một tổ chức nào. Họ thường không sống trong cùng một thành phố và để đảm bảo an toàn, hầu hết họ sẽ không bao giờ gặp nhau trực tiếp. Mẫu số chung mà họ phải đối mặt là rủi ro từ lực lượng an ninh Nga, những người nghi ngờ các phong trào công dân và đàn áp mọi hình thức xã hội dân sự.

Các tình nguyện viên độc lập làm tất cả mọi thứ. Một số có công việc tại nhà xử lý các yêu cầu trợ giúp. Những người khác giúp chăm sóc thú cưng, thu thập thực phẩm, quần áo và thuốc men hoặc giao hàng đến các nhà kho tạm thời. Những chủ nhà đón người Ukraina hoặc làm tài xế chở họ qua biên giới Nga phải đối mặt với rủi ro cao nhất vì họ là những người tương tác trực tiếp với người tị nạn và chính quyền Nga.

Không có hoạt động nào của các tình nguyện viên là bất hợp pháp nhưng trong bối cảnh luật pháp thời chiến của Nga, bất cứ điều gì liên quan đến Ukraina và không phù hợp với lòng nhiệt thành yêu nước đang ủng hộ chiến tranh hiện nay đều nhạy cảm và bị các cơ quan an ninh coi là không tốt.

“Ở đất nước chúng tôi, bất kỳ tổ chức tình nguyện nào hoặc bất kỳ nỗ lực tự tổ chức nào đều giống như áo choàng đỏ trước một con bò tót”, một tình nguyện viên gốc Ukraina ở độ tuổi cuối 50, người đã sống ở Nga gần như cả cuộc đời và có hộ chiếu Nga, cho biết. Bà đang dừng lại dọc theo đường cao tốc đầy tuyết trên đường, để đưa chín người Ukraina đến biên giới Phần Lan từ St. Petersburg.

Tình nguyện viên gốc Ukraina này cho biết bà thực hiện chuyến đi kiểu này khoảng 5 lần mỗi tháng, lần nào cũng như một canh bạc. Rất nhiều thứ có thể xảy ra sai sót: chiếc xe có thể đi chệch hướng trên con đường phủ đầy tuyết, ắc quy của nó có thể lịm đi trong cái lạnh buốt giá, lốp xe có thể bị nổ. Lính biên phòng Nga có thể đang trong tâm trạng tồi tệ, một người tị nạn có thể mang quá nhiều tiền qua hải quan hoặc làm điều gì đó khác và thu hút sự chú ý quá mức.

Tình nguyện viên này nhớ lại một hành khách, một người đàn ông lớn tuổi, say xỉn trong khi chờ đợi ở biên giới đến nỗi anh ta cố gắng lấy một điếu thuốc từ lính canh của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), suýt nữa thì gây chuyện.

“Chừng nào bạn còn ở đây trong xe của tôi và chúng ta chưa đến biên giới Phần Lan, thì bạn chỉ được nghe theo tôi thôi”, tình nguyện viên nghiêm khắc nhắc nhở hành khách của mình khi một gia đình lên chiếc xe tải nhỏ của bà tại nhà ga xe lửa St Petersburg.

Việc những người tị nạn có đi qua được biên giới hay không phụ thuộc vào tình nguyện viên.

Cùng lúc phát động cuộc chiến ở Ukraina, Mátxcơva đã thắt chặt một số chốt lỏng lẻo đối với xã hội dân sự, thể hiện thông qua việc triệt hạ các nhóm đối lập và nhóm nhân quyền, rằng họ sẽ không dung thứ cho bất kỳ sự bất đồng chính kiến nào.

Mong muốn kiểm soát mọi thứ của Điện Kremlin trong bối cảnh thời chiến đã nhắm vào các phong trào tình nguyện chính thức, buộc một số tổ chức phải làm việc lưu vong hoặc đóng cửa hoàn toàn.

Những người hiện đang hỗ trợ người Ukraina được chia thành hai phe tương phản nhau: các nhóm “chính thức”, giống như nhóm do đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền điều hành, và các mạng lưới “không chính thức” không có thứ bậc hoặc liên kết.

Các nhóm “chính thức” giúp chính quyền Nga đưa người Ukraina vào nơi trú ẩn tạm thời, nơi họ bắt buộc phải chấp nhận hộ chiếu Nga khiến việc tới Liên minh châu Âu sau đó gần như không thể. Các nhóm này cung cấp viện trợ cho các khu vực bị chiếm đóng ở các vùng lãnh thổ phía đông Ukraina mà Điện Kremlin gọi là “vùng giải phóng”.

Sau khi vượt qua cuộc kiểm tra tư tưởng, các nhóm hỗ trợ chính thức này không gặp vấn đề gì trong việc gây quỹ hay nói chuyện công khai về công việc của mình.

Các tình nguyện viên “không chính thức” xuất hiện chủ yếu để thu hẹp khoảng cách mà các nhóm viện trợ chính thức để lại: Họ mang điện thoại tới để thay thế những chiếc bị Nga tịch thu ở biên giới, tìm bác sĩ thú y cho thú cưng bị bệnh, mua các loại thuốc khó tìm và thực hiện vô số nhiệm vụ khác. Một số việc khá nhỏ nhặt, một số việc mang tính sống còn. Họ cũng cung cấp một cứu cánh cho những người Ukraina tìm kiếm nơi trú ẩn ở một quốc gia đã xâm chiếm đất nước của họ. Họ thuê xe buýt, mua vé tàu hoặc chở các gia đình Ukraina tới biên giới.

Ở một số thị trấn, các “tình nguyện viên không chính thức” buộc phải ngừng hoạt động sau áp lực từ cơ quan thực thi pháp luật địa phương. Tháng 5 vừa qua, cảnh sát đã đến nơi trú ẩn tạm thời ở Tver, phía tây bắc Moscow. Họ đặt câu hỏi với người Ukraina về một tình nguyện viên độc lập người Nga, Veronika Timakina, 20 tuổi, hỏi liệu cô ấy có “tham gia vào các hoạt động vận động tranh cử hay không”, chụp ảnh người tị nạn hoặc mời người tị nạn tham gia bất kỳ đảng phái chính trị nào hay không, theo các hãng tin Nga Verstka và Mediazona đưa tin.

Giáo phận Chính thống giáo Tver chịu trách nhiệm về người tị nạn ở đó, và theo Timakina, người Ukraina bị đối xử khá thô bạo. Rất khó để họ nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào, kể cả khoản thanh toán 140 đô la mà Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hứa cho tất cả những người Ukraina chuyển đến Nga.

Nhà của Timakina và nhà của hai tình nguyện viên khác sau đó đã bị đột kích như một phần của cuộc điều tra tội phạm xem liệu họ có liên quan đến việc phát tán “thông tin giả mạo” về quân đội Nga hay không, một cáo buộc hình sự mà Nga đã tạo ra khi bắt đầu cuộc xâm lược. Cả ba nhà hoạt động trên đều rời khỏi Nga vì lo sợ bị đàn áp thêm nữa.

Irina Gurskaya, một nhà kinh tế và nhà hoạt động đã nghỉ hưu từ Penza ở miền tây nước Nga vào cuối những năm 60, đang giúp những người từ thành phố Mariupol của Ukraina đến biên giới Estonia. Ngay sau đó, bản thân Gurskaya cũng phải chạy khỏi Nga theo con đường tương tự.

Cuối mùa xuân năm ngoái, ai đó đã phun sơn “Kẻ kích động, bọn phát xít Ukraina” lên cửa nhà Gurskaya. Sau đó vài ngày cảnh sát đã lục soát nhà bà sau “những lời phàn nàn nặc danh” về các gói viện trợ mà bà để ở hành lang. Họ đưa Gurskaya đi để thẩm vấn, theo một bộ phim tài liệu nhỏ của nhà báo Vladimir Sevrinovsky.

Cảnh sát muốn biết tổ chức nào đã giúp đỡ và tài trợ cho Gurskaya. “Tôi đã giải thích rằng [sự giúp đỡ đến từ] những người hoàn toàn xa lạ, kể cả những người đã về hưu”, Gurskaya nói. “Một người gửi 100 rúp, và người kia lại gửi 30.000 rúp… Nhưng đối với họ, điều đó thật kỳ lạ”.

Gurskaya được thả ra khỏi đồn cảnh sát, nhưng vài phút sau, hai người đàn ông mặc áo trùm kín mặt đã tóm lấy bà, đội mũ lên đầu và ném bà vào một chiếc ô tô. Những người đàn ông vặn tay Gurskaya yêu cầu bà trả lời cho tất cả các câu hỏi tương tự.

“Họ hét lên: ‘Bọn mày cần người Ukraina làm gì?… Hãy để họ ở lại đây. Nếu mày hộ tống ít nhất một người nữa ra ngoài nước, chúng tao sẽ tìm thấy con mày’”, Gurskaya nói trong bộ phim tài liệu. Nhà hoạt động này cuối cùng bị yêu cầu đốt những tấm vé mà bà đã mua dành cho người tị nạn, sau đó được thả cho đi. Ngay sau đó, Gurskaya trốn khỏi Nga.

Các tình nguyện viên được nhắm mục tiêu ở Tver và Penza đã thẳng thắn bày tỏ sự phản đối của họ đối với các chính sách của Điện Kremlin hoặc chỉ trích chiến tranh. Hoạt động công khai này có thể làm tăng khả năng họ bị nhắm mục tiêu. Hầu hết các tình nguyện viên này đều tránh xa các cuộc trò chuyện về chính trị.

“Nhìn chung, điều chính yếu là không tiến hành bất kỳ cuộc trò chuyện nào ngoài vấn đề họ cần giúp đỡ”, một tình nguyện viên khác giúp đỡ người Ukraina về tài liệu và phương tiện đi lại cho biết. “Hãy cẩn thận mồm miệng. Đó là nguyên tắc an toàn chính”.

“Đối với tôi, tính mạng con người là trên hết và tôi không làm điều gì phạm pháp cả”, tình nguyện viên này nói thêm.

Các tình nguyện viên được phỏng vấn cho bài báo này cho biết họ cảm thấy bất lực khi chiến tranh bắt đầu và hỗ trợ người Ukraina ở Nga là cách duy nhất để họ đối phó với nỗi sợ hãi, cảm giác tội lỗi, tuyệt vọng và tức giận. “Người thân của tôi nói với tôi rằng tôi cần phải ra đường phản đối công khai. Nhưng tôi nói rằng nếu tôi bị phạt và sau đó bị bỏ tù thì sẽ không hay. Họ đồng ý với tôi”, tình nguyện viên gốc Ukraina giải thích. “Vì vậy, làm công tác tình nguyện là cách hỗ trợ duy nhất của tôi”.

“Hy vọng của tôi là chúng ta sẽ có thể tạo ra ít nhất một đốm sáng nhỏ trong mớ hỗn độn đẫm máu này”, bà nói. “Ở đâu đó sâu thẳm trong tôi, tôi có một tia hy vọng rằng có thể trong 20 năm nữa, nếu tôi còn sống, Ukraina sẽ cho tôi được đến và thăm mộ cha mẹ tôi hoặc nhìn thấy anh chị em của mình. Có lẽ tôi vẫn còn cơ hội. Có thể Ukraina sẽ coi đây là một tia sáng cuối đường hầm”.

Bình Luận từ Facebook