8-2-2023
Một tòa án ở Hàn Quốc vừa ra phán quyết buộc chính phủ nước này phải bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh, 63 tuổi, là nạn nhân còn sống sót của vụ thảm sát Phong Nhị do Lữ đoàn 2 Thủy quân lục chiến Hàn Quốc thực hiện vào năm 1968. Con số nạn nhân của vụ thảm sát tại hai làng Phong Nhị và Phong Nhất thời điểm đó là từ 69-79 người.
Bản án của tòa án quận trung tâm Seoul cho rằng, hành động của thủy quân lục chiến Hàn Quốc là không thể biện minh được và hoàn toàn bất hợp pháp. Tòa cũng phủ nhận biện hộ từ phía chính phủ Hàn Quốc khi cho rằng, hành động thảm sát phải xét trong bối cảnh của cuộc chiến tranh du kích thực sự khó khăn vào thời điểm đó. Đây là lần đầu tiên một tòa án Hàn Quốc công nhận trách nhiệm của quân đội nước này đối với tội ác chiến tranh mà họ gây ra ở Việt Nam.
Thời điểm vụ thảm sát xảy ra, bà Thanh chỉ mới 8 tuổi. Bà đã chứng kiến cả làng bà bị thảm sát. Bản thân bà thì bị bắn vào bụng và phải trải qua một năm điều trị trong bệnh viện. Tòa án yêu cầu chính phủ Hàn Quốc đền bù cho bà số tiền tương đương 23.800 đô-la Mỹ, chi phí luật sư, và lãi suất chậm trả trên con số bồi thường cho hơn năm thập kỷ vừa qua. Tất nhiên, số tiền này không đủ để bù đắp cho tổn thất của bà Thanh, nhưng lời tuyên bố của tòa quan trọng hơn số tiền mà bà có thể nhận được.
Ngoài việc một nạn nhân của tội ác chiến tranh tại Việt Nam đã đòi được công lý cho mình (dù là rất gian truân), mình nghĩ đến những gì diễn ra suốt mấy năm gần đây, khi làn sóng nhân danh “thuộc sử” quay lại để đấu tố người khác.
Hồi mình ở Đức, có lần mình hỏi giáo sư của mình rằng, người Đức có xấu hổ vì hành vi tội ác của mình trong Thế Chiến Thứ Hai hay không? Ông không ngần ngại và trả lời rằng “có”. Sau đó mình hỏi ông rằng, vậy mọi người phải dạy cho con cháu mình như thế nào? Ông bảo, “có sao dạy vậy”. Ông còn bảo với mình rằng “Nếu bạn đọc lịch sử nước bạn mà lúc nào cũng cảm thấy tự hào, thì khả năng cao là bạn đang đọc phải thứ gì ấy, không phải lịch sử“.
Mình hiểu rằng nhiều người muốn tô hồng lịch sử, vùi dập quốc gia khác (hoặc người có chính kiến khác) xuống để nâng tầm dân tộc mình lên, cốt cũng chỉ là để củng cố tình yêu đất nước và tinh thần dân tộc. Tất nhiên đó cũng là một cách làm, nhưng hậu quả như thế nào thì lịch sử thế giới cũng đã có nhiều bài học.
Mình thì nghĩ tình yêu đất nước thì ai cũng có trong người, chỉ là cách thể hiện như thế nào thôi. Trừ phi bạn muốn mọi người chỉ được phép yêu nước theo cách của bạn, thì có nhiều cách khác hòa bình và đàng hoàng hơn để kể về lịch sử đất nước mà không cần phải vùi dập hay sân si với nước khác.
Mình không tin rằng người Hàn Quốc sẽ bớt yêu nước hơn khi họ biết về Phong Nhị, Phong Nhất. Khả năng rất cao là họ hiểu hơn về đất nước của họ, và từ đó không để cho bản thân quay lại con đường cũ. Mình thích cách yêu nước bằng sự thấu hiểu hơn là cách yêu nước mà lúc nào lòng tự hào cũng chảy rần rần trong người. Yêu nước như vậy là yêu nước có điều kiện, dễ bị sách động và nó mong manh lắm.
Phát biểu sau khi có kết quả phiên xử thông qua video call, bà Thanh bày tỏ sự hài lòng với phán quyết của tòa. Bà tin rằng hương hồn của gia đình và người làng của bà đã đồng hành cùng bà trong suốt vụ kiện. Cuối cùng, bà nói rằng rằng, giờ đây các nạn nhân đã có thể an nghỉ.
Rất Hay! Vừa khoa học vừa khách quan lại vừa nhân văn