Nhã Duy
27-1-2023
Cả chục ngày nay tôi không theo dõi Facebook nhiều, vào thì thấy câu chuyện Xuân Bắc đang được bàn luận xôn xao trên mạng đôi ngày qua. Kể cả đài Á Châu Tự Do cũng có bản tin hay bài viết gì đó mà tôi không đọc.
Cái tên Xuân Bắc nghe cũng quen quen, có lẽ tôi đã từng thấy qua nhưng thú thật là tôi không chú ý và không biết anh ta là ai. Tối nay rảnh rỗi nên muốn xem thử chuyện gì mà cộng đồng mạng Việt lại “dậy sóng” đến như vậy. Thì ra chuyện anh ta mắng khán giả.
Xuân Bắc ắt phải là người rất nổi tiếng mới tạo ra dư luận đầy xôn xao đến vậy, dù tốt hay xấu, bênh hay chê. Tìm đọc vài bài báo trong nước, biết thêm anh ta diễn hài, được phong là “nghệ sĩ ưu tú”, trở thành Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam rồi được cất nhắc lên làm giám đốc “Nhà Hát Kịch Việt Nam”. Mà cũng còn trẻ thôi.
Một hồ sơ cá nhân như vậy, tôi đoán Xuân Bắc phải là một người tài ba, thông tuệ và đầy tính cách. Bởi đứng đầu sân khấu kịch nghệ ở tầm mức quốc gia là một vai trò quan trọng trong văn hóa nghệ thuật, có nhiều ảnh hưởng đại chúng. Tôi nghĩ đến những người kiểu như Lưu Quang Vũ, Doãn Hoàng Giang hay Trần Văn Thủy… của một thời.
Nhưng không phải.
Vào trang của anh ta, đọc xem anh ta thế nào và xúc phạm khán giả ra sao mà họ phản ứng mạnh như vậy thì quả khán giả cũng có lý do. Thái độ anh ta thì trịch thượng, xấc xược, câu chuyện kể thì lủng củng với cách ví von khá thô kệch và lộ liễu nhằm mắng khán giả “dám chê” chương trình hài Táo Quân đêm Giao thừa nhạt nhẽo của ban kịch anh ta. Không kể còn biết thêm, dù là tiểu tiết, thì theo các bình luận bên dưới còn chê chuyện mẩu viết của anh có đầy lỗi chính tả (khi tôi đọc thì không còn).
Để có thêm những nhận xét của riêng mình, tôi tìm xem cả một vài vở hài kịch Xuân Bắc diễn. Nó cũng thô thiển, vô duyên như những gì anh ta viết. Thiếu cái ý nhị, trí tuệ trong cách hài, cách diễn. Bởi hài kịch rất cần sự thông minh, trí tuệ và nhạy bén từ kịch sĩ lẫn khán giả.
Một bộ phim, một vở kịch hoặc một cuốn sách ra đến công chúng có bị chê là điều hết sức thông thường. Nếu hay thì đã… chẳng bị chê hoặc chỉ bị chê dăm chỗ đó đây. Chắc chắn khó có người nào vui khi tác phẩm của mình bị chê nhưng đó là một luật chơi cần phải chấp nhận, dù muốn hay không.
Ở vai trò cá nhân là một kịch sĩ có tiếng, Xuân Bắc tốt hơn là nên nhẫn nại, khiêm cung xét lại trước những đánh giá của công chúng, huống hồ còn là một giám đốc trong lãnh vực văn hóa đại chúng. Nhưng anh ta cứ bỗ bã những câu khá nặng nề với khán giả qua cách ví von đơn giản, chẳng ai không hiểu điều anh ta muốn nói.
Dù tôi cũng biết rằng giới sân khấu, thể thao luôn có đông đảo người theo, trang Facebook của anh ta có đến 2.5 triệu người theo so với một số trang tâm huyết và giá trị cao lắm cũng đôi ba chục ngàn người theo quả có làm tôi suy nghĩ.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ ra và tìm lại một câu ngạn ngữ rằng, “đừng trách thằng hề hành xử như một thằng hề, hãy hỏi tại sao mình vẫn cứ chui vào gánh xiếc”.
Chuyện Xuân Bắc làm tôi ngạc nhiên. Ngạc nhiên về trình độ, khả năng, nhận thức lẫn ứng xử không phải của một “danh hài” mà của một người được đặt vào vai trò lãnh đạo sân khấu kịch nghệ quốc gia.
Chuyện quan chức, giới lãnh đạo trong guồng máy nhà cầm quyền thì tôi không ngạc nhiên nhưng ở đây là một vai trò và vị trí về văn hóa, tôi không tin là Việt Nam thiếu người tài ba để phải đưa một anh hề đúng nghĩa như vậy lên dẫn dắt. Hay bởi đó là tình trạng chung hiện nay của Việt Nam?
Nói rất thật, tôi chẳng có lý do gì để “đu trend” theo câu chuyện Xuân Bắc bởi trước chuyện này, tôi cũng chẳng biết anh ta là ai. Tôi chỉ muốn theo dõi mối quan tâm xã hội từ người dân và giới trẻ cùng tình hình trong nước ra sao qua những câu chuyện gây xôn xao, tranh cãi trên mạng.
Và thấy sao nước Việt mình cứ như một gánh xiếc lớn, nhìn vào đâu cũng thấy những anh hề.
Hề thật! Mà lại thấy buồn.
Xin cám ơn tác giả có một bài viết hay , đơn sơ trong lời văn , mạch lạc trong ý tưởng , rỏ ràng , rất dễ hiểu nhưng không tầm thường . Người đọc luôn trân trọng công sức , thời giờ và sự hiểu biết của tác giả ,Thân ái !
Đây mới là ý kiến mà tôi tâm đắc trong hàng trăm , nghìn ý kiến ở báo Tiếng Dân , báo trong nước , trên Facebook . Cái đáng buồn không chỉ ở địa vị được cất nhắc , ở tài năng thực , ở lời lẽ ngụ ý chửi khán giả của X. Bắc ___ mà đáng buồn cho nhân tình thế thái nhiều hơn . Hội chứng đánh hội đồng , không phải chỉ có vụ các em học sinh nữ đánh 1 bạn trọng thương năm trước , mà bây giờ là ở trong tư duy , ý thích 1 cách vô thức , được dẫn dắt bởi 1 sự Cố tình . Cuối bài X.Bắc con xin lỗi mẹ , và X.Bắc mẹ cũng hứa rút kinh nghiệm _ chừng ấy không đủ để hội đồng dừng tay , bình tĩnh cho Mẹ và Con cùng nghiền ngẫm . Những viên đạn , lưỡi gươm vẫn tung ra tới tấp đủ kiểu , đủ loại , loạn xà ngầu , như được kích động quá hiện thực và không thể dừng . Đáng buồn thay , hệ tư duy của thời đại !