Bùi Văn Phú
21-12-2022
Nhìn những dòng xe rời cầu tàu chạy vào bãi đậu xe, tôi mong VinFast sẽ trở nên thương hiệu cho Việt Nam thực sự được người tiêu dùng tin tưởng, chứ không phải chỉ là những lời tâng bốc nổ như đạn pháo 122 ly.
Tôi đã thấy hàng trăm xe Vinfast VF8 chạy trên đường ở California. Không phải nói đùa mà sự thật là như thế.
Chiều thứ Hai 19/12 ở bến cảng Benicia, cách San Francisco 30 dặm đường, những chiếc xe VF8 đủ các màu đã được chạy từ tàu hàng ra bãi đậu xe của cảng.
Đoạn đường trong khu vực có kiểm soát an ninh, dài chừng 2 kilômét, từ cầu tàu chạy dọc theo đường Bayshore trước bến cảng Benicia, thủ phủ cũ của tiểu bang California, vào bãi đậu xe của cảng.
Có thể nói đây là con đường bên ngoài Việt Nam có nhiều xe VinFast chạy qua nhất, nếu đúng như con số được công bố trong buổi lễ xuống tàu tại cảng Hải Phòng hôm 25/11 vừa qua thì đã có 999 xe VF8 chạy qua khúc đường này.
Đội quân VF8 bốn tuần trước đã làm lễ xuất quân qua Mỹ với sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đại sứ Mỹ Marc Knapper. Con tàu chở 999 tân binh VF8 được đưa xuống tàu Silver Queen của Panama, bên hông có hình chữ V là thương hiệu và hàng chữ VINFAST là một công ty non trẻ sản xuất xe ôtô từ Việt Nam, ra đời mới được 5 năm và đang nhắm vào thị trường xe điện Hoa Kỳ.
Hôm 15/12 con tàu chở những chiếc xe VF8 từ Thái Bình Dương tiến vào đất Mỹ, đi qua dưới cầu Golden Gate vào Vịnh San Francisco, neo ở cảng San Francisco để làm các thủ tục và đến trưa ngày 19/12 các xe VF8 bắt đầu được lên bờ tại cảng Benicia là nơi chuyên bốc dỡ các mặt hàng ôtô xuất nhập vào Mỹ.
Như thế VinFast đã chính thức vào chiến đấu trong thương trường xe điện ở Mỹ với Tesla, Hyundai, KIA, Nissan, Volkswagen.
Trước đó vài hôm truyền thông Hoa Kỳ rộ lên nhiều bài viết về sự kiện xe VinFast sắp vào thị trường Mỹ, phần nhiều phô bày ra những tiêu cực của VF8, không như những thông cáo báo chí của VinFast đã phổ biến trong vòng một năm qua.
Ngày 14/12 trên mạng Jalopnik.com có bài viết dài với tựa: “The VinFast VF8 Is Simply Not Ready for America” – Đơn giản mà nói xe VinFast VF8 chưa sẵn sàng cho Hoa Kỳ” – của Kevin Williams, một phóng viên chuyên về xe ở Mỹ đã được VinFast mời sang thăm nơi sản xuất xe ở Hải Phòng và được cho chạy thử các xe VF8 trên đảo VinPearl ở Nha Trang.
Theo nhận xét của ông, sau khi lái thử các dòng xe VF8 thì loại xe này quá tệ và chưa đạt đủ tiêu chuẩn, chưa được chấp thuận để vào thị trường Mỹ.
Tháng 9 vừa qua, khi đi thăm nơi sản xuất ở Hải Phòng, tác giả ghi nhận không thấy công nhân làm việc trong xưởng, khi được hỏi thì nhân viên VinFast trả lời rằng họ đang ăn trưa. Dù lúc đó là 10 giờ sáng.
Chuyến đi của Kevin Williams, cùng với hàng trăm khách mời của VinFast gồm nhà báo, những người có tầm ảnh hưởng và những người đã đặt mua xe. Họ khởi hành từ California đến Việt Nam trên một chuyến bay do VinFast thuê bao.
VinFast tổ chức đón phái đoàn rất hoành tráng với tiệc tùng, du thuyền, văn nghệ và luôn cho nhân viên theo dõi các khách mời, ông Kevin kể lại.
Dù được bao ăn ở trong thời gian ở Việt Nam, Kevin cho rằng VinFast đã làm phí thời gian của ông vì ông chỉ muốn biết về sản phẩm ôtô điện của VinFast, mà ông hoàn toàn thất vọng với chất lượng từ độ mạnh của động cơ, dàn nhún, độ nhạy của tay lái và giá lại cao.
Khi truyền thông trong nước đưa tin gần nghìn xe VF8 lên đường qua Mỹ, ông Tiến Nguyễn, một kỹ sư với bằng tiến sĩ kỹ thuật từ Đại học Munich, Đức và hiện sống San Jose, California có viết dòng trạng thái trên Facebook ngày 24/11:
“Vậy là xe Vinfast đang trên đường đến Mỹ. Được toàn thể lãnh đạo lưu luyến tiễn đưa một cách long trọng. Chắc là khá đông người Việt hiện thời đang cảm động, lòng dâng lên nỗi tự hào! Thế nhưng, sản phẩm làm ra cốt để bán! Không để ‘tự hào’. Có bán được mới sống được. Còn không thì là ‘đốt tiền’. Muốn bán được thì dĩ nhiên là không phải ‘hét giá’ thế nào cũng được. Người mua sẽ so giá rất kỹ, bởi chiếc xe là cả một ‘đống của’!”
Ông Tiến đưa ra những so sánh về giá cả một xe VF8 với pin là 57 nghìn đôla, với các xe tương tự có cả pin mà khách hàng ở Mỹ có thể chọn là xe Đức VW – ID4: USD 37.495, xe Nhật Toyota – Bz4x: USD 42.000, xe Hàn Quốc Hyundai – Ioniq5: USD 41.500.
Còn Tesla Model Y, với tín dụng giảm thuế cũng chỉ đắt hơn VF8 khoảng USD 2.500. Ông Tiến đặt câu hỏi, như thế khách hàng sẽ chọn xe nào, khi mà VinFast chưa có gì để cho khách an tâm khi mua xe mới so với Tesla.
Nhiều ký giả chuyên về ôtô cũng đồng quan điểm với ông Tiến Nguyễn là giá xe VF8 như thế là đắt.
Ngày 13/12 trang dot.la có bài viết của David Shultz tựa đề “Vinfast’s First EVs Have Just 180 mile of Range but Still Cost Over $55K” – Những xe điện đầu tiên của VinFast chỉ chạy được 180 mile (khi đầy bình điện) mà giá vẫn trên 55 nghìn đô.
Cùng ngày, motortrend.com có bài của Christian Seabaugh với tựa: “180 Miles for $55k: Can the 2023 VinFast VF 8 SUV Break Into America? – 180 mile với giá 55 nghìn đô: Xe VF8 của VinFast có thâm nhập vào Mỹ được không?
Đây là những bài viết của các phóng viên chuyên về ôtô, họ đã có nhiều kinh nghiệm thẩm định về phẩm chất và giá của các dòng ôtô lưu hành trong thị trường Mỹ.
Một điều đáng quan tâm cho khách hàng đã mua xe là những chiếc VF8 vừa vào Mỹ không phải là các xe họ đã đặt mua. Yahoonews.com hôm 19/12 đưa tin xe VF8 mà khách hàng nhận được sẽ là dòng xe “City Edition” chạy được 180 mile mỗi lần sạc đầy bình điện, không phải là dòng xe “Eco” chạy được 261 mile hay “Plus” sẽ chạy được 249 mile như VinFast đã quảng cáo.
So sánh với các xe cùng loại của Hyundai, KIA hay Mustang đều chạy được trên 200 miles cho một lần sạc đầy bình điện.
Theo YahooNews, cuối tháng 11 vừa qua VinFast đã gửi thông báo đến cho khách hàng đã đặt mua xe về sự khác biệt về xe mà người mua sẽ nhận là thuộc dòng “City Edition” và sẽ được giảm giá 3000 đôla.
Hôm tháng Tám vừa qua tôi ghé phòng trưng bày VinFast ở Berkeley, hỏi người bán hàng và ông có nói với tôi là nếu mua thì chiếc xe được giao sẽ có chút khác biệt với xe mẫu đang trưng bày (slightly different). Tôi hỏi khác biệt chút là những khác biệt nào, về dáng xe hay máy xe thì ông nói không biết, chờ hãng đưa thông tin. Nay biết đó là dòng xe khác sẽ giao cho khách mua, không như xe được trưng bày.
Ông Phạm Minh Tuấn, một kỹ sư tốt nghiệp Đại học UC Berkeley hiện làm việc cho Cơ quan Bản quyền và Thương hiệu (US Patent and Trademarks Office) của chính phủ Hoa Kỳ, có nhận xét khi đọc bản tin của Yahoo về chất lượng pin xe VF8:
“Tôi đoán là công ti sẽ đổ lỗi cho khách hàng không biết sạc bình đúng cách hay có thiếu sót gì đó để mua thời gian cho đến khi có pin tốt hơn. Những khách hàng quyết đòi rồi cũng được thay pin mới, không tốt hơn, sau khi trải qua những nhiêu khê với dịch vụ phục vụ khách hàng.”
Về sự kiện VF8 vào thị trường Mỹ, ông có ý kiến là: “Họ [VinFast] không sáng chế ra được sản phẩm nào đáng kể mà đơn thuần chỉ lắp ráp những bộ phận của nhiều công ti khác nhau. Nếu những xe này chạy tốt như đã quảng cáo thì nhiều người sẽ có cái nhìn khác về mặt hàng do Việt Nam sản xuất.”
Tôi cũng đã tìm hiểu về chính sách bảo hiểm, vì ở California có luật buộc chủ xe phải mua bảo hiểm. Hỏi một văn phòng bảo hiểm State Farm và được cho giá bảo hiểm của VF8 đã có trong hệ thống, hiện thời là 1160 đôla một năm, bảo hiểm hai chiều. Trong khi giá bảo hiểm cho xe Hyundai Ioniq5 là 1300 đôla. Nhân viên nói giá sẽ được điều chỉnh sau khi xe chạy ở Mỹ chừng một hay hai năm sẽ có dữ liệu về xe thường hư những bộ phận nào, mua đồ sửa ở đâu, phải chờ bao lâu và tốn phí bao nhiêu. Sau đó giá bảo hiểm sẽ được điều chỉnh lại.
Ai sẽ bỏ ra 55 nghìn đôla để mua VF8 lúc này? Sẽ có hàng nghìn người Việt mua xe VF8, là những người giàu từ Việt Nam qua Mỹ định cư trong những năm gần đây? họ mua để chứng tỏ yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa? Họ là những người có dự án làm ăn ở Việt Nam, họ mua VF8 như là cách bày tỏ sự ủng hộ nhà nước Việt Nam?
Một năm sau ngày VinFast đem hai mẫu xe qua Mỹ tham gia triển lãm ôtô tại Los Angeles vào cuối tháng 11 năm 2021, những chiếc xe VinFast đầu tiên đã cập bến cảng Mỹ để giao cho khách hàng trong những ngày tới.
Đứng nhìn tàu hàng to lớn mà VinFast thuê của Panama để chở xe qua Mỹ tôi chợt nghĩ đến những thất bại trong chủ trương đóng tàu hàng của VinaShin để đưa Việt Nam ra biển lớn. Rồi Bphone, VinSmart cũng chẳng ai dùng. Hàng xuất khẩu của Việt Nam cho đến nay vẫn là mấy thứ tiểu công nghệ như hàng may mặc, đồ gỗ, đan mây hay bánh phở, bún, bánh tráng, các loại cá, trái cây đông lạnh.
Nhìn những dòng xe rời cầu tàu chạy vào bãi đậu xe, tôi mong VinFast sẽ trở nên thương hiệu cho Việt Nam thực sự được người tiêu dùng tin tưởng, chứ không phải chỉ là những lời tâng bốc nổ như đạn pháo 122 ly.
Hy vọng VinFast cũng sẽ được như Hyundai hay KIA trong đường dài. Đừng như xe Yugo từ nước cộng sản Nam Tư cũ, cũng vào Mỹ cùng thời nhưng chết yểu.
(Ngày 20 tháng 12, bản tin của Bloomberg dẫn lời bà Lê Thị Thu Thủy, CEO của VinFast, cho biết VinFast đã nhận được giấy phép để bán xe hơi chạy điện của mình trong thị trường Mỹ).
Không thể hiểu nổi là mình lắp ráp các bộ phận của nước ngoài thành chiếc xe rồi
ầm ỹ hô hoán lên là chiếc xe do mình chế tạo ! Chẳng biết say thuốc hay bị bệnh
thần kinh đây ?
Nếu không thì PNV.chỉ làm theo chủ trương “lớn” của đảng là “Đi tẳt đón đầu” mà !
VinFast is “ACE CARD of Hanoi” PLAYING in US CAR MARKET
Ầm ỹ về 999 chiếc xe, thuê pin giá 42 ngàn $, mua pin 55 ngàn $. Bán cả được 54.945.000 $, muối bỏ bể so với số tiền mà Vinfast bỏ ra cho các nhà tư vấn ở phố Wall, các công ty vận động hành lang ở Washington ..v..v.. Tom Peng làm quảng cáo trá hình cho Vinfast về việc khắc phục lỗi, định thí trẻ con.
Không nắm bất cứ công nghệ nào về xe điện, lấy gì để đấu với các hãng khác.
Một lập luận đơn giản và đó là điều xảy ra trong thực tế, không hãng nào bán công nghệ mũi nhọn cho hãng khác, nếu có bán thì cũng chỉ là thứ đã lỗi thời, nếu không chẳng hóa ra tự sát.
Phạm Nhật Vượng và các con sói già bên xứ Cờ Hoa, phần thắng sẽ nghiêng về ai, quá dễ biết.
Đưa xe qua Mỹ không phải để bán. Cũng như giới thiệu thuốc ung thư sx tại VN ở Mỹ. Sẽ không ai tin, mua vì đến từ xứ – đối với dân bản xứ – vẫn man di mọi rợ về kỹ thuật. Chỉ là marketing campaign chương trình đánh bóng dựa hơi Mỹ để xài ở VN. Muốn ngon ở VN thì phải giả bộ đấm đá ở Mỹ. No Tàu, no Nga, no Cuba…phải giả bộ đấm đá ở Mỹ Đức Pháp Anh. Nhưng PR dốt, mỏng, kém văn hóa quá.
Vậy là đã rõ, xe Vinphét treo đầu dê bán thịt chó, mua đăng ký trước thì là xe quảng cáo, khi giao xe thì xe chỉ dùng chạy trong phố. Xe mà chạy hay hư lặt vặt thì bảo hiểm nó lên, mà nó lên thì người ta tẩy chay, xem như chục triệu chỉ để làm cảnh, một bước lén trời thì phải trả giá.
Thêm vài ba ngàn thì chạy Telsla cho nó bảnh chứ tội gì trùi, tự hào cái con mẹ gì khi chỉ là đồ mua tứ xứ ráp lại.