Ảo tưởng quyền lực

Nguyễn Ngọc Huy

13-12-2022

“Mày có biết tao là ai không?”

Đó là một câu nói ngày càng phổ biến khi những kẻ ảo tưởng quyền lực/hoặc có quyền lực thực sự, lạm dụng để giải quyết các vấn đề mà vốn dĩ không cần đến quyền lực và bạo lực.

Vụ việc ông Dũng dùng gậy đánh vào nữ caddy ở sân golf là một biểu hiện của ảo tưởng quyền lực để hành xử với người mà ông xem là yếu thế hơn mình.

Tôi lấy giả định cái gậy golf đó mà đập vào mặt một ai đó cũng có quyền lực như ông Dũng (là thương gia, là chính trị gia, hay một tay anh chị nào đó) thì chắc chắn là sự việc không bị “ngâm” lâu đến vậy. Nhưng giả định đó chắc chắn không xảy ra vì ông Dũng biết ông đang vụt gậy golf vào mặt ai – một cô gái yếu thế, một người làm công, một người ít được xã hội biết đến.

Đó là một hành động bắt nạt người khác một cách hèn hạ.

Khi dùng tới vũ lực để bắt nạt người yếu thế hơn mình, Dũng không lường trước được về một thứ quyền lực khác. Đó là quyền lực của số đông đang đứng về lẽ phải và công bằng. Khi một cô gái yếu thế không thể nói lên tiếng nói uất ức của mình, thì vẫn còn đó tiếng nói lương tri của những con người thấy bất bình mà lên tiếng.

Ông Dũng đã có giải trình, đã có lời xin lỗi nhưng đó là giải trình quanh co và xem việc làm cố tình đó như một tai nạn ngoài ý muốn lúc nóng giận. Ông vẫn chưa nói lên sự thật về việc lạm dụng quyền lực, thứ mà ông ấy có thể cũng áp dụng hàng ngày ở nơi ông làm việc, chỉ khác là không dùng vũ lực thôi. Thứ đó mới nguy hiểm và là căn nguyên của mọi sự bất công trong xã hội.

Ở một khía cạnh khác, ông Dũng là một ông Hội đồng cấp tỉnh, ông đang là đại biểu của nhân dân, người đại diện nhân dân nói lên tiếng nói đối thoại với chính quyền. Thế mà ông lại dùng gậy đập vào mặt nhân dân như thế. Rất hỗn! Ông nên từ nhiệm trước khi bị HĐND phế truất vai trò của ông. Đừng ngồi cái ghế ấy nữa.

Ảo tưởng quyền lực hay lạm dụng quyền lực có thể có ở bất cứ ai và dưới nhiều hình thức. Thứ quyền lực tạm bợ đó có thể được sinh ra do sự nuông chiều của cha mẹ với con cái, sự nịnh hót và phục tùng của nhân viên dưới quyền tại cơ quan tạo ra thói quen xấu cho người lãnh đạo, và thậm chí, quyền lực ảo đó cũng có thể xuất hiện ở những người của công chúng. Họ biết họ là ai nên họ thích hỏi: “Mày có biết tao là ai không?”

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Đề nghị tước danh hiệu “Caddie” của cô L vì đã làm rơi mặt nạ khốn nạn của đại biểu HĐND Nguyễn viết Dũng

  2. Nguyễn Viết Dũng là loại trọc phú dốt nát, quê mùa bỏ tiền ra mua chức tước như Lý Toét, Cả Xệ thời xưa. Tuy việc làm không công như được cái tiếng, chẳng ngờ cái tánh du côn nên mang tiếng xấu, loại quan dốt nát mà nhảy vào cơ quan quyền lực thì chết thằng dân.

Comments are closed.