Người dân còn bị sỉ nhục đến bao giờ?

Nguyễn Trường Sơn

9-12-2022

Tôi nghĩ không có gì là quá đáng khi người dân đòi hỏi công chức làm tròn trách nhiệm tối thiểu của họ. Trong đó bao gồm hoàn thành các trọng trách mà công việc yêu cầu, có thái độ làm việc chuyên nghiệp, ứng xử với người dân một cách văn minh và ân cần, và nói năng một cách mà ai cũng có thể hiểu.

Bởi bản thân mỗi chúng ta khi đi làm thì cũng đều được yêu cầu phải làm được những điều căn bản này. Không có doanh nghiệp nào muốn giữ lại một nhân viên mà đến ngay cả những điều đơn giản như vậy cũng không làm được.

Do vậy chúng ta có quyền yêu cầu công chức nhà nước cũng chí ít phải làm được như chúng ta, chứ chưa nói là phải làm tốt hơn. Bởi sau cùng, chúng ta muốn tự hỏi bản thân rằng số tiền mà chúng ta bị trừ hàng tháng, hay phải trả thêm mỗi lần mua hàng (gọi chung là thuế), rốt cuộc có đáng hay không nếu người thụ hưởng nó lại không làm tròn trách nhiệm?

Ấy thế mà. Hết lần này đến lần khác, chúng ta bị sỉ nhục bởi những người vẫn hàng tháng ngửa tay lãnh lương từ tiền thuế mà chúng ta phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm ra.

Nào là “đá vỉa hè bị nứt do mưa”, rồi “Việt Nam không cần quá giàu”, rồi bài ca “lỗi đánh máy” kinh điển. Hết lần này đến lần khác, dân chúng bị đối xử như trẻ ranh, bị cợt nhả và không coi ra gì bởi những phát ngôn coi thường phát ra từ miệng công chức.

Những lời nói này không chỉ tự thân chúng bộc lộ sự yếu kém về năng lực của công chức xứ ta, mà đằng sau nó là một vấn đề trầm trọng hơn rất nhiều, đó là những người làm công ăn lương ở nước ta mang trong mình một thái độ coi thường đối với công việc, và khinh bỉ đối với dân chúng. Vì nếu là một công chức coi trọng chức trách và có trách nhiệm với sự tín nhiệm của người dân, thì sẽ suy nghĩ trước khi mở miệng.

Một bộ máy nhà nước đầy rẫy những công chức không coi công việc và người dân ra gì, thì sẽ không thể vận hành một cách trơn tru, và càng không thể tạo ra sự phát triển cho đất nước. Cũng giống như một doanh nghiệp với những nhân viên rệu rã, làm việc với thái độ dửng dưng, và coi khác hàng là cỏ rác thì sẽ không thể thành công. Cái chết ở đây đó là bộ máy nhà nước thì sẽ tạo ra hệ lụy nghiêm trọng hơn một doanh nghiệp rất nhiều.

Một doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì đối mặt với phá sản, cùng lắm là ảnh hưởng đến những người làm việc cho nó. Nhưng một bộ máy nhà nước với những công chức vô năng, vô tri thì hệ luỵ vô cùng lớn. Không chỉ quốc gia bị tụt hậu bởi sự vô dụng của các cơ quan nhà nước, mà người dân còn chịu khổ bởi nạn tham nhũng và thói hách dịch từ công chức, cùng với đó là dịch vụ công đắt đỏ và kém chất lượng.

Mỗi một lần công chức đưa ra những phát ngôn chướng tai thì sẽ nhận lại sự cười cợt từ dân chúng. Người dân coi đó là một màn tấu hài, là dịp để cả xã hội được phen cười vào mặt quan chức cho hả hê những khổ ải mà chúng ta phải chịu đựng bấy lâu. Nhưng theo tôi đó là thái độ sai lầm. Bởi cười cợt sẽ không mang lại bất cứ sự thay đổi nào, rồi đâu lại hoàn đó, những bất công và ngang trái vẫn sẽ đè lên đầu lên cổ chúng ta.

Thay vào đó, chúng ta cần phải cảm thấy bị sỉ nhục, phải cảm thấy tự ái và nhục nhã mỗi khi những người nắm giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước có những phát ngôn như vậy. Thử hỏi có cay không khi những kẻ ăn trên ngồi trốc từ tiền thuế của chúng ta lại quay sang khinh bỉ chúng ta? Rốt cuộc thì có đáng không khi chúng ta nai lưng ra làm để bị thu thuế nhưng cái chúng ta nhận được lại là sự coi thường?

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Do mình ngu xuẩn mà bị chữ Hán Việt lừa bịp cho nên bị sỉ nhục là rất đáng thôi: Rất hồ hởi khi ghi vào trong lý lịch “Đã đi CÔNG TÁC THOÁT LY từ…” hoặc “Đã được PHỤC VIÊN năm…”. Với những “nhân dân” như vậy thì đừng có mong đến một ngày nào đó sẽ không bị sỉ nhục nữa nhé!!

  2. Những sai lầm,hư hỏng xẩy ra đều do CBCNVC gây ra càng ngày càng nhiều.Không phải CBCNVC tự chiếm lấy việc mà do được cấp trên lựa chọn và trao cho quyền chức và nhiệm vụ phải thi hành.Không phải thiếu CBCNVC đủ năng lực mà vì CBCNVC đủ năng lực thì không được biết tới,hay có biết tới mà không được chọn bởi các quan chức có thẩm quyền.Những CBCNVC bị kỷ luât,xét thấy còn sử dụng được thì cho làm những việc phù hợp.Còn xét thấy không còn đủ năng lực,phẩm chất đạo đức thì cho thôi việc.Đằng này lại khuyến khích,thực chất là năn nỉ người vi phạm kỷ luật từ chức thì làm sao có kết quả tốt.Nói tóm lại,muốn tốt,tôi kiến nghị, nên xây dựng và đẩy mạnh phong trào “HÃY CHỌN ĐÚNG NGƯỜI,GIAO ĐÚNG VIỆC”.

  3. Hỏi, hiện thời mình sợ nhất là gì ? Thưa ngay tắp lự rằng : Sợ nhất là đến ủy ban nhân dân xã ! Chúng nó ( toàn lũ học trò cả nên gọi là chúng nó cũng chẳng phạm thượng lắm nhỉ ) nhìn người dân như nhìn kẻ thù .
    Hỏi thì không thằng nào muốn trả lời . Đơn từ có thể chứng thực được hay không, cứ để người dân chờ khoảng nửa đến một tiếng rồi mới cất giọng bảo ban . Làm việc, cứ trông gần tới giờ ( gần tới chứ chua tới đâu nhé ) để hè nhau đi đám giỗ, đám thôi nôi, đám sinh nhật . . .
    Cái ban do nhân dân giao phó ( ủy ban nhân dân ) để làm công việc cho dân . Thế mà, cúng khinh dân, coi dân như cỏ rác .
    Vậy đấy, cũng là “công bằng, dân chủ, tiến bộ, văn minh” . Còn khuya!

  4. Tổng bí Lú dạy dỗ bọn lâu la :”còn đảng còn mình”, làm gì có dân trong trí não lũ quan tham lưu manh đầu trộm đuôi cướp. Chúng nói lá nói lấy được, không cần biết người nghe có quan tâm hay không, kể cả một đống nhân thập cẩm của gã đầu bạc hiên ngang.

    Dân cười, là nuốt giọt nước mắt cay đắng vào trong. Mong sao quét sạch được chúng đi.

Comments are closed.