6-12-2022
(Trích hồi kí Lách Qua Luật Ngầm)
Tiếp theo kỳ 1 — kỳ 2 và kỳ 3. Kỳ 4: Cung đình nổi giận
Về nhiều mặt, Đinh Thế Huynh không có gì so được với Hữu Thỉnh. So với uy tín văn chương, báo chí, Đinh Thế Huynh luôn chỉ là bậc đàn em của Hữu Thỉnh.
Nhưng Hữu Thỉnh không là gì so với Đinh Thế Huynh, về mặt quyền lực. Là Ủy viên Bộ Chính trị, dưới mắt Đinh Thế Huynh thì Chủ tịch Hội nhà văn chỉ là người giúp việc đúng nghĩa.
Việc để lọt ‘Trại súc vật’ đã khiến Cung đình nổi giận. Qua chính miệng Hữu Thỉnh, thì ông bị Trưởng ban Truyên giáo là Đinh Thế Huynh “gọi” lên mấy lần chỉ trong một thời gian ngắn. Nỗi uất ức của Hữu Thỉnh là có thật. Và ông không thể không trút nó lên một ai đó.
Tuy nhiên, sức ép lên lãnh đạo Hội nhà văn càng ngày càng mạnh, không chỉ đến từ các cơ quan chức năng. Sức ép còn đến từ nhiều nhà văn đồng nghiệp của chúng tôi.
Hữu Thỉnh không còn lựa chọn nào khác là phải ra tay.
Trong cuộc họp chính thức với Nhà xuất bản Hội nhà văn về cuốn ‘Chuyện ở nông trại’, ngoài Hữu Thỉnh là chủ tịch Hội, cơ quan chủ quản của Nhà xuất bản, có thêm nhà văn Khuất Quang Thụy, trưởng ban kiểm tra, nhà thơ Nguyễn Hoa, trưởng ban tổ chức của Hội cùng vài ba người khác mà tôi không nhớ cụ thể.
Vào cuộc họp, Hữu Thỉnh đề nghị ban giám đốc Nhà xuất bản phát biểu theo tinh thần phải nhận ra tội lỗi nghiêm trọng của mình. Ông nhắc đi nhắc lại là ông chỉ nghe những lời nhận tội, chứ không nghe thanh minh, giải thích. Còn thanh minh, giải thích tức là chưa nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề. Trong khi tội lỗi – ông nhấn mạnh – thì rõ ràng như ban ngày rồi. Cuốn sách có nội dung chống cộng là điều không cần phải bàn cãi, thậm chí là cuốn sách chống cộng số một cũng không cần phải bàn cãi.
Sau khi mào đầu gay gắt như vậy, Hữu Thỉnh ngồi nghe chăm chú, nét mặt lộ ra (lần này thì tôi không biết là thật hay ông vẫn lại đang đóng kịch?) vẻ đau khổ pha sự căm giận. Có lẽ tôi thấy ông nghiêm túc nhất từ trước tới nay khi tham gia một hội nghị và vì thế mà cũng tức cười nhất.
Trung Trung Đỉnh phát biểu đầu tiên. Khi ‘Trại súc vật’ ra khỏi nhà in, Nhã Nam mang cho tôi 5 cuốn. Vừa lúc ra tết, nhà phê bình Ngô Thảo mời Trung Trung Đỉnh và tôi đi ăn món nướng Hàn Quốc. Tôi bèn cầm theo một cuốn làm quà cho ông. Trước mặt Trung Trung Đỉnh, tôi bảo với Ngô Thảo:
– Tặng bác cuốn này, để từ nay về sau bác chớ có coi thường tụi em.
Ngô Thảo đón cuốn sách, cười, bảo:
– Oách đấy!
Trong khi Trung Trung Đỉnh không hề biểu lộ một cảm xúc nào.
Sau đó tôi còn đưa vài cuốn nữa cho vài người, trước mắt Trung Trung Đỉnh, khiến một hôm ông hỏi:
– Cuốn sách có cái đ3o gì hay mà tao thấy mày tặng ai mặt cũng hớn hở thế?
Tôi bảo ông:
– À, truyện ngụ ngôn ấy mà. Nay mai rồi bác cũng biết thôi.
Khi cuộc họp này diễn ra, Trung Trung Đỉnh đã biết nội dung cuốn sách nói gì. Nhưng ông chẳng hề biểu lộ sự lo lắng, ít nhất thì cũng vờ lo lắng. Vẫn với lối nói mà người nghe rất khó chắp nối nội dung, cố giấu đi vẻ bông lơn, Trung Trung Đỉnh thú nhận ông chỉ đọc cuốn sách sau khi có dư luận ồn ào và bị cấp trên yêu cầu. Ông lý sự: “Tôi là giám đốc, làm sao tôi đọc hết mọi bản thảo đưa duyệt”.
– Nhưng mà thú thực là tôi thấy cuốn sách rất hay – Trung Trung Đỉnh hồn nhiên dội cả một gáo nước lạnh vào đầu Hữu Thỉnh. Đã thế ông lại còn ê a nói thêm rằng, ông rất thích cuốn tiểu thuyết này, không nghĩ nó lại chống cộng như mọi người vừa chỉ cho ông thấy. Vì thế ông nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Ông đề nghị nếu có kỷ luật thì chỉ kỉ luật mình ông.
Trung Trung Đỉnh nói xong thì cười rất “đáng ghét”, như thói quen của ông ta mỗi khi bàn những chuyện cấp trên coi là nghiêm trọng. Hữu Thỉnh cực kỳ nhạy cảm khi phán đoán thái độ người khác nên nghe Trung Trung Đỉnh nói xong, ông thể hiện ra mặt sự không hài lòng. Ông muốn cấp dưới phải tỏ thái độ hối lỗi sâu sắc, hối lỗi toàn diện trong từng âm tiết phát ra. Ông muốn cấp dưới phải hơi run sợ một chút, lập cập trong ăn nói một chút. Nhưng cách nhận tội của Trung Trung Đỉnh thì lại ngầm tỏ ra là ông ta bất cần, thậm chí còn như muốn nói, chuyện đã xảy ra rồi, giờ các vị muốn làm đ3o gì nhau thì làm đi. Nhất là cái kiểu cười cợt không đúng lúc, rất khó chịu của Trung Trung Đỉnh, làm Hữu Thỉnh thấy điên tiết.
Nhưng Hữu Thỉnh quyết định ngồi im, nghe tiếp lời phát biểu của Trần Quang Quý, phó giám đốc, trực tiếp ký duyệt nội dung. Ông Quý vốn là người lợi khẩu, trình bày vấn đề gì đều rất có lớp có lang, khúc chiết, logic, có lúc nhẩn nha, có lúc hùng hồn, lên bổng xuống trầm, thu hút được người nghe. Thế nhưng lần này Trần Quang Quý tỏ ra có chút lúng túng. Lý do của sự lúng túng ấy thì chỉ mình tôi biết. Ông rất muốn nói là ông chưa đọc khi đặt bút kí duyệt nhưng cũng không muốn người khác hiểu là ông không biết gì về cuốn ‘Trại súc vật’.
Mà có nói thật thế thì cũng chẳng ai tin. Một nhà văn cộng sản mà mất cảnh giác với ‘Trại súc vật’, nhất là khi nó được coi là cuốn sách chống cộng số một, là điều khó tha thứ, còn nặng hơn là hồ đồ thiếu trách nhiệm ký bừa. Sau một hồi vòng vo, nhưng kết lại Trần Quang Quý cũng nhận trách nhiệm về mình mà không đổ lỗi cho bất cứ ai.
Khi ông Quý phát biểu xong, không ai bảo ai nhưng mọi người cùng đổ dồn mắt về phía tôi. Hữu Thỉnh thì chỉ liếc nhanh rồi ngồi lại tư thế của một ông phán quan, mặt lạnh tanh hay là ông cố làm ra thế. Một vài ánh mắt lo lắng cho tôi. Đáp lại, tôi cũng thể hiện thái độ là tôi đang rất nghiêm túc. Khi tôi nói thì Nguyễn Hoa và Hữu Thỉnh cầm bút và sổ ghi chép. Lần này thì tôi biết rõ là ông đóng kịch, vì ông quá thừa kinh nghiệm để hiểu rằng những gì diễn ra tại căn phòng này sau đó đều đến tai cấp trên trực tiếp của ông không sót một chi tiết. Thậm chí nó đang được tường thuật trực tiếp theo một cách nào đó. Bằng cách nào thì sẽ còn là bí ẩn.
Họ, những người mà Hữu Thỉnh rất sợ, sẽ căn cứ vào vẻ mặt và thái độ, lời nói của ông để đánh giá ông có thành khẩn nhận lỗi buông lỏng quản lý hay không? Lập trường tư tưởng của ông có vững vàng, kiên định hay không? Ông có thực lòng nghiêm khắc với sai sót nghiêm trọng của cấp dưới hay không để đánh giá thái độ chính trị của ông? Đó sẽ là chỉ số của lòng trung thành mà, tiếc thay cho ông vẫn luôn không đủ để chiếm được điểm cao nhất từ một số lãnh đạo, dù ông đã miệt mài nỗ lực chứng minh bằng nhiều cách trong suốt nửa thế kỉ.
Bắt đầu bài phát biểu, trước hết tôi nói một chút chuyện ngoài lề. Tôi bảo trong hơn mười năm công tác tại Nhà xuất bản, đã có khoảng vài chục cuốn do tôi biên tập được Hội nhà văn, Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật trao giải, trong đó có cả cuốn thơ của chủ tịch Hữu Thỉnh. Nếu giải thưởng của Hội được coi là có giá trị, thì cũng phải ghi công cho tôi chứ. Nhưng mấy chục cuốn ấy thì không ai nhắc đến, trong khi cứ nhè những cuốn bị coi là có vấn đề (so với quan điểm chính thống chứ thực ra đều là những cuốn thực sự có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, chẳng hạn Lolita của Nabocob) để quy kết tôi tội này tội khác. Cứ nhắc tên tôi là người ta nghĩ ngay đến những cuốn sách bị coi là vượt rào về quan điểm. Nhưng tôi bảo tôi không quan tâm đến những đánh giá đó. Tiện có chủ tịch ở đây, tôi chỉ nói thế thôi.
Sau đó tôi trình bày diễn biến của quá trình biên tập. Tôi nói thật là, TRƯỚC ĐÂY tôi chưa hề đọc cuốn nào của nhà văn George Orwell. Có muốn đọc cũng không có. Nhà nước cấm đoán ngặt như vậy thì đọc vào đâu. Vì thế, khi đọc cuốn ‘Chuyện ở nông trại’, tôi thấy nó rất hay, mang tính phê phán độc tài rất cao, vạch trần thói đạo đức giả rất thâm thúy, lại được cả thế giới vinh danh là một trong một trăm cuốn sách hay nhất của thế kỷ 20. Một cuốn sách như vậy không lý gì mà bạn đọc Việt Nam lại không được đọc. Tôi, với tư cách là người làm cầu nối giữa tác giả và bạn đọc, không thể bỏ qua cơ hội quý báu như vậy. Vì thế mà tôi đã làm bản thẩm định mà bất cứ lãnh đạo nào đọc được cũng phải cầm bút kí duyệt cho xuất bản.
Mọi người ngồi nghe tôi nói thì im phăng phắc, khung cảnh chỉ thấy trong các tòa án khi chờ tuyên tội. Hữu Thỉnh nhìn lên trần nhà để khỏi phải lộ ra vẻ mặt một trăm phần trăm không tin. Khuất Quang Thụy nhìn ra cửa, trong khi Nguyễn Hoa thì thật thà xúc động. Trung Trung Đỉnh và Trần Quang Quý không biểu lộ sắc thái tình cảm đồng tình hay nghi ngờ, mà theo đuổi ý nghĩ của những kẻ cùng một giuộc, cười thầm trong bụng.
– Về nội dung có tính ám chỉ – tôi nói tiếp – Nghe mọi người bảo là ám chỉ Stalin và chủ nghĩa cộng sản, thì tôi cũng mới biết, chứ trong thâm tâm khi đề nghị duyệt in, tôi đinh ninh cuốn sách ám chỉ Hitler và đồng đảng của hắn. Việc hai nhân vật này giống nhau về hành vi, bản tính và việc hai chế độ Cộng sản và Quốc xã có nét tương đồng khiến các vị suy diễn, là điều tôi không quan tâm vì chính các vị không công nhận. Các vị cứ đọc kỹ mà xem. Hitler và đảng Quốc xã cũng xưng với nhau là đồng chí. Nhân vật Nã-phá-luân gần như mô phỏng nguyên xi tính cách của Hitler: Tàn bạo, độc đoán, giả nhân giả nghĩa. Nhân mật Mồm Loe thì còn ai khác ngoài Gơ-ben, bộ trưởng tuyên truyền của Đức quốc xã.
Phòng họp im phăng phắc, nhưng là sự im lặng của nỗi sợ cơn sấm sét sắp nổ ra. Vẫn chỉ có Nguyễn Hoa là thật thà xúc động. Còn lại, mọi người đều biết tôi đang diễn vở kịch để chế nhạo là chính, biến toàn bộ cấp trên thành đám hề.
– Tôi thấy ý kiến của Tạ Duy Anh có cơ sở đấy – thêm một người tỏ ra thật thà – Đúng là có hình bóng của Hitler trong nhân vật Nã-phá-luân. Nếu không có dư luận từ trước bảo cuốn sách chống cộng, thì có thể nói đó là cuốn sách chống Phát-xít cũng hoàn toàn hợp với nội dung và tôi cũng tin như vậy.
Lời phát biểu của ông Phó giám đốc Trần Quang Quý rõ ràng là rơi tõm ngay vào im lặng. Về phần mình, tôi coi như đã nói hết, vì thế tự đưa ra kết luận và nó nguyên văn như sau:
– Tôi nhận toàn bộ trách nhiệm về việc để ra đời cuốn sách ‘Chuyện ở nông trại’. Tôi đã viết một lời thẩm định không chỉ ông Quý, ông Đỉnh mà bất cứ ai cũng sẽ kí duyệt. Nay tôi nhận mọi hình thức kỉ luật và không liên quan đến ai khác. Các hình thức ấy là khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, chuyển sang làm việc khác, buộc thôi việc, ra khỏi Hội nhà văn hoặc bất cứ hình thức nào nữa nếu Hội muốn và cấp trên nào đó muốn. Tôi vui vẻ chấp nhận tất và không có bất cứ thắc mắc hay oán thán nào.
(Còn nữa)