Ngày 20.11: Di sản bị phản bội

Chu Mộng Long

19-11-2022

Sự thực, Việt Nam không có bản Hiến chương nào để gọi ngày 20.11 là ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam.

Chỉ có một bản “HIẾN CHƯƠNG CÁC NHÀ GIÁO” gồm 15 chương do FISE xây dựng năm 1949 tại Hội nghị Vacsava. Tháng 8/1954, tổ chức công đoàn các nhà giáo tiến bộ và cách mạng trên thế giới mà nòng cốt là các nhà giáo ở các nước XHCN, nhất trí thông qua. Công đoàn Giáo dục Việt Nam tham gia tổ chức này năm 1953 tại Viên và chính thức kí kết vào bản Hiến chương vào tháng 5/1957, cũng tại Vacsava, trong Hội nghị quốc tế các tổ chức của nhà giáo lần thứ 2. 15 chương triển khai cụ thể 2 vấn đề cốt lõi:

1) Đấu tranh chống lại mọi quan điểm và phương pháp giáo dục lạc hậu phản động, phản dân chủ, phản khoa học của nền giáo dục phong kiến, tư sản, nhằm xây dựng nền giáo dục tiến bộ, dân chủ, khoa học.

2) Đấu tranh thủ tiêu chế độ bạc đãi, coi thường nghề dạy học, bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nhà giáo.

Quy định một số điều đối với các nhà giáo, đặc biệt coi trọng tính chất nhân văn của nghề dạy học và phương pháp dạy học tiên tiến.

Cũng trong Hội nghị lần 2, 57 nước chính thức lấy ngày 20.11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Tại Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ VIII (tháng 4/1982), bao gồm Bộ Giáo dục, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Tổng Cục dạy nghề, Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em Trung ương, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167/HĐBT, ngày 26/9/1982, lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trường Võ Nguyên Giáp ký thay Chủ tịch ban hành Quyết định này.

Điều 3 Quyết định nêu rõ:

Việc tổ chức ngày 20 tháng 11 hàng năm do Ủy ban nhân dân và hội đồng giáo dục các cấp chủ trì, có sự phối hợp với các ngành giáo dục và các đoàn thể nhân dân. Các cấp, các ngành cần phân công cán bộ lãnh đạo đi thăm hỏi giáo viên, tổ chức các cuộc họp mặt thân mật với giáo viên, nhân dịp này có thể tổ chức khen thưởng các giáo viên có thành tích.

Việc tổ chức ngày Nhà giáo Việt Nam cần được tiến hành trọng thể và thiết thực, tránh hình thức phô trương, gây phiền hà cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Tự suy nghĩ xem, hai vấn đề cốt lõi trong 15 chương của bản Hiến chương quốc tế đã được ngành giáo dục Việt Nam thực hiện như thế nào, nếu không nói là làm ngược. Những ông vua giáo dục từ trên Bộ xuống Sở, Phòng, bề ngoài tỏ ra dân chủ, tiến bộ, khoa học nhưng rất giả tạo, tất cả đều áp đặt theo khuôn mẫu chủ quan, bắt giáo viên và học sinh làm theo răm rắp như một cái máy copy, tệ hơn thứ khuôn mấu của giáo dục phong kiến. Có “bạc đãi, coi thường nghề dạy học” hay không thì hãy nhìn vào đồng lương, thái độ của xã hội với nghề giáo và áp lực công việc mà giáo viên phải đối mặt. Xem bài trước, tôi đưa ra những công việc khổ sai, phản giáo dục mà giáo viên đã và đang phải làm từ nhiều năm nay.

Riêng điều 3 của Quyết định mà Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp kí ban hành, cả hệ thống từ chính quyền đến ngành giáo dục đã và đang làm ngược một cách trắng trợn.

1) Trách nhiệm của Chính quyền và Hội đồng giáo dục các cấp phân công lãnh đạo đi thăm hỏi, động viên giáo viên thì bị đánh tráo thành cấp dưới đi thăm và tặng quà cho lãnh đạo cấp trên.

2) Tệ hại hơn, giáo viên thay vì được nhận quà thăm hỏi, động viên từ lãnh đạo thì lại nhận quà thăm hỏi, động viên (nhận hối lộ thì đúng hơn) từ phụ huynh và học sinh.

3) Việc tổ chức phô trương nhiều ngày trước 20.11 để khoe thành tích, công lao của lãnh đạo (giáo viên chỉ ăn theo) đã gây phiền hà, tốn kém vô cùng lớn cho phụ huynh, học sinh.

Đó là hình thức “Tôn sư trọng đạo” kiểu phong kiến lạc hậu, phản động.

Nghe nói, việc đề xuất làm ngược như trên là do nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ sau nhiều năm ngày 20/11 bị lãng quên. Sự tự hào với đề xuất đó cho thấy một sự vô trách nhiệm và háo danh của những ông vua lãnh đạo, sự tham lam mất hết lòng tự trọng của loại “thầy đồ liếm mật”. Chính nó là nguyên nhân đưa con tàu giáo dục suy thoái và lao xuống dốc một cách thảm hại.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Hôm nay gọi là ngày nhà giáo. Vài cảm nghĩ về cái gọi là tục lệ về việc này ở xứ sở này. Theo thông tin ở Nhật không có kỷ niệm ngày nhà giáo. Không biết xứ khác ra sao? Chưa tìm hiểu hết. Dù ở xứ mặt trời không làm ngày kỷ niệm nhưng cuộc sống bình thường người dân cũng như chính quyền rất tôn trọng và đãi ngộ người trong lãnh vực này. Còn xứ mình tôi nhớ hồi trước 1975 dường như cũng không tổ chức ngày này? Nhưng bình thường xã hội cũng rất quí trọng người làm nghề giáo.
    Từ ngày sống trong chế độ mới ngày này của nghề này và cả đống thứ khác của nhiều lãnh vực phải được trang trọng tôn vinh. Nên trong năm hầu như lúc nào người dân cũng có ngày để biết ơn trả nghĩa! Đó cũng là một chiêu trò cai trị! Người ta lúc bình thường cũng như lúc hoạn nạn tìm đủ mọi cách trấn lột người dân. Rồi chỉ một ngày nào đó họ tổ chức tôn vinh để bù đắp. Nhưng nói riêng cái nghề giáo sự bù đắp này họ cũng chả tốn gì vì đó là tiền bạc của học sinh hay đúng hơn của phụ huynh. Cái lẽ thâm sâu không phải quý trọng gì ông thầy bà cô mà cũng là mục đích giáo dục tụi con nít và cha mẹ chúng phải quen việc đút lót ngay từ nhỏ để thầy cô quan tâm ưu ái. Cả trẻ nít đều có tư duy chạy chọt và cả giáo viên đều quen cách được đút lót để bù đắp những thiệt thòi do hệ thống giáo dục bóc lột họ với đồng lương chết đói. Vậy thì trong quan trường những kẻ đáng kính bề ngoài cứ thế mà ung dung đụt khoét kiếm chác, chẳng ai thắc mắc gì? Vì cái xã hội nó vốn thế. Vậy kết luận luôn cho xong, đây là một đường hướng tuyệt vời cho giới cai trị, họ vừa công khai bóc lột vừa tạo điều kiện cho kẻ bị trị phải biết ơn mà tôn vinh nghề nghiệp của họ trong các dịp gọi là ngày kỷ niệm. Thế là xong một tương lai mù mịt của con dân được vinh dự sống trong không có gì quý hơn….?!!?

Comments are closed.