19-11-2022
Từ hàng chục năm nay, trong dân gian cũng như nhiều bài viết vẫn cho rằng kỹ sư, hoàng thân Suvanuvong (*) (Lào) đã thiết kế công trình thủy nông Bắc Nghệ An, trong đó có đập Đô Lương. Tôi đã nghe một vị lãnh đạo nói là nên xây dựng tượng Suvanuvong ở bara Đô Lương. Cao hơn, có bài báo còn coi “Đập Bái Thượng (Thanh Hóa) là biểu tượng của tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào”, vì “do Hoàng thân Suvanuvong và người Pháp thiết kế xây dựng”.
Ngoài hai công trình trên đây, tên của Suvanuvong cũng được gắn với một công trình khác, đó là đập Đồng Cam (Phú Yên). Thời thuộc Pháp đây là ba công trình dẫn thủy nhập điền được cho là vĩ đại của Trung Kỳ.
Vậy thực tế kỹ sư, Hoàng thân Suvanuvong có thiết kế, hoặc tham gia thiết kế các công trình đại thủy nông trên đây không? Khẳng định luôn là Không! Vì những căn cứ đơn giản sau đây:
– Suvanuvong sinh năm 1909, năm 1920 sang Hà Nội học trường Albert Sarraut, năm 1930 sang Pháp học, năm 1937 về Đông Dương, vào Nha Trang công tác, năm 1940 ra Vinh công tác.
– Trong lúc đó: Đập Bái Thượng được khảo sát thiết kế từ năm 1905 đến 1915, khi đó Suvanuvong chưa sinh hoặc đang còn rất nhỏ. Đập này xây dựng từ 1918 đến 1928, lúc này Suvanuvong đang học trung học ở Hà Nội.
– Tương tự, đập Đồng Cam ở tỉnh Phú Yên, được khảo sát thiết kế và xây dựng hoàn toàn trong thời gian Suvanuvong còn nhỏ, đang học ở Hà Nội và Pháp. Đập này khánh thành ngày 7/9/1932, khi đó Suvanuvong đang học ở Pháp.
– Đập Đô Lương và hệ thống thủy nông Bắc Nghệ An được khảo sát, thiết kế từ trước năm 1930, đến cuối năm 1930 thì bắt đầu xây dựng. Ngày 2/6/1937 khánh thành. Trong lễ khánh thành, vua Bảo Đại đã trao thưởng cho nhóm kỹ sư thiết kế người Pháp. Tại thời điểm này Suvanuvong có thể chưa về, hoặc nếu về cũng đang ở Nha Trang. Năm 1940, nghĩa là sau khi đập Đô Lương khánh thành 3 năm ông mới ra Vinh.
– Như vậy, từ năm 1937 kỹ sư Suvanuvong, với tư cách là một cán bộ của Sở Công chính Trung Kỳ mới có thể tham gia vào các công trình thủy nông nói trên. Có thể ông tham gia chỉ huy vận hành, sửa chữa hệ thống, hoặc thiết kế một vài hạng mục công trình thuộc hệ thống. Cho đến hàng chục năm sau người dân ở Đô Lương, Yên Thành, Diễn Châu vẫn nhớ hình ảnh người kỹ sư Lào lăn lộn với hệ thống thủy nông và lưu truyền những câu chuyện về ông. Có thể vì tình cảm đó mà người ta đã mặc nhiên công nhận ông là người thiết kế hệ thống thủy nông và đập Đô Lương.
Người Việt chúng ta rất quý trọng tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào và dành cho cố lãnh tụ Suvanuvong một tính cảm yêu quý cũng rất đặc biệt. Nhưng, rất không nên vì thế mà gán cho ông những việc mà ông không làm.
“Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”!
______
(*) Ghi chú của Tiếng Dân: Có lẽ tác giả Phạm Xuân Cần viết nhầm tên của vị hoàng thân Lào. Tên của ông là Souphanouvong, (còn báo chí trong nước viết thành Suphannuvong, hay Xuphanuvong).
Hề… hề…
1. Có lẽ cái ông Souphanouvong này khi đó là kỹ sư trẻ rất năng nổ để cùng tập thể hoàn thành nhiệm vụ (xây đập) ở mức độ cao nhất mà không phá rừng, triệt tiêu nguồn sống của dân chúng, nên, được dân chúng ở những nơi này huyền thoại hóa chăng?
2. Thực ra thì, kỹ sư Souphanouvong có bản chất công chức khác hẳn với lũ mệnh danh là tướng tá bụng phệ làm kinh tế (đi cứu đập nhưng lại bị đất chuồi đè chết), vậy thôi!!