Xung đột có thể bùng phát ở đâu vào năm 2023?

The Economist

Cù Tuấn, dịch

17-11-2022

Tóm tắt: Hãy để mắt đến Đài Loan và Biển Đông—và dãy Himalaya.

Cuộc tranh luận gần đây về việc liệu một cuộc chiến tranh lạnh mới có đang diễn ra ở châu Á hay không là điều không cần phải bàn tới nữa. Vào năm 2023, những căng thẳng gia tăng sẽ nhấn mạnh rằng, mặc cho tất cả sự lạc quan vào đầu thập niên 1990, rằng thế giới đang nghiêng về quan niệm của phương Tây về một trật tự mở, dựa trên luật lệ, thì cuộc chiến tranh lạnh nguyên thủy vẫn chưa bao giờ kết thúc trong khu vực. Giống như cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã chứng minh rõ ràng quan điểm đó ở châu Âu vào năm 2022, năm tới sẽ chứng kiến ​​sự lặp lại tiếp theo của cuộc đấu tranh toàn cầu quy mô lớn giữa chủ nghĩa tự do và chế độ chuyên quyền diễn ra ở châu Á.

Ở đây, cuộc đấu là giữa Mỹ và Trung Quốc. Nguồn gốc của nó đã có từ nhiều thập kỷ trước, cho đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Sự thất bại của Nhật Bản vào năm 1945 đã biến nước Mỹ trở thành một siêu cường châu Á. Mỹ có quyền triển khai lực lượng quân sự từ lãnh thổ của đối thủ bị đánh bại và định hình các sự kiện trong khu vực. Và Mỹ cũng đã biến Nhật Bản thành một tiền đồn dân chủ của phương Tây. Ngày nay, điều mới lạ là một siêu cường thứ hai, Trung Quốc cộng sản, đang tranh giành quyền tối cao ở châu Á. Nhưng những căng thẳng hiện nay bắt nguồn từ những nguồn gốc cũ, từ sự hỗn loạn sau chiến tranh của Đông Á.

Ví dụ chính liên quan đến Đài Loan. Nhìn từ Bắc Kinh, hòn đảo này là công việc lớn còn dang dở cuối cùng trong cuộc nội chiến mà Đảng Cộng sản đã thắng ở đại lục vào cuối thập niên 1940. Những người theo chủ nghĩa Quốc gia bị đánh bại đã chạy sang Đài Loan, nơi được Mỹ hậu thuẫn kể từ đó và hiện là một nền dân chủ thịnh vượng và là một siêu cường bán dẫn. Giành lại Đài Loan, đối với Đảng Cộng sản, là một mục tiêu thiêng liêng. Đối với một Trung Quốc quyết đoán, Đài Loan cũng là chìa khóa để phô trương sức mạnh trên khắp Đông Á và ra phía tây Thái Bình Dương.

Khi quyền lực của Trung Quốc tăng lên, thì sự hiếu chiến của họ đối với Đài Loan cũng tăng theo. Tổng thống Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố rằng, Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị tấn công. Sự thay đổi này so với chính sách lâu nay của Mỹ, vốn khiến Trung Quốc đoán già đoán non về ý định của Mỹ, khiến một số người ở Washington lo ngại, họ sợ rằng điều đó có thể khiến Trung Quốc sớm hành động.

Tuy nhiên, mặc dù không khí tại Đài Loan sẽ nóng lên vào năm 2023, nhưng nó khó có thể bùng phát thành xung đột nóng bỏng. Trước hết, Chủ tịch Tập Cận Bình, không phải là con bạc liều lĩnh như người đồng cấp Nga Vladimir Putin. Ông Tập cần thời gian để chứng minh Trung Quốc có thể chống lại các biện pháp trừng phạt và phong tỏa kinh tế đã làm tê liệt nước Nga. Theo đó, trong năm tới, thay vào đó Trung Quốc sẽ thử thách dũng khí của Mỹ và các đồng minh châu Á của họ ở Biển Đông (phần lớn Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và nơi họ xây dựng căn cứ), và ở vùng biển xung quanh Nhật Bản, nơi ngày càng quan trọng hơn ý đồ của Trung Quốc. Trung Quốc có nhiều khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng xung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp của Nhật Bản (Trung Quốc gọi là quần đảo Điếu Ngư) hơn là xung quanh chính Đài Loan.

Một dư âm khác của chiến tranh lạnh là Triều Tiên, một chế độ côn đồ hạt nhân do gia đình điều hành được Trung Quốc bảo vệ. Vào năm 2022, nhà lãnh đạo của nó, Kim Jong Un, đã khẳng định quyền tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu nếu Triều Tiên cảm thấy bị đe dọa tấn công. Trước cuối năm 2023, và có thể sớm hơn nhiều, ông Kim sẽ gây sự bằng cách cho nổ một thiết bị hạt nhân, vụ thử hạt nhân thứ bảy của quốc gia này và là vụ đầu tiên kể từ năm 2017. Quy mô lần này sẽ nhỏ hơn những lần trước. Ông Kim một lần nữa sẽ giúp nhấn mạnh sự thiếu vắng các lựa chọn của thế giới khi đối mặt với một nhà cai trị chuyên chế, với sự hỗ trợ của Trung Quốc và Nga, ông Kim sẽ sẵn sàng làm khổ người dân của mình để ủng hộ việc chi tiêu cho một chương trình tống tiền hạt nhân.

Một đường biên giới đang tranh chấp ở dãy Himalaya thậm chí còn có nguồn gốc lâu đời hơn và sẽ tạo ra một điểm nóng tiềm năng khác ở châu Á vào năm 2023. Tranh chấp dải đất cao nguyên này giữa Trung Quốc và Ấn Độ bắt nguồn từ những đường biên giới mơ hồ được vẽ ra khi Anh còn là cường quốc cai trị Ấn Độ. Một cuộc chiến tranh biên giới nổ ra vào năm 1962, và Ấn Độ đã thua cuộc. Vào năm 2020, một cuộc ẩu đả đẫm máu đã khiến 24 binh sĩ của cả hai bên thiệt mạng. Cả hai quốc gia đều không mong muốn một cuộc chiến. Ông Tập muốn tập trung vào Đài Loan, trong khi Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, biết rằng ở vùng núi này Ấn Độ bị lép vế về quân sự. Nhưng những con đường mới mở ra ở cả hai bên có nguy cơ làm xói mòn vùng đệm ngăn cách hai quân đội. Mối quan hệ cá nhân từng nồng ấm giữa hai nhà lãnh đạo đã trở nên lạnh nhạt. Tất cả đều làm tăng rủi ro ở dãy Himalayas.

Trong khi đó, xung đột sẽ tiếp diễn ở Myanmar. Kể từ khi giành được độc lập sau chiến tranh, đất nước này và nhiều nhóm dân tộc của nó chưa bao giờ được hòa bình hoàn toàn. Sự tàn ác và kém cỏi của quân đội Myanmar, vốn đã giành chính quyền trong cuộc đảo chính đẫm máu vào tháng 2 năm 2021, sẽ tiếp tục châm ngòi cho một cuộc xung đột lan rộng, trong đó quân đội sắc tộc và phe đối lập dân chủ đã hợp tác chống lại chính quyền quân sự. Nhưng các tướng lĩnh Myanmar có súng – và có sự hậu thuẫn của Trung Quốc.

Cả Mỹ và TQ đều không muốn Myanmar trở thành sân đấu khác của cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Mặc dù vậy, mâu thuẫn sắc tộc của đất nước này có thể sẽ còn bùng cháy trong nhiều năm.

Bình Luận từ Facebook