27-10-2022
Trong bình luận ở một bài trước, bạn Nguyên My (và vài bạn khác qua điện thoại, Messenger, Zalo…) có gợi ý người viết nhắc lại về chế độ lương bổng, phụ cấp của công chức, quân nhân tại miền Nam trước tháng 4.1975. Theo thiển ý, đây cũng là một nhu cầu hiểu biết chính đáng, vì tuy chế độ VNCH không còn nữa, song sự tồn tại của nó ở phân nửa đất nước trong một thời gian dài cũng có những vấn đề cần được biết để bổ sung vào ký ức chung của xã hội Việt Nam thế kỷ XX.
Trong bài viết này, tác giả cố vận dụng những gì còn sót lại trong bộ nhớ còn hạn hẹp của một người đã trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống, với chút hi vọng cung cấp cho các bạn một tối thiểu hiểu biết về một số sự việc đã xảy ra dưới vĩ tuyến 17 từ năm 1954 đến ngày chế độ chính trị ở đó không còn nữa.
Vì những gì được viết ra dưới đây xuất phát hoàn toàn từ ký ức cá nhân nên những thiếu sót hoặc sai sót về tiểu tiết là điều không thể tránh khỏi, mong các bạn thể tình và tìm hiểu bổ sung ở các nguồn tư liệu khác.
I) CÁC THÀNH PHẦN CÔNG CHỨC
Trước khi đề cập đến chuyện lương bổng, phụ cấp của giới quân nhân, công chức những năm 1954-1975 ở miền Nam (chủ yếu là giới công chức), thiết nghĩ cũng cần nói qua một số vấn đề liên quan về chế độ công chức của thời kỳ này.
Dưới chế độ VNCH, trong khi giới quân nhân chia ra 2 thành phần:
– Quân nhân hiện dịch là những người chọn nghề lính làm binh nghiệp cả đời (những người này chủ yếu xuất thân từ trường Võ Bị Đà Lạt).
– Quân nhân trừ bị là những người do nhu cầu chiến tranh, được gọi gia nhập quân đội trong một thời gian nhất định rồi giải ngũ (phần lớn những người này xuất thân từ trường Sĩ quan trừ bị, sau là trường Bộ binh Thủ Đức), thì công chức chia ra hai thành phần: chính ngạch và ngoại ngạch (nay là trong và ngoài biên chế).
* CÔNG CHỨC CHÍNH NGẠCH gồm hầu hết những người xuất thân từ các trường đạo tạo công chức như: Đại học Sư phạm, Quốc gia Sư phạm, Học viện Quốc gia Hành chánh, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Phú Thọ, Trường Cao đẳng Nông Lâm Súc… Họ cũng gồm những công chức ngoại ngạch có thâm niên công vụ theo quy định, được chuyển qua chính ngạch.
– Tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm, họ thuộc ngạch Giáo sư Trung học Đệ nhị cấp (dạy cấp 3 ngày nay).
– Tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm hay Quốc gia Sư phạm họ thuộc ngạch Giáo sư Trung học Đệ nhất cấp (dạy cấp 2) Giáo học bổ túc hay Giáo viên tiểu học.
– Tốt nghiệp trường Cao đẳng Kỹ thuật Phú Thọ, họ thuộc ngạch Kỹ sư (Điện lực, Công chánh, Cấp thủy…).
– Tốt nghiệp Học viện QGHC, họ thuộc ngạch Đốc sự hành chánh và Tham sự hành chánh.
– Tốt nghiệp trường Cao đẳng Nông Lâm Súc (Blao), họ thuộc ngạch Kỹ sư Nông nghiệp, Kiểm sự Nông chính, Huấn sự Nông chính, Tá sự Nông chính.
– Tốt nghiệp các trường trung cấp Y tế, họ thuộc ngạch Cán sự Y tế, Cán sự Điều dưỡng…
Các trường Đại học Y khoa (Bác sĩ), Đại học Dược khoa (Dược sĩ), Đại học Kiến trúc (Kiến trúc sư), Đại học Văn khoa (Cử nhân), Đại học Luật khoa (Cử nhân), Khoa học đại học đường (cử nhân)… không phải là trường đào tạo công chức, sinh viên không phải thi tuyển vào, chỉ cần ghi danh học và những người tốt nghiệp được tự do chọn nơi làm việc phù hợp với khả năng và các nhu cầu khác của đời sống (Về sau vì số người ghi danh vào Đại học Y khoa đông quá nên trường phải tổ chức kỳ thi tuyển).
Công chức chính ngạch chia ra ba hạng:
– Hạng A: những người tốt nghiệp Đại học trở lên.
– Hạng B: Những người có trình độ Đại học (chưa tốt nghiệp), có bằng Tú Tài toàn phần và các bằng Trung học khác. Đây là thành phần công chức đông đảo nhất.
– Hạng C: Những người có bằng Tiểu học hay trình độ Tiểu học.
Công chức chính ngạch hạng B trở xuống có thể được tuyển dụng thẳng sau một kỳ thi tuyển, tùy vào nhu cầu của mỗi bộ.
Khác với ngày nay, tại miền Nam trước 4.1975, hầu như 100% sinh viên xuất thân từ các trường đào tạo công chức đều được tuyển dụng vào bộ máy chính quyền ngay sau khi tốt nghiệp, vì trong nhiều trường hợp, số người được đào tạo không kịp đáp ứng nhu cầu nhân sự, nhất là nhân sự lãnh đạo tại các địa phương (trường hợp sinh viên tốt nghiệp Học viện QGHC về làm việc tại các tỉnh).
Đi đôi với thành phần công chức chính ngạch là khái niệm “ngạch trật”. Trong khi ngạch không thay đổi thì trật là những hạng bậc khác nhau trong khuôn khổ một ngạch, chuyển động theo chiều hướng đi lên, ví dụ một Kỹ sư nông nghiệp hạng 3 thì Kỹ sư là ngạch, còn hạng 3 là trật, ngạch Kỹ sư không thay đổi, còn hạng thay đổi sau mỗi kỳ thăng trật.
* CÔNG CHỨC NGOẠI NGẠCH, gồm hầu hết những công chức… không chính ngạch, tức không xuất thân từ các trường đào tạo công chức. Những người này cũng chia làm các hạng A, B, C, thêm hạng D (chính ngạch không có hạng D).
Hạng A) Gồm những người có bằng tốt nghiệp Đại học như Bác sĩ, Dược sĩ, Cử nhân Luật khoa, Cử nhân khoa học… được xếp vào thành phần nhân viên khế ước.
Hạng B) Những người có bằng cấp hay trình độ tương đương với công chức chính ngạch hạng B, được gọi là nhân viên công nhật, được chia làm ba hạng:
*B1 – tương đương với công chức chính ngạch Tham sự, Cán sự, Giáo học bổ túc, Giáo sư Trung học Đệ nhất cấp… bằng Tú Tài toàn phần và/hoặc trình độ đại học.
* B2 – Những người có bằng Tú Tài I, bằng Trung học Đệ nhất cấp (Phổ thông cơ sở), tương đương với Thư ký Hành chánh, Giáo viên Tiểu học tốt nghiệp trường QG Sư phạm, Huấn sự nông chính…
* B3 – Những người có bằng Tiểu học và trình độ trung học: Thư ký đánh máy, Tá sự nông chính.
Hạng C) Những người có trình độ Tiểu học, tương đương với Tùy phái, Tống thơ văn, tài xế bên chính ngạch.
Hạng D) Gồm chủ yếu những người được xếp vào thành phần phù động, không được trả lương tháng như 3 thành phần trên, làm ngày nào trả công ngày đó, không được hưởng quyền lợi gì theo quy chế công chức. Tuy nhiên cũng có một thành phần được gọi là “phù động đồng hóa công nhật”, tuy là hạng phù động nhưng được hưởng chế độ công nhật.
II) THU NHẬP CỦA QUÂN NHÂN, CÔNG CHỨC
Thu nhập của quân nhân, công chức (ở đây đề cập chủ yếu thành phần công chức) bao gồm hai phần chính: Lương căn bản và các loại phụ cấp.
A) LƯƠNG CĂN BẢN – Bao gồm CHỈ SỐ LƯƠNG và CHỈ SỐ ĐẮT ĐỎ. Chỉ số lương có tính ổn định theo đúng quy chế công chức, chỉ số đắt đỏ thay đổi (theo chiều hướng đi lên) tùy theo tình trạng vật giá trên thị trường. Khi lạm phát tăng cao, Bộ Tài chánh và các Bộ khác nghiên cứu, nâng chỉ số đắt đỏ lên cho kịp với đà tăng của vật giá. Đó là về lý thuyết, trên thực tế, nhiều thời kỳ, sự gia tăng chỉ số đắt đỏ không theo kịp sự gia tăng vật giá.
Như vậy: LƯƠNG CĂN BẢN = chỉ số lương x chỉ số đắt đỏ.
Khái niệm chỉ số lương là khái niệm căn bản, được định như sau:
– Công chức hạng A: từ 430 (về sau nâng lên 470) đến mức cao nhất 1.160
– Công chức hạng B, tương đương hạng B1 bên ngoại ngạch: từ 320 (sau nâng lên 350) đến 760 (gọi là mức plafond).
– Công chức hạng B tương đương hạng B2: từ 250 đến khoảng hơn 600.
– Công chức hạng B tương đương hạng B3: từ 200-220 đến hơn 500.
– Công chức hạng C, khởi điểm 160.
Khoảng năm 1965, một công chức hạng A mới tốt nghiệp đại học, chỉ số lương 430, lương căn bản khoảng 6.700đ, như vậy chỉ số đắt đỏ lúc đó là 6.700: 430 = 15,58
* Phía quân đội, với sĩ quan từ Thiếu úy đến Đại tá, mỗi cấp có 3 bậc (ví dụ Thiếu Tá bậc 1, Thiếu tá bậc 2, bậc 3), mỗi bậc có chỉ số lương tương ứng với ngạch trật của công chức tương đương, ví dụ Thiếu tá bậc 1 có chỉ số lương bằng khoảng 470 (con số thực tế có thể xê xích đôi chút), như một công chức hạng A mới ra trường.
* Ngoài chỉ số lương dành cho công chức chính ngạch và ngoại ngạch, chế độ công chức VNCH còn có “CHỈ SỐ CHỨC VỤ” áp dụng cho những người không phải là công chức chính ngạch hay ngoại ngạch, chỉ tạm thời đảm nhận một vai trò chỉ huy trong guồng máy hành chánh cấp bộ. Đó là trường hợp chủ yếu của bộ phận chính trị đi theo một Tổng Bộ trưởng, khi viên chức này đến nhậm chức tại một bộ. Khi vị Tổng Bộ trưởng rời khỏi bộ, gần như đương nhiên bộ phận này cũng chấm dứt nhiệm vụ, nhường chỗ lại cho bộ sậu của ông tân Tổng, Bộ trưởng.
Chỉ có một ngoại lệ duy nhất được ghi nhận: Khoảng cuối năm 1965, đầu năm 1966, ông Nguyễn Tất Ứng, Ủy viên Xây dựng (tức Bộ trưởng thuộc Ủy ban Hành pháp Trung ương của Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ) bị đột tử trong khi làm nhiệm vụ, người thay thế là Thiếu tướng Nguyễn Đức Thắng vẫn tiếp tục sử dụng ban bệ riêng của ông Ứng trong suốt thời gian tại vị. Việc này có thể xuất phát từ hai lý do:
1) Lý do nhân đạo, không để cho những người này thất nghiệp.
2) Tướng Thắng không muốn xây dựng ban bệ riêng cho mình.
Điều này được nhớ rất rõ, vì vào những năm 1966-1968, tác giả đang giữ chức vụ Kiểm soát viên Nha Thanh tra (tương đương Chủ sự phòng) thuộc Bộ Xây dựng (sau là Bộ Xây dựng nông thôn) và thường xuyên tiếp xúc với những người thuộc văn phòng ông cố Ủy viên Nguyễn Tất Ứng, được tướng Thắng lưu dụng.
Vào nửa sau thập niên 1960 và nửa đầu thập niên 1970, chỉ số chức vụ dành cho bộ phận chính trị của Tổng Bộ trưởng được định như sau:
– Đổng lý văn phòng (ngang Tổng Thư ký Bộ, Tổng Giám đốc trong bộ phận chuyên môn) – chỉ số chức vụ 840.
– Chánh văn phòng (ngang Giám đốc Nha trong bộ phận chuyên môn) – chỉ số chức vụ 640
– Công cán ủy viên (ngang Chánh sư vụ Sở trong bộ phận chuyên môn) – chỉ số chức vụ 550.
– Tham chánh văn phòng (ngang Chủ sự phòng trong bộ phận chuyên môn) – chỉ số chức vụ 440.
_____
KỲ SAU: Các loại phụ cấp của công chức miền Nam trước 4.1975
Một bài viết khá rõ ràng về hệ thống lương bỗng thời VNCH.trước 1975.
Cám ơn tác giả một người trong cuộc.
Hồi đó, lưong của người lao động trí óc thì bác sĩ cao nhất, rồi đến thầy giáo, chẳng
những sống dư dả mà còn có thể thuê người giúp việc, cho ăn ở ngay trong nhà.