Cù Tuấn, dịch
23-9-2022
Tóm tắt: Bộ đội biên phòng Nga nói rằng số lượng người rời khỏi Nga ‘đặc biệt’ cao sau thông báo ‘tổng động viên một phần’.
Vài giờ sau khi Vladimir Putin gây chấn động nước Nga khi công bố đợt tổng động viên đầu tiên kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Oleg đã nhận được giấy gọi nghĩa vụ quân sự của mình trong hộp thư, yêu cầu anh phải đến trung tâm tuyển quân địa phương ở Kazan, thủ đô của nước cộng hòa Tatarstan.
Là một trung sĩ 29 tuổi thuộc lực lượng dự bị của Nga, Oleg cho biết anh luôn biết rằng mình sẽ là người đầu tiên bị gọi nhập ngũ nếu có tuyên bố tổng động viên, nhưng anh vẫn hy vọng rằng anh sẽ không bị buộc phải chiến đấu trong cuộc chiến ở Ukraine.
“Trái tim tôi chùng xuống khi tôi nhận được lênh gọi nhập ngũ,” anh nói. “Nhưng tôi biết tôi không có thời gian để tuyệt vọng nữa.”
Anh nhanh chóng thu dọn tất cả đồ đạc và đặt vé máy bay một chiều đến Orenburg, thành phố miền nam nước Nga sát biên giới với Kazakhstan.
“Tôi sẽ lái xe qua biên giới tối nay,” Oleg nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 22/9 từ sân bay Orenburg.
“Tôi không biết khi nào tôi sẽ quay trở lại Nga một lần nữa,” anh nói thêm, nhắc đến án tù mà đàn ông Nga phải đối mặt khi trốn nghĩa vụ quân sự.
Oleg cho biết anh sẽ phải bỏ lại người vợ, và cô sẽ sinh con vào tuần tới.
“Tôi sẽ bỏ lỡ ngày quan trọng nhất của cuộc đời mình. Nhưng tôi đơn giản là không để cho Putin biến tôi thành kẻ giết người trong cuộc chiến mà tôi không muốn tham gia”.
Việc Điện Kremlin quyết định thông báo tổng động viên một phần đã khiến nam giới trong độ tuổi nhập ngũ gấp rút rời khỏi Nga, và việc này có khả năng gây ra một đợt chảy máu chất xám mới, có thể là chưa từng có trong những ngày và tuần sắp tới đây.
The Guardian đã nói chuyện với hơn 10 người đàn ông và phụ nữ đã rời khỏi Nga kể từ khi Putin tuyên bố về cái gọi là tổng động viên một phần, hoặc những người đang lên kế hoạch làm như vậy trong vài ngày tới.
Họ nói rằng các lựa chọn để chạy trốn bị hạn chế. Đầu tuần này, bốn trong số năm quốc gia EU có biên giới với Nga đã tuyên bố sẽ không cho phép người Nga nhập cảnh bằng thị thực du lịch nữa.
Các chuyến bay thẳng trong tuần từ Matxcơva đến Istanbul, Yerevan, Tashkent và Baku, thủ đô của các quốc gia cho phép người Nga nhập cảnh mà không cần visa, đã được bán hết, trong khi chuyến bay một chiều rẻ nhất từ Matxcơva đến Dubai có giá khoảng 370.000 rúp (5.000 bảng Anh) – một mức phí quá cao đối với hầu hết mọi người.
Và rất nhiều người, giống như Oleg, buộc phải sáng tạo và chạy thẳng đến một số biên giới đất liền vẫn còn mở cho người Nga đi qua.
Lực lượng biên phòng ở Phần Lan, quốc gia EU cuối cùng vẫn cho phép người Nga nhập cảnh bằng thị thực du lịch, cho biết họ đã nhận thấy một “số lượng đặc biệt lớn” công dân Nga tìm cách vượt biên suốt đêm, trong khi các nhân chứng cũng nói rằng các biên giới Nga-Gruzia và Nga – Mông Cổ đã “tắc nghẽn” với lượng xe cộ đông đúc.
Ira Lobanovskaya, người thành lập tổ chức phi chính phủ “Hướng dẫn đến thế giới tự do”, mà giúp những người Nga chống lại chiến tranh rời khỏi đất nước này, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến một cuộc di cư thậm chí còn lớn hơn so với khi chiến tranh bắt đầu.”
Cô cho biết trang web của cô đã nhận được hơn một triệu rưỡi lượt truy cập kể từ bài phát biểu của Putin hôm 21/9. Theo ước tính của Lobanovkaya, hơn 70.000 người Nga sử dụng dịch vụ của tổ chức này đã rời đi hoặc lên kế hoạch cụ thể để rời đi.
“Những người rời đi đều mua vé một chiều. Họ sẽ không trở lại chừng nào việc tổng động viên vẫn còn tiếp tục.”
Nhiều người trong số những người vẫn còn ở Nga sẽ cảm thấy rằng thời gian không còn nhiều nữa. Ít nhất ba khu vực đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa biên giới đối với những nam giới đủ điều kiện nhập ngũ.
Các nhân viên biên phòng tại các sân bay của Nga cũng đã bắt đầu thẩm vấn các hành khách nam giới rời đi về tình trạng nghĩa vụ quân sự của họ và kiểm tra xem vé máy bay có là khứ hồi không.
Sau khi hàng nghìn người Nga biểu tình phản đối chiến tranh và tổng động viên vào ngày 22/9, một số người đã lên mạng xã hội để chỉ trích những người biểu tình vì đã không lên tiếng sớm hơn, khi quân đội của Nga vi phạm nhân quyền ở Bucha, Irpin và vô số thị trấn khác trên khắp Ukraine.
“Tôi hiểu sự thất vọng của mọi người”, Igor, một chuyên gia CNTT 26 tuổi đến từ St.Petersburg nói, người đang lên kế hoạch bay đến Vladikavkaz và sau đó lái xe đến Gruzia vào tuần tới, một tuyến đường chạy trốn phổ biến khác được người Nga sử dụng. “Tôi đã tham dự cuộc biểu tình chống chiến tranh khi Putin tiến hành cuộc xâm lược vào tháng 2, nhưng chính quyền đã bỏ tù tất cả mọi người.”
Theo nhóm giám sát OVD, một số người biểu tình bị giam giữ ở Mátxcơva sau đó đã được giao lệnh gọi nhập ngũ ngay trong thời gian họ bị bắt giữ, khiến những nguy hiểm mà người thường dân Nga sẽ phải đối mặt khi xuống đường phản đối chính phủ càng tăng thêm.
“Tôi nghĩ cách duy nhất mà cá nhân tôi có thể giúp Ukraine lúc này là không đi chiến đấu ở đó,” Igor nói.
Cũng đã có những lời kêu gọi EU hỗ trợ những người Nga đang tìm cách thoát khỏi lệnh nhập ngũ.
Người phát ngôn của Ủy ban EU về các vấn đề nội vụ, Anitta Hipper, nói rằng khối này sẽ họp để thảo luận về việc cấp thị thực nhân đạo cho những người Nga chạy trốn tổng động viên. Tuy nhiên, ba nước Baltic cho biết hôm 22/9 rằng họ không sẵn sàng tự động cấp quyền tị nạn cho những người Nga chạy trốn này.
Ngay cả những người không có bất kỳ kinh nghiệm quân sự nào – những người mà Putin hứa sẽ không gọi nhập ngũ – cũng đang đóng gói hành lý của họ.
Họ chỉ ra sự mơ hồ của lệnh tổng động viên của Putin và chỉ ra những lời hứa lèo của Putin trước đây rằng ông sẽ không bao giờ ra lệnh tổng động viên.
Anton, 23 tuổi, một sinh viên ở Matxcơva, nói: “Putin đã nói dối rằng sẽ không có tổng động viên nào hết”, khi đề cập đến bài phát biểu nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 của tổng thống Nga, khi Putin nhấn mạnh rằng sẽ không có lính dự bị nào được gọi tham gia cuộc chiến tại Ukraina. “Vậy thì ông Putin ngại gì mà không nói dối một lần nữa về lệnh tổng động viên một phần?”
Những lo ngại đã tăng lên sau khi trang web độc lập Novaya Gazeta Europe báo cáo, dựa trên các nguồn tin từ chính phủ Nga, rằng sắc lệnh tổng động viên cho phép Bộ Quốc phòng triệu tập 1.000.000 người, thay vì 300.000 người do Bộ trưởng Quốc phòng nước này, Sergei Shoigu, công bố hôm 21/9.
Hiện tại, Lobanovskaya cho biết, phần lớn những người Nga ra đi là nam giới.
The Guardian cũng nói chuyện với một số phụ nữ, chủ yếu là các bác sĩ, những người cũng đã quyết định rời khỏi Nga sau khi có những thông tin tuồn ra rằng Nga đang kêu gọi các chuyên gia y tế nhập ngũ.
Tatayana, một bác sĩ từ Irkutsk, người đã mua vé máy bay đến Baku cho biết: “Tôi biết các bác sĩ phải chữa bệnh cho mọi người, đó là nhiệm vụ của chúng tôi.”
“Nhưng tôi tin rằng cuộc chiến khủng khiếp này càng sớm chấm dứt thì số người chết càng ít”.
Việc tổng động viên dường như cũng đã làm cho một số người, trong số những người mà chế độ đang phải dựa vào để duy trì các nỗ lực chiến tranh, tức giận.
Ilya, 29 tuổi, một quan chức cấp trung làm việc cho chính phủ Matxcơva cho biết: “Đối với tôi, tổng động viên là lằn ranh đỏ. Ngày mai tôi sẽ chạy đến Kazakhstan.”
Một người con trai của một nhà tài phiệt người Nga đã bị phương Tây cấm vận, đang chuẩn bị quay trở về Nga sau thời gian du học để phụ trách công việc kinh doanh của gia đình mình, cho biết anh không còn có ý định quay về nữa.
“Giờ chỉ có một chuyện là rõ ràng,” anh nói, trong một cuộc phỏng vấn ngắn qua tin nhắn. “Tôi sẽ không vội trở lại Nga nữa.”
Vì sự nghiệp phi phát xít hóa xứ Ukraine, Nga lợn dũng cảm tiến lên !